THIỀN SƯ HƯ VÂN
- GIÁO HÓA PHẢI LẤY MÌNH LÀM GƯƠNG.
Thứ Ba 26 tháng 03 nhuần Ất Mùi (1955)
Phàm Kinh điển giáo pháp Phật thuyết giảng, không lìa bốn chữ “Tín, Giải, Hạnh, Chứng”. Kinh nói: “Tín là mẹ các công đức”.
Tín là: Tín tâm. Trên Kinh Hoa Nghiêm các vị Bồ tát từ Sơ tín đến Thập tín đều phát xuất từ lòng tin. Tin cái gì? – Tin diệu pháp Như Lai nửa câu một câu đều là “Chỉ thẳng tâm người kiến tánh thành Phật” – Lời Thế Tôn vô cùng chuẩn xác, cực kỳ chân thật, (chân vạn xác), không thay đổi. Người tu chỉ cần theo tâm này mà dụng công, chẳng nên hướng ngoại tìm cầu, tin tự tâm mình là Phật, tin lời Ngài nói, không dối, không đổi.
Giải là: Cử chỉ động niệm, nhị đế viên dung, tự mình hiểu rằng thuyết pháp biến hóa, thảy đều từ tâm mình lưu xuất, phóng đại quang minh, chiếu kiến tất cả, … Đây chính là Giải. Mặc dù đã hiểu minh bạch nhưng không thực hành thì không thành công, cho nên phải “khẩu tụng tâm duy”. Tâm khẩu tương ưng, không trái nhau. Không nên miệng nói như gấm như hoa, mà bụng chứa đầy tham, sân, si, kiêu mạn. Như vậy là nói suông, khoe rỗng – tuyệt chẳng được ích lợi gì.
Tâm duy là gì? Phàm đã thốt lời thì phải y theo Thánh giáo, kiểm soát từng hành động cử chỉ của mình. Cân nhắc từng cử chỉ, thăm dò từng động niệm, chẳng sai đạo lý, dù là tý ti.
Hễ nói được là hành được, vậy mới là ngôn hạnh không khiếm khuyết. Nếu nói được hoa trời rơi đầy, mà hành động sai quấy, thì thà rằng đừng nói. Hành có nội hành, ngoại hành, nghĩa là trong, ngoài phải tương ưng. Trong thì đoạn hai chấp ngã pháp, ngoài phải hành hết tất cả hạnh thiện, hành tỉ mỉ.
Chứng là: Thật chứng, chân thường. Có Tín, có Giải mà không có Hành thì không thể Chứng, đây gọi là phát cuồng. Vì người nói pháp trên đời, nhiều như lông trâu, nhưng khi hành, thì chẳng biết thế nào là Thiền sư Pháp sư.
Ai cũng có một vài bản chú giải như Tâm Kinh, Kim Cang Kinh, Bát Thức Quy Củ Tụng, … cho đến Kinh Lăng Nghiêm. Trong đây còn có một số người chỉ cần được hỉnh mũi, (yếu tỵ khổng) (hãnh diện), nếu chú giải kinh lu bù, mà hành trì trái ngược giống như kẻ tục nhân, thì chỉ là nói ăn mà bụng chẳng no.
Động tác, hành vi có phân nội hành và ngoại hành. Nghĩa là bên trong phải định huệ viên dung, bên ngoài thì tứ oai nghi hằng tuân thủ; nghiêm trì giới pháp, chẳng phạm mảy may, được vậy đối với bản thân mới có ích lợi. Hơn nữa phải lấy bản thân mình làm gương, mới có thể giáo hóa người. Giáo hóa người không phải ở chỗ nói nhiều, mà quan trọng là phải hành cho tốt, vậy mới có thể cảm hóa nhân tâm.
Các vị hành cho tốt, chính là giáo hóa! Không nên để người thấy mình có hành vi bất hảo mà sinh thối tâm, tiếc hận. Như vậy sẽ chiêu đọa vô ích. Một khi hành không đúng pháp, là uổng phí công phu.
Chúng ta tu muốn thiên nhân đến cúng dường, thiên nhân chẳng thèm để ý tới, bởi vì chúng ta không có hành trì. Nếu là người hành trì chân chính, thì dù ở đầu đường phố chợ, tửu quán dâm phòng cũng đều là chỗ để dụng công. Nếu hành trì chẳng gá vật, vật đâu ngăn ngại người? Như gương sáng chiếu soi vạn tượng rõ ràng, chẳng giữ chẳng xưa thì cùng đạo tương ưng. Chấp tâm (trước tâm) mê cảnh, thấy pháp ngoài tâm là không đúng. Bản thân tôi tự xét cũng xấu hổ, hành chẳng đến mà cứ nói ra rả thì nào có ích chi. Kinh, Luận, Phật, Tổ ông chú, tôi chú, … xúm nhau chú giải đến không còn chú… được nữa. Cho nên thuyết pháp lợi người, phải lấy mình làm gương trước.
– Lấy mình làm gương ư? – Điều này chính tôi cũng cảm thấy xấu hổ.
- NÓI ĐƯỢC LÀM ĐƯỢC.
Thứ Hai, mồng 09 tháng 04 Ất Mùi (1955)
Hạnh giải tương ưng chính là nói được hành được. Cổ nhân có nói đến hành chẳng đến cũng có hành đến nói không đến. Hạnh giải viên dung vô ngại chính là nói làm đều đạt, tương ưng. Hiện nay chúng ta nói nhiều, mà hành ít, nên khó liễu. Quy Sơn Cảnh Sách nói: “Nếu có người bậc Trung, lưu tâm nơi giáo pháp, cũng là tốt.”. Chúng ta không những hành chẳng đến mà ngay cả nói cũng nói chẳng đến. Cổ nhân nhất cử nhất động, bên trong lẫn bên ngoài đều niệm niệm không lỗi, tâm khẩu tương ưng. Còn chúng ta tập khí thói xấu nhiều, điều phục cũng điều chẳng nổi. Bị gió cảnh thổi mít mù, không có thọ dụng chân thật.
Hễ muốn thuyết giáo thì rút ra từ những gì được nghe giảng hoặc trích dẫn từ Kinh luận Ngữ lục, Điển chương, … Song càng lớn tuổi trí nhớ càng lu mờ, giảng trước quên sau, giảng sau quên trước. Giảng cũng giảng chẳng tới, sống đã hạnh giải chẳng tương ưng, một đời trôi suông thì rất khổ.
– Vì khi hơi thở ra không vào, chẳng biết sẽ đi vể đâu? – Không thể làm chủ khi sinh tử đến, hằng ngày bị gió cảnh thổi mà chẳng thể buông – Đã làm chủ mình không nổi, thì có nói gì cũng vô ích! – Tôi nay thuyết cho các ông vẫn là Bồ tát bùn khuyên Bồ tát đất! Nhưng nếu các ông chịu nghe khuyên thì sẽ được lợi ích. Chỉ cần nhớ để cảnh chuyển, giống như chăn trâu phải nắm chắc sợi dây, hễ trâu không nghe lời thì quất cho nó mấy hèo, nếu thường hàng phục tâm giỏi, lâu ngày công phu sâu, sẽ có tin tức tới nhà.
(Kiến Châu, Như Thủy, Hạnh Đoan dịch – NXB Phương Đông).