VIRENDER KAPOOR
Nếu như đam mê có thể làm biến đổi cuộc sống của bạn, mang lại hạnh phúc, thành công và khiến bạn thỏa mãn, giúp bạn đạt đến đỉnh cao thì việc bạn cần dành thời gian để xác định niềm đam mê của bản thân là một việc rất nên làm. Đam mê có sức mạnh biến suy nghĩ thành hành động và tiếp thêm nguồn năng lượng sáng tạo. Chúng ta chỉ sống có một lần, chúng ta xứng đáng được sống đúng con người thực của mình.
Hãy cứ nhiệt thành theo đuổi những giấc mơ của bạn. Niềm hứng khởi này sẽ giống như một khu rừng đang bừng bừng cháy… bạn có thể ngửi, cảm nhận và nhìn thấy đám lửa từ cách xa hàng dặm đường.
– Khuyết danh
Bản tính và trực giác bên trong mách bảo những điều bạn thích, những điều bạn ghét. Chúng ta thường xuyên phớt lờ những dấu hiệu này. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng đào sâu hơn, cố gắng nhận diện những dấu hiệu và tăng thêm hiểu biết về chúng. Chúng ta sẽ biết được nên dùng phương pháp nào để tìm ra “những chiếc đèn tín hiệu” này. Chắc hẳn bạn đã nhiều lần nghe những người thành công chia sẻ rằng ngay từ thuở ấu thơ, họ đã muốn trở thành diễn viên, kiến trúc sư hay nhà thiết kế thời trang.
Một số người kể rằng họ mê máy bay, bởi thế họ chọn nghề phi công. Một số người sớm tìm được thứ khiến họ say mê và được cha mẹ hết lòng ủng hộ bằng việc để họ theo đuổi ước mơ của mình đến cùng. Những người này vô cùng may mắn bởi họ được làm công việc yêu thích từ bé. Điều này cũng giống như bạn được kết hôn cùng bạn thanh mai trúc mã của mình.
Nhiều người lại nhận ra tiềm năng và sở thích đặc biệt của bản thân sau khi đã dấn bước vào một công việc thực sự. Tôi được biết có những nhà văn lớn, ban đầu họ chỉ cộng tác cho các tạp chí để tiêu khiển cho vui mà thôi. Dần dần được nhiều người biết đến, họ viết ngày càng lên tay và bắt đầu nghiêm túc theo nghiệp viết – họ khám phá ra khuynh hướng mạnh mẽ của bản thân sau một quá trình dài. Rất nhiều người khác lại tìm ra niềm yêu thích của bản thân khi đã nghỉ hưu, kết thúc một sự nghiệp thành công, năng động và miệt mài. Và những người quyết định theo đuổi sở thích của mình kể cả khi đã “lui về vườn” thực sự làm rất tốt, họ đã đưa nó vượt quá tầm thành công – và coi đó như sự nghiệp thứ hai của mình.
Cứ nhìn Tiến sĩ APJ Abdul Kalam – Tổng thống Ấn Độ thì biết, ông chính là minh chứng cho thấy niềm đam mê của bạn có thể xuất phát từ ngoại cảnh. Khi nhỏ ông mơ ước trở thành phi công nhưng cha ông lại muốn ông làm việc trong chính phủ. Cho đến một ngày thầy giáo của ông dạy bài học về cách bay lượn của loài chim. Thầy yêu cầu các học sinh của mình nghĩ xem các chú chim lấy đâu ra sức mạnh để bay. Kể từ ngày đó Abdul Kalam chưa bao giờ ngừng bay cao bay xa. Ông không trở thành phi công nhưng ông trở thành một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tên lửa! Hiểu theo cách nào đó, niềm đam mê được bay hoặc khiến cho các vật bay lên có mối liên hệ đặc biệt. Tôi sẽ nói thêm về khía cạnh này ở chương sau, khi đó chúng ta sẽ bàn về việc thúc đẩy niềm đam mê của bạn.
