JULIA HIRSCH
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, Số 301, Ngày 15/07/2018
Người dịch: Cao Huy Hóa
Lời người dịch:
Trong Tuần văn hóa Hàn Quốc tổ chức tại thành phố New York (Mỹ), từ ngày 26 – 28/09/2017, văn hóa ẩm thực chay đã được giới thiệu và trình bày với tính cách là ẩm thực chay trong nhà chùa Hàn Quốc. Người điều khiển chương trình ẩm thực chay trong tuần văn hóa đó là Ni sư Beop Song người Hàn Quốc. Biên tập viên Julia Hirsch của tạp chí Phật giáo Tricycle đã có cuộc trò chuyện thú vị với Ni sư, và viết bài, lên mạng ngày 05/10/2017, với nhan đề: “Cooking Your Way to Enlightenment with Korean Buddhist Nun and Chef Beop Song.”.
Tạm dịch: “Nấu ăn với bếp trưởng, Ni sư Beop Song, như là đường lối tu tập.”.
*****
Mặc dầu thức ăn nhà chùa đã nổi tiếng về mùi vị nhẹ nhàng và không gợi tưởng tượng, hơn 55,000 người nước ngoài đã đến những ngôi chùa hẻo lánh trên núi ở Hàn Quốc mỗi năm để trải nghiệm về đời sống tu viện và ăn chay, theo ghi nhận của Ban Văn Hóa của Phật giáo Hàn Quốc.
Ni sư Beop Song, tác giả sách nấu ăn, người viết chuyên mục thức ăn, người dạy làm bếp, vẫn khéo phân chia thời gian giữa chùa Yeongseonsa ở chân đồi thành phố Daejeon với việc du lịch khắp thế giới, đã giải thích vì sao chế độ ăn chay của Phật tử Hàn Quốc lại quyến rũ khẩu vị người Tây Phương.
– Ni sư khơi dậy tình yêu nấu ăn như thế nào?
– Khi tôi trở thành một ni cô, tôi không thực sự làm nhiều việc bên ngoài bốn bức tường nhà chùa. Suốt ba năm đầu tiên, một việc mà tôi có thể làm là vào nhà bếp ngắm những người khác chuẩn bị thức ăn và giúp họ rửa chén đĩa. Thỉnh thoảng tôi đi lui sân sau của chùa để hái rau diếp và nấu cơm.
Thời gian 4 năm tiếp theo, tôi học Phật pháp chuyên sâu hơn. Giữa thời gian đó tôi có cơ hội nấu ăn cho nhiều thầy và sư cô. Tôi nấu ăn và tôi quá thích. Thức ăn tôi nấu ngày hôm nay là do tôi đã học từ quan sát những vị Thầy của tôi và những Sư lớn tuổi. Ngày nay, khi tôi dạy các Ni trẻ về nấu ăn tại chùa, tôi nhấn mạnh việc học và hành phải đi đôi với nhau.
– Đó là chuyện hơn 20 năm trước, kể từ khi Ni sư ngày đó trở thành vị Ni. Điều gì lôi cuốn Ni sư vào đời sống nhà chùa?
– Tôi lớn lên ở Uljin, một thị trấn nhỏ hẻo lánh ở miền núi. Đó là mảnh đất không người ở và thiếu một ngôi chùa trung tâm. Cũng có một tu viện ở thị trấn lân cận, và tôi nhớ đã đi theo và cầm tay bà nội tôi, bất kể bà đi đâu. Một thời gian lâu, trước khi trở thành Ni cô, tôi đã đọc Be As You Are (Hãy là như bạn là), một tuyển tập lời dạy của Sri Ramana Maharshi, và nhận ra có một thế giới hoàn toàn khác, ở đó không chấp sở hữu.
Tôi xin chia sẻ với bạn một đoạn thơ của Naong Hyegeun, một Thiền sư Triều Tiên thế kỷ thứ XIV.
Ngọn núi xanh hỏi tôi sống tĩnh lặng
Bầu trời xanh hỏi tôi sống không dơ
Hãy buông nổi giận, hãy xả lòng tham
Cả hai muốn tôi sống và đi xa
Như dòng suối và như gió.
Tôi sống như nước, như gió – đây là lý do tại sao tôi cạo đầu và mặc y này.
– Dường như vị Ni trẻ ngày đó đứng giữa hai thiên hướng. Làm sao hai lối thực tập – tâm linh và nấu ăn – có thể kết với nhau?
– Mắt cho bạn thấy, mũi cho bạn gửi, tai cho bạn nghe, xúc cảm cho cảm giác, và tâm cho suy nghĩ. Mọi thứ trong người bạn có phần việc của nó để nuôi sống bạn. Để có thể tu tập, làm việc, và làm bất cứ việc gì, bạn phải ăn, và thức ăn là vô cùng quan trọng cho mọi người.
Những từ để chỉ Tăng và Ni Phật giáo là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, được diễn dịch là “người nhận thức ăn” hay “người ăn xin”. Trong những hình tượng Phật giáo rộng rãi, và đặc biệt trong nhà chùa, thức ăn là thứ bận tâm ít thôi. Thức ăn giúp ta sống, và tiếp tục tu tập. Mục đích của ăn là duy trì sự sống của chúng ta.
Đối với tôi, nấu ăn nhà chùa là thực hành lòng biết ơn và nấu ăn liên quan chặt chẽ với cầu nguyện. Chúng tôi làm rất nhiều bánh gạo trong chùa khắp đất nước Hàn Quốc và luôn luôn rót lời Kinh vào thức ăn. Thỉnh thoảng tôi sống một mình để học, để thiền, và giữ bền bỉ lời nguyện. Những lúc khác, tôi trở về nhà bếp. Thông qua nấu bếp – có khi tôi hăng hái lắm – tôi có thể giúp người khác đến với Đạo Phật. Vì thức ăn nhà chùa trải rộng trên toàn cầu, nó trở thành ưu tiên trong đời sống của tôi, nhưng khi tôi về chùa cùng ăn và nấu với những vị Ni khác, chuyện nấu ăn chỉ là phần nhỏ trong cuộc sống của tôi. Đây là lý do tại sao tôi không xem tôi như là bếp trưởng, mà muốn xem mình như là vị Ni đang tu hành.
– Có nhiều chế độ ăn nhất thời, đến rồi đi, nhưng chế độ ăn Phật giáo, cũng như chính Phật giáo, là phổ thông ở Triều Tiên từ 1,700 năm. Có vẻ giống như những bếp trưởng ngày nay, những người thích nấu ăn và một ít học giả bắt đầu ghi nhận chế độ đó. Vì sao đợt sống bất ngờ này được quan tâm?
– Chế độ ăn nhà chùa phần chính dựa trên thực vật, với tiêu điểm là ăn theo mùa, ăn thực vật ở địa phương. Một lý do đơn giản là ngày nay, có nhiều người ăn chay vegan và vegetarian (ăn chay triệt để và ăn chay có dùng trứng và sữa) và số người đó tăng lên, họ đánh giá cao những điều bạn vừa nói. Mặc dầu thức ăn nhà chùa luôn luôn tồn tại ở Hàn Quốc, nó không phải là hoạt động ẩm thực trung tâm vì thực sự người Hàn Quốc thích ăn thịt và cá.
– Những bếp trưởng đã thâm niên hay đang tìm cái mới, cũng như những ai trong chúng ta thỉnh thoảng làm bếp nghiệp dư, có thể học được gì từ những nguyên tắc Phật giáo Triều Tiên và các phương pháp nấu ăn cổ truyền?
– Khi quý Tăng Ni lần đầu tiên học nấu ăn, quý vị được dạy phải tuân theo ba nguyên tắc hướng dẫn. Đầu tiên là tính sạch sẽ. Môi trường bạn sống, nguyên liệu, và quan trọng nhất là tâm của bạn, tất cả phải sạch. Một lần nọ, tôi bị thầy tôi rầy, tôi đi lui sân sau, tức quá, tôi đá vào một cái gì đó, rồi tôi đi vào nhà bếp. Thầy tôi sau đó không dùng bữa ăn do tôi nấu bởi vì thức ăn đã bị tôi đầu độc bởi cơn giận của tôi.
Nguyên tắc thứ hai đòi hỏi tính mềm dẻo, điều độ và hòa điệu. Có năm thứ rau hăng, cay bị cấm khi nấu ăn cho chùa: hành ta, hành tây, tỏi, cây chive có vị hành, wild garlic (một loại tỏi dại). Năm nguyên liệu đó có thể làm thay đổi vị của toàn bộ món ăn. Nhiều người cho rằng khi nấu, những thứ này khơi dậy sự thèm khát, và khi ở dạng tươi, chúng kích động nổi giận. Quý vị Tăng Ni luôn luôn cẩn trọng và tránh những thức ăn có tác dụng kích thích. Trong đạo Phật, sân hận và lòng tham, nếu có, cũng tham dự một phần vào thức ăn. Tùy bạn chọn, có nên ăn hai thứ đó hay không.
Sự hòa điệu đến từ việc cân bằng sáu mùi vị căn bản: vị do nêm gia vị, vị ngọt, mặn, chua, đắng và nhạt. Tôi thích suy nghĩ, làm sao bữa ăn cho tôi nấu có thể giúp hành giả tu tập, bởi vì nó đáp ứng điều mà quý Tăng Ni ở chùa mong muốn, phải không nào? Bạn hãy giữ trong tâm những người dùng thức ăn của bạn khi bạn nấu.
Cuối cùng, bạn phải theo lẽ tự nhiên. Bạn không nên bắt cái gì phải cho ngon. Tôi học được rằng chỉ khi bạn nấu với tâm vẹn toàn của bạn thì hương vị tự nhiên của thức ăn sẽ đến.
– Công thức nấu ăn và phong cách nấu của Ni sư là sáng tạo có tin. Phải chăng tính sáng tạo và biểu hiện cá nhân là rất quan trọng?
– Có một số thức ăn mà người Triều Tiên chán như: doenjang (Bột nhão đậu nành lên men) và bap (cơm) khai vị. Nếu bạn nấu mọi ngày theo cách thức như nhau, mọi người sẽ chán. Cũng như thế khi ăn mãi cùng một món ăn. Nếu bạn cho một nhóm người ăn cà tím hoài, họ sẽ bỏ về, để lại món ăn. Bữa ăn phải luôn luôn thay đổi một chút – bản tính con người thích vậy. Từ khi tôi giới hạn nguyên liệu chế biến, thì sáng tạo là chuyện tự nhiên của việc nấu ăn cho chùa hàng ngày.
Triết lý nấu ăn của Ni sư là về sự biến đổi. Trong suốt lần trình bày nấu ăn cuối tuần vừa qua, Ni sư đã cho chúng tôi biết làm thế nào tạo cái gì đó hoàn toàn mới từ những nguyên liệu hàng ngày thông thường.
Một trong những món ăn tôi thích nấu là gamjagui, hay lát khoai tây chiên, đặt trên đó là trái chà là đỏ Triều Tiên và hạt dẻ cho mỹ thuật. Tuy nhiên món ăn này không đạt đến mức như những gì mà tôi được học do ngắm thầy tôi làm. Chà là đỏ và hạt dẻ tươi được dùng bình thường trong việc nấu ăn tại chùa và được xem là nguyên liệu nổi tiếng ở Triều Tiên. Hai loại hạt đó tượng trưng bội thu mùa màng cho nhà nông, và do đó chúng được xuất hiện trong lễ cưới.
Vào cuối tháng Hai, chúng tôi cắt mầm từ củ khoai tây mà chúng tôi đã cất qua mùa đông. Rồi chúng tôi trồng cho mùa vụ mới. Chúng tôi gọt vỏ và cắt lát phần còn lại để làm thức ăn. Trong chùa, chúng tôi không bỏ phí một giọt nước hay một hạt gạo. Món ăn được trình bày vui mắt, nhưng tôi chỉ nấu với một trong những nguyên liệu phổ thông nhất. Bằng cách dưới lên trên khoai tây nước sốt đậu nành, siro hạt và những hương vị Triều Tiên cổ truyền, bạn sẽ có một đĩa ăn duy nhất, giàu dinh dưỡng từ thứ mà người ta thường bỏ đi.
– Chắc Ni sư cũng nghe câu chuyện châm ngôn phổ biến: Bạn là thứ gì mà bạn ăn (you are what you eat). Những người Phật tử có thể sửa đổi thành: Bạn là cách gì mà bạn ăn (you are how you eat). Tập quán ăn của chúng ta liên quan như thế nào đến phẩm chất của tâm?
Thức ăn – và cách chúng ta – có thể là thuốc tốt hay thuốc độc cho tiến trình tu tập tâm linh của chúng ta. Bình thường, mọi người vô cùng khổ sở về những gì mà họ ăn. Cứ đau khổ lui tới hoài mãi về chuyện ăn gì, cái khổ đó còn tệ hơn thực tại chúng ta đang ăn những gì được thụ hưởng. Cái gì quan trọng hơn cái chúng ta ăn, đó là ăn khi nào và ăn bao nhiêu. Tăng Ni ăn với lượng nhỏ và có khuynh hướng bão hòa mức 70% của cái bụng no. Ngay trong ngày hôm nay, quý Tăng Ni sẽ không ăn sau ngọ để giữ tâm trong sáng. Giảm đi lượng tiêu thụ và không ăn cho dạ dày của tâm là 2 điều mà người tôi cần hợp nhất trong đời sống.
Ngày nay, nhiều người hay ăn trễ về đêm. Có một câu châm ngôn ở Triều Tiên: bữa ăn cho bậc thánh từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng, bữa ăn cho con người từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, bữa ăn cho loài vật vào buổi chiều khoảng 5 giờ chiều, và cho ma quỷ sau 9 giờ tối.
Như thế tôi là con quỷ đói rồi! [Người phỏng vấn nói đùa].
[Cười] Không phải tôi đâu nhé! Tôi đi ngủ vào lúc 9 giờ tối và dậy vào lúc 3:30 sáng để tụng kinh.