TRÁI TIM RỘNG LƯỢNG

JOSEPH GOLDSTEIN

Trích: Một Pháp; Việt dịch: Hoàng Lan - Việt Hoàng; NXB Hà Nội - Thái Hà Books

Tâm từ ái không chỉ là một ví dụ xuất sắc về cách con đường của Một Pháp thống nhất các trường phái Phật giáo khác nhau, nó còn là chìa khóa dẫn đến chính con đường đó. Bằng cách thực hành này, chúng ta có thể lấy lại tiềm năng của lòng tốt cho bản thân và những người xung quanh.

Cảm giác “từ ái” này là gì và vì sao nó lại được đề cao như vậy trong những giáo lý Phật giáo sơ kỳ? Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta gặp những người dường như tỏa ra những cảm giác về tình yêu và sự tốt bụng chân thành, những người dường như luôn coi trọng cả thế giới với sự quan tâm đầy yêu thương. Họ có thể là những người nổi tiếng như Mẹ Teresa, Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Jr., hoặc có thể là những người bình thường mà chúng ta biết, những người mà bằng cách nào đó có năng lực và khả năng tuyệt vời này. Khi ở bên những người như vậy, họ khiến chúng ta cảm thấy tại thời điểm đó mình là người quan trọng nhất thế giới, không phải bởi chúng ta là ai hay đã làm gì, mà chỉ đơn giản vì chúng ta là đồng loại.

Phẩm chất đặc biệt này của tâm từ là sự rộng lượng và rộng mở của trái tim đơn giản mong muốn tất cả chúng sinh đều hạnh phúc. Từ ái không tìm kiếm lợi ích cho bản thân; nó không được trao đi với mong đợi nhận lại cái gì đó. Và bởi không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài, vào con người hoặc hành vi theo một cách nhất định, nó không dễ dàng bị thất vọng. Khi từ ái lớn mạnh hơn, chúng ta cảm thấy cởi mở hơn với người khác, cởi mở hơn với chính mình, với sự nhân hậu và hài hước. Nhà thơ W. H. Auden đã diễn tả điều đó rất hay: “Hãy yêu người hàng xóm quanh co của bạn bằng cả trái tim quanh co của mình”.

Đôi khi, khi tập gửi những cảm xúc yêu thương đến người khác và chính bản thân mình, chúng ta có thể cảm thấy mình chưa đủ tình yêu. Hoặc chúng ta mong đợi từ ái là một cảm giác ngây ngất sẽ đưa mình lướt trên những làn sóng hạnh phúc, chỉ để sau đó cảm thấy chán nản khi không cảm thấy đặc biệt ngất ngây. Nhưng từ ái có thể được hiểu đúng hơn là phẩm chất giản dị của sự phản ứng thân thiện với những người xung quanh. Những cách chuyển ngữ hữu ích hơn của từ ái (metta) có thể là “thiện chí” hoặc “trái tim nhân hậu”. Đó là sự cởi mở căn bản của trái tim cho phép cả thế giới bước vào. Khi nhìn vào bản thân và hành động của mình theo cách này, chúng ta có thể thấy mình giàu tình yêu hơn mình nghĩ.

Giống như tất cả các phẩm chất, từ ái có thể được củng cố qua luyện tập. Món quà tuyệt vời của Đức Phật trong việc giảng dạy là Ngài dẫn dắt chúng ta từ bất cứ chỗ nào đến con đường giải thoát cao nhất. Những dòng mở đầu của Kinh Tâm Từ , bài thuyết giảng của Đức Phật về tâm từ ái, đã chỉ ra chính xác cách chuẩn bị nền tảng để phát triển và đào sâu loại tình yêu này: “Để đạt được trạng thái bình an, người ta phải có nghị lực, ngay thẳng, chính trực, dễ nói chuyện, hòa nhã và không kiêu ngạo.”

Chỉ đơn giản nghĩ yêu thương là một ý tưởng hay là chưa đủ. Có một số việc cần làm, cần chú ý. Chúng ta cần thể hiện nó trong cách mình liên hệ với mọi người. Có nghị lực, ngay thẳng và chính trực có nghĩa là cam kết về sự trung thực và giản dị căn bản để chúng ta nói và hành động mà không có động cơ ẩn giấu hay lừa dối. Dễ nói chuyện và hòa nhã có nghĩa là dễ gần và thực sự làm cho sự thoải mái và hòa nhã trở thành sự thực hành của mình trong cách ứng xử người khác. Và việc không kiêu ngạo nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa thực sự của khiêm tốn, đó không phải là một thái độ của sự hiền thuận, mà là sự thiếu vắng tính quy ngã. Nhà văn Wei Wu Wei đã diễn đạt ý nghĩa này một cách sâu sắc: “Khiêm tốn thực sự là không có ai để tự hào”

