NÓI LỜI KHEN CHÊ

BHIKKHU BODHI

Nguồn: Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội hợp tuyển từ Kinh tạng Pali - The Buddha’s Teachings on Sociakl and Communal Harmony, An Anthology of Discourses from the Pāli Canon

Tác giả: BHIKKHU BODHI

Việt dịch: Nguyên Nhật Trần Như Mai

NXB. Hồng Đức

Tỷ-kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, sinh năm 1944 tại Brooklyn, New York. Ngài là một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Theravāda.

Từ những năm ở lứa tuổi đôi mươi, Phật giáo đã có sức thu hút mãnh liệt đối với sư. Năm 1972, sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ Triết học tại Đại học Claremont Graduate School, sư du hành đến Sri Lanka (Tích Lan) và thọ giới Sa-di. Năm 1973, sư thọ giới Tỷ-kheo với giới sư là ngài Ānanda Maitreya, một vị sư học giả Phật giáo thuộc hàng ngũ lãnh đạo của Sri Lanka thời bấy giờ.

Năm 1984, Tỷ-kheo Bodhi được bổ nhiệm làm Chủ biên Hội Xuất bản kinh sách Phật giáo ở Kandy, Sri Lanka, sau đó ngài được bầu làm Chủ tịch Hội này. Ngài đã sinh sống và làm việc tại Sri Lanka hơn 20 năm.

Năm 2002, Tỷ-kheo Bodhi trở về New York. Hiện nay, ngài cư ngụ tại Tu viện Chuang Yen, New York và giảng dạy Phật pháp tại đây và tại Bodhi Monastery ở New Jersey. Ngài cũng là Chủ tịch Hội Phật giáoHoa Kỳ (Buddhist Association of the United States – BAUS), Hội Yin Shun, và Chủ tịch sáng lập Quỹ Phật giáo Cứu trợ toàn cầu (Buddhist Global Relief), đặt trụ sở tại New York, nhằm mục đích cứu trợ nạn đói và nạn thất học toàn cầu.

Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm “LờI Phật dạy về sự hòa hợp trong xã hội, Hợp tuyển từ Kinh tạng Pāli” do tác giả tuyển chọn những bài kinh tiêu biểu từ Kinh tạng Pāli liên quan đến đề tài này, sắp xếp lại theo từng chủ đề, với lời giới thiệu và nhận định sâu sắc trước mỗi chương, nhằm mục đích giúp độc giả nắm vững các điểm chính để hiểu rõ hơn các bài kinh được trích dẫn tiếp theo sau.

??

LỜI KHÉO NÓI

Sở hữu bốn yếu tố

Thế Tôn nói như sau: “Này các Tỷ-kheo, khi lời nói có được bốn yếu tố này, thì lời nói được xem là thiện lành khéo léo, không phải là lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo chỉ nói những lời thiện lành, không nói lời xấu ác. Vị ấy chỉ nói Chánh pháp, không nói lời không phải Chánh pháp. Vị ấy chỉ nói những gì vui vẻ dễ chịu, không nói những gì khó chịu. Vị ấy chỉ nói những lời chân thật, không nói láo. Khi lời nói có được bốn yếu tố này, thì lời nói ấy được xem là thiện lành khéo léo, không phải lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách.”

(Tương Ưng BK I, Ch.III ( VIII : V, tr 415)

Sở hữu năm yếu tố

 “Này các Tỷ-kheo, khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nóiđược xem là  thiện lành khéo léo, không phải là lời xấu ác, và  không bị người trí chỉ trích và chê trách. Thế nào là năm? Lời nói đúng thời điểm; nói những gì đúng sự thật; nói lời dịu dàng, nói những gì lợi ích, nói lời với tâm từ. Khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói ấy được xem là thiện lành khéo léo, không phải lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách.”

(Tăng Chi BKII, Ch V, (VIII ) : 198 , tr 701)

NÓI LỜI KHEN CHÊ

“Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm phẩm cách  này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ bị rơi vào địa ngục tương xứng. Thế nào là năm ? (1) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này ca  ngợi người đáng bị chê trách. (2) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này chê trách người đáng được ca ngợi. (3) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này tin tưởng một vấn đề đáng nghi ngờ(4) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này nghi ngờ một vấn đề đáng tin tưởng. (5) Vị ấy phung phí những gì được tịnh tín cúng dườngSở hữu năm phẩm cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ bị rơi vào địa ngục tương xứng.

“Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm phẩm cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ  được sinh vào cõi trời tương xứng. Thế nào là năm ? (1)  Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này chê trách người đáng bị chê trách. (2) Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này ca ngợi người đáng được ca ngợi. (3) Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này nghi ngờ một vấn đề đáng nghi ngờ. (4)Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này tin tưởng một vấn đề đáng tin tưởng. (5) Vị ấy không phung phí những gì được tịnh tín cúng dườngSở hữu năm phẩm cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ được sinh vào cõi trời tương xứng.”

