CHUNG MỘT MÁI NHÀ

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc-The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Bên cạnh việc tạo lập và đề cao hôn ước, không có một cấu trúc nào hiệu nghiệm bằng việc hàng tuần dành thời gian ở bên gia đình. Bạn có thể gọi đó là “thời gian bên gia đình”, “giây phút bên gia đình”, “họp hội đồng gia đình”, hay “đêm gia đình” tùy thích. Cho dù bạn gọi là gì, mục đích chính là dành một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần chỉ cho gia đình mà thôi.

☀️Một phụ nữ 34 tuổi ở Oregon đã chia sẻ thế này:

Mẹ tôi là người phát động các hoạt động của gia đình hàng tuần và những đứa con như chúng tôi được quyền chọn bất cứ điều gì muốn làm. Thỉnh thoảng chúng tôi đi trượt tuyết. Có lúc chúng tôi đi chơi bowling hoặc đi xem phim. Chúng tôi hoàn toàn thích thú với điều đó! Chúng tôi thường kết thúc bằng việc tới nhà hàng ưa thích ở Portland. Những hoạt động này luôn để lại trong tôi một cảm giác gần gũi, và chúng tôi đã thực sự là một phần của gia đình.

Chúng tôi đã có được những kỷ niệm đáng nhớ từ những dịp như vậy. Mẹ tôi qua đời khi tôi còn là một thiếu niên, điều này đã gây chấn động mạnh đến tôi. Nhưng cha tôi đã cam kết, kể từ khi mẹ mất, tất cả chúng tôi sẽ tụ họp bên nhau ít nhất mỗi tuần một lần – kể cả dâu, rể, con cái – để thắp lại những cảm xúc đã có.

Khi mọi thành viên quay về nhà của họ ở các tiểu bang khác nhau, tôi cảm thấy rất  buồn, nhưng cũng có điều gì đó vui vui. Có một sức mạnh trong một gia đình với các thành viên đã từng sống với nhau chung một mái nhà. Và những thành viên mới của gia đình chúng tôi cũng không làm giảm đi cảm giác này, thậm chí còn làm tăng thêm.

Mẹ đã để lại một gia tài. Tôi vẫn chưa kết hôn, nhưng các anh chị đã kết hôn của tôi vẫn dành thời gian hàng tuần để ở bên con cái. Và cái nhà hàng quen thuộc ở Portland vẫn là nơi tụ họp của tất cả chúng tôi.

Hãy để ý đến cảm xúc mà người phụ nữ này đã bày tỏ, trước kỷ niệm về những lần gia đình quây quần bên nhau. Bạn có thể thấy được tác dụng gắn kết mà thời gian bên gia đình đem lại. Liệu bạn có nhận ra cách thức xây dựng Tài khoản trong Ngân hàng Tình cảm?

☀️Một người phụ nữ Thụy Điển kể lại:

Khi tôi khoảng 5 hay 6 tuổi, có người nói với cha mẹ tôi về giá trị của việc tổ chức những cuộc gặp mặt thường xuyên trong gia đình.

Tôi nhớ lần đầu tiên bố chia sẻ với chúng tôi một trong những nguyên tắc của cuộc sống. Tôi bị tác động mạnh, vì trước đó chưa từng thấy bố trong vai trò của một giáo viên nghiêm túc. Bố là một doanh nhân thành đạt, luôn bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con cái. Tôi nhớ cái cảm giác rất đặc biệt khi bố dành ra thời gian để ngồi bên và giải thích cho con cái những cảm nhận của ông về cuộc sống.

Tôi cũng nhớ một buổi tối khi cha mẹ mời một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng đến tham gia buổi họp gia đình, đề nghị ông chia sẻ những kinh nghiệm của mình về y tế và làm thế nào ông có thể giúp đỡ mọi người khắp thế giới.

Vị bác sĩ này đã nói về những quyết định trong đời của ông đưa ông đến với những thành tựu và thành công hơn ông tưởng như thế nào. Tôi không bao giờ quên những lời nói của ông và tầm quan trọng của việc giải quyết các khó khăn thử thách “từng bước một”. Nhưng quan trọng hơn, đó là chuyến thăm của ông đã để lại trong tôi cảm xúc về sự tinh tế khi cha mẹ mời những vị khách tới nhà để chia sẻ kinh nghiệm của họ cho chúng tôi.

Bây giờ tôi đã có 5 mặt con, hàng tháng tôi đưa về nhà một vài “vị khách” để con cái làm quen, chia sẻ và học hỏi. Tôi biết rằng đây là kết quả của những gì tôi học được trong chính gia đình của mình trước đây. Trong công việc tại trường, chúng tôi  có cơ hội tiếp xúc với nhiều người đến từ nhiều nước khác, việc họ đến thăm nhà đã làm phong phú thêm cuộc sống, tạo nên tình bạn thân thiết khắp nơi trên thế giới.

Một buổi tối mỗi tuần cho gia đình cũng đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Khi các con còn rất nhỏ, chúng tôi dành thời gian trò chuyện và lên kế hoạch cho vợ chồng. Khi các con lớn lên, chúng tôi dành thời gian để dạy dỗ, chơi đùa với chúng, và cho chúng tham gia vào những hoạt động vui vẻ, đóng góp ý kiến trong những quyết định của cả gia đình.

