ĐỜI BẠN CÓ ĐANG TRƯỢT MỤC TIÊU HAY KHÔNG?

JOHN IZZO

Trích: 5 Bài Học Để Đời; TGM Books biên dịch; NXB Phụ Nữ.

Khi còn trẻ, tôi đã tham gia vào trường dòng của đạo Tin Lành, học tiếng Hy Lạp và Do Thái cổ. Trong Kinh Thánh, chữ “tội lỗi” (sin) bắt nguồn từ một chữ Hy Lạp cổ trong bộ môn bắn cung. Nghĩa đen của từ đó là “trượt mục tiêu”, tức là mũi tên bắn trượt hồng tâm. Tội lỗi nặng nề nhất là trượt khỏi mục tiêu mà bạn nhắm đến cho cuộc đời của mình. Đây là lý do tại sao Wordsworth, thi sĩ nổi danh người Anh, đã viết trong bài The Prelude rằng ông phải trở thành một nhà thơ “nếu không thì đó sẽ là một tội lỗi nghiêm trọng”. Theo cách này thì sống có chủ đích tức là ta tự hỏi: Cuộc đời của tôi gần hồng tâm đến mức nào?

Vấn đề sống thật với bản thân này gồm 2 mức độ. Đầu tiên, ở mức lộ hàng ngày, tôi có đang sống thật với tâm hồn của mình hay không? Tôi thường nói với mọi người rằng vấn đề của cuộc sống là nó diễn ra theo từng ngày! Một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa là sự tích lũy của nhiều ngày vui sống. Một điều trở nên rất rõ ràng đối với tôi khi tôi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của mọi người, đó là người khôn ngoan biết một ngày tốt lành là như thế nào (một ngày tốt lành đối với họ). Ông ngoại tôi, người mà như tôi đã nói, là một trong những người già uyên bác mà tôi biết, thường nói vào mỗi cuối ngày rằng ông có được “cơn mệt mỏi lành mạnh”. Ông tương phản điều này với “cơn mệt mỏi tồi tệ”. Ông nói với tôi rằng “cơn mệt mỏi lành mạnh” xuất hiện khi con sống một cuộc đời tập trung vào những điều thật sự quan trọng đối với con. Một “cơn mệt mỏi tồi tệ” thường đến vào những lúc mà chúng ta có vẻ như đang chiến thắng, nhưng rồi ta nhận ra rằng mình không phải đang sống thật với bản thân. Đối với tôi thì yếu tố đầu tiên để hiểu được bản thân chính là tìm hiểu xem điều gì tạo nên một ngày “mệt mỏi lành mạnh” cho chúng ta.

Một trong những cách để chúng ta làm điều này là hãy nghiền ngẫm nhiều hơn. Khi ta có một ngày “mệt mỏi lành mạnh”, ta sẽ lưu ý xem ngày hôm đó có điều gì đúng đắn, những yếu tố nào đã giúp ta mãn nguyện. Khi có một ngày vất vả chán chường, ta có thể suy ngẫm về những yếu tố gây ra cảm giác “mệt mỏi tồi tệ” đó.

Khi áp dụng phương pháp đơn giản này một thời gian, tôi đã chú ý đến một vài điều như sau. Vào những ngày mệt mỏi lành mạnh, tôi gần như luôn đi ra ngoài trong một khoảng thời gian nào đó. Thậm chí chỉ 15 phút đi dạo trong công viên cũng tạo ra sự khác biệt to lớn. Vào những ngày mệt mỏi lành mạnh, tôi gần như luôn dành thời gian cho người khác, đặc biệt là cho bạn bè và gia đình. Tôi không cảm thấy công việc là một thứ nhiệm vụ; thay vào đó, tôi tập trung tạo ra sự khác biệt trong công việc của mình, và trong ngày, tôi dành một khoảng thời gian để luyện tập thể thao. Ngược lại, vào những ngày mệt mỏi tồi tệ, tôi đã tập trung vào các nhiệm vụ của mình cả ngày dài – không hề có thời gian dành cho bạn bè hay mọi người, không hề có thời gian để đọc sách hay học hỏi. Bằng cách lưu ý và nghiền ngẫm những khác biệt nho nhỏ này, tôi có thể có được nhiều ngày mệt mỏi lành mạnh hơn. Đây là một điều mà tôi đã thấy hết lần này đến lần khác nơi những người mà chúng tôi phỏng vấn: Những người hạnh phúc biết những điều gì mang lại niềm vui cho họ và luôn luôn đặt chúng vào danh sách ưu tiên.

Tôi chơi quần vợt gần như suốt cả đời mình. Khi ở trong sân quần vợt, tôi liền quên mất thời gian, mà điều này không phải là một minh họa tồi cho ý tưởng của Joseph Campbell về việc “theo đuổi niềm vui của bạn”. Vài mùa hè trước đây, tôi đã tham gia một hội trại quần vợt, và nhân viên ở đó đã cho tôi lời khuyên sau đây. Họ nói rằng đa số mọi người không hề suy ngẫm chút nào khi họ đang chơi. Nếu ghi được một điểm thì họ sẽ phấn khích, rồi khi bị mất một điểm thì họ chán nản. Đa số các tay vợt đều không thể xem xét lý do tại sao họ thắng hay tại sao họ thua. Hội trại đó đã dạy cho tôi một phương pháp đơn giản – sau mỗi điểm, hãy tự hỏi ba vấn đề sau: Mình thắng hay thua? Tại sao mình thắng, hoặc thua? Và mình muốn thay đổi điều gì vào hiệp đấu kế tiếp, dựa vào những gì đã học được? Kỹ năng quần vợt của tôi đã tiến bộ, và cuộc đời của tôi cũng thế.

Hãy tưởng tượng xem nếu vào mỗi cuối ngày, chúng ta đều đặt ra ba câu hỏi đó: Hôm nay là một ngày mệt mỏi lành mạnh hay tồi tệ? Nếu nó là một ngày tốt đẹp, thì những yếu tố nào giúp nó tốt đẹp? Nếu nó là một ngày tồi tệ, thì điều gì đã gây ra cảm giác như thế? Và ngày mai, ta có muốn làm điều gì đó theo một cách khác hay không, dựa vào những lưu ý mà ta đã thấy hôm nay? Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu ta hỏi những vấn đề này sau mỗi tuần, sau mỗi tháng và sau mỗi năm. Cuộc đời của ta sẽ ngày càng đến gần với “mục tiêu” của mình hơn.

Đương nhiên, đi theo tiếng gọi của con tim và sống thật với bản thân cũng bao gồm những vấn đề to tát hơn. Sự nghiệp và công việc của tôi trên đời này có thể hiện con người đích thực của tôi hay không? Cuộc đời của tôi có thật sự là “con đường” của tôi hay không? Tôi có đang là con người mà tôi muốn mình trở thành hay không?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH – TUỔI 30 HOÀI BÃO
  2. Ý ĐỊNH, MỤC TIÊU

Bài viết khác của tác giả

  1. LỰA CHỌN ĐỂ NHÌN MỌI NGƯỜI BẰNG ĐÔI MẮT TỬ TẾ
  2. KIẾN THỨC SO VỚI SỰ THÔNG THÁI
  3. HỌC CÁCH THƯƠNG TIẾC CHO CẢ THẾ GIỚI, CHỨ KHÔNG PHẢI CHO BẢN THÂN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP