MAC ANDERSON
Trích: "Điều Kỳ Diệu Của Thái Độ Sống"; NXB Tổng Hợp TP.HCM
“Bạn sẽ nhận rõ mọi điều khi biết nhìn sâu vào trong trái tim mình.”
– Mac Anderson
Để sống trong thanh thản, chúng ta cần là con người thật của mình trước khi thể hiện con người đó. Nói cách khác, chúng ta nên xác định rõ điều gì khiến mình yêu thích và những công việc nào cho phép mình theo đuổi những đam mê.
Đã có nhiều người phải chịu đựng cả đời vì làm công việc mình chán ghét. Họ tỏ ra không hài lòng với công việc của mình, nhưng lại ngại không dám thay đổi hoặc muốn thay đổi nhưng không xác định được bản thân mình thích điều gì. Cuối cùng họ chấp nhận cam chịu và mãi mãi không biết được sở thích riêng của mình là gì. Bạn có nghĩ rằng, yêu thích công việc là một trong những yếu tố duy trì thái độ tích cực? Chúng ta không thể đánh lừa lòng đam mê của mình. Đam mê là nguồn cảm hứng giúp chúng ta bay bổng với những khát vọng và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Để yêu thích công việc của mình, điều trước tiên chúng ta cần làm là tự khám phá bản thân, đơn giản là để biết rõ những gì chúng ta muốn làm. Mỗi chúng ta đều có năng lực và các mối quan tâm riêng. Thách thức lớn nhất là làm sao kết nối năng lực ấy với các cơ hội nghề nghiệp, giúp chúng ta phát huy hết khả năng của bản thân. Điều này không dễ dàng, và đôi khi chúng ta chỉ tìm thấy được sau hàng loạt những quá trình “thử sai”.
John James Audubon là một điển hình, ông từng tham gia vào ngành kinh doanh trong một thời gian dài nhưng không gặt hái được thành công. Ông liên tiếp gặp những thất bại dù đã cố gắng thay đổi các phương thức cũng như mặt hàng kinh doanh. Cuối cùng ông quyết định phải thay đổi.
Ông nhận ra rằng mình không có “khiếu” làm kinh doanh, nhưng ông lại là một họa sĩ tài năng, ông thích đi đây đó, hòa mình với cảnh trí tuyệt vời của thiên nhiên. Chính việc phát hiện ra lòng đam mê này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông.
Ông đi du lịch khắp nơi và vẽ các loài chim. Những tác phẩm của ông được tập hợp trong cuốn “Audubon’s Birds of America” (Các loài chim ở Mỹ). Cuốn sách đã đưa ông vào hàng ngũ những nghệ sĩ tên tuổi nhất trong làng nghệ thuật thể hiện thế giới hoang dã. Quan trọng hơn, công việc này khiến ông hạnh phúc và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mà ông đã cất công tìm kiếm suốt quãng đời trước đó.
Làm cách nào chúng ta có thể tìm thấy được ý nghĩa cuộc đời mình? Không dễ trả lời câu hỏi này, nhưng có hai bí quyết bạn có thể tham khảo:
- Khám phá thiên hướng của mình – Mỗi chúng ta là một thực thể khác biệt, sở hữu một thiên hướng riêng. Hãy lập một danh sách những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Tiếp theo nhờ một người đáng tin cậy nào đó, một người bạn, hay một thành viên trong gia đình góp ý cho bạn. Bằng cách đó, bạn sẽ có được cái nhìn thực tiễn về thiên hướng của mình.
- Xác định những đam mê – Xem xét những điều khiến bạn đam mê và có thể sống hết mình với nó. Hãy kiên nhẫn vì có thể bạn phải mất một thời gian khá lâu để nhận ra sở thích đích thực của mình.
LÀM MỚI BẢN THÂN
“Không ngừng làm mới bản thân là cách tốt nhất để chúng ta luôn sống với các giá trị và mục đích của đời mình. Những người thành công luôn nghiêm túc thực hiện điều này. Mọi ý chí chiến thắng, mọi ý chí tiến thủ sẽ khô cằn và tàn lụi nến không được liên tục làm mới.”
– Vince Lombardi, Jr
Thái độ tích cực chính là bí quyết nhỏ để bạn làm nên sự khác biệt lớn. Tôi hy vọng bạn sẽ không ngừng củng cố, làm mới bản thân và duy trì thái độ tích cực để sống một cuộc đời như bạn hằng mong muốn. Hãy tiến hành điều này ngay bây giờ, trong mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, và đừng đợi đến khi bạn gặp sự cố mới bắt tay vào làm việc đó. Củng cố và làm mới bản thân không những có thể khuyến khích, động viên mình luôn giữ được những mục tiêu phấn đấu cho bản thân mà còn có tác dụng tạo nguồn cảm hứng cho người khác xây dựng những giá trị tích cực ở họ.
“Tinh thần chúng ta tương tự như một khu vườn. Nếu nó không được chăm sóc và vui trồng, cỏ dại sẽ mọc lan tràn.”
– Erwin G. Hall
“Biết hướng tới mục đích thì người chậm chạp nhất cũng tiến nhanh hơn bất cứ kẻ nào nhanh nhẹn mà lang thang không mục đích.”
– G. Lessing