NHƯ TẠO HÌNH CHO ĐẤT SÉT

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới, 2022

MỘT VÀI NGÀY SAU CUỘC GẶP giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và chàng trai trẻ khiếm thị tại Bồ Đề Đạo Tràng, tôi dùng bữa tối như thường lệ trong nhà ăn nhỏ nằm trên lầu hai của Tu viện Tây Tạng. Toàn bộ thành viên đoàn tháp tùng Đức Đạt Lai Lạt Ma, từ thư ký trong văn phòng tới những vệ sĩ, tất cả đều dùng bữa tại đây. Thực đơn bữa tối hầu hết là các món ăn truyền thống của Tây Tạng như bánh bao đơn giản với súp mì và rau.

Khi tôi bắt đầu thưởng thức món súp thì bác sĩ Tseten Dorji Sadutshang đến ngồi gần tôi. Chúng tôi gặp nhau cách đây hai năm tại Spiti, một vương quốc Tây Tạng cổ nằm ở phía bắc Dharamsala. Bác sĩ Tseten, như mọi người vẫn hay gọi, là người có vóc dáng mảnh khảnh và hết sức nghiêm túc. Từ ông luôn toát lên khí chất của một vị học giả, và ông luôn nói chuyện bằng giọng ân cần, điềm đạm. Ông là người kiệm lời, nhưng cũng có những lúc hoạt ngôn đến bất ngờ.

Tôi hỏi ông về chàng trai khiếm thị Lobsang Thinley hiện đang ở Tây Tạng.

“Tôi có nhận được thông tin từ Thánh Đức”, bác sĩ Tseten đáp. “Nhưng trước khi lên đường thăm khám cho anh ấy, tôi lại nhận được tin từ một người khác. Một nhà sư trẻ người Tây Tạng ở Tu viện Drepung tại phía Nam Ấn Độ muốn được hiến mắt cho anh chàng khiếm thị kia”.

Tôi bỏ dở chén súp của minh và nhìn quanh xem liệu có ai nghe thấy điều này, nhưng dường như không có ai hết.

“Thật phi thường”, vị bác sĩ là cựu sinh viên y Harvard nói. “Tôi chưa từng gặp chuyện này bao giờ. Hiến mắt từ người đã khuất thì có. Nhưng từ người đang sống thì chưa”.

“Hai người đó có họ hàng gì với nhau không?” Tôi cất tiếng hỏi sau một hồi trầm ngâm.

“Họ gặp nhau trên đường hành hương tại Sarnath, ngay trước khi cùng đi trên chuyến tàu tới Bồ Đề Đạo Tràng. Họ mới chỉ quen nhau được vài ngày.”

“Bác sĩ đã gặp chàng trai khiếm thị kia chưa?” Tôi hỏi.

“Có, tôi đã tới thăm khu trại của những người Tây Tạng hành hương. Có khoảng hai ba trăm người cùng trú trong những túp lều bằng vải dù ngay phía sau ngôi đền. Họ đều vượt qua dãy Himalaya để tới Nepal và đưa hối lộ cho lính biên phòng để được nhập cảnh vào Ấn Độ. Chàng trai kía ở chung lều với tám hay mười người khác nữa. Mẹ anh ta khóc suốt khi tôi tới thăm.”

“Bác sĩ có khám mắt cho anh ta không?”

“Không. Điều đó là bất khả thi. Ánh sáng trong lều chỉ lờ mờ, và tôi không mang theo dụng cụ gì hết.”

“Rồi bác sĩ có nói cho anh ta biết về nhà sư muốn hiến mắt cho anh ta không?”

“Anh ta đã biết trước rồi. Tôi có dặn anh ta rằng trước hết các y bác sĩ cần kiểm tra kỹ càng để biết được đôi mắt của anh đang gặp phải vấn đề gì. Và chúng tôi cần phải làm xét nghiệm cho cả hai người để xem họ có tương thích hay không, và việc cấy ghép có khả thi hay không”.

Tôi tiếp tục ăn chén súp của mình, còn bác sĩ Tseten nhìn chằm chằm vào chén của ông. Ông mới chỉ ăn được một chút.

“Chàng trai trẻ nói rằng anh ta đã suy nghĩ rất kỹ về việc hiến tặng giác mạc”, ông nói tiếp. “Tất nhiên là anh ta vô cùng cảm động. Nhưng cuối cùng anh ta đã khước từ đề nghị này. Anh ta đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong suốt những năm vừa qua, và đơn giản là anh ta không thể chịu đựng được suy nghĩ về một người khác cũng phải trải qua nỗi đau khôn xiết ấy”.

Bác sĩ Tseten kể với tôi rằng ngày hôm sau ông tới khu trại của các nhà sư thuộc Tu viện Drepung. Ông muốn gặp sư Tsering Dhondup, người đã đề nghị được hiến tặng đôi mắt của mình. Nhưng nhà sư trẻ không có mặt ở đó.

“Ngày hôm qua tôi tới gặp Thánh Đức và kể cho Ngài nghe về lời đề nghị hiến tặng của nhà sư”, bác sĩ Tseten nói.

“Ngài đã phản ứng ra sao?”

“Thật là một trong những khoảnh khắc quý giá nhất trong cuộc đời của tôi”, bác sĩ Tseten khẽ nói. “Ngay cả trước khi tôi kịp nói hết ý, tôi có thể cảm nhận được những cảm xúc dào dạt của sự đồng cảm, của lòng thương yêu đang dâng trào từ sâu thẳm trong lòng Ngài. Những cảm xúc ấy thực đến nỗi như có thể cầm nắm được vậy. Nhưng Ngài không nói một lời nào. Lúc ấy mắt tôi đã rớm lệ. Tôi chưa từng cảm nhận thứ tình cảm gì giống như vậy. Năng lượng từ bi quá đỗi nồng nàn như bao trùm lấy tôi”.

LÒNG TỪ BI LÀ MỘT CHỦ ĐỀ được Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Chưa có một bài thuyết pháp nào của Ngài mà tôi được nghe lại không đề cập đến chủ đề này. Tôi cũng biết rằng trong suốt nửa thế kỷ qua, chưa có buổi sáng nào Ngài lại không hành thiền về lòng từ bi.

Trong một cuộc phỏng vấn, tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma quan điểm của Ngài về lòng từ bi. Như thường lệ, Lhakdor vẫn ngồi bên cạnh Ngài.

“Lòng từ bi là thái độ quan tâm, lo lắng dành cho những nỗi đau và khó khăn của người khác”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. “Không chỉ với gia đình và bạn bè, mà là tất cả những người xung quanh. Thậm chí là kẻ thù. Nếu như chúng ta phân tích các cảm xúc của mình, có một điều sẽ hiển lộ rất rõ ràng. Nếu chúng ta chỉ biết nghĩ cho riêng mình mà quên đi người khác, thì tâm trí ta sẽ rất hạn hẹp. Trong sự hạn hẹp ấy, mỗi vấn đề tầm thường lại có vẻ vô cùng nghiêm trọng. Nhưng ngay khi ta biết quan tâm tới những người khác, ta nhận ra rằng, cũng giống như bản thân mình, họ chỉ muốn được sống một cuộc đời hạnh phúc và mãn nguyện. Khi nhìn nhận bằng thái độ biết quan tâm, tâm trí ta tự nhiên sẽ cởi mở. Và khi đó, những rắc rối ta gặp phải, dù có lớn tới đâu cũng sẽ không còn quá nghiêm trọng nữa. Kết quả là gì? Tâm trí ta trở nên thanh thản hơn gấp bội phần. Bởi vậy, nếu như chỉ biết nghĩ cho bản thân, cho niềm hạnh phúc cá nhân, kết quả là ta lại kém hạnh phúc hơn, nhiều lo âu sợ hãi hơn”.

“Đây là quan điểm của tôi về tác động của lòng từ bi: nếu như anh thực sự muốn có được hạnh phúc chân thật, thì dù anh có dùng cách gì để đạt được nó thì điều đó vẫn đáng trân trọng. Và cách tốt nhất là: khi anh biết nghĩ cho mọi người, anh sẽ là người đầu tiên được hưởng lợi nhiều nhất”.

Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng cách nào mà Ngài có được sự hiểu biết về lòng từ bi như vậy.

“Tôi có một trải nghiệm khó quên về lòng từ bi vào năm 32 tuổi”, Ngài kể. “Năm 1967, tôi được nghe bài thuyết pháp từ một vị lạt ma tôn túc về tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh của Tôn giả Tịch Thiên. Kể từ đó, tôi đọc và suy ngẫm về lòng từ bi. Tâm trí tôi trở nên gần gụi với nó hơn, những cảm xúc trở nên mãnh liệt hơn. Thường khi suy ngẫm về ý nghĩa và giá trị của một tâm hồn vị tha, tôi lại rơi nước mắt”.

Ngài quay sang nói với Lhakdor bảng tiếng Tây Tạng. Lhakdor thông dịch lại: “Dựa trên hiểu biết của riêng mình, lòng từ bi trong Ngài được vun đắp không ngừng kể từ khi ấy. Khi Ngài thiền về lòng từ bi, có đôi khi trong Ngài tràn ngập niềm hỷ lạc và sự trân trọng. Cùng với đó là một cảm nhận sâu sắc về sự quan tâm dành cho người khác và một cảm giác man mác buồn”.

“Từ sau năm 1967, trên con đường vun đắp lòng từ bi của Ngài còn có một bước ngoặt nào khác không?”

“Đó là một dòng chảy liên tục”, Ngài đáp bằng tiếng Anh trước khi quay qua Lhakdor và nói bằng tiếng Tây Tạng.

“Vào cuối thập kỷ 80, trải nghiệm của Thánh Đức về lòng từ bi ngày một sâu sắc hơn”, Lhakdor thông dịch lại. Tôi để ý thấy rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma hiếm khi nói trực tiếp với tôi về những cột mốc trên con đường phát triển tâm linh của Ngài. Có lẽ Ngài lo rằng làm như vậy sẽ tạo cảm giác giống như Ngài đang khoe khoang. Trông Ngài thoải mái hơn hẳn khi nhắc đến chuyện đó thông qua Lhakdor.

“Kể từ ấy, lòng từ bi đến với Ngài dễ dàng hơn phải không ạ?” Tôi hỏi.

“Đúng vậy”, Đức Đạt Lai Đạt Ma đáp, rồi nói thêm gì đó bằng tiếng Tây Tạng.

Lhakdor bắt đầu thuật lại: “Có điều, sau khi phát triển những trải nghiệm chân thực về lòng từ bi, Ngài thường xuyên có những cảm nhận về…”

“Sự chứng nghiệm, nói vậy mới đúng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngắt lời thông dịch viên của mình. “Không thể nói đó là những trải nghiệm chân thực. Đó phải là sự chứng nghiệm sâu sắc”.

Lhakdor nói tiếp: “Dấu chỉ cho sự chứng nghiệm sâu sắc ấy là mỗi khi Ngài hành thiền hay quán chiếu về lòng từ bi, những cảm xúc trong Ngài lại dâng trào mạnh mẽ, khiến Ngài rơi lệ trước công chúng khi đang thuyết pháp hay trong thư phòng riêng. Và khi Thánh Đức suy tưởng về những diễn giải sâu sắc của Tánh Không thì những cảm xúc mạnh mẽ ấy cũng được khơi dậy”.

“Tôi nghĩ rằng sự chứng nghiệm sâu sắc hay những cảm xúc mạnh mẽ ấy thực sự trau dồi nội lực trong tôi rất nhiều”, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. “Khi tôi phải đối mặt với các khó khăn hoặc sự chỉ trích, có đôi khi là những chỉ trích vô cớ từ phía Trung Quốc, tất nhiên tôi cũng cảm thấy khó chịu đôi chút…”

“Nhưng rồi Ngài lại khởi phát lòng từ bi hướng về họ, Lhakdor dịch lại. “Ngài lấy làm tiếc rằng mối quan hệ giữa hai bên không được tích cực hơn. Ngài nghĩ rằng dù vẫn còn những điều tiêu cực, nhưng các giá trị tích cực vẫn có cơ hội được nảy sinh. Thêm nữa: Thánh Đức muốn nhấn mạnh rằng việc vun đắp lòng từ bi là kết quả của một quá trình hành thiền lâu dài”.

“Đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ”, tôi nói thêm.

“Không hẳn như vậy”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. “Mỗi sớm bình minh, tôi suy tưởng về lòng từ bi trong vài phút. Thiền định một chút, rồi thiền định phân tích một chút. Tôi niệm lại lời thề từ bi mỗi sáng. Khi ấy, tôi vừa suy tưởng về lòng từ bi, vừa nhẩm lại vài đoạn kinh, cho tới khi cảm xúc trong tôi trở nên sâu sắc hơn”.

“Sự hiểu biết về Tánh Không giúp ích rất nhiều trong việc vun đắp lòng từ bi. Nó giúp bồi đắp lòng từ bi trong ta”, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói vừa lấy ngón trỏ tay phải chỉ lên không trung vài lần.

Lhakdor giải thích thêm: “Tánh Không cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về chân như. Nó giúp ta trân trọng hơn tri thức về sự tương thuộc – một quy luật căn bản của tự nhiên. Ta cảm thấy biết ơn vì cơ bản tất cả chúng ta đều liên kết với nhau. Chính bởi sự liên kết từ bên trong này mà ta có thể thấu cảm với những khổ đau mà người khác đang phải chịu đựng. Có được sự thấu cảm, lòng từ bi sẽ tuôn chảy một cách tự nhiên. Ta bồi đắp được sự đồng cảm chân thành với những khổ đau của người khác và tăng thêm ý chí để giúp họ loại bỏ nỗi đau ấy. Nhờ vậy, Tánh Không củng cố các cảm xúc tích cực như Lòng Từ Bi”.

Tánh Không và Lòng Từ Bi. Trí tuệ và phương pháp. Đây là hai trụ cột trong quy tắc hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma – và là tất cả những gì chúng ta cần biết về sự thực hành tâm linh. Ngài thường sử dụng phép ẩn dụ để diễn giải tầm quan trọng to lớn của chúng. Giống như một con chim cần đôi cánh để bay, một người có trí tuệ mà không có lòng từ bi thì cũng giống như một vị ẩn sĩ cô độc sống một cuộc đời vô vị trên núi; một người giàu lòng từ bi mà không có trí tuệ thì chẳng khác gì một kẻ khờ đáng mến. Chúng ta cần có cả hai giá trị này, chúng luôn bổ trợ cho nhau. Một khi ngộ ra rằng tất cả chúng ta đều có mối liên kết với nhau, sẽ không khó để khởi phát lòng từ bi dành cho những khó khăn của người khác. Một khi cảm nhận về lòng từ bi ấy đến với ta, ta bắt đầu ý thức được phần nào đó về chân lý muôn thuở của sự tương thuộc, của Tánh Không.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi trầm ngâm. Sau một hồi, Ngài quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi nghĩ rằng có điều này tôi thấy khá chắc chắn. Tôi có thể nói với anh rằng việc hành thiền song song giữa Tánh Không và Lòng Từ Bi…” Rồi Ngài lại chuyển sang nói bằng tiếng Tây Tạng.

Lhakdor thông dịch lại: “Thánh Đức nói bằng lòng xác tín rằng: Nếu ta hành thiền về Tánh Không và Lòng Từ Bi, thì chỉ cần ta cố gắng, Thánh Đức chắc chắn rằng không sớm thì muộn ta cũng sẽ đạt được những lợi ích thấy rõ. Thái độ sống của ta sẽ thay đổi”.

“Tôi nghĩ rằng đây là hai cách thiền tập rất thông minh…”. Nói rồi Ngài trầm ngâm, dường như chưa chắc chắn rằng “thông minh” có phải là từ ngữ thích hợp hay chưa. Ngài nhìn xa xăm, hai bàn tay để ngay trước mặt. “Tôi nghĩ, hai pháp thiền tập ấy rất hiệu quả. Việc hiểu được Tánh Không khiến mọi thứ mềm đi, rồi Lòng Từ Bi lại tạo ra các hình thù mới”. Vừa dứt câu, Ngài khum hai tay lại và đập vào nhau giống như hai cái chũm chọe.

“Như tạo hình cho đất sét vậy”, Lhakdor bổ sung.

“Cảm nhận về lòng từ bi là một cái gì đó sống động – theo như trải nghiệm cá nhân của tôi”, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp lời. “Tôi sẽ kể một số trải nghiệm của mình với người khác, chia sẻ về những điều mình cảm thấy, để người khác hiểu: có thứ gì đó có thật, một điều gì đó đang sống.

Nếu không, nhiều người có ấn tượng: đây là một cái gì đó giống như ‘thiên đường của Phật giáo – chỉ là ý tưởng, chỉ là khái niệm, mà không có thực…”

“Gần giống như kể một câu chuyện cổ tích vậy”, Lhakdor cắt nghĩa, còn Đức Đạt Lai Lạt Ma cười sảng khoái, toàn thân Ngài đung đưa qua lại trên chiếc ghế của mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRƯỞNG DƯỠNG 2 KHÍA CẠNH LÒNG TỪ BI VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG – CON ĐƯỜNG THỰC HÀNH TRONG CÁC PHÁP TU
  2. LÒNG TỪ BI HƠN TẤT CẢ MỌI THỨ
  3. LÒNG TỪ BI CÓ THỂ CẢM HÓA ĐƯỢC TẤT CẢ

Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả VICTOR CHAN

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC
  3. TÂM NỔI SÓNG, TÂM BÌNH LẶNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