Một điều quan trọng khác bạn cần hiểu thêm là sự khác biệt giữa tình yêu và đam mê. Đôi khi bạn thấy hứng thú trước thứ gì đó, nó có thể nhen nhóm niềm say mê trong bạn. Tuy nhiên có thể giữa cảm giác hứng thú và niềm đam mê đó không có mối quan hệ khăng khít. Bởi xuất phát từ thực tế, bạn phải có khả năng, năng lực hoặc tiềm lực theo đuổi điều bạn thực sự yêu thích. Có thể tôi ước mơ trở thành một nhạc sĩ tài ba, nhưng trước hết tôi phải có năng khiếu âm nhạc đã. Trên thực tế, việc có được khả năng theo đuổi chính là một yêu cầu vô cùng quan trọng để đạt được thành công. Bạn cần hiểu thấu mối quan hệ này, bởi lẽ có niềm hứng thú nhưng bất lực, nhiều khi đó là một cái bẫy nguy hại.
Chúng ta sẽ cùng bàn thêm cách theo đuổi sở thích ở chương tiếp theo. Yêu thì mù quáng nhưng kết hôn sẽ khiến bạn mở mắt ra. – Khuyết danh
Kể cả khi bạn không thực sự đam mê thứ gì đến độ có thể coi nó là “khởi nguồn năng lượng” của mình, bạn vẫn luôn tìm được niềm hứng khởi trong công việc hiện tại. Với công việc hàng ngày, sẽ có những khía cạnh tích cực và những khía cạnh tiêu cực. Chúng ta cùng xét trường hợp bạn làm công việc liên quan đến máy vi tính. Có thể bạn không thích soạn và gửi thư điện tử, nhưng đôi khi bạn được giao soạn thảo bản trình chiếu Power Point, máu bắt đầu dồn lên não bạn nhiều hơn, bạn cố sức tìm kiếm thêm các phần mềm hỗ trợ để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện, sống động và có vô vàn hiệu ứng. Sếp của bạn rất thích, đồng nghiệp của bạn ghen tỵ khi nhìn thành quả cuối cùng này. Dần dần, khi nhìn nhận khả năng của mình, có thể bạn sẽ chọn học thêm vài khóa học đồ họa hay hiệu ứng và dấn sâu vào lĩnh vực này.
Như vậy bạn đã tìm được niềm đam mê của chính mình. Nhiều khi bạn không tạo được bước ngoặt nhưng vẫn tiếp tục thực hiện những phần công việc yêu thích – trong trường hợp này, có thể bạn sẽ xung phong phụ trách soạn thảo các bản trình chiếu, bạn cảm thấy hài lòng với công việc vì bạn được đảm nhiệm công tác bên lề đó. Ngại gì mà bạn không thử trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trên thực tế, mất công một chút cũng xứng trước khi bạn tạo nên sự đột phá.
Bạn không thể lúc nào cùng yêu thích mọi thứ, nhưng bạn có thể hứng thú và dành phần lớn thời gian cho một số thứ nhất định. Chúng ta thử cùng xét trường hợp bạn là một kỹ sư mới vào nghề. Bạn cũng có sở thích vẽ tranh sơn dầu. Sở thích này xuất hiện vài năm trở lại đây, trong thời gian đó bạn đã vẽ được hơn 25 bức tranh. Một ngày nọ, một người bạn của bạn nhìn thấy bộ tranh này, chúng ta cứ giả định bộ tranh khá ấn tượng, anh bạn đó gợi ý bạn tổ chức một cuộc triển lãm tranh. Rõ ràng bạn chưa hề nghĩ đến ý tưởng này nhưng bạn cảm thấy việc đó cũng khá khả quan!