Tất cả những điều này đòi hỏi phải thực hành. Chúng ta cần lưu ý những lúc mình không chính trực, hòa nhã hoặc dễ nói chuyện. Và mặt khác, cần lưu ý điều gì sẽ xảy ra khi mình rũ bỏ những bức tường phòng thủ và sợ hãi, bỏ qua sự căng thẳng của xa cách, dù chỉ trong vài khoảnh khắc. Một thời gian trước tôi có một cuộc trò chuyện khó khăn với một người bạn, khi đó những phán xét, quan điểm và luồng ác ý bay qua bay lại. Vào một thời điểm, tôi chợt nhận thấy những gì đang xảy ra, hít thở vài hơi với chú niệm và thư giãn một cách có ý thức sự co thắt mà mình đang cảm thấy trong tim. Trong khoảnh khắc thư giãn trái tim và không còn quá bám chấp vào quan điểm của riêng mình, tôi đã mở lòng để kinh nghiệm không gian mà cả hai chúng tôi đều ở trong đó. Và nổi bật nhất, điều đặc trưng cho không gian đó là cảm giác về từ ái, về sự không tách biệt. Từ ái có thể được tiếp cận khi chúng ta nhớ đến nó.

Đức Phật đã đề nghị những cách khác để củng cố cảm giác này. Một phương pháp là tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp của người khác (và bản thân chúng ta) thay vì nuôi dưỡng thói quen tìm kiếm lỗi lầm. Điều đó không có nghĩa là không rõ biết những khía cạnh trắc trở của con người – trên thực tế, việc rõ biết được toàn cảnh bức tranh sẽ giúp từ ái không trở thành ảo tưởng giàu cảm tính. Nhưng bằng cách nếu bật những gì tốt đẹp, bạn sẽ dễ dàng tuân theo thiện ý chân thành, mong muốn điều tốt lành cho tất cả chúng sinh.

Đức Phật cũng nhấn mạnh tới sự phát triển lòng biết ơn, một trong những phẩm tính cao đẹp và hiếm có trên thế giới. Chúng ta rất dễ coi thường hoặc lãng quên lòng tốt mà mọi người thể hiện với mình. Tuy nhiên, khi thực sự cảm thấy biết ơn, dù là với những con người cụ thể hay với cuộc sống, từ ái sẽ tuôn chảy từ chúng ta một cách tự nhiên. Khi kết nối với người khác thông qua lòng biết ơn, những rào cản ngăn cách bắt đầu tan chảy. Không có “ta” và “họ”, chúng ta chỉ đơn giản là sống trong sự rộng mở, hòa thuận giống như những tăng sĩ sống trong rừng đã làm vào thời Đức Phật còn tại thế.

Bằng cách tập trung vào những gì tốt đẹp ở bản thân, người khác và cảm nhận lòng biết ơn với những điều tốt đẹp mà mọi người làm cho mình, chúng ta có thể dễ dàng mở ra một phẩm chất tâm hồn khác rất quan trọng với hạnh phúc: Tha thứ. Tha thứ có nghĩa là từ bỏ đau khổ do tức giận và oán ghét. An trụ trong một tâm trạng không còn lưu giữ những hận thù hay tổn thương cũ, chúng ta sống trong giây phút hiện tại, không bị phân tâm bởi những ký ức hay dự định. Khi tha thứ cho người khác hoặc chính mình, chúng ta nhắc nhở bản thân rằng yêu thương và hạnh phúc là có thể. Thiện ý căn bản của chúng ta được phản ánh và thể hiện rất rõ qua những dòng này của Kinh Tâm Từ (*): “Cầu mong cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc”. Không ai lừa dối ai. Không ai vì sự tức giận hoặc ác ý muốn làm hại người khác. Thậm chí như một người mẹ bảo vệ tính mạng đứa con duy nhất của mình, chúng ta nên yêu mến tất cả chúng sinh với một trái tim không bờ bến”.

Với những suy nghĩ này trong tâm, chúng ta có thể bắt đầu mỗi thời khóa thiền với những tư tưởng về tha thứ. “Nếu đã làm tổn thương hoặc làm hại bất cứ ai với ý nghĩ, lời nói hay hành động của mình, tôi xin được tha thứ. Và xin sẵn lòng tha thứ cho bất kỳ ai có thể đã làm tổn thương hoặc làm hại tôi. Đôi khi điều này cần thời gian để hiện thực hóa, nhưng ngay cả khát vọng được tha thứ cũng đặt chúng ta trên con đường của nó. Đức Dalai Lama đã nói rất đơn giản: “Tất nhiên, có những lúc tôi tức giận, nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi không thù ghét bất kỳ ai. Học cách sống trong một không gian thân thiện và yêu thương đòi hỏi sự kiên nhẫn và liên tục. Chúng ta rất thường xuyên rơi vào những khuôn mẫu quen thuộc của sự khó chịu, bực bội, tức giận và ác ý. Nhưng những trạng thái này cũng có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta nên khảo sát hơn là chết chìm trong chúng. Thomas Merton biết rằng trải qua những giai đoạn khó khăn là một phần thiết yếu của hành trình tâm linh. Ông viết: “Cầu nguyện và yêu thương được học trong thời điểm mà cầu nguyện trở nên bất khả thi và trái tim hóa đá”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐIỂM MỀM CỦA TÂM TỪ BI
  2. TÂM TỪ
  3. BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI VÀ BỒ ĐỀ TÂM TUYỆT ĐỐI

Bài viết khác của tác giả

  1. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  2. NHIỀU CON ĐƯỜNG – MỘT LỐI ĐI
  3. SÁU THIỆN HẠNH

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG