VƯỢT LÊN BẢN NGÃ: BẢN THỂ ĐÍCH THỰC CỦA BẠN

ECKHART TOLLE

Trích: "Thức tỉnh mục đích sống"; Nguyên tác: A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose; Việt dịch: Đỗ Tâm Tuy - Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh; NXB. Tổng hợp TP.HCM; 2006

Chuyển hóa tâm thức con người là trọng tâm của những điều Eckhart Tolle đề cập trong quyển sách nổi tiếng A New Earth – Thức tỉnh mục đích sống. Theo ông, sự tỉnh thức là bước kế tiếp sẽ xảy ra trong quá trình phát triển tâm thức của nhân loại. Nhân loại sẽ bước sang một giai đoạn mà sự tỉnh thức trong tâm hồn sẽ tạo ra sự tự do và niềm hạnh phúc miên viễn trong mỗi con người và trên toàn thế giới.

Bài viết dưới