VUA ĐẠI QUANG MINH

KINH HIỀN NGU

Trích “Kinh Hiền Ngu_ Phẩm Thứ Mười Sáu”, Hán dịch: Sa Môn Tuệ Giác, Việt dịch: Thích Trung Quán

Người có trí lanh lợi, thì sự nhận xét minh mẫn, gặp việc gì trở ngại cũng giải quyết mau lẹ, gặp một duyên nhỏ có thể làm đại nghiệp. Kẻ biếng nhác ngoan độn, dẫu có gặp thắng duyên cũng không thể phát tâm cao cả.
Bởi thế con người luôn luôn phải có sự tiến hóa làm lành, lập chí tạo tác những thiện duyên gây thành đại nguyện thì mai này sẽ kết quả rực rỡ tôn nghiêm.

Khi đó đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.

Bấy giờ có bốn bộ đệ tử Vua quan dân chúng đương vây quanh đức Thế Tôn để cúng dàng. Trong đại hội có nhiều người nghĩ như vậy:

– Không rõ đức Thế Tôn bởi nhân duyên gì phát tâm vô thượng Bồ Đề lúc ban đầu? Tới nay thành Phật làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh, vậy chúng ta cũng nên phát tâm cầu thành Phật đạo để nối chí của Ngài mà làm lợi ích chúng sinh.

Tôi (A Nan) biết họ nghĩ như vậy đi lấy áo mặc chỉnh tề tới trước Phật quỳ gối chắp tay bạch rằng:

Kính lạy đức Thế Tôn! Đại chúng đây đều muốn biết rõ xưa kia Ngài từ nhân duyên gì phát Bồ Đề tâm, kính xin chỉ giáo để cho tất cả mọi người đều được lợi ích!

Phật dạy rằng: – Này ông A Nan! Hay lắm! Hay lắm! Ông hỏi như vậy có rất nhiều sự lợi ích, ông hãy nghe cho kỹ và suy nghĩ cho rành, tôi sẽ vì ông mà nói.

Bấy giờ trong đại hội đều im lặng, tất cả núi sông gió nước chim bay thú chạy cũng đều chiêm ngưỡng, không một tiếng động, đại chúng, trời, rồng, quỷ thần đều dốc lòng trông Phật, ai nấy vừa sợ vừa ham nghe.

Phật dạy rằng: A Nan ông nên biết, thời quá khứ đã quá lâu xa kiếp, A Tăng Kỳ vô lượng vô biên không tính xuể, cũng Châu Diêm Phù Đề này có một ông Vua nước lớn tên là Đại Quang Minh, trí tuệ thông minh phúc đức cao dày, nhân tướng oai nghiêm thuần hậu, có chơi thân với ông Vua nước láng giềng, hai ông giúp đỡ nhau từ tinh thần đến vật chất, nhất là có vật gì quý cũng tặng lẫn cho nhau.

Một hôm ông Vua nước láng giềng đi săn được hai con voi còn nhỏ, mình trắng như pha lê rất là quý đẹp, nhà Vua mừng thầm và tự nghĩ như vầy:

– Ta đem voi này tặng Vua Quang Minh.

Đưa về trang sức cho voi rất đẹp rồi sai người dắt sang hiến Vua Quang Minh.

Vua Quang Minh coi thấy con voi lạ cũng cho là một bảo vật đáng quý, nên trao cho người Quản tượng tên là Tán Xà dặn rằng:

– Trông coi cho cẩn thận, dạy bảo cho thuần thực, cho ăn uống ngon lành.

Quản tượng đưa về dạy bảo một thời gian được thuần thục, rồi đến tâu Vua rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Hạ thần vâng mệnh nuôi voi đã lớn, sự điều voi của hạ thần nhất mực bảo sao nghe vậy, cúi xin Bệ Hạ cho voi ra thí trường để dân chúng coi sự điều khiển của hạ thần.

Nhà Vua vui vẻ đáp rằng:

– Hãy khoan ít ngày để ta truyền cho quan quân, dân chúng hay tin trước.

Sau khi được chiếu chỉ của nhà Vua, từ thành thị cho đến thôn quê kéo nhau đi xem rất đông đảo, nhà Vua cỡi voi ra thí trường, trông rất oai nghiêm, đi sau có các quan văn võ. Con voi trai trẻ này, khí lực đương cường tráng, dục vọng nồng nàn, đi sắp tới thí trường nó nhìn thấy mấy con voi cái đang ăn ngó sen bên mé hồ, tự nhiên lửa dâm dục bốc khởi, túm cẳng chạy thẳng đến mấy con voi cái kia, voi cái hoảng chạy! Đuổi mãi, đuổi mãi! Cho đến rừng xanh cũng không thôi. Làm cho nhà Vua áo rách mũ rơi, gai góc đâm xiên vào mình, máu huyết chảy đẫm áo, nhà Vua tối mắt chẳng biết đông tây, sợ quá tự nghĩ rằng:

– Bây giờ làm cách nào để xuống được?

Quản tượng thưa:

– Xin Bệ Hạ hãy níu lấy cành cây để sa xuống đất.

Nghe lời Quản tượng, nhà Vua níu lấy cành cây xuống đất được vô sự, nhưng sờ lên đầu thấy mất mũ áo, trên mình rách ngang rách dọc và đẫm máu, thân thể đau đớn! Đương lúc đau khổ lại không biết lối ra.

Quản tượng cũng níu lấy cành cây nhảy theo rồi đi tìm Vua. Một lát thấy nhà Vua đương ngồi dưới gốc cây coi vẻ âu sầu buồn bã, Quản tượng quỳ xuống thưa:

– Cúi xin Bệ Hạ xá tội cho, và đừng buồn phiền nữa! Con voi này khi hạ cơn dâm dục nó sẽ nhớ cỏ ngon nước sạch thì lại trở về.

Nhà Vua nói:

– Thôi nhà ngươi còn nói chi nữa, từ nay ta sẽ không nhận ngươi và con voi ấy nữa.

Quản tượng không biết nói sao! Đành phải ngồi yên chờ Vua nguôi cơn giận.

Khi đó các ông quan chạy theo sau, có ông nhặt được cái mũ, cái áo, hoặc thấy máu me rải rắc từng giọt, đột nhiên thấy nhà Vua cởi con voi khác trở về. Khi đó có các bà Hoàng Hậu, Hoàng Phi, Hoàng Tử, Công Chúa nhân dân đều lo xanh mặt, vì sợ nhà Vua bị chết ai nấy đều rơi lệ như mưa.

Khi thấy nhà Vua đã trở về, mọi người vui vẻ!

Qua thời gian ngắn con voi đã thỏa mãn lòng dâm, bị ăn cỏ hôi, uống nước bẩn nơi rừng xanh, lại trở về kinh thành.

Quản tượng thấy voi về, vội vào triều tâu vua rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Con voi hôm nay đã trở về, xin Bệ hạ ra coi.

– Thôi, từ nay ta không muốn nhìn thấy ngươi và con voi ấy nữa.

Quản tượng lại thưa:

– Tâu Bệ Hạ, nếu Bệ Hạ không muốn thấy hạ thần và con voi ấy nữa, nhưng xin Bệ Hạ hãy xem cách điều phục voi của hạ thần một lần nữa.

Nhà vua nói:

– Khanh đã nói thế ta cũng cho!

Quản tượng bái tạ ra về, sửa soạn nơi thí trường và định ngày cáo thị cho dân chúng đến xem.

Tới ngày đó, Vua quan ra thí trường, nhân dân đến xem rất đông. Quản tượng dắt voi ra và đem theo bảy viên sắt lớn thầm nghĩ như vầy:

– Giờ đây ta bắt voi nuốt sắt, voi chết cũng hoài, vậy ta hãy tâu Vua may ra ngài có hối tâm chăng.

– Tâu Bệ Hạ! Con voi trắng này, chỉ Vua Chuyển Luân mới có, nó phạm chút lỗi nhỏ xin Bệ hạ tha thứ, không nên hủy bỏ.

Nhà Vua nói:

– Nếu ngươi không điều phục được nó, thì mời ta ra đây làm chi? Dầu ngươi có điều phục được, ta cũng không dùng nó và ngươi nữa.

Quản tượng thưa: Tâu Bệ Hạ! Bệ Hạ không dùng hạ thần thì thôi, nhưng rất tiếc không dùng voi.

Nhà Vua giận nói:

– Khanh đi ngay, bước ngay lập tức bây giờ!

Quản tượng đứng dậy vừa khóc vừa nói:

– Bệ Hạ không có thân sơ, chỉ ưa những lời nói khéo, nói ngọt, nịnh hót!

Tất cả mọi người nghe đều rơi đôi hàng lệ, và chăm chú nhìn voi, vì họ nhìn thấy bảy viên sắt đương nung đỏ tại lò, quản tượng sẽ bắt voi nuốt.

Quản tượng thị oai lớn tiếng nói:

– Voi mày nuốt viên sắt này đi, nếu không nuốt ta sẽ lấy móc sắt móc óc mày ra.

Voi thấy Quản tượng nói, sợ hãi run rầy, quỳ hai gối xuống đất, chầu về nơi nhà Vua ngự nước mắt chảy ròng! Có ý xin Vua xá tội, nhưng nhà Vua vẫn chưa nguôi cơn giận, lại càng bực tức thêm, rồi ngoảnh mặt đi. Quản tượng lớn tiếng nói:

– Mày không chịu nuốt à, còn chờ tao móc ư!

Voi liếc mắt nhìn xung quanh xem có ai can gián để cứu mình không! Nhưng không! Tự biết mình phải chết, vì không còn một thế lực gì nữa có thể trông cậy, bất đắc dĩ nằm ngửa há miệng.

Quản tượng bỏ bảy viên sắt nóng vào miệng voi bắt phải nuốt hết, nuốt xong voi nổ ruột chết liền.

Tất cả mọi người thấy thế cảm động thương voi. Ai nấy đều phải rơi lệ.

Nhà Vua cũng phải kinh sợ và ngạc nhiên, kêu Quản tượng lại hỏi:

– Quản tượng, khanh có tài điều phục voi như vậy, tại sao lúc ở rừng không ngăn được nó.

Lúc ấy ông Tịnh Cư Thiên biết Vua Quang Minh đã phát tâm Bồ Đề, dùng thần lực khiến Quản tượng quỳ xuống thưa rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Kẻ hạ thần này chỉ có thể điều phục được thân nó chứ không thể điều phục được tâm của nó.

Nhà vua hỏi: – Vậy có người nào đều phục được cả thân lẫn tâm nó không!

Đáp: – Tâu Bệ Hạ, chỉ có Phật điều phục được cả thân lẫn tâm của nó.

Nhà vua hỏi tiếp: – Khanh nói Phật, thì lấy chủng tính gì sinh ra Phật?

Đáp: – Tâu Bệ Hạ! Có hai chủng tính sinh ra Phật: Một là trí tuệ, hai từ bi! Chăm làm sáu việc: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ cũng gọi là sáu Ba La Mật, công đức và trí tuệ của sáu việc đầy tròn nên gọi là Phật! Như vậy có thể điều phục được mình và tất cả chúng sinh.

Nhà Vua nghe Quản tượng tâu xong, có vẻ vui sướng! Đứng dậy vào hậu cung tắm rửa sạch sẽ, mặc áo đội mũ tề chỉnh, lên lầu cao một mình, đốt trầm hướng về bốn phương thề nguyện rằng:

– Từ đây tôi sẽ đối với tất cả chúng sinh, phải có một tâm “Đại Từ Đại Bi”, rồi đọc bài kệ khấn rằng:

Nguyện đem công đức này
Hồi hướng về Phật đạo,
Sau này được thành Phật,
Tự điều phục tâm mình.
Và tất cả chúng sinh
Nếu một chúng sinh nào,
Ở địa ngục A Tỳ,
Trải qua đến một kiếp.
Có thể làm lợi ích
Và cứu khổ họ được,
Tôi sẽ vào ngục ấy,
Không bỏ tâm Bồ Đề.

Nhà Vua thệ nguyện dứt lời, thì sáu phương chấn động, trời đất rung chuyển, trên hư không văng vẳng, có tiếng âm nhạc, các vị Thiên tử đánh đàn ngợi khen rằng:

– Ngài phát nguyện cao cả ấy, chẳng bao lâu nữa được thành Phật, xin độ cho chúng tôi trước ở pháp hội thanh tịnh này.

Tới đây Phật nhắc lại cho các vị Tỷ Khưu biết rằng:

– Tỷ Khưu các ông nên biết! Con voi trắng bị Quản tượng bắt nuốt viên sắt nóng thuở đó nay là ông Nan Đà. Quản tượng nay là ông Xá Lợi Phất, vua Đại Quang Minh chính tiền thân của ta. Nhân lúc thấy Quản tượng điều phục voi ta phát khởi tâm cầu đạo Phật bắt đầu.

Trong đại hội khi nghe Phật nói sự phát khởi tu đạo của Ngài xong, ai nấy vui mừng, rồi có người được chứng quả A La Hán, có người phát đại đạo tâm, mỗi người đều kính tin cúi đầu tạ lễ mà lui.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT
  2. LÒNG NHÂN TỪ
  3. “ĐẶC SẢN SỨC MẠNH MỀM” CỦA NGƯỜI NHẬT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