NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Thượng sĩ Huệ Trung
1/ Một cuộc đời không bình yên
a) Gia đình
Thượng sĩ Huệ Trung (1230-1291) là con của Trần Liễu, và là anh ruột của Trần Hưng Đạo. Trần Liễu là anh ruột của Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của đời Trần.
Trần Thủ Độ đã chỉ đạo cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng, vị cuối cùng của nhà Lý và sau đó Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Vì không có con, Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu, lúc đó đã có thai vài tháng, lên làm hoàng hậu.
Đó là bi kịch ngay trong đời nhà Trần đầu tiên, vì sau này con của Trần Liễu là Trần Tung (Thượng sĩ Huệ Trung) và Trần Hưng Đạo. Bên kia, con của vua Trần Thái Tông là Trần Quang Khải. Chúng ta đều biết Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo là hai người có công nhất trong các cuộc kháng chiến Nguyên Mông. Thậm chí trước khi mất Trần Liễu đã dặn dò Trần Hưng Đạo báo thù cho mình. Nhưng sự giàn hòa của hai tướng quốc lớn nhất của đời Trần là một câu chuyện cảm động vì nghĩa lớn thay vì tình riêng, và trong đó chắc chắn có ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo, vì ba vị vua đầu tiên của đời Trần không chỉ là những vị vua tài giỏi mà còn là những hành giả cao cấp của Phật giáo.
Trong hoàn cảnh như vậy, ngay cả Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông cũng đã có lần bỏ ngôi lên núi Yên Tử muốn sống đời xuất gia với Quốc sư Trúc Lâm. Thượng sĩ Huệ Trung là anh cả của Trần Hưng Đạo, chắc hẳn cũng bị không ít sóng gió trong tâm hồn trước sự ngang trái này của hoàn cảnh gia đình hoàng gia họ Trần.
2/ Một thời đại đầy thách thức
Ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xảy ra năm 1257-1258, năm 1285 và năm 1287-1288. Đó là một cuộc kháng chiến rất khó khăn vì cả ba lần nhà Trần đều phải bỏ thủ đô Thăng Long để cho giặc đốt phá.
Trần Hưng Đạo đều tham dự ở cả ba lần với chức danh cao nhất thống lĩnh toàn quân. Thượng sĩ Huệ Trung là anh Trần Hưng Đạo và hơn hai tuổi, chắc hẳn ông đã tham dự cả ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Lần thứ nhất khi ông 27 tuổi và lần thứ ba khi ông đã 58 tuổi và chỉ 3 năm sau thì từ giã cõi đời. Trong 3 lần đó, 2 lần sau ông đã tham dự nhiều hơn, nhiều trách nhiệm hơn, vì đã là hàng cao tuổi trong triều đình.
Như thế, suốt cuộc đời ông phải lo bận rộn với chiến trận để gìn giữ đất nước và nhà Trần.
Trong cuộc đời bận rộn ấy, ông vẫn theo con đường học đạo. Ông theo học Thiền sư Tiêu Dao, một nhà sư nổi tiếng cuối đời Lý. Ông là học trò của Thiền sư Tức Lự. Về đạo học ông được vua Trần Thánh Tông thứ 2 đời Trần, một vị thâm sâu về Thiền học, phong cho danh hiệu Thượng Sĩ, tương đương với từ Bồ tát. Ông còn là vị thầy của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 đời Trần.
Qua tiểu sử vắn tắt này, chúng ta thấy Thượng sĩ tu Đạo ngay trong Đời, và ở Đời mà sống Đạo.
3/ Sanh tử nhàn mà thôi
Cuộc đời một người nằm trong khoảng sanh ra (sanh) và chết đi (tử). Sanh tử là từ của Phật giáo để chỉ một đời người trong vòng sanh tử luân hồi. Đạo Phật chỉ dạy cho con người làm thế nào sử dụng đời người để biết được giải thoát và tự do.
Cuộc đời của Thượng sĩ nhiều bận rộn, từ gia đình cho đến thời cuộc, thế thì ông đã thực hành Phật giáo, sống với Pháp Phật như thế nào, để có những bài ca giải thoát và tự do còn để lại trong Ngữ lục? Đó là điều chúng ta cần tìm hiểu để sống được hoàn cảnh và thời đại của mình cùng lúc sống một đời sống Phật pháp.
Một người sống cùng thời với Thượng sĩ là tiểu đệ tử Pháp Đăng đã kính cẩn ca ngợi ông như thế này:
“Mới biết Thượng sĩ thật là bậc Bồ tát sống, ở trong nhà vị đại anh hùng Vạn Kiếp Hưng Đạo đại vương.
Thuở nhỏ, Thượng sĩ sống trọn đạo trung hiếu, đạo vua và cha. Gặp thời nước nhà lâm nạn, ngài đã hai lần ngăn giặc Thát Đát (Mông Cổ). Nghiệp lớn đã thành, bèn vui chơi thú Thiền”.
Vị Bồ tát sống ở trong đời ấy thấy đời sống như thế nào để có thể sống cả đời trong thế gian mà vẫn vô sự, tự do, hoan hỷ? Hãy lấy một bài thơ, một bài ca làm thí dụ. Đó là bài Sanh tử nhàn mà thôi (Sanh tử nhàn nhi dĩ).
Tâm hễ sanh hề, sanh tử sanh
Tâm mà diệt hề, sanh tử diệt
Sanh tử xưa nay tự tánh Không
Thân huyễn hóa này cũng sẽ diệt
Phiền não Bồ đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Lò lửa vạc sôi chóng mát lành
Rừng kiếm, núi đao liền gảy hết
Thanh Văn ngồi thiền, ta không ngồi
Bồ tát nói pháp, ta nói thật.
(Tâm chi sanh hề, sanh tử sanh
Tâm chi diệt hề, sanh tử diệt
Sanh tử nguyên lai tự tánh Không
Thử huyễn hóa thân diệc đương diệt
Phiền não Bồ đề ám tiêu ma
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Hoạch thang, lô thán đốn thanh lương
Kiếm thọ, đao sơn lập tồi chiết
Thanh Văn tọa thiền ngã vô toạ
Bồ tát thuyết pháp ngô thực thuyết).
Ở đây không giảng giải chi tiết, chỉ nói đến lý do, nguyên nhân nào khiến Thượng sĩ vẫn ung dung vô sự trong cuộc đời sanh tử không bằng phẳng, êm ả của mình.
“Tâm hễ sanh hề, sanh tử sanh. Tâm mà diệt hề, sanh tử diệt. Sanh tử xưa nay tự tánh Không”. Sanh tử là sự sanh diệt của tâm. Sanh tử, sự sanh diệt của tâm vốn là tự tánh Không, nghĩa là bản tánh của sanh tử, bản tánh của sự sanh diệt của tâm vốn là tánh Không. Sanh mà thật ra không sanh, diệt mà thật ra không diệt, vì sanh và diệt đều là tánh Không, ở trong tánh Không. Khi thấy và sống được bản tánh Không của sanh tử và cũng là bản tánh Không của tâm, người ta giải thoát khỏi sanh tử ngay khi đang ở trong sanh tử:
Phiền não Bồ đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Lò lửa vạc sôi chóng mát lành
Rừng kiếm núi đao liền gảy hết.
Tất cả vấn đề là thấy và sống được tự tánh Không của tất cả tâm và vật.
Sanh tự vọng sanh, tử vọng tử
Bốn đại vốn Không, từ đâu khởi
Chớ như nai khát đuổi sóng nắng
Chạy đông bắt tây không tạm dừng.
Pháp thân không đến cũng không đi
Chân tánh không phải không chẳng phải
Đến nhà phải biết thôi hỏi đường
Thấy trăng khỏi khổ tìm ngón chỉ
Người ngu điên đảo sợ sanh tử
Người trí thấy rõ, nhàn mà thôi.
(Sanh tự vọng sanh, tử vọng tử
Tứ đại bổn Không tòng hà khởi
Mạc vi khát lộc sấn dương diễm
Đông tẩu tây trì vô tạm dĩ
Pháp thân vô khứ diệc vô lai
Chân tánh vô phi diệc vô thị
Đáo gia tu trí bãi vấn trình
Kiến nguyệt an năng khổ tầm chỉ
Ngu nhân điên đảo bố sanh tử
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ).
“Sanh tự vọng sanh, tử vọng tử. Bốn đại vốn Không, từ đâu khởi?” Ở trên nói sanh tử chính là sự sanh diệt của tâm. Ở đây nói rõ thêm sanh tử, sanh diệt của tâm có thật hay không.
Cái thấy “đạt quan” của ông là kết quả của sự quán chiếu – lâu mau tùy người – bản chất của sanh tử, sự sanh diệt của tâm. Sự quán chiếu này nằm trong con đường thực hành của đạo Phật. Muốn “thấy rõ” phải thực hành quán chiếu.
Quán chiếu để trực tiếp thấy được sự thật là “sanh tự vọng sanh, tử vọng tử”. Nghĩa là sanh tử, sanh diệt đều là vọng, hư vọng, không thật. Tự vọng sanh, tự vọng tử, chẳng dính dáng gì đến “con người thật” của ta cả.
Khi thấy được sanh tử, sanh diệt là hư vọng, người ta thấy ra nền tảng của sanh tử, của sanh diệt là “Pháp thân không đến cũng không đi. Chân tánh không phải không chẳng phải”. Hoặc ngược lại, khi người ta trực tiếp thấy được phần nào Pháp thân, Chân tánh, người ta sẽ thấy sanh tử, sanh diệt là hư vọng, “sanh tự vọng sanh tử vọng tử”.
Cho nên cái làm cho sanh tử, sanh diệt trở lại bản chất của chúng là hư vọng, cái làm cho người ta có thể nhàn trong cuộc đời sanh tử và sanh diệt này, đó chính là Pháp thân, Chân tánh, nền tảng của mọi xuất hiện của sanh tử, sanh diệt. Khi sống ở trong Pháp thân, Chân tánh, mọi xuất hiện của sanh tử, sanh diệt đều hư vọng, như huyễn. Do đó “sanh tử nhàn mà thôi”.