JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Tham Thiền vẻ đẹp và tình yêu; Krishnamurti; Thanh Lương - Thích Thiện Sáng dịch; NXB Lao Động - 2007
J.Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm. Cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện“, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ. (Xem thêm)
NƠI TƯ TƯỞNG CHẤM DỨT
Nếu bạn đi bộ xuyên qua thị trấn nhỏ trên một đường phố có nhiều cửa tiệm của nó – tiệm bánh mì, tiệm chụp hình, tiệm sách và quán ăn lộ thiên – bạn đi qua dưới một cây cầu, ngang qua một tiệm may, vượt qua một cây cầu khác, ngang qua nhà máy cưa, nhìn ngắm tất cả những sự vật mà bạn đã đi ngang qua, với cặp mắt và tất cả những giác quan của bạn tỉnh thức hoàn toàn, nhưng không hề có một tư tưởng nào cả trong tâm trí – thì bạn sẽ biết được hiện hữu mà không có sự phân biệt chia chẻ có nghĩa là gì. Bạn đi theo dòng suối đó một hay hai dặm gì đó – lại lần nữa không hề có một sự động đậy nào cả của tư tưởng – nhìn ngắm dòng nước chảy mạnh, lắng nghe tiếng ồn ào của nó, trông thấy màu sắc của nó, dòng suối trên núi màu xanh xám, ngắm nhìn những cội cây và bầu trời xanh qua những cành lá và ngắm nhìn những chiếc lá xanh – lại không có lấy một tư tưởng nào cả, không có lấy dù một từ duy nhất – thì bạn sẽ biết được không có khoảng cách giữa bạn và ngọn cỏ có nghĩa là gì.
Nếu bạn tiếp tục đi xuyên qua những đồng cỏ với cả ngàn đóa hoa đủ loại màu sắc có thể tưởng được của chúng, từ màu đỏ chói cho đến màu vàng và màu tím, và cỏ xanh tươi của chúng đã được rửa sạch bởi trận mưa đêm rồi, xum xuê và xanh mướt – lại không có lấy dù là một vận hành đơn độc của bộ máy tư tưởng – rồi thì bạn sẽ biết tình yêu là gì. Ngắm nhìn bầu trời xanh lơ, những cụm mây nở bung ra trên cao, những ngọn đồi xanh lục với những đường nét rõ rệt nổi bật trên bầu trời, bãi cỏ xum xuê và những đóa hoa đang tàn héo – ngắm nhìn mà không có một từ ngữ nào của ngày hôm qua; rồi thì, khi tâm trí tĩnh lặng hoàn toàn, yên lặng hoàn toàn, không bị quấy động bởi bất cứ một tư tưởng nào, khi mà người quan sát hoàn toàn vắng mặt – thì liền có nhất-thể-tính. Không phải rằng bạn được hợp nhất với hoa, hay với mây, hay với những ngọn đồi bao quát kia; đúng hơn là có một cảm giác về sự không hiện hữu hoàn toàn, về vô-thể-tính rốt ráo mà trong đó sự phân chia giữa bạn và người khác, cái khác không còn tồn tại. Người đàn bà đang mang những thực phẩm nọ mà bà ta mua ở chợ, con chó bẹcgiê lớn màu đen, hai đứa bé đang chơi banh – nếu bạn có thể ngắm nhìn tất cả các điều này mà không hề có một ngôn từ, không hề có một sự đo lường trắc lượng, không hề có bất cứ sự liên tưởng nào, thì sự tranh chấp bất hòa giữa bạn và người khác, cái khác sẽ chấm dứt vậy. Trạng thái này, không có ngôn từ, không có tư tưởng, là khoảng không bao la của tâm trí vốn không hề có những giới hạn, những biên giới mà bên trong biên giới đó cái tôi và cái không – phải – tôi có thể hiện hữu tồn tại. Đừng cho rằng đây là một tưởng tượng, hay là một sự phiêu diêu nào đó của ảo tưởng, hay là kinh nghiệm thần bí được mơ ước nào đó; nó không phải thế. Nó thì thực cũng như con ong trên đóa hoa kia hay như cô bé trên chiếc xe đạp nọ hay như người đàn ông đang leo lên chiếc thang để sơn nhà đó – toàn thể sự xung đột của tâm trí trong sự phân biệt chia chẻ của nó đã chấm dứt. Bạn nhìn mà không có cái nhìn của người quan sát, bạn nhìn mà không có giá trị của ngôn từ và sự đo lường trắc lượng của ngày hôm qua. Cái nhìn của tình yêu thì khác với cái nhìn của tư tưởng. Cái này dẫn đi trong một chiều hướng mà nơi đó tư tưởng không thể dõi theo được, còn cái kia thì đưa đến sự phân biệt chia chẻ, đưa đến sự xung đột và khổ đau. Từ sự khổ đau này bạn không thể đi đến cái kia được. Khoảng cách giữa hai cái được tạo ra bởi tư tưởng, và tư tưởng không bằng bất cứ bước nhảy nào có thể vươn đến cái kia được.
Khi bạn đi bộ trở về ngang qua những căn nhà nông trại nhỏ, ngang qua những đồng cỏ và con đường ray xe lửa, bạn sẽ thấy rằng ngày hôm qua đã chấm dứt: cuộc sống bắt đầu nơi mà tư tưởng chấm dứt vậy.
“Tại sao tôi lại không thể thành thật vậy?” cô hỏi, “Tự nhiên tôi lại không thành thật. Không phải vì tôi muốn thế, mà vì nó tuột ra khỏi tôi. Tôi nói những điều mà tôi không thực sự muốn nói. Tôi không đang nói về những cuộc nói chuyện có tính cách lịch sự không nhắm vào cái gì cả – lúc ấy ta biết rằng ta đang nói chỉ để nói vậy thôi. Nhưng ngay cả khi tôi nghiêm túc, tôi vẫn thấy mình nói những điều, làm những điều mà chúng không thành thật một cách phi lý. Tôi cũng nhận thấy điều này ở nơi chồng tôi nữa. Anh ấy nói một việc và làm một việc gì đó hoàn toàn khác hẳn. Anh ấy hứa hẹn, nhưng ta biết quá rõ rằng trong khi anh ấy đang nói điều đó, anh ấy không hoàn toàn có ý muốn nói nó; và khi ta chỉ nó ra cho anh ấy thì anh ấy lại bực mình, đôi lúc rất giận dữ. Cả hai chúng tôi đều biết rằng chúng tôi không thành thật trong rất nhiều điều. Một ngày nọ anh ấy nói ra một lời hứa với một người mà anh khá kính trọng, và người ấy ra đi và hoàn toàn tin tưởng vào chồng tôi. Nhưng chồng tôi không giữ lời hứa của anh ấy và anh ấy lại kiếm nhiều cớ để chứng minh rằng anh ấy đúng và người kia sai. Ông biết đấy cái trò chơi mà chúng tôi chơi với chính mình và những kẻ khác – nó là thành phần của cái cấu trúc và tương giao của xã hội chúng ta. Đôi khi nó vươn tới mức độ quá xấu xa và gây xáo trộn sâu xa – và tôi đã đi đến tình trạng đó rồi. Tôi vô cùng phiền bực, không chỉ về chồng tôi mà còn về chính bản thân mình nữa và tất cả những ai nói một điều rồi làm một điều khác lại còn nghĩ một điều gì khác nữa chứ. Những nhà chính trị đưa ra những lời hứa và ta biết chính xác những lời hứa của họ có nghĩa là gì. Họ hứa hẹn thiên đàng trên trái đất và ta biết rất rõ là họ sẽ tạo địa ngục ở trần gian – và họ sẽ đổ thừa việc đó cho những yếu tố vượt quá tầm kiểm soát của họ. Tại sao ta lại không thành thật đến tận nền tảng như thế chứ?”
Thành thật có nghĩa là gì? Có thể nào có sự thành thật không – nghĩa là sự hiểu biết thấu triệt sáng suốt, thấy những sự vật như chúng là – nếu có một nguyên tắc, một lý tưởng, một công thức cao cả? Có thể nào ta thẳng thắn không nếu có sự rối loạn? Có thể nào có vẻ đẹp không nếu có một tiêu chuẩn về cái gì là đẹp và ngay thẳng chính trực? Khi có sự phân chia này giữa cái đang là và cái nên là, cái như thực và cái như nguyện, thì có thể nào có sự thành thật không – hay chỉ có một sự không thành thật có vẻ khả kính và mang tính giáo dục? Chúng ta được nuôi lớn giữa hai cái – giữa cái thực sự là và cái có thể là. Trong khoảng hở giữa hai cái này – khoảng hở của thời gian và không gian – là tất cả mọi giáo dục của chúng ta, mọi đạo đức của chúng ta, mọi điều đấu tranh của chúng ta. Chúng ta luôn giữ một cái nhìn phân tâm chia trí lên cái này lên cái kia, một cái nhìn của sợ hãi và một cái nhìn của hy vọng. Và có thể nào có sự thành thật, sự chân thành trong cái trạng thái mà xã hội gọi là giáo dục không? Khi chúng ta nói chúng ta không thành thật, thực chất là chúng ta muốn nói có một sự so sánh giữa cái chúng ta đã nói và cái đang là. Ta đã nói một điều gì đó mà chúng ta không có ý muốn nói; có lẽ đưa ra một lời bảo đảm qua loa hoặc bởi vì ta bị bối rối, rụt rè hay hổ thẹn phải nói ra một cái gì đó vốn thực sự là. Vì thế sự e sợ và sợ hãi có tính cách lo lắng khiến cho chúng ta không thành thật. Khi chúng ta đang theo đuổi thành công thì chúng ta ắt phải có một chút gì đó không thành thật, phải nịnh hót một người khác, phải ma giáo xảo quyệt, phải dối trá để đạt được mục đích của mình. Hoặc giả ta đã được quyền lực hay một địa vị mà ta muốn bảo vệ. Vì thế tất cả mọi sự đề kháng, mọi sự bảo vệ, đều là một hình thức của sự không thành thật. Thành thật là không có những ảo tưởng về chính mình và không có mầm mống của ảo tưởng – vốn là ham muốn và khoái lạc.
“Ông muốn nói rằng ham muốn sản sinh ra ảo tưởng ư! Tôi ham muốn một ngôi nhà xinh đẹp – không có bất cứ ảo tưởng nào trong đó cả. Tôi ham muốn chồng tôi có một địa vị tốt hơn – tôi cũng không thể thấy ảo tưởng nào trong đó cả!”
Trong ham muốn luôn có cái tốt hơn, cái lớn hơn, cái nhiều hơn. Trong ham muốn có sự đo lường trắc lượng, có sự so sánh – và gốc rễ của ảo tưởng là sự so sánh. Cái tốt không phải là cái tốt hơn, thế mà toàn thể cuộc sống của chúng ta được dùng để theo đuổi cái tốt hơn – cho dù đó là cái phòng tắm tốt hơn, hoặc địa vị tốt hơn, hoặc thần thánh tốt hơn. Không hài lòng với cái đang là tạo nên sự thay đổi trong cái đang là. Cải thiện không phải là thay đổi, và chính sự cải thiện không ngừng này – cả trong chúng ta và trong đạo đức xã hội – đã sản sanh tính không thành thật.
“Tôi không biết tôi có theo kịp ông không, và tôi không biết có muốn theo ông không”, cô nói với một cái mỉm cười. “Tôi hiểu trên mặt ngôn từ những gì ông nói, nhưng ông đang dẫn đến đâu đây? Tôi thấy điều đó khá đáng sợ. Thực ra nếu tôi sống theo những gì ông đang nói, thì có lẽ chồng tôi đã mất việc làm rồi, vì trong thế giới kinh doanh, buôn bán, làm ăn luôn có rất nhiều sự không thành thật. Con cái chúng tôi cũng vậy được nuôi dạy phải tranh đua, phải đấu tranh sinh tồn. Và khi tôi nhận thức được, theo những gì ông đang nói, rằng chúng tôi đang huấn luyện chúng sống không thành thật – dĩ nhiên là không phải một cách lộ liễu, nhưng bằng những cách tinh tế và quanh co – thì tôi bỗng kinh hãi cho chúng. Làm thế nào chúng có thể đối đầu được với thế gian, vốn quá ư là không thành thật và nhẫn tâm, trừ phi bản thân chúng cũng có ít nhiều tính không thành thật và nhẫn tâm này? Ồ, tôi biết tôi đang nói những điều kinh khiếp, nhưng nó là thế đấy! Tôi đang bắt đầu thấy rằng tôi cực kỳ không thành thật làm sao ấy!”
Sống mà không hề có một nguyên tắc, không hề có một lý tưởng là sống đối diện với cái đang
là từng giây phút một. Sự đối diện thực sự với cái đang là – vốn là tiếp xúc với nó một cách hoàn toàn, chứ không qua ngôn từ hay qua những liên tưởng và những ký ức quá khứ, mà là trực tiếp tiếp xúc với nó – là thành thật vậy. Biết rằng cô đã nói dối và không kiếm cớ biện minh cho nó mà thấy được sự kiện thực của nó là tính thành thật; và trong tính thành thật này luôn có vẻ đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp không làm thương tổn bất cứ một ai. Nói rằng ta là một kẻ nói dối là một sự thừa nhận sự kiện; đó là thừa nhận một lỗi lầm như là một lỗi lầm. Nhưng tìm kiếm những lý do, duyên cớ và những biện minh cho nó là tính không thành thật, và trong việc này luôn có sự tự thương mình. Sự tự thương mình là bóng tối của tính không thành thật. Điều đó không có nghĩa là ta phải trở nên tàn nhẫn với chính ta, nhưng đúng ra là ta chú tâm. Chú tâm có nghĩa là quan tâm đến, là nhìn ngó đến.
“Tôi chắc chắn là đã không mong đợi tất cả những điều này khi tôi đến đây. Tôi đã cảm thấy khá xấu hổ về tính không thành thật của mình và đã không biết phải làm gì về việc đó. Sự không có khả năng làm bất cứ điều gì về việc đó khiến cho tôi cảm thấy tội lỗi, và chiến đấu với tội lỗi hay đề kháng lại nó lại sẽ đưa ra những vấn đề khác nữa. Bây giờ tôi phải suy nghĩ cẩn thận mọi điều ông đã nói mới được.”
Tôi xin mạn phép đưa ra một đề nghị, xin đừng có suy nghĩ về điều đó kỹ càng. Hãy nhìn thấy nó ngay bây giờ như nó là. Từ việc nhìn thấy đó, một cái gì mới mẻ sẽ xảy ra. Nhưng nếu có suy nghĩ nó kỹ càng thì cô sẽ quay lại một lần nữa vào trong cùng chính cái bẫy rập cũ ấy vậy.