Thông thường trong buổi tối dành cho gia đình, chúng tôi hay xem lại lịch trình về những việc sắp tới để mọi người biết những gì đang diễn ra. Sau đó cả gia đình họp lại, bàn luận về những vướng mắc và cách giải quyết. Mỗi người sẽ đưa ra một gợi ý, và chúng tôi cùng nhau đưa ra quyết định. Thường thì chúng tôi có một màn thể hiện tài năng, lũ trẻ sẽ biểu diễn những bài học về âm nhạc hay múa hát. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện và cùng hát một ca khúc ưa thích của cả gia đình – bài “Thích ở nhà” của John Hugh Mc.Naughton.

Bằng cách này chúng tôi hoàn thành được bốn yếu tố chính của một gia đình thành công: lên kế hoạch, dạy dỗ, giải quyết vấn đề và vui vẻ bên nhau.

Hãy lưu ý, cấu trúc này có thể đáp ứng được cả 4 yêu cầu – về tâm lý, xã hội, vật chất, tinh thần, và hãy lưu ý cách thức chuyển hóa để trở thành nhân tố xây dựng trong gia đình.

Nhưng thời gian bên gia đình không nhất thiết phải có tất cả các điều đó – nhất là lúc ban đầu. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn. Hãy làm cho nó vui nhộn. Sau đó, các thành viên sẽ nhận ra họ đang nhận được sự chăm sóc theo nhiều cách, khi đó việc tổ chức những dịp tụ họp các thành viên sẽ dễ dàng hơn. Mọi người – đặc biệt là trẻ nhỏ – đều mong chờ những dịp ở bên gia đình để gắn bó thân thiết với nhau. Ai  cũng muốn có một gia đình, mà trong đó mọi người bày tỏ sự quan tâm của mình với nhau.

Một người bạn của tôi đã làm luận án tiến sĩ về tác động của việc duy trì những buổi họp mặt gia đình đối với khả năng tự nhận thức của trẻ. Công trình nghiên cứu cho thấy những tác động tích cực rất có ý nghĩa đối với trẻ, nhưng bất ngờ hơn là chính các bậc làm cha làm mẹ cũng nhận được tác  động tích cực. Anh ấy kể về một ông bố ban đầu cảm thấy không thoải mái, miễn cưỡng tổ chức những buổi họp mặt. Nhưng sau 3 tháng, ông bố ấy đã nói thế này:

Gia đình tôi chẳng bao giờ nói chuyện với nhau một cách tử tế, mà cãi vã, chỉ trích, hạ thấp lẫn nhau. Tôi là người bé nhất nhà, mọi người trong gia đình dường như cho rằng tôi không thể làm được việc gì cho ra hồn cả. Tôi cũng tin như thế, chẳng làm nên trò trống gì ở trường. Vì thế, tôi không có đủ tự tin để làm bất cứ cái gì cần đến trí não.

Tôi không thích có những buổi tối bên gia đình, vì tôi cảm thấy mình không đủ động lực để thực  hiện. Nhưng sau khi vợ tôi khởi xướng một cuộc thảo luận và tuần tiếp theo là con gái tôi, tôi đã quyết định mình sẽ thử xem sao.

Tôi đã phải lấy hết can đảm để vào cuộc, và khi bắt đầu, dường như những nỗi buồn tích tụ trong tôi từ khi tôi còn là một cậu bé dần dần được giải tỏa. Mọi lời lẽ cứ thế tuôn ra từ trái tim. Tôi nói với mọi người trong gia đình vì sao tôi lại vui sướng khi được làm bố, vì sao tôi biết họ có thể làm được nhiều việc cho cuộc đời. Sau đó tôi đã làm một việc chưa từng có trước đây. Tôi nói với từng người một, rằng tôi yêu họ biết chừng nào. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình là một ông bố thực sự – một hình mẫu mà tôi đã khao khát một cách vô vọng nơi bố tôi.

Kể từ tối hôm đó, tôi gắn bó hơn với vợ và các con. Thật khó để giải thích những gì tôi cảm nhận, nhưng có rất nhiều cánh cửa mới đã được mở ra trước mắt tôi, và bây giờ mọi thứ trong gia đình đã thay đổi.

Thời gian bên gia đình hàng tuần đem lại cách giải quyết chủ động, hiệu quả trước những thách thức của gia đình thời hiện đại. Nhờ vào khoảng thời gian như thế, lũ trẻ hiểu được tầm quan trọng của gia đình, và có được những kỷ niệm khó phai. Chúng góp phần xây dựng Tài khoản Ngân hàng Tình cảm, giúp bạn xây dựng một hệ thống bảo vệ cho chính gia  đình mình. Chúng cũng giúp bạn đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của gia đình: vật chất, kinh tế, xã hội, tinh thần, thẩm mỹ, văn hóa.

Tôi đã truyền đạt ý tưởng này đến nay đã hơn 20 năm, rất nhiều cặp vợ chồng hay những người đã ly hôn đều khẳng định thời gian bên gia đình là một ý tưởng có giá trị to lớn, thiết thực. Họ thích thú ý tưởng này hơn bất cứ triết lý gia đình nào mà họ từng biết trước đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI
  2. NẾP SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