DESMOND TUTU
HH. DALAI LAMA XIV
Trích: Hỷ Lạc Từ Tâm; Nguyên tác: The Book of Joy, Lasting Happiness in a Changing World; Douglas Abrams chấp bút; Việt dịch: Thảo Yukimoon; NXB. Đà Nẵng, 2019
“Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi,” – Ngài Tổng Giám Mục giải thích. – “Sợ hãi và lo lắng là những cơ chế giúp cho chúng ta sống sót. Bạn biết đấy, nếu bạn không cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy một con sư tử đứng đó và cứ vui vẻ đi ngang qua, thì chỉ trong chớp mắt sẽ chẳng còn có bạn ở trên đời nữa, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những điều này vì Đức Chúa Trời biết rằng chúng ta cần đến chúng. Nếu không thì chúng ta không biết sợ hãi, nhưng cũng sẽ rất ngu ngốc và sẽ chẳng thể tồn tại được lâu. Vấn đề là khi nỗi sợ hãi ấy bị phóng đại lên, hoặc khi nó bị kích động bởi điều gì đó thực sự không đáng kể thì nó bắt đầu gây hại”.
Khi tôi hỏi Tổng Giám Mục cách mà Ngài đã khống chế nỗi sợ hãi trong những tháng ngày đen tối của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khi Ngài thường xuyên bị dọa giết, thì Ngài trả lời rằng: “Vâng, một mặt thì không nên làm những việc ngớ ngẩn như đứng trước một cửa số sáng đèn vào ban đêm, mặt khác thì hãy thỉnh cầu với Chúa: Nếu con đang làm công việc của Ngài. thì xin Ngài hãy bảo vệ con được bình an”. Tôi luôn luôn bị ấn tượng bởi cách mà Ngài Tổng Giám Mục sẵn sàng thừa nhận nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của mình.
Chúng ta hiếm khi được nghe về những nỗi hoài nghi, sợ hãi và âu lo của các nhà lãnh đạo, bởi vì việc lãnh đạo dường như luôn cần đến một phong thái tự tin và ít khi cho phép biểu lộ những điểm yếu hay thiếu sót của bản thân. Tôi đã từng được nghe một câu chuyện tuyệt vời từ vị cựu biên tập tạp chí Time, chính là Rick Stengel – người cộng sự của Nelson Mandela trong cuốn tự truyện của ông mang tên Hành trình dài đến tự do1. Lần đó Mandela ở trên một chiếc máy bay cánh quạt loại nhỏ cùng với vệ sĩ của ông, Mike. Vị lãnh đạo vĩ đại đang đọc một tờ báo buổi sáng khi ông nhận thấy một chiếc cánh quạt của máy bay không hoạt động nữa. Ông nghiêng người qua và bình tĩnh nói với Mike, để anh ta thông báo cho phi công. Họ hiểu ra vấn đề và báo lại rằng các thủ tục hạ cánh khẩn cấp đã được áp dụng. Khi Mike giải thích tình hình với Mandela, ông chỉ bình tĩnh gật đầu và lại cầm tờ báo lên để tiếp tục đọc. Trong khi Mike, một gã cứng rắn cũng phải phát run lên vì sợ hãi, nhưng anh đã bình tĩnh lại nhờ chứng kiến hình ảnh của Mandela – người thậm chí còn không tỏ vẻ phiền lòng trước một thực tế rằng họ có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào.
Khi họ đã ngồi yên phía sau chiếc xe BMW chống đạn đến đón ở sân bay, Stengel liền hỏi về chuyến bay vừa rồi. Lúc ấy, Tổng thống Mandela mới nghiêng người, mắt mở to và nói: “Anh bạn, tôi đã sợ phát khiếp lúc ở trên đó”. Ngay cả khi khả năng lãnh đạo yêu cầu phải thể hiện dũng khí trong những thời điểm khủng hoảng, thì họ cũng là những con người có cùng tính chất thiếu sót và yếu đuối như mọi con người trong gia đình nhân loại – là một thực tế mà Ngài Tổng Giám Mục vẫn thường nhắc nhở để chúng ta nhận thấy sự tương thuộc của chúng ta đối với nhau.
Một trong những câu trích dẫn yêu thích của tôi từ cuốn sách Ghi chú cho Tương lai2 của Mandela về lòng can đảm: “Ta đã học được rằng dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là chiến thắng nó. Tôi đã sợ hãi nhiều lần không nhớ hết, nhưng tôi giấu nó đằng sau chiếc mặt nạ của sự can đảm. Người dũng cảm không phải là người không cảm thấy sợ hãi, mà là người chinh phục được nỗi sợ hãi đó”. Đức Tổng Giám Mục Tutu cũng đã nói một điều tương tự khi chúng tôi cùng cộng tác viết cuốn sách Thượng Đế có một giấc mơ3. Ông nói: “Dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là khả năng hành động bất chấp sự sợ hãi”. Từ tiếng Anh courage (dũng cảm) có xuất xứ từ tiếng Pháp là coeur, có nghĩa là trái tim. Lòng dũng cảm quả thực là sự chiến thắng của tình yêu thương và sự cam kết trong trái tim chúng ta đối với những lời thì thầm hợp lý của lý trí muốn giữ cho chúng ta được an toàn.
Như Ngài Tổng Giám Mục đã nói, khi nỗi sợ hãi tự nhiên này bị phóng đại lên thì chúng ta sẽ trải qua sự căng thẳng, lo lắng và bất an. Nhiều người trong số chúng ta phải chịu đựng trạng thái khó chịu bứt rứt này rất thường xuyên, và những cảm giác sợ hãi và lo lắng như thế sẽ phá hỏng mọi trải nghiệm hay những mối quan hệ của chúng ta. Thật khó để mà vui vẻ khi đang căng thẳng hoặc lo âu; chúng ta luôn cảm thấy bị choáng ngợp và không thể thực hiện cam kết với công việc, cam kết với gia đình; hoặc các thiết bị kỹ thuật số liên tục nhắc nhở chúng ta về tất cả những điều mà chúng ta đang thiếu. Tung hứng nhiều thứ cùng một lúc, chúng ta có thể cảm thấy như mình là kẻ thất bại.
Jinpa đã chỉ ra rằng xã hội hiện đại ưu tiên cho sự độc lập đến mức chúng ta bị bỏ mặc để tự mình phải cố gắng quản lý cuộc sống đang ngày càng mất kiểm soát. Anh kể về cuộc sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người đồng hương của mình khi còn ở Tây Tạng ngày xưa. Tại ngôi làng Taktser ở Amdo, cũng giống như những ngôi nhà khác trong làng, ngôi nhà của gia đình Đức Đạt Lai Lạt Ma nằm trên một cao nguyên, nhìn ra những vùng đồng cỏ nhấp nhô đầy những người dân du mục và những con trâu yak. Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong số mười sáu đứa trẻ trong vùng, và có đến chín đứa bé trong số đó đã chết từ khi còn thơ ấu. Thị trấn gần nhất cách đó ba tiếng đồng hồ cưỡi la. Cậu bé mà ngày ấy còn được gọi là Lhamo Thondup4 đã ngủ trong nhà bếp, nơi gần lò nhất. Cuộc sống không hề dễ dàng cho cậu bé ấy và gia đình, vì vậy nên tôi cảm thấy khá bất ngờ khi Jinpa nói rằng cuộc sống sẽ ít căng thẳng hơn khi ở trong một ngôi làng truyền thống.
Đối với phần lớn lịch sử nhân loại, dù là ở Tây Tạng, châu Phi hay bất cứ nơi nào đi chăng nữa, đều có những nỗi sợ hãi và lo lắng. Một phần trong số đó là những vấn đề quan trọng như liệu có đủ thức ăn cho mùa đông hay không. Nhưng những mối lo âu này đã được giải quyết dễ dàng hơn bằng cuộc sống gần gũi và kết nối để giúp đỡ lẫn nhau. Trong khi sự sống còn chắc chắn là yếu tố gây căng thẳng lớn nhất, vẫn có một số khác biệt về áp lực và căng thẳng so với cuộc sống hiện đại. Mặc dù không thể phủ nhận rằng có những giai đoạn vô cùng khó khăn và tràn ngập sự lo lắng về những việc như mất mùa hay thậm chỉ là mất đi một đứa trẻ, nhưng nhịp sống mỗi ngày ở nơi đây ít điên cuồng và không mất tập trung. “Có một nguồn trí tuệ bị mất đi,” – Jinpa nói. Tôi chợt suy nghĩ về cuộc hành trình mà Jinpa đã trải qua, cả về thể chất và tâm lý: từ cuộc sống trong tu viện Phật giáo vốn chẳng thay đổi gì nhiều trong suốt hàng ngàn năm cho đến cuộc sống hiện tại của gia đình anh ở Montreal.
Nhưng nếu căng thẳng và lo lắng là những điều không thể tránh khỏi của cuộc sống hiện đại, thì làm sao chúng ta có thể đối diện với những thứ thường trực mang đến sự khó chịu này? Làm thế nào chúng ta có thể lèo lái cho chuyến xe cuộc đời lăn bánh êm ả? Làm thế nào để giảm thiểu những nỗi lo âu mà chúng ta phải trải qua?
“Sự căng thẳng và lo lắng thường xuất phát từ việc kỳ vọng quá nhiều, tham vọng quá lớn.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma nói – “Khi chúng ta không hoàn thành mong muốn đó hoặc không đạt được kỳ vọng đó, thì chúng ta sẽ cảm thấy bực bội và thất vọng. Ngay từ đầu, đó chính là một thái độ tự lấy mình làm trung tâm. Tôi muốn thế này. Tôi muốn thế kia. Chúng ta thường không thực tế về khả năng của bản thân hay về thực tại khách quan. Khi chúng ta có được cái nhìn sáng tỏ về năng lực của bản thân thì chúng ta mới có thể thực tế trong những nỗ lực của mình. Từ đó chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn để đạt được mục tiêu. Còn nếu cứ nỗ lực một cách không thực tế thì chỉ mang lại tai họa. Vì vậy trong nhiều trường hợp, nỗi căng thẳng, lo âu của chúng ta là do những mong muốn và khát vọng của chính ta mà ra”.
Thế nào là quá nhiều khát vọng? Tôi tự hỏi. Đối với một người lớn lên trên đất Mỹ, nơi mà khát vọng khi xét riêng ra vẫn được xem là một đức tính tốt, là sự kết hợp của sức sáng tạo và tính kiên trì, tôi rất lấy làm kinh ngạc trước câu trả lời của Ngài. Có thể nào tất cả những thứ mà chúng ta có được và cố nắm giữ, những thứ mà chúng ta vẫn xem như khát vọng lớn trong cuộc sống hiện đại này, lại là sai lầm? Và phải chăng niềm tin rằng có nhiều hơn thì tốt hơn lại là một công thức dẫn đến sự căng thẳng, nỗi thất vọng và sau rốt là sự bất mãn tột cùng?
Có lẽ đây là một câu hỏi cần được ưu tiên. Điều gì mới thực sự đáng để chúng ta theo đuổi? Chúng ta thực sự cần những gì?
Theo Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi chúng ta nhận ra những điều mình thực sự cần thiết hóa ra lại chỉ ít ỏi đến nhường nào – như tình yêu thương và sự kết nối – thì tất cả những gì mà trước đây chúng ta vẫn cứ nghĩ là rất thiết yếu cho hạnh phúc của mình – như những thứ mà chúng ta có được, hoặc những điều mà chúng ta cố nắm giữ – sẽ chỉ chiếm một phần khiêm tốn mà thôi. Chúng sẽ không còn trở thành mối bận tâm hay nỗi ám ảnh trong cuộc đời chúng ta thêm được nữa. Chúng ta phải cố gắng để trở nên tỉnh giác về cách sống của mình và không bị cuốn theo sự cuồng mê của thời đại, sự đổi thay không ngừng nghỉ, sự tăng tốc đầy lo âu của nhịp sống hiện đại này. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh với chúng ta rằng: Hãy sống thực tế để có thể cảm nhận được sự bình an nội tại vào ngay lúc này, hơn là luôn luôn cứ phải chạy theo các mong muốn và khát vọng về tương lai.
Các triệu chứng của bệnh căng thẳng mãn tính là cảm giác phân tán và tâm trí luôn bị chạy đuổi theo thời gian – không thể có mặt cho hiện tại. Điều chúng ta đang tìm kiếm phải là một trạng thái vững vàng, an vui trong sự hiện hữu, và chúng ta cần dưỡng nuôi, duy trì trạng thái ấy. Ngài Tổng Giám Mục đã từng nói với tôi rằng mọi người thường nghĩ chỉ có Ngài mới cần thời gian để mà cầu nguyện và suy ngẫm, bởi Ngài là một vị lãnh đạo tôn giáo. Nhưng Ngài cho hay, thực ra những người đang phải làm việc trên thị trường – như những doanh nhân, các chuyên gia, hoặc ngay cả những người công nhân đi chăng nữa – họ thậm chí còn cần đến nó hơn Ngài.
Chú thích
- Tựa gốc tiếng Anh: Long walk to Freedom
- Tựa gốc tiếng Anh: Notes to the Future
- Tựa gốc tiếng Anh: God has a Dream
- Lhamo Thondup: Tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Vị thần thỏa mãn các điều ước”. Đây là tên trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được công nhận là hóa thân của Phật.