(Tăng Chi BK II, Ch V,(XXIV):236, tr. 736- 738)

BIẾT KHEN  ĐÚNG LÚC

Rồi du sĩ Potaliya đi đến Thế Tôn và trao đổi những lời chào hỏi với Ngài. Sau đó, Thế Tôn nói với ông ấy:

– Này Potaliya, có bốn hạng người này hiện có mặt trong đời. Thế nào là bốn? (1) Ở đây, có người nói lời chê trách với người đáng chê trách, và lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; nhưng vị ấy không khen ngợi người đáng khen ngợi, mặc dù lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. (2) Có người khen ngợi người đáng khen ngợi, và lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; nhưng vị ấy không nói lời chê trách với người đáng chê trách, mặc dù  lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. (3) Lại có người không nói lời chê trách với người đáng chê trách, mặc dù lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; và vị ấy cũng không khen ngợi người đáng khen ngợi, mặc dù lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. (4) Lại có người khác nói lời chê trách với người đáng chê trách, và lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; vị ấy cũng khen ngợi người đáng khen ngợi, và lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. Đây là bốn hạng người hiện có mặt trong đời. Này Potaliya, giờ đây đối với ông, người nào trong bốn hạng người ấy là tối ưu và tối thắng?

– Thưa Tôn giả Gotama, đối với con, người tối ưu và tối thắng là người không nói lời chê trách với người đáng chê trách, mặc dù lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; và vị ấy cũng không khen ngợi người đáng khen ngợi, mặc dù lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama, vì điều tối thắng chính là xả.

– Này Potaliya, trong bốn hạng người này, ta xem tối ưu và tối thắng là hạng người nói lời chê trách với người đáng chê trách, và lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; và vị ấy cũng khen ngợi người đáng hen ngợi, và lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc.  Vì sao vậy ? Này Potaliya, bởi vì điều tối ưu và tối thắng là biết khen chê đúng lúc trong cả hai trường hợp.

                       (Tăng Chi BK I, Ch.IV, (X):100, tr.742- 745)

BIẾT NÊN NÓI GÌ VÀ NÓI NHƯ THẾ NÀO

Đức Phật nói với các Tỷ-kheo: “Người ta nói rằng: ‘Không nên nói ra điều bí mật, và không nên nói lời gây tổn thương.’ Và điều này được nói với ý nghĩa như thế nào?

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi hành giả biết rằng điều bí mật là không đúng sự thật, không chính xác, không lợi ích, thì hành giả không nên nói ra. Khi hành giả biết rằng điều bí mật là đúng sự thậtchính xác, nhưng không lợi ích, thì hành giả cũng  không nên nói ra. Nhưng khi hành giả biết rằng điều bí mật là đúng sự thậtchính xác, và lợi ích, thì hành giả có thể nói ra, biết rằng đã đến lúc cần nói ra.

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi hành giả biết rằng lời nói gây tổn thương là không đúng sự thật, không chính xác, không lợi ích, thì hành giả không nên nói. Khi hành giả biết rằng lời nói gây tổn thương là đúng sự thậtchính xác, nhưng không lợi ích, thì hành giả cũng  không nên nói. Nhưng khi hành giả biết rằng lời nói gây tổn thương là đúng sự thậtchính xác, và lợi ích, thì hành giả có thể nói, biết rằng đã đến lúc cần nói ra.

“Vì thế, chính với ý nghĩa như vậy mà người ta nói rằng: ‘Không nên nói ra điều bí mật, và không nên nói lời gây tổn thương.’ ”

(Trung BK III, Kinh số 139: Kinh Vô Tránh Phân Biệt, tr 534-535)

KHIỂN TRÁCH  NGƯỜI KHÁC

Tôn giả Sāriputta nói với các Tỷ-kheo như sau:

– Này, chư hiền, một Tỷ-kheo muốn khiển trách người khác thì trước tiên phải tự mình nắm vững năm pháp. Thế nào là năm? (1) Vị ấy phải suy xét: ‘Tôi sẽ nói đúng lúc, không nói không đúng lúc; (2) Tôi sẽ nói đúng sự thật, không nói lời dối trá’; (3) Tôi sẽ nói nhẹ nhàng, không nói lời thô bạo; (4) Tôi sẽ nói theo cách có lợi ích, không nói theo cách làm tổn hại; (5) Tôi sẽ nói với tâm từ, không nói với tâm sân.’ Một Tỷ-kheo muốn khiển trách người khác thì trước tiên phải tự mình nắm vững  năm pháp này…

– Này, chư hiền, một Tỷ-kheo khi bị khiển trách phải tự mình nắm vững hai pháp này: tôn trọng sự thật và không sân hận. Vị ấy phải suy nghĩ như sau: ‘Nếu người khác khiển trách tôi – dù đúng lúc hay không đúng lúc; dù nói đúng sự thật hay sai lầm; dù nói nhẹ nhàng hay nói lời thô bạo; dù nói theo cách có lợi hay theo cách làm tổn hại; dù nói với tâm từ hay với tâm sân – tôi phải nắm vững hai pháp này: tôn trọng sự thật và không sân hận. Nếu tôi biết: ’Trong tôi có tính cách đó’, thì tôi sẽ nói với vị ấy: ‘Đúng vậy, tôi có tính cách đó.’ Nếu tôi biết: ‘Trong tôi không có tính cách đó,’ thì tôi sẽ nói với người ấy: ‘Điều ấy không đúng. Trong tôi không có tính cách đó,’“

(Tăng Chi BK II, Ch V, (XVII): 167, tr 627- 628 & 631-632 )

249-Nói lời khen chê

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI
  2. HẠNH TÙY THUẬN CHÂN NHƯ
  3. TÂM KHẨU TƯƠNG ƯNG

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ KIỆN NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT
  2. NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO
  3. THANH LỌC TÂM

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH