TẬN TÂM

DEAN CUNNINGHAM

Trích "Sống Sáng Suốt - Những Điều Đơn Giản Làm Thay Đổi Cuộc Sống Của Bạn"
Việt dịch: Nguyễn Hoàng Yến Phương

Dean CunninghamDean Cunningham là một huấn luyện viên về phát triển khả năng cá nhân, một cựu vô địch karate của Anh và là một vận động viên quốc tế. Ông tốt nghiệp Đại học Luân Đôn với bằng Cử nhân và bằng Thạc sĩ Kinh tế, và ông học tiếng Nhật tại Đại học Keio ở Tokyo. Công việc của ông với tư cách một nhà tư vấn trong lãnh vực thành tích con người đã bắt đầu với công ty Arthur Andersen (được Deloitte mua lại ở Liên hiệp Vương quốc Anh vào năm 2002) và đưa đến việc ông xây dựng nên doanh nghiệp riêng cho mình như một huấn luyện viên chuyên nghiệp.

—– ??? —–

Đối với nhiều người, sự tận tâm là một từ kinh khủng. Nó khiến người ta phát sợ khi phải gắn cả cuộc đời vào một mối quan hệ chẳng ra làm sao hoặc bị mắc vào một công việc không có hồi kết. Nhưng sự tận tâm không chỉ giới hạn trong cái cùm tay bằng vàng hay chiếc nhẫn cưới bạch kim.

Bạn cũng biết rằng để đạt được bất cứ thành tựu nào trong cuộc sống, chúng ta đều cần đến sự tận tâm. Cũng giống như một vận động viên chuyên nghiệp, bạn phải xác định rằng mình muốn được sung sức nhất, nỗ lực nhiều nhất và đặt mục tiêu cải thiện bản thân lên hàng đầu. Bất kể nắng mưa, các vận động viên đều có mặt. Dù cảm thấy mệt mỏi, họ vẫn có mặt. Dù hôm đó phải làm một việc nào khác, họ vẫn có mặt.

Các vận động viên hiểu rằng sự tận tâm không làm nên thành công, nhưng nếu không tận tâm, có thể họ sẽ không bức khỏi được vạch xuất phát, chưa nói đến việc hoàn thành cuộc đua. Và vì thế, khi luyện tập, họ đặt hết tâm quyết vào đó. Họ tập trung. Họ luyện tập cho một mục đích. Họ nỗ lực hết sức mình. Vì họ biết nếu không làm hết sức, họ sẽ lâm vào tình thế bất lợi. Trong cuộc sống cũng vậy. Không tận tâm. Không tiến bộ. Và sẽ không có thành quả nào.

 

Có thể bạn đang có một hoài bão, một mục tiêu, nhưng bạn có tận tâm với nó không? Sự tận tâm là nội lực và quyết tâm để bạn đạt mục tiêu. Nó không phải là thứ bạn có thể tạo ra. Bạn có nó hoặc không, thế thôi. Sự tận tâm tùy thuộc vào giá trị mà bạn đặt ra cho mục tiêu của mình. Nếu vấn đề đó không quan trọng với bạn, bạn sẽ không tận tâm với nó. Công việc và các mối quan hệ cũng vậy. Nếu bạn không đánh giá cao công việc hay mối quan hệ nào đó, bạn sẽ không gắn bó với nó được lâu dài.

Vậy nên nếu bạn đắn đo việc gắn bó với một người, một vị trí, hay một đường lối nào đó, hãy tự hỏi: “Mình có chắc rằng đây là điều mình muốn?”. Nếu câu trả lời là không, đừng phí thời gian.

Còn khi đó là điều bạn muốn nhưng vẫn thấy khó tận tâm được với nó, hãy biết rằng bạn không phải là người duy nhất phân vân như thế. Một số người vẫn thấy khó lòng theo đuổi một mục đích nào đó. Nếu bạn cũng vậy, hãy cố tìm hiểu xem lý do tiềm ẩn là gì. Hãy nhìn rõ những cảm giác và suy nghĩ đang kiềm hãm bạn. Có phải bạn sợ bị đào thải, bị tổn thương hay bị gò bó? Những suy nghĩ của bạn có hợp lý không? Hãy nhớ: tâm huyết đến từ tâm, không phải từ sự tính toán, hay từ người khác. Vì vậy, đừng để những suy nghĩ phi lý hay người khác kiềm hãm bạn. Chỉ bạn mới biết điều gì quan trọng đôi với mình. Hơn nữa, nếu bạn không biết đối với mình cái gì là quan trọng, bạn sẽ bị lôi kéo vào những ham muốn khác như bia rượu, quần áo, thức ăn vặt, đại loại thế. Vì vậy, hãy làm theo những gì trái tim bạn mách bảo.

Một khi đã tận tâm, bạn sẽ không chọn những con đường tắt hay đường phẳng dễ đi. Bạn cũng không chừa cho mình một lối thoát nào. Cứ như bạn đã ngồi trên tàu lượn siêu tốc vậy. Một khi đã ngồi vào đó rồi, bạn phải ở lại trên đó, phải đi cho đến cùng. Bạn cần sự kiên gan và bền chí để thực hiện quyết tâm của mình. Nhưng đây cũng chính là cách bạn biến ước mơ thành hiện thực.

Hãy hiểu: những sự tận tâm luôn phải có tính thực tế và khả thi. Vì vậy, đừng quá tham vọng. Hãy bắt đầu chậm rãi. Tăng dần lên từng chút. Bạn sẽ sớm hình thành một lề lối hay một thói quen và những sự tận tâm sẽ trở thành cách sống của bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐÁNH GIÁ

Bài viết khác của tác giả

  1. KHI BẠN CHO ĐI …
  2. SỰ BÌNH YÊN
  3. THA THỨ

Bài viết mới

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI