SÁU BA LA MẬT TỪ GÓC ĐỘ BỒ ĐỀ TÂM

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn Đèn Trí Tuệ Tỏa Khắp;  Trần Thị Lan Anh dịch, Hiệu đính Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Trí Thức.

Giải thích về Sáu Ba La Mật từ góc độ tuyệt đối và từ góc độ tương đối có sự khác nhau đôi chút. Từ góc độ Bố đề tâm tương đối thì Sáu Ba La Mật được thực hành thông qua tình yêu thương. Nếu một người trưởng dưỡng tình yêu thương thì điều này sẽ tự nhiên bao hàm Sáu Ba La Mật. Như thế tức là gì? Ví dụ, một người mẹ sẽ không keo kiệt đối với con của mình. Bất cứ khoản chi phí nào cần thiết cho đứa trẻ thì người mẹ đều sẵn sàng cho đi. Người mẹ sẽ tự nhiên trở nên hào phóng vì bà yêu thương đứa con của mình. Đó là Bố thí. Người mẹ sẽ làm lợi ích cho đứa trẻ bằng mọi cách có thể, bà tránh không gây tổn hại cho đứa trẻ bởi vì bà yêu con mình, đó là Trì giới. Tình yêu thương của người mẹ, trong sự so sánh này. không phải là kiểu “xa mặt cách lòng”. Khi đứa con rời khỏi nhà, người mẹ tiếp tục nghĩ tới đứa trẻ, Tinh tấn hỗ trợ cho tất cả các Ba La Mật khác – người mẹ Tinh tấn, bà làm việc vất vả ngày và đêm để cung cấp cho con những gì nó cần, ví dụ như nơi ăn chốn ở, học hành v.v. Đôi khi đứa trẻ gây ra những phiền hà lớn nhưng người mẹ vẫn không ghét bỏ nó, bà vẫn yêu thương đứa con của mình, và đó chính là Kham nhẫn khởi sinh từ tình yêu thương. Tình yêu thương này không phải là thỉnh thoảng có và thỉnh thoảng không, đây là tình yêu thương liên tục dành cho đứa con. Sự liên tục của tình yêu thương như thể ám chỉ Thiền định. Khi chăm sóc cho người khác, đặc biệt đó lại là đứa con của mình, thì đòi hỏi sự tập trung cao độ, vì trong công việc nội trợ bận rộn có rất nhiều thứ gây phân tâm. Trí tuệ sinh khởi từ tình yêu thương chính là chánh niệm; đó là trí tuệ hiểu được nhu cầu thật sự của đứa bé.

Ở góc độ tương đối, mọi phẩm tính của Sáu Ba La Mật đều khởi sinh từ tình yêu thương. Nếu một người có tình yêu thương thì người đó có thể chuyển hóa các lỗi lầm sanh tử trở thành những phẩm tính lớn lao. Nếu không thì ngược lại, một người có thể chuyển đổi những phẩm tính tốt thành lỗi lầm. Ví dụ nếu một người có đứa con và rồi bám luyến vào đứa bé thì mặc dù nghĩ rằng mình thực hành Sáu Ba La Mật, nhưng nếu chỉ chăm lo cho riêng đứa con của mình thì người ấy vẫn không loại bỏ được chấp ngã; khi đó Ba La Mật đã bị hư hoại vì nó không khởi sinh từ tình yêu thương thanh tịnh. Chư Bồ tát giúp chỉ ra phương tiện thiện xảo. Nếu bạn có đứa con, tất nhiên bạn chăm sóc cho đứa bé thật tốt. Tuy nhiên bạn nên nghĩ rằng đứa bé này và tất cả các chúng sinh khác thì hoàn toàn như nhau. Không có bất kỳ một chúng sinh nào không từng làm con bạn trong một đời nào đó. Đây chính là sự thực. Thực ra ai cũng đã từng là con của bạn. Nếu bạn nhìn theo cách này thì việc chăm sóc cho đứa con sẽ trở thành thực hành Sáu Ba La Mật và các hoạt động sanh tử sẽ trở thành phẩm tính tốt, tất cả những hành động của bạn sẽ làm hài lòng người khác. Khi ấy bạn sẽ tự nhiên yêu thương người khác, bạn sẽ trở nên kham nhân, từ ái, rộng lượng, sẽ có một trái tim tốt lành. Đây chính là điểm cốt lõi thực sự và là các phẩm tính của Bồ đề tâm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚ Ý
  2. NHỮNG LỢI LẠC CỦA TÂM BỒ ĐỀ

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