MATTHIEU RICARD
Trích: Bàn Về Cách Sống – Đối Thoại Giữa Triết Gia, Bác Sỹ Và Nhà Sư; Thiên Nga dịch; NXB Hà Nội, Thaihabooks.
MATTHIEU: Nếu có thể thoát khỏi gông cùm của những cảm xúc gây hủy hoại cho ta thì đó là vì chúng xa lạ với bản tâm ta. Theo đạo Phật, khía cạnh nền tảng của ý thức, năng lực nhận biết thuần túy, phẩm tính của tâm mà ta gọi “trong sáng”, là một không gian tuyệt đối mà các cảm xúc xuất hiện như mây trời, chỉ trong chốc lát, do ảnh hưởng của các hoàn cảnh mà cũng chỉ là nhất thời. Khi chúng tiêu cực, ta dùng các phương pháp khác nhau để thoát khỏi chúng, còn khi chúng tích cực, ta tập luyện để phát triển chúng.
Những người quán tưởng biết điều đó. Họ dò xét kỹ càng sự hiện diện tỉnh thức này, họ không tìm thấy ở đó hận thù, tham lam, đố kỵ, ngã mạn, hay độc tâm. Điều này có nghĩa là các cảm xúc tiêu cực chỉ có thể xảy đến theo cách duyên sinh, do ảnh hưởng của hoàn cảnh và thói quen. Và có thể thoát khỏi chúng. Mặt trời có thể bị mây che, nhưng điều đó không ngăn mặt trời tiếp tục soi sáng.
Để quay lại với câu hỏi của Alexandre, có thể quật ngã từng cảm xúc tiêu cực của ta được không? Để chúng tự suy yếu đi thì không đơn giản hơn sao? Kinh nghiệm cho thấy là, nếu ta quen để cho chúng tự cung tự tác, chúng sẽ phát tác như một chỗ nhiễm trùng mà ta không xử lý kịp thời. Chúng sẽ ngày càng mạnh và bám rễ trong tâm ta. Ta sẽ lại một lần nữa rơi trong quyền hành của chúng ngay khi sức nặng cảm xúc của chúng đạt ngưỡng nguy kịch. Hơn nữa, ngưỡng này sẽ không ngừng hạ xuống. Ta sẽ ngày càng mau nổi giận, ta sẽ ngày càng chóng lo âu. Điều này không có nghĩa là cần kìm nén cảm xúc. Đây là một giải pháp ngắn ngủi ít có cơ may đạt tới cái bình yên nội tâm. Hoặc là những cảm xúc tiêu cực vốn cố hữu trong tâm ta, trong trường hợp đó muốn vất bỏ nó thì phải đấu với cái đã thành một phần của ta, và chỉ đi đến thất bại. Hoặc là sự hiện diện của chúng trong tâm ta là do các nguyên nhân và điều kiện nhất thời, do vậy mà có thể giải thoát khỏi chúng.
Điều cơ bản, trong thời gian đầu, là có được một sự khôn khéo nhất định để nhận biết những cảm xúc tiêu cực, rồi vô hiệu hóa chúng nhờ sự trợ giúp của phương thuốc phù hợp. Để đạt được điều đó, đạo Phật dạy rất nhiều phương pháp mà không có phương pháp nào là cao siêu hơn phương pháp nào, việc chọn lựa chúng tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng của mỗi người. Một số phương pháp thì trực tiếp và rõ ràng, như tập từ tâm để chống lại ác tâm. Ta không thể, cùng lúc, vừa muốn điều tốt lại vừa muốn điều xấu cho ai đó.
Một số phương pháp thì xảo diệu hơn, như là vẫn ý thức đầy đủ các cảm xúc mà không đánh đồng mình với chúng. Ta đã bàn về điều này rồi. Nhận thức đầy đủ cái lo âu không phải là lo âu, nó chỉ là nhận thức. Tôi không hề là người thiền giỏi, nhưng tôi thường xuyên cố gắng áp dụng phương pháp này. Khi tôi đến sân bay mà bị kẹt xe chẳng hạn, tôi lo lắng nghĩ đến chuỗi hệ quả diễn ra nếu tôi nhỡ chuyến bay – nhỡ chuyến bay kế tiếp, rồi nhỡ cuộc hội thảo đã được sắp xếp từ nhiều tháng… Nếu tôi cố thư giãn trong chánh niệm về trạng thái này, như thể tôi điềm nhiên quán tưởng về một dòng thác ồ ạt đổ xuống trước mặt, mới đầu tôi có cảm giác như cái lo lắng sẽ dai dẳng ăn sâu. Nhưng nếu tôi tiếp tục quan sát nó bằng cái nhìn chánh niệm, nó sẽ yếu đi, đồng thời khoảng không chánh niệm trở nên bao la hơn. Đến một lúc nỗi lo chỉ còn là một phản chiếu mờ nhạt của cái ban đầu, và cuối cùng nó sẽ tiêu tan.
Còn rất nhiều phương pháp khác phù hợp với nhu cầu và căn cơ của mỗi người. Chẳng hạn tôi có thể cố nhìn xem cái cảm xúc quấy đảo tôi tự nó là gì. Hận thù không phải một tên điên cuồng cầm vũ khí xông vào tôi, hay một tảng đá lăn ầm ầm trên núi xuống nghiền nát tôi. Tôi có thể có ấn tượng là nó mạnh mẽ, thế nhưng đây chỉ là cái đầu óc bịa đặt ra. Và nếu tâm trí tôi bày đặt ra nó, tâm trí cũng có thể thoát khỏi nó. Tại sao để nó chi phối tôi như vậy? Đã thế còn không có gì mà nắm bắt, nó chỉ là không khí. Trong thuật ngữ Phật giáo, ta nói rằng cảm xúc này là “trống không”, “không có tự tính”. Nhận ra sự thật này tự nó đã giải phóng ta rồi. Điều này không có nghĩa là lúc ấy ta sa vào thuyết hư vô, mà ta đi từ trạng thái tinh thần nô lệ sang trạng thái tự do. Trong các kinh sách viết về thiền, thỉnh thoảng ta so sánh tâm tự tại với nước, còn tâm bị trói buộc bởi những cái đầu óc xây nên với nước đá. Chỉ cần hâm nóng đá là nó trở lại thành nước. Thấy Dilgo Khyentse Rinpoche của tôi có nói: “Đá chỉ là nước đông lại, còn nước là đá tan ra. Nhận thức của ta về thế giới cũng vậy. Bám lấy thực tại và để mình bị những cơn giằng co hành hạ thì chẳng khác nào chắn sự luân lưu trôi chảy của tâm. Hãy làm tan đá khái niệm, rồi thì ta sẽ có nước luân lưu tự tại.”
CHRISTOPHE: Những phương pháp hành vi và nhận thức cũng khá gần với cái anh mô tả: với chúng tôi, cảm xúc bao giờ cũng có một nguyên nhân, dù đó là nguyên nhân bên ngoài (một sự kiện làm ta hài lòng hay làm ta hung hăng), hay nguyên nhân có liên hệ với các trạng thái sinh học (ví dụ mệt mỏi hay thiếu ngủ) hay với các hình ảnh tâm trí (khi ta hình dung trong đầu một tình huống, ta có thể cảm thấy xấu hổ về cái ta đã làm, hay sợ hãi, buồn bã, có lỗi, giận dữ…). Chúng tôi xem cảm xúc là một lối phản ứng chưa thành lời trước hoàn cảnh. Chúng thường xuất hiện khi ý nghĩ còn chưa nảy ra trong óc, ví dụ khi giận dữ hay sợ hãi, cơ thể ta sẽ co dúm và phản ứng còn trước cả khi ta mường tượng ra cái làm ta bực tức hay lo lắng. Trong sự tiến hóa của các loài, cảm xúc luôn đi trước sự xuất hiện của ngôn ngữ nói, và do vậy, chúng chiếm một vị trí hàng đầu so với khả năng hình thành quan niệm, dù rằng, ở người, chúng không thể tách rời với tư duy, như một lá bài hay đồng tiền không thể tách mặt sấp với mặt ngửa. Cảm xúc cũng đồng thời xuất hiện trong tâm trí ta bởi những cảm thọ và ý nghĩ hay một sự điều chỉnh trong thế giới quan của ta. Đó là chỗ ban đầu cảm xúc đánh lừa được ta. Ta có thể có ấn tượng rằng chính thế giới đặt ra vấn đề, trong khi thế giới quan của ta mới là cái bị cảm xúc chi phối. Thế rồi, thứ ba, có những hệ quả của cảm xúc. Mọi cảm xúc đều kéo theo cái ta gọi là chương trình khuynh hướng hành động. Cơn giận đưa đẩy đến hành động hung hăng hay bạo lực, nỗi buồn dẫn tới rút lui, nỗi sợ đưa đẩy tới chỗ trốn chạy, sự xấu hổ tới chỗ che đậy, tới chỗ trốn tránh…
Vậy thì phải làm gì khi tôi đau khổ? Làm gì khi tôi cảm thấy mình bị những cảm xúc tiêu cực, hủy hoại, đau đớn chi phối? Lời khuyên đầu tiên có tầm quan trọng cơ bản: đừng đợi đến phút chót. Công việc nhận ra và điều chỉnh hằng ngày, đều đặn, kiên nhẫn, bao giờ cũng hiệu quả hơn là can thiệp khẩn cấp khi đám cháy bùng lên.
MATTHIEU: Chính vì vậy mà ta thường so sánh xuất phát điểm của cảm xúc tiêu cực với một đốm lửa dễ dập tắt, còn các trạng thái cảm xúc mà ta để mấp mé thành đám cháy rừng thì khó mà khống chế.
CHRISTOPHE: Thật ra thì giải quyết những tức tối nho nhỏ, những nỗi buồn, những lo lắng, những nỗi xấu hổ nho nhỏ thì dễ hơn nhiều so với đám cháy lớn của những cảm xúc đó. Trong cách nhìn này, tôi khuyến khích nên tự quan sát thật nhiều, nghĩa là tôi khuyên nên ghi nhật ký rồi thiết lập mối quan hệ giữa các sự kiện trong đời sống với tác động cảm xúc chúng có đối với ta, rồi với các suy nghĩ và cách xử sự chúng sinh ra. Ghi ra những cảm xúc của ta, phân tích đường đi, tính nhân quả, dư chấn của chúng, tất cả những điều này trông vậy mà rất phức tạp. Trong óc ta thấy dường như điều đó rõ ràng, nhưng khi chuyển sang viết, ta mới nhận ra tự hiểu mình là một nỗ lực ghê gớm! Việc sắp xếp hợp lý này là đòi hỏi hàng đầu. Nó là một phần trong phép vệ sinh đời sống cho sự cân bằng bên trong.
Kiểu công việc thứ hai thuộc loại kinh nghiệm: mỗi lần cảm xúc nổi lên, hãy dành thời gian dừng lại để thăm dò nó bằng chánh niệm. Nói theo cách đơn giản là không tìm cách thay đổi nó, kiểm soát nó, làm nó biến mất hay uốn cong nó theo cách này hay cách khác, chỉ chấp nhận nó, quan sát cái gì làm nên nó, những thể trạng nào tạo thành nó, nó sinh ra kiểu ý nghĩ nào. Đó chính là những hành động mà bệnh nhân được chúng tôi chỉ cho các phương pháp thiền chánh niệm thực hiện. Đây rõ ràng là một trong những cơ cấu quan trọng giải thích cho việc, trong mọi nghiên cứu, người ta đều nhận thấy là thực hành đều đặn chánh niệm sẽ khai thông một sự điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
Vẫn trong loại phương pháp kinh nghiệm thứ hai này có các chiến lược cụ thể hơn cho các cảm xúc sợ hãi hay xấu hổ có hại thường nhen nhóm trong một số tình huống. Lúc đó chúng tôi dùng các bài tập nhằm “làm cạn kiệt” cảm xúc. Để làm vậy, chúng tôi cho bệnh nhân vào các tình huống mà họ sẽ cảm nhận cảm xúc ở một mức độ cực kỳ mạnh và không thoải mái – chẳng hạn, chúng tôi cho họ hát trên tàu điện ngầm để ai cũng nhìn họ, hoặc cho họ đứng giữa một nhóm bệnh nhân khác. Nếu bệnh nhân trong trạng huống thật, trong đời thật, họ sẽ cố cắt ngang cảm xúc này bằng các chiến lược bỏ trốn: họ rời khỏi phòng, toa tàu, hay nếu không chạy trốn được, họ cố nghĩ về chuyện khác hay cụp mắt xuống, để giảm mức căng thẳng trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Ở đây, chúng tôi khuyến khích họ không cụp mắt xuống, ở lại trong hoàn cảnh, chấp nhận cảm xúc đó. Đây là cái chúng tôi gọi là “phơi mình ra” trong các trị liệu pháp hành vi. Thật ra vấn đề là không nghe lời cảm xúc: “Dù mi ở đó, sợ hãi ạ, nhưng tao cứ ở lại đây, trong hoàn cảnh này, thở đều, để ý nghĩ biến đi…” Và khi lặp lại đều đặn các kinh nghiệm này, bệnh nhân sẽ thấy rằng sức mãnh liệt của cảm xúc giảm dần và họ thoát khỏi quyền lực của những cảm xúc có hại quá mức này.
Tiếp theo có một kiểu chiến lược thứ ba, mà giờ tôi dùng ngày càng nhiều khi làm việc với tâm lý học tích cực, và chắc là nó giống với cách nhìn phương thuốc mà Matthieu thường nói. Cái đó như sau: trong ngày, trong đời, tôi càng cảm thấy nhiều các cảm xúc tích cực, yêu thương, ngưỡng mộ, trắc ẩn, hạnh phúc, an lạc, niềm vui, cao thượng thì sẽ càng có ít không gian cho các cảm xúc đau đớn, tàn phá, tiêu cực xuất hiện, lan tràn và thành đám cháy.