MATTHIEU RICARD
Trích: Thực Hành Thiền Định; Việt dịch: Lê Việt Liên; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020
Đau đớn thể xác là một kinh nghiệm mà ai cũng gặp phải trong cuộc đời. Ấy vậy mà mỗi người phản ứng với nó lại rất khác nhau. Cảm giác đau có thể bị phóng đại ghê gớm do nỗi lo muốn dập tắt nó, Ngược lại, người ta cũng có thể chịu đựng một cách tốt hơn, ngay cả đối với các bệnh kinh niên, một khi biết thay đổi thái độ của mình trước cơn đau và tìm thấy ở đấy một ý nghĩa nào đó. Những nghiên cứu trong khoa học thần kinh đã chứng minh tầm quan trọng của việc suy diễn cảm giác trong lúc trải nghiệm cơn đau. Một số thử nghiệm đã được tiến hành trên những người tình nguyện bằng cách kích thích gây đau trên cánh tay họ, lúc đau ít lúc đau nhiều, rồi yêu cầu họ nhận xét cảm giác về mức độ đau đớn này. Vài ngày sau, số tình nguyện viên này được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất được thông báo sẽ phải chịu thử nghiệm với mức độ kích thích dữ dội hơn lần trước, nhưng thực ra họ chỉ bị kích thích đau nhẹ hơn. Nhóm thứ hai được thông báo sẽ chịu mức kích thích nhẹ hơn lần trước, nhưng thực ra, họ lại chịu mức kích thích đau mạnh hơn. Vậy mà nhóm thứ nhất nhận xét rằng họ cảm thấy đau đớn hơn lần đầu, còn nhóm thứ hai thì lại cảm thấy ít đau hơn lần trước.
Như vậy, trong trải nghiệm về đau đớn, việc lường trước mức độ nặng hay nhẹ của cơn đau mà ta sẽ cảm nhận có vai trò quyết định. Nói một cách tổng quát hơn, thông qua hiệu quả thử nghiệm áp dụng với placebo (khiến người ta nghĩ rằng sẽ bớt đau, trấn an; đem lại lạc quan) hoặc nocebo (khiến người ta nghĩ rằng mình sẽ bị đau đớn, bị hại; gây bi quan), có thể khẳng định rằng tâm thức có ảnh hưởng đến thân thể và kết quả trải nghiệm về đau đớn.
Như vậy, đau nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào sự vận hành của tâm thức. Chúng ta chịu đựng cơn đau tốt hơn nếu biết trước được về thời gian kéo dài và mức độ của nó. Nhờ thế, chúng ta sẵn sàng đón nhận nó và làm chủ nó tốt hơn so với khi không biết cơn đau sẽ tăng lên và sẽ kéo dài bao lâu nữa. Nếu cơn đau hoàn toàn vượt quá sức chịu đựng của mình và chúng ta không biết nó sẽ kéo đài đến bao giờ, khi đó, tâm thức chúng ta sẽ có nguy cơ bị khổ đau choán ngợp.
Ngược lại, gắn một ý nghĩa nào đó cho cơn đau sẽ giúp chúng ta chịu đựng nó dễ dàng hơn. Đó là trường hợp chúng ta cho rằng cơn đau kia sẽ mang lại cho minh một điều lợi lạc lớn hơn. Ví dụ như chúng ta chấp nhận những tác dụng phụ của một phác đồ điều trị bởi vì nó khiến ta hi vọng sẽ khỏi bệnh. Người ta cũng có thể chịu đau vì lợi ích cúa một ai đó. Đó là trường hợp của một người họ hàng hoặc một ngưới bạn sẵn sàng hiến máu của mình hay một bộ phận của cơ thể mình để cứu mạng người thân. Đối với một vận động viên thể thao cũng vậy, đôi khi người đó cũng phải chịu đựng những cơn đau ghê gớm trong khi tập luyện. Người đó hoàn toàn chấp nhận chúng vì mục đích là luyện cho giỏi hơn. Một số vận động viên điền kinh khẳng định rằng càng đau, họ càng thích bởi vì chúng cho họ biết cường độ luyện tập ra sao. Họ tỏ ra kém chịu đựng đối với một đau đớn bất ngờ xảy ra, hoàn toàn chẳng có giá trị gì, ví dụ như đau do bị chấn thương trong quá trình luyện tập chẳng hạn. Việc gán cho cái đau một ý nghĩa sẽ cho ta có quyền lực đối với nó, loại trừ mối lo lắng đi liền với hoảng hốt và bất lực. Trái lại, nếu chúng ta sợ hãi, phản kháng, nản chí, không hiểu biết, hoặc có cảm giác bất lực, chúng ta sẽ phải chịu thêm nhiều đau đớn khác nữa thay vì chỉ phải chịu một nỗi đau đớn.
Những ca khó nhất là những cơn đau mãn tính, nhức nhối và dai dẳng, liên tục lấn át mọi cảm giác khác. Khi ấy, trong đầu ta chỉ còn cơn đau thống trị nó chi phối toàn bộ mọi quan hệ của chúng ta với thế giới bên ngoài: mỗi suy nghĩ và mỗi hành động đều là đau đớn. Tôi đã từng nghe một người bệnh tâm sự: “Một cơn đau xói gan xói ruột kinh niên cũng hệt như một viên sỏi bị ném vuống ao: âm hưởng của nó lan tỏa trong cả cuộc đời mình, chẳng có chỗ nào để thoát được”.
Tuy nhiên, cái đau có thể dữ dội, nhưng không vì thế mà phá hoại được cái nhìn lạc quan về cuộc đời của chúng ta. Nếu có được trạng thái an lạc nội tâm ở một mức độ nào đó, chúng ta sẽ duy trì sức mạnh của tâm, hoặc lấy lại được nó dễ dàng và nhanh chóng hơn, dù có bị rơi vào những tình huống hiểm nghèo.
Một số người đã từng sống sót sau một tai nạn, sau một trận tra tấn, hoặc sau những đau đớn khốc liệt của hoàn cảnh nào đó, đã khẳng định rằng họ cảm thấy “thương người” hơn trước, và cảm nhận thế giới quanh mình sâu sắc hơn khi ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên và những con người họ gặp. Họ nói rằng “xem mỗi thời khắc của cuộc sống như một kho báu vô giá (1)”.
Từ đó, làm cách nào để làm chủ cơn đau thay vì là nạn nhân của nó? Nếu đằng nào cũng phải đau thì tốt hơn cả là sử dụng nó, hơn là xua đuổi nó. Dù ta có chìm đắm trong thất vọng hoàn toàn, hay giữ được tâm trí mạnh mẽ và lòng ham sống đỉ nữa, thì trong cả hai trường hợp, cơn đau vẫn cứ hiện diện; nhưng ở trường hợp thứ hai, rõ ràng ta có khả năng giữ được phẩm giá và niềm tin vào mình, đây là điều làm nên sự khác biệt lớn.
Để làm được điều này, đạo Phật dạy nhiều phương pháp khác nhau. Chúng tôi sẽ giải thích bốn phương pháp. Thứ nhất, là chỉ đơn giản quan sát cơn đau, không suy diễn, trong trạng thái ý thức trọn vẹn được nó. Thứ hai, là phải nhờ tới một hình ảnh trong tâm thức. Thứ ba, là cho phép chuyển hóa cơn đau thành sự giác ngộ về tình thương và lòng bi mẫn, và cuối cùng, là xem xét bản chất của khổ đau và mở rộng ra, là bản chất của một tâm thức đang đau khổ.
Thiền
Ý thức trọn vẹn
Chúng ta hãy dồn toàn bộ tâm trí quan sát cảm giác đau, không suy diễn, không xua đuổi, cũng không sợ hãi. Hãy toàn tâm toàn ý trải nghiệm giây phút hiện tại. Như thế, mức độ đau vẫn được cảm nhận nguyên vẹn, nhưng không còn gây sợ hãi nữa.
Những nguồn cảm hứng
Đa số trong chúng ta coi đau đớn là mối đe dọa tới sự an toàn của thân thể. Vậy mà, nếu chúng ta để cho cơn đau choán hết tâm trí thì ta sẽ chỉ càng thấy đau hơn. Trái lại, nếu dùng cái đau làm đối tượng của thiền quán thì nó sẽ trở thành một phương tiện để làm tâm thức ta càng sáng hơn lên.”
Yongey Mingyur Rinpoche
Làm cách nào để biến cơn đau thành một đối tượng thiền quán?
“Một tâm thức thanh tịnh và không bị sự kiện kia lấp kín sẽ cảm nhận cơn đau như một luồng năng lượng, không hơn không kém. Không nghĩ ngợi. Không xua đuổi. Chỉ có năng lượng […] Song tâm thức sẽ khái niệm hóa những trải nghiệm như kinh nghiệm về đau đớn. Bạn sẽ thấy mình đang nghĩ về “đau”. Đó là một khái niệm. Đó là một nhãn hiệu, là cái gì đó thêm vào chính cảm giác đau. Và bạn xây dựng một hình ảnh về đau đớn trong tâm thức, coi nó như một thực thể […] Rồi cứ như thật, bạn sẽ thấy mình đang nghĩ: “Tôi đang bị đau ở chân”. “Tôi” là một khái niệm, là cái gì đó ở bên ngoài, được gán thêm vào kinh nghiệm đơn thuần.
