TAITETSU UNNO
Trích: Sông Lửa Sông Nước - Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, Việt dịch: An Cư - NXB. Thiện Tri Thức
Sự chuyển hóa gạch vụn thành vàng chỉ nhờ vào công việc của Bổn Nguyện Nguyên Sơ. Từ quá khứ lâu xa, Bồ tát Pháp Tạng đồng cảm với sự đau khổ của tất cả chúng sanh và tìm những giải pháp cho những khổ đau ấy. Trải qua vô số kiếp quyết tâm, tư duy và thực hành, Pháp Tạng hoàn thành Bổn Nguyện Nguyên Sơ để cứu độ tất cả chúng sanh. Lời nguyện đó tựu thành khi đắc quả Phật với danh hiệu A Di Đà, đức Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Công việc cứu độ này chứa đựng trong Danh Hiệu, nam mô A Di Đà Phật, âm vang khắp toàn vũ trụ.
Bổn Nguyện Nguyên Sơ của sự cứu độ giống như một khối nam châm mạnh mẽ hút tất cả chúng sanh về với nó. Dù người ta không ý thức đến nó hay cưỡng chống lại nó, thần lực hấp dẫn cuối cùng sẽ thắng. Đây cũng giống như đất mẹ. Theo Thân Loan, “Lời nguyện của lòng bi giống như đại địa, vì tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai khắp mười phương khởi lên từ nó.”
Ai cũng có những mộng ước riêng tư về thành công và hạnh phúc, ước mong chúng thành tựu sớm hay trễ. Tuy nhiên, mục tiêu thì khó nắm, và đại đa số người hiếm khi đạt được. Bây giờ, Bổn Nguyện Nguyên Sơ vận hành để cứu độ cho những trái tim tan vỡ và những giấc mộng tan tác của loài người, chuyển hóa chúng thành những suối nguồn của một đời sống phong phú và trọn vẹn. Bấy giờ người ta nhất định đến chỗ nhận thức rằng cuộc đời không thể lập lại này chứa đựng những kho tàng và những phần thưởng không ngờ. Công việc không ngừng của Bổn Nguyện Nguyên Sơ tiếp tục khi nào còn khổ đau trong thế giới, vì nhiệm vụ căn bản của nó là thực hiện sự luyện kim tâm linh, chuyển hóa “những gạch vụn” thành vàng.
Lời nguyện này là “căn bản, nguyên sơ” (Sanskrit purva) trong ý nghĩa nó ở trước thời vô thủy, nhận chứa tất cả chúng sanh một cách không điều kiện. Nó thấy trước tất cả mọi mong muốn, ước vọng cũng như mọi thất bại và thất vọng mà nhân loại sẽ trải nghiệm. Như thế, nó đã sửa soạn cho những trả lời và giải pháp cho những nhu cầu của mỗi chúng sanh. Dù chiều sâu và viễn cảnh của sự vận hành của Bổn Nguyện Nguyên Sơ thì vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, nó đi đến chúng ta qua Danh Hiệu, nam mô A Di Đà Phật. Như vậy, bất kỳ ai, bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời gian nào cũng có thể ngâm nga Danh Hiệu và thức dậy với lợi lạc vô biên của nó.
Truyền thống nói rằng phải năm trăm lần tái sanh để sinh vào đời sống làm người và một ngàn lần tái sanh để gặp Phật pháp, nhưng Bổn Nguyện Nguyên Sơ đi trước thậm chí những tái sanh vô số này. Khi nào tôi nghe những con số thiên văn gặp trong văn học Phật giáo, tôi nghĩ đến vườn Nhật Bản ở Smith College xây vào năm 1986. Nằm trên mặt hơi nghiêng nhìn ra Ao Thiên Đàng ở trung tâm sân trường, những sự tạo thành bằng đá diễn tả cuộc đời đức Phật. Đó là những cảnh đản sanh, từ bỏ, giác ngộ, bài pháp đầu tiên và nhập niết bàn, cũng như Tam Bảo và Bốn Chân Lý Cao Cả. Từ trà thất trên đỉnh vườn người ta nhìn xuống nước của Ao Thiên Đàng và Bờ Bên Kia.
Cái làm cho cái vườn thành độc nhất là bảy mươi tấn đá cuội được lấy từ những ngọn đồi chung quanh thung lũng Sông Connecticut. Vì tò mò về niên đại của đá, tôi mời một anh bạn địa chất đến quan sát chúng. Anh tiếp cận những viên đá bằng sự chăm sóc dịu dàng – nhẹ nhàng vuốt ve những viên đá, vỗ nhẹ chỗ này chỗ nọ, nhè nhẹ thổi bụi. Sau vài phút quan sát chăm chú, anh nói cho tôi hai niên đại của đá chúng tôi đã sưu tập cho cái vườn.
Một số đá đã được tạo thành 350 đến 450 triệu năm trước – đá biến hình, vốn từ trầm tích dưới biển, đá nham thạch từ dung nham. Loại khác, gọi là đá thạch anh, ít nhất là một tỷ năm. Hoàn toàn ngẫu nhiên mà những viên đá một tỷ năm tuổi này được chọn để làm chỗ ngồi thiền định cho đến khi giác ngộ của đức Phật và chỗ đức Phật nằm trong cảnh nhập diệt. So với tuổi tác của những viên đá này, lịch sử nhân loại chỉ là một chấm nhỏ của thời gian. Còn nhỏ hơn nữa là một kiếp người.
Một tỷ năm vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng Bổn Nguyện Nguyên Sơ vượt qua nó về thời gian và chiều sâu. Thân Loan nói sự phát nguyện của Bổn Nguyện là mười đại kiếp, hay ở đôi chỗ là năm đại kiếp. Một đại kiếp là đơn vị thời gian theo các nhà toán học Ấn Độ thời cổ thời. Nó bằng một ngàn chu kỳ của kiếp hay là 4.320.000.000 năm. Có người giải thích bằng thí dụ sau. Một kho chứa hàng, bốn mươi dặm vuông, chứa đầy hạt cải. Mỗi một trăm năm thì một hạt cải được lấy ra. Để làm trống hết kho hàng, đó là thời gian một đại kiếp. Mười đại kiếp cần để tựu thành Bổn Nguyện gợi lên sự vô biên của nhiệm vụ sâu xa đó – làm thế nào nhổ sạch bóng tối của vô minh trong mỗi con người từ thời vô thủy.
Bóng tối vô minh này được Thiện Đạo diễn tả như sau : “Phải thực biết rằng tự ngã này là một chúng sanh ngu dốt của nghiệp xấu, lập đi lập lại sanh và tử từ vô thủy kiếp, mãi mãi chìm đắm và lang thang không hề biết đến con đường giải thoát.” Vô minh này không phải là sự thiếu tri thức mà gợi ý rằng thực tại vượt khỏi giới hạn của lối suy nghĩ quy ước. Yui-en, người sưu tập bộ Tannisho nói về nó théá này :
Tôi biết ơn bao nhiêu khi Thân Loan diễn tả điều ấy bằng chính con người của mình để khiến chúng ta nhận thức sâu xa rằng chúng ta không biết chiều sâu của nghiệp xấu và rằng chúng ta không biết chiều cao của nhân đức Như Lai, cả hai điều đó khiến chúng ta sống trong mê mờ hoàn toàn. (Tannisho, Lời mở đầu)
Vì chúng ta không biết chiều sâu của ác nghiệp, nên chúng ta cũng không cảm kích được với hoạt động toàn vẹn của lòng bi. Hai thiếu sót này, do giới hạn của khả năng lý trí của chúng ta, là cội nguồn của khổ đau không dứt trong thế giới của chúng ta.
Tinh túy của Bổn Nguyện Nguyên Sơ là lòng bi vô biên, diễn tả trong lời nguyện thứ mười tám của bốn mươi tám đại nguyện của Bồ tát Pháp Tạng như điều kiện để đạt Phật quả. Theo Đại Kinh, phổ biến ở Đông Á, thì lời nguyện căn bản này là :
Nếu khi tôi đắc Phật quả, chúng sanh trong mười phương với tâm thành, niềm tin hoan hỷ và ước nguyện sanh về cõi tôi và nói Danh Hiệu tôi chỉ mười lần mà không sanh về đó, nguyện tôi không đạt được giác ngộ tối thượng. Chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch và những người phỉ báng chánh pháp.
Ba từ ngữ chủ chốt trong lời nguyện – tâm thành, niềm tin hoan hỷ và ước nguyện sanh về – được biết như là Ba Tâm. Một cách truyền thống, ba cái ấy được xem là những thái độ thích hợp cần thiết cho niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên Thân Loan đảo ngược ý kiến đó và nói rõ ràng rằng ba cái đó là những phẩm tính của A Di Đà truyền ngấm vào cuộc đời của mỗi người. Chúng tạo thành nội dung của đức tin chân thật làm cho một người trở nên chân thật, thực sự và thành thật.
Tâm thành trong Bổn Nguyện không liên quan gì đến tâm thức của một chúng sanh bị nghiệp trói buộc, không có gì chân thực và thực sự. Hơn nữa, nó là tâm của A Di Đà, thấm vào tâm thức nhiễm ô của mỗi chúng sanh. Điều này đưa đến niềm tin hoan hỷ và sự tự phát. Tâm thành của A Di Đà vận hành trong một con người cũng đánh thức nguyện vọng hướng thượng, nghĩa là sinh vào Tịnh Độ. Mục đích của sự siêu sanh này là trở thành một vị Phật, đầy đủ trí huệ và lòng bi, để làm việc cho sự cứu độ tất cả chúng sanh.
Sự giải thích lại Ba Tâm kết thúc trong cái được xem là sự hoàn thành của lời nguyện thứ mười tám :
Tất cả chúng sanh, đã nghe Danh Hiệu, giao phó chính mình và thỏa thích trong Nhất Niệm. Đấy là kết quả của tâm thành của Phật. Nếu họ ước nguyện được sanh về cõi Phật đó, họ sẽ được vãng sanh và ở nơi địa bất thối chuyển. Ngoại trừ những người phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng pháp.
Cả hai đoạn kinh trích ở trên chứng thực lòng bi bao trùm tất cả và vô biên của Phật A Di Đà. Tâm thành của A Di Đà hoạt động trong chúng sanh bảo đảm cho họ đạt được bất thối chuyển, trạng thái không trượt lại vào sanh tử. Nhưng sự loại trừ những người ngũ nghịch và những người phỉ báng có vẻ ngược lại với bản tánh tuyệt đối của đại bi. Những người bị loại trừ là những người phạm năm điều xấu lớn lao : bạo lực với cha, mẹ, tăng ; làm đổ máu thân Phật ; và tạo sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Cũng bị loại trừ là những người phỉ báng Phật pháp, một xúc phạm thậm chí lớn hơn vì nó phủ định bất kỳ sự bước vào một nguồn cứu độ nào. Điều khoản gọi là ngoại trừ này đã đặt ra cho các tổ sư Tịnh Độ một vấn nạn cần giải thích trải qua các thời đại. Nhiều giải thích khác nhau đã được đưa ra để biện minh cho sự loại trừ này.
Thân Loan tóm kết những loại người kể trên trong điều khoản ngoại trừ và giản lược nó thành như sau : “Người xem thường những vị thầy và nói xấu những vị tổ phạm tội phỉ báng pháp. Những người nói xấu cha mẹ mình thì phạm năm trọng tội.” Câu hỏi hiện sinh đối với ngài trở lại với câu hỏi căn bản : Ai trong chúng ta không phạm tội phê phán những vị thầy và cãi lại cha mẹ ?
Bây giờ, Thân Loan hiểu điều khoản loại trừ liên hệ với tình trạng khó xử của riêng ngài và hiểu mục tiêu của nó là có hai. Trước hết, nó là một lệnh chống đối lại đời sống không có đạo đức. Bởi vì những vi phạm là trầm trọng, ngài cảnh cáo rằng sự cứu độ có thể vô phương cho người phạm chúng. Thứ hai, tuy nhiên, đối với những người đã có tội, như chính ngài, điều khoản loại trừ làm nổi bật chính đối tượng của Bổn Nguyện Nguyên Sơ của lòng bi. Thật ra, sự cứu độ một người làm điều xấu ác như vậy là một bộ phận cần thiết của Bổn Nguyện ; không có nó Lời Nguyện vẫn chưa hoàn thành và Phật quả không thực hiện được. Thân Loan giải thích đơn giản : “Do phát hiện sự trầm trọng của hai trọng tội này, những lời ấy khiến chúng ta nhận thức rằng những chúng sanh trong tất cả các phương trong vũ trụ sẽ được sanh vào Tịnh Độ không loại trừ ai [nhấn mạnh được thêm vào].”
Trong lời mở đầu cuốn Tannisho, Thân Loan xác nhận một cách tri ân sự kiện này trong lời thú tội nổi tiếng của ngài :
Khi tôi suy tư về lời nguyện bi mẫn của A Di Đà, được thiết lập trải qua năm đại kiếp với thâm tâm, nó chính là để cho tôi, chỉ một mình tôi, Thân Loan. Bởi vì tôi là một chúng sanh chất nặng nghiệp, tôi còn biết ơn sâu xa hơn Bổn Nguyện Nguyên Sơ, nó đích thực được tạo ra để cứu độ tôi.
Trải qua nhiều thế kỷ, vô số người đã thay tên Thân Loan bằng tên của chính họ và đọc tụng lời thú tội này, rưng rưng nhớ ơn đã tự thân gặp được Lời Nguyện bi mẫn giữa chốn sanh tử luân hồi.