Anh bạn đó cũng giới thiệu cho bạn địa điểm tổ chức là một cửa hàng trống của bạn anh ta, bạn có thể thuê với giá 1.000 rupi trong vòng hai ngày. Bạn lưỡng lự nghe theo, bỏ ra thêm một ít tiền để in 2.000 tờ bướm quảng cáo và mở triển lãm. Bạn bán được tám bức tranh và thu được 25.000 rupi. Bạn không chỉ trang trải được chi phí thuê mặt bằng và quảng cáo mà còn lãi ròng hơn 20.000 rupi. Thừa thắng xông lên, bạn bắt đầu nghiêm túc coi trọng sở thích của mình, thay vì phí hoài các ngày lễ và kỳ nghỉ cuối tuần trước màn hình ti vi, bạn bắt đầu vẽ tranh với một “cảm hứng” mới. Trong vòng vài năm, bạn vẽ được thêm khoảng 40 bức tranh nữa. Thông qua phản hồi của người
tham dự, bạn nhận thấy mọi người thích các bức tranh của bạn vẽ hoa hồng hơn là tranh vẽ ngựa hay tranh phong cảnh. Bởi vậy bạn bắt đầu tập trung hơn vào chủ đề hoa hồng.
Sau đó, bạn xem xét ý định mở một phòng trưng bày tranh và nhận thấy phần chi phí bỏ ra không vượt quá mức bạn thu được từ đợt triển lãm. Bạn quyết định thuê mặt bằng, đăng quảng cáo trên báo và tổ chức triển lãm tranh lần hai với quy mô lớn hơn. Bạn không chỉ bán được nhiều tranh – với mức giá cao hơn hẳn lần đầu mà còn được một vài tờ nhật báo phỏng vấn (tất nhiên là có kèm chụp hình). Bạn đã cán đích. Trong vài năm, bạn đã kiếm được số tiền lớn hơn khoản lương từ công việc chính – đã đến lúc bạn nên thay đổi. Bạn đã tìm được niềm đam mê cho bản thân, và thông qua niềm đam mê ấy, bạn tìm được công việc mới cho chính mình.
Mỗi sinh vật trên hành tinh xinh đẹp này được Chúa tạo ra để thực thi một nhiệm vụ đặc
biệt. – Abdul Kalam
Trong khuôn viên các trường đại học kinh tế, tôi thường nghe sinh viên nói rằng họ muốn có được một bản hồ sơ cá nhân cho một ngành nghề cụ thể. Dù việc tìm được một công việc phù hợp với khả năng của bạn là rất tốt, nhưng trong giai đoạn này của cuộc đời, bạn đừng quá coi trọng yếu tố đó, ít ra cũng đừng lấy nó làm phương tiện thần kỳ để có được việc làm. Lý do vô cùng đơn giản, giai đoạn này còn quá sớm để xác định rõ bạn thực sự thích hay không thích điều gì, bạn có khả năng làm gì và không làm được loại công việc nào.
Khi khởi nghiệp, bạn nên chọn công việc tương đối phù hợp với khả năng và ngành học của mình. Sau đó bạn cần trải nghiệm một thời gian để khám phá ra nghề phù hợp với mình nhất. Có thể sẽ phải mất đến 5 năm. Dù bao lâu đi nữa, nếu bạn muốn học hỏi và tìm ra điều mình thực sự thích, bạn phải giữ vững niềm khao khát và tâm thế vô tư. Khao khát được học hỏi và tâm thế vô tư để dấn thân mà không băn khoăn mình đang làm đúng hay sai.
Cuốn sách này không nhằm mách bảo bạn tạo bước chuyển nghề nghiệp mà chủ yếu giúp bạn thấy thoải mái hơn trong công việc và quyết định thay đổi nếu cơ hội đến. Tôi cũng không có ý định đưa ra một công thức chuẩn kiểu: “Một lời khuyên tạo ra mọi giải pháp”, bạn phải tự nỗ lực tìm ra điều bản thân thực sự mong muốn. Một góc độ khác cần xem xét là tiềm năng kế thừa của bạn. Chúng ta được thừa hưởng nhiều thứ từ bố mẹ. Theo định luật Mendel, chúng ta được di truyền một số tật bệnh, đặc điểm, tính cách, thậm chí là năng khiếu từ tổ tiên trong vòng bảy thế hệ. Mendel vốn là một thầy tu người Áo, vào thế kỷ XIX, ông đã nghiên cứu lĩnh vực di truyền học. Chính Darwin cũng nhận thấy, các gen lặn có thể biểu hiện sau vài thế hệ.
Kinh Vệ Đà cũng nhắc rằng có một số đặc điểm, nét tính cách trong mỗi người được truyền lại và ảnh hưởng trong
vòng bảy đời. Lối tư duy, sở thích, cách hành động và những mong muốn của chúng ta một phần có liên quan đến tổ tiên của mình. Bởi vậy, bạn thường gặp những gia đình có truyền thống âm nhạc. Quy luật tự nhiên vốn vô cùng phức tạp, có thể trong số bốn anh con trai của một nhạc sĩ tài ba, chỉ có một người thực sự bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Do đó, bạn có thể tìm ra tiềm năng mà bạn được thừa kế dựa vào đầu mối là việc quan sát các thành viên trong gia đình, thậm chí hãy tìm hiểu sâu hơn về bảng gia phả.
Có thể bạn có quan điểm thực dụng, khác hẳn bố và ông nội mình, nhưng biết đâu bạn được thừa hưởng từ ông cố! Vì thế bạn đừng vội lo lắng nếu anh chị của bạn không giỏi toán và suy đoán logic, trong khi bạn lại rất rành các khoản này. Trong nhiều trường hợp, đặc điểm di truyền chính là tài sản thừa kế của bạn, có thể bố mẹ bạn không để lại nhiều đất đai, vàng bạc hay tiền của nhưng bạn được thừa hưởng những nét tính cách tốt đẹp, năng khiếu nổi trội, nhờ đó bạn được đền đáp xứng đáng.
Loài người chúng ta có khả năng khám phá cách thức mới hiệu quả hơn cho mọi việc, thậm chí chúng ta có thể làm được rất nhiều điều với một lượng công cụ ít ỏi. Chúng ta luôn luôn phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt, cháy rừng… Bản năng đấu tranh sinh tồn tồn tại trong mỗi cá nhân, chúng ta luôn muốn đánh bại những người còn lại. Bởi vậy quan niệm “ta thắng người bại vì trong một cuộc chiến không thể cả hai đều giành phần thắng” ăn sâu vào dòng máu của chúng ta. Đấu tranh sinh tồn là công cuộc vô cùng khó khăn, bởi vậy chúng ta luôn hướng đến mục tiêu sống sót và các hoạt động kiếm tiền hơn là theo đuổi niềm đam mê của bản thân. Đấy là lý do vì sao các bậc phụ huynh (những người được thừa hưởng lối tư duy kể trên) luôn đòi hỏi con cái mình phải theo đuổi một nghề nghiệp và học tập theo hướng đó.
Mỗi người khi sinh ra trên đời đều đã có sẵn niềm đam mê. Nó như ngọn lửa trong tim, ngọn đuốc trong tâm trí soi đường cho chúng ta, tiếp thêm nguồn năng lượng để chúng ta theo đuổi con đường đó. Dù tốt dù xấu, ngọn lửa trong tim mỗi người sẽ cháy sáng nhờ vào những ký ức, trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên nếu chúng ta không tiếp thêm năng lượng thì dần dần nó sẽ lụi tàn. Bỏ bê ngọn lửa nhỏ này cũng giống như khi bạn quên tiếp nhiên liệu cho chiếc xe của mình. Điều đáng mừng là ký ức không bao giờ chết – chúng ta luôn luôn có cơ hội khơi gợi chúng.
Chúng ta không nhìn nhận sự việc như nó vốn có, chúng ta nhìn nhận theo quan niệm của
riêng mình. – The Talmud