Khi bạn đưa cái “tôi” vào tiến trình suy nghĩ, bạn đã ngăn cách thực tại với ý thức vô ngã đang ngắm nhìn thực tại ấy. Những suy nghĩ như “tôi”, “của tôi, “thuộc về tôi” không hề có chỗ trong chân tâm. Đó là những điều thêm thắt ở bên ngoài, có tính chất đánh lừa. Khi bạn đưa “cái tôi” vào cuộc, bạn đã coi mình chính là sự đau đớn. Kết quả là cơn đau càng tăng. Còn nếu bạn bỏ mặc “cái tôi” ở bên ngoài, bạn sẽ không cảm thấy cơn đau thấm thía nữa. Đó chỉ là một dòng năng lượng đơn thuần.”
Bhante Henepola Gunaratna(2)
Năng lực của hình ảnh trong tâm thức
Hãy tưởng tượng một dòng mật hoa bổ dưỡng, sáng trắng đang ngấm vào chỗ nào đau nhất, làm cơn đau dần dần tan đi và cuối cùng chuyển thành một cảm giác an lạc. Rồi dòng mật hoa đó ngấm vào toàn bộ cơ thể và cảm giác đau biến dần. Nếu cường độ của cơn đau tăng lên, hãy tăng hơn nữa năng lực của dòng mật hoa bằng cách nghĩ rằng mỗi nguyên tử đau đớn giờ đây được thay thế bằng một nguyên tử dễ chịu. Hãy biến chính đau đớn thành niềm phúc lạc như vậy.
Năng lực của lòng bi mẫn
Hãy làm nảy sinh một tình thương vị tha và cảm thông đối với tất cả mọi chúng sinh, rồi nghĩ rằng: “Mình mong sao không bị đau khổ. Nhưng những người khác cũng đang chịu khổ như mình, nhiều khi còn hơn thế. Giá mà họ cũng có thể thoát được những nỗi khổ ấy nhỉ!” Khi ấy, chúng ta sẽ không còn bị ám ảnh bởi đau đớn và cảm thấy nó thuyên giảm. Đầy lòng vị tha, chúng ta sẽ không còn cay đắng tự dằn vặt: “Tại sao lại là mình cơ chứ?”
Khi chỉ hoàn toàn bận tâm về mình, chúng ta dễ bị tổn thương và nhanh chóng trở thành con mồi cho sự hoảng hốt, khó chịu, bất lực hoặc lo âu. Nếu chúng ta có lòng vị tha mạnh mẽ và lòng tốt vô điều kiện trước khổ đau của người khác thì khi ấy, chúng ta sẽ dũng cảm chứ không chịu đựng, thương yêu chứ không trầm uất, cởi mở với tất cả những người xung quanh chứ không thiển cận hẹp hòi.
Quán chiếu chính bản chất của tâm thức
Hãy chỉ đơn giản ngắm nghía cái đau. Ngay cả lúc nó âm ỉ, chúng ta hãy tự hỏi nó màu gì, hình dạng ra sao, hoặc bất kỳ một tính chất bất biến nào của nó. Càng cố gắng khoanh vùng nó lại, chúng ta sẽ càng thấy đường nét của cơn đau mờ nhạt dần. Cuối cùng, ta sẽ nhận ra rằng, đằng sau cái đau, có ý thức hiện diện; chính ý thức là nguồn gốc của mọi cảm giác và mọi suy nghĩ. Hãy thư giãn tâm trí và cố gắng đặt cơn đau nghỉ ngơi trong ý thức trọn vẹn (chánh niệm), không có sự thêm thắt của tâm thức. Thái độ này sẽ giúp chúng ta không còn là nạn nhân thụ động nữa, mà dần dần, dám đương đầu và cải thiện sự tàn phá do đau đớn gây ra trong tâm thức chúng ta.
Chắc chắn là không dễ dàng, song kinh nghiệm chứng minh rằng có thể làm được. Chúng tôi quen biết nhiều thiền gia sử dụng tới phương pháp này khi căn bệnh của họ đã vào giai đoạn cuối cực kỳ đau đớn. Họ tỏ ra thanh thản một cách đáng kinh ngạc và ít bị chi phối bởi cơn đau. Francisco Varela, nhà nghiên cứu nổi tiếng của ngành khoa học nhận thức, đã thực hành thiền Phật giáo trong nhiều năm. Ông tâm sự với tôi, vài tuần trước khi mất vì căn bệnh ung thư đã di căn ra toàn thân, rằng ông có thể hầu như thường xuyên trụ được trong trạng thái tỉnh thức trọn vẹn. Khi ấy, đau đớn thể xác hình như xa xăm và không ngăn cản được ông giữ gìn trạng thái bình yên của nội tâm. Ông chỉ cần những liều thuốc giảm đau rất nhẹ và đã biết giữ gìn tâm trí minh mẫn và thanh thản quán chiếu cho tới hơi thở cuối cùng.
— ?☘️? —
Chú thích
(1) Sogyal Rinpoche, Tạng thư sống chết, tái bản và nội dung có sửa đổi, NXB LGF, 2005.
(2) Shantideva, Nhập Bồ tát hạnh (Bodhicharyâvatâra) hay Nhập môn về cuộc đời dẫn tới Đại giác, NXB Padmakara, 2007