NHẬN THỨC TÁC ĐỘNG CỦA CẢM XÚC ĐỐI VỚI BẠN

STEVEN J. STEIN

Trích: Trí Thông Minh Cảm Xúc for Dummies; Thảo Hạnh chuyển ngữ; NXB. Lao động; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018

Cảm xúc có thể ảnh hưởng đến khả năng hiểu hoặc học cách đối phó với một tình huống mới theo nhiều cách. Làm thế nào bạn xác định được liệu đó chỉ đơn giản là cảm xúc ảnh hưởng đến trí thông minh, hay đó là một loại trí thông minh riêng biệt?

Trí thông minh nhận thức và trí thông minh cảm xúc là những đặc điểm độc lập với nhau, nhưng lại ảnh hưởng đến nhau.

Nếu cảm xúc là một phần của trí thông minh tổng thể hoặc trí thông minh nhận thức, hai thuộc tính này phải được liên kết với nhau. Những người có trí thông minh nhận thức cao sẽ tự động có trí thông minh cảm xúc cao, và ngược lại. Trong thực tế, trí thông minh nhận thức và trí thông minh cảm xúc có rất ít điểm chung.

Có người có thể rất thông minh (sách vở) nhưng lại thiếu nhận thức về cảm xúc, thiếu sự đồng cảm, hoặc thiếu kỹ năng xã hội. Các vị giáo sư đãng trí là một ví dụ. Người thì rất thông minh nhưng không ý thức được những gì xảy ra trong thế giới xung quanh. Người thì không quan tâm  đến nhu cầu của người khác, kể cả người rất thân. Mặt khác, tồn tại những người là ngôi sao trong khả năng đồng cảm, nhưng lại không phải là nhà khoa học hàng đầu. Do đó, trí thông minh nhận thức và trí thông minh cảm xúc là những đặc điểm độc lập với nhau.

Tuy nhiên, hai trí thông minh này ảnh hưởng đến nhau. Một người không có trí thông minh cảm xúc cao có thể để cho cảm xúc ảnh hưởng đến lý trí của mình và không thể suy nghĩ hợp lý. Thậm chí dù cho suy nghĩ hợp lý, lời nói của họ vẫn không được đón nhận nếu không kiểm soát được cảm xúc của mình.

Nhiều người sẽ cảm thấy đồng cảm với câu chuyện của Jodi. Jodi phải giải quyết một tình huống khó khăn mà cô chưa từng gặp. Cô sẽ phải phát biểu trước hội đồng thành phố về một dự án mới mà theo cô sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Cô muốn trình bày một cách thông minh vì trong số những người tham dự có nhiều người có tiếng nói trong cộng đồng và cả hàng xóm của cô nữa. Cô chuẩn bị cho bài trình bày như sau:

  • Cập nhật thông tin về khu phố của mình.
  • Tìm hiểu lịch sử của khu phố.
  • Xem lại các dự án trước đó.
  • Hiểu rõ phạm vi của dự án.
  • Nghiên cứu tổng quát về tác động của dự án đối với môi trường.
  • Nghiên cứu các tác động có thể xảy ra của dự án đối với môi trường.

Các hoạt động trong danh sách này đã giúp Jodi chuẩn bị phần kiến thức trong bài trình bày của cô.

Bây giờ, Jodi đã có kiến thức. Nhưng cô chưa bao giờ thuyết trình. Cảm xúc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bài trình bày của cô.

Trong khi trình bày, nếu Jodi trở nên tức giận, khiến tâm trí không thể hấp thụ tất cả thông tin về khu phố cũng như tác động của dự án thì sao? Ngoài ra, nếu không thể bình tĩnh – thậm chí không nhiệt tình – trong quá trình nghiên cứu, cô có thể không thành công trong việc chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Ví dụ, nếu tâm trí bị sự tức giận nhấn chìm, cô có thể chỉ toàn suy nghĩ những điều như: “Những người này chỉ muốn móc tiền mà thôi.” Và trong khi chìm đắm trong những suy nghĩ giận dữ này, cô đã tự phân tán bản thân ra khỏi những công việc trước mắt, thậm chí có thể không ý thức được rằng mình vừa lật qua một bài báo nói về ảnh hưởng của các dự án đến lưu lượng giao thông, dẫn đến việc gia tăng ô nhiễm môi trường và gây nguy hiểm cho những khu vực có trẻ em băng qua đường phố.

Ngay cả khi Jodi hăng hái tổng hợp các lập luận, cô vẫn phải trình bày trước rất đông khán giả. Dù đã trang bị những kiến thức cần thiết, nhưng liệu cô đã sẵn sàng về mặt tinh thần chưa?

Một số người, khi nhìn thấy đám đông, liền trở nên lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi. Có thể họ sợ mình sẽ mắc lỗi trong thời điểm quan trọng, hoặc họ lo lắng về những gì hàng xóm sẽ nghĩ về họ nếu mọi việc không tốt. Một số cuộc khảo sát thậm chí còn cho thấy rằng thuyết trình trước công chúng là nỗi lo sợ số một của nhiều người – lớn hơn cả nỗi sợ cái chết và bệnh mãn tính.

Mặt khác, khi nói, một số người trở nên tức giận và bằng mọi giá muốn đối phương phải hiểu quan điểm của mình. Khi được hỏi, họ có thể không lắng nghe kỹ và không coi trọng nó. Cảm xúc có thể khiến họ làm việc không tốt, làm cho họ trở thành một người bảo thủ và thiếu sáng suốt.

Tức giận là một cảm xúc nóng; nó dễ bị mất kiểm soát. Mặc dù sự tức giận có thể cảnh báo về một tình huống nào đó, nhưng nó không thể giúp giải quyết vấn đề. Trên thực tế, nó thường xuyên gây cản trở và làm leo thang các kết quả tiêu cực. Để tìm hiểu làm thế nào để giảm các cảm xúc “nóng,” hãy xem thêm bài viết Thay đổi cảm xúc tiêu cực.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TA CÓ THOÁT KHỎI NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC ĐƯỢC KHÔNG?
  2. CẢM XÚC LÀ NĂNG LƯỢNG

Bài viết khác của tác giả

  1. THAY ĐỔI CẢM XÚC TIÊU CỰC
  2. VƯƠN ĐẾN CƠ HỘI TRỞ THÀNH MỘT LÃNH ĐẠO TỐT

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG