KÍNH TRỌNG

THINLEY NORBU

Nguồn: SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU -Trò Phô Diễn Của Tự Tánh Của Năm Dakini Trí Huệ
Tác giả: Thinley Norbu
Người dịch: Nguyễn Nhàn Cát Đằng
NXB: Thiện Tri Thức, 2005

Thinley Norbu Rinpoche

Thinley Norbu Rinpoche là một học giả và Đạo sư Nyingma vĩ đại. Thinley Norbu Rinpoche là hiện thân của Kunkhyen Longchen Rabjam (Longchenpa 1308-1363). Trong thời niên thiếu, Thinley Norbu Rinpoche đã tu học chín năm tại Tu viện Mindroling và ngoài thân phụ ra, Ngài đã nhận nhiều giáo lý từ nhiều bậc Thánh vĩ đại khắp Tây Tạng.

—– ??? —–

Tôi lễ lạy và tôn kính xứ sở trí huệ bí mật,
Vô nhiễm và trọn vẹn cao cả.

Tinh túy của mọi thái độ ứng xử và lễ phép là kính trọng. Trong thời xa xưa khi những phẩm tính bên trong thanh tịnh được tự nhiên kính trọng và được xem là cao thượng nhất, người ta trở thành những ông vua, những nữ hoàng và những nhà quý tộc bằng những thái độ ứng xử và sự lễ phép tinh túy thanh tịnh của họ. Phẩm chất trung thực và chính trực của họ được dân chúng kính trọng với tâm thức thanh tịnh. Bởi thế họ giữ gìn được dòng tục lệ thanh tịnh này qua nhiều thế hệ, bất kể những hoàn cảnh thay đổi như thế nào.

Tinh túy cao cả tự nhiên của chúng ta là thanh tịnh từ nguyên sơ, nhưng trong thời hiện đại bị những nguyên tố bên trong chúng ta đã trở nên bị che ám và không tinh thuần nên chúng ta không tiếp xúc được với dòng cao thượng tự nhiên của chúng ta.

Thay vào đó, chúng ta bám dính vào những hoàn cảnh thô và vô thường, và khi những hoàn cảnh này thay đổi, sự ứng xử của chúng ta thường thô, kiêu căng và chập chờn. Sự cao thượng chân thật thì giống như vàng, luôn luôn không thay đổi bởi hoàn cảnh. Dù bạn đốt nó, nó vẫn là vàng; dù bạn cắt nó, nó vẫn là vàng; dù bạn xay nghiền nó, nó vẫn là vàng.

Hoặc chúng ta sanh ra trong dòng quý tộc hay cố gắng trở nên cao thượng bằng giàu có, quyền lực và uy tín, chúng ta không thể có những thói quen cao thượng thanh tịnh không biến đổi ở bên trong trừ phi chúng ta tích tập chúng từ nghiệp trước kia.

Nếu chúng ta không có thói quen kính trọng sâu xa tinh túy thanh tịnh bất biến của những thái độ ứng xử của xã hội mà chỉ thích nghi một cách bề ngoài với sự biểu hiện thô và vô thường của chúng, chúng ta chỉ lạm dụng quyền lực và địa vị bằng sự thiển cận này và chúng ta chỉ là những nhà quý tộc giả hiệu không đáng tin cậy.

Ngày nay, người từ những nước nghèo về chất thể thường coi thường tính cao thượng vì họ đồng hóa một cách sai lầm tinh túy cao thượng chân thật với những hành động thô bất tịnh của sự quý tộc giả dối.

Người từ những nước mạnh về chất thể không thể nhận biết những phẩm tính cao thượng chân thật bởi vì qua tâm thức thói quen máy móc kỹ thuật của họ, họ trở nên quá không kiên nhẫn để học kính trọng.

Những người từ mọi quốc gia đều cố gắng tìm thấy những phẩm tính cao thượng như trung thực, lòng tốt, can đảm và rộng lượng khi họ chọn những vị lãnh tụ của mình. Bởi vì họ hiểu rằng kính trọng tạo ra sự hài hòa và thông hiểu giữa con người. Nếu chúng ta nương dựa vào những nguyên tố thô bất tịnh và chất thể trơ lì không sống động, quyền lực bên ngoài của chúng ta có thể tăng thêm trong khi những nguyên tố thanh tịnh bên trong giảm sút; rồi sự kính trọng chân thật bị mất đi và bèn có không hài hòa và bạo động.

Khi chúng ta có những thói quen vật chất, chúng ta chỉ kính trọng cái gì chúng ta có thể sử dụng nó khi đang sử dụng nó. Nếu chúng ta thấy người cao cả, chúng ta chỉ kính trọng họ một cách tạm thời mà không phải là sâu xa và bất biến từ trong lòng mình. Chúng ta không thể mến phục hay được lợi lạc từ những phẩm tính tâm linh của họ bởi vì chúng ta thấy họ từ một quan điểm chất thể theo ý riêng của chúng ta.

Tâm thức chúng ta trở nên kẹt cứng trong những đối vật giả tạo và không sống động theo mối quan tâm của mình thế nên chúng ta không thể nối kết với tinh túy chân thật của họ. Nhưng nếu mục tiêu của chúng ta là giác ngộ, chúng ta phải kính trọng những người cao cả với những phẩm tính tâm linh và nương dựa vào họ để làm sắc bén những khả năng của chúng ta.

Từ quan điểm đời thường, mục đích chân thật của kính trọng là bày tỏ văn hóa và truyền thống là quý giá, là tri ân và tôn kính bằng cách nhận ra những phẩm tính quý giá của chúng. Từ quan điểm Pháp, mục đích chân thật của kính trọng là nối kết từ tâm với tâm qua những phẩm tính thanh tịnh có chất thể ở bên ngoài, chúng sẽ tạo ra nhiều hơn nữa những phẩm tính thanh tịnh không chất thể ở bên trong.

Có nhiều loại kính trọng trong những biểu hiện của thân, lời và tâm, nhưng nếu nguồn gốc kính trọng không từ tâm chúng ta, bấy giờ sự diễn tả sự kính trọng là giả dối. Đó là tại sao Phật Thích Ca nói, “Mọi hiện tượng vốn ở trong tâm. Tâm là chủ chốt và hiện hữu trước những hành động của thân và lời. Người nào nói và hành động với tâm thanh tịnh sẽ luôn hạnh phúc như bóng không bao giờ tách lìa khỏi hình của chúng”.

Nhiều vị thầy nói rằng chúng ta chỉ có thể kính trọng Pháp với tâm chúng ta nếu chúng ta cũng kính trọng nó với thân và lời của chúng ta, nhưng có những người kính trọng Pháp với thân và lời của họ nhưng vẫn còn bất kính với tâm của họ. Chẳng hạn, khi Thầy ở trong chánh điện và chúng ta quỳ nghiêm túc trước bàn thờ nhưng chúng ta duỗi chân ra ngay khi Ngài bỏ chúng ta ở lại một mình, đây sự bất kính. Khi nói với Thầy, chúng ta nói Thầy hay Ngài. Nhưng khi nói Thầy với người khác, chúng ta dùng một biệt danh, đó là bất kính. Hai lối biểu hiện của thân và lời này bày tỏ sự bất kính của tâm bất tịnh của chúng ta. Nơi nào có sự kính trọng giả tạo, nơi đó không có lễ độ đích thực và không có sự cao thượng thanh tịnh.

Để bày tỏ kính trọng chân thật một cách sâu xa và vi tế chúng ta phải làm cho tâm chúng ta thanh tịnh. Bấy giờ sự kính trọng của chúng ta sẽ không hai mặt. Luôn luôn tốt nhất là khảo sát tâm mình trước khi nói rằng chúng ta kính trọng ai, đồng thời nhớ rằng kính trọng chân thật luôn luôn đến từ tâm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẬN TÂM
  2. ĐÁNH GIÁ
  3. NGHỆ THUẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG VÀ ĐỨC TIN
  2. CHỮA LÀNH
  3. ĐI VÀO KIM CƯƠNG THỪA

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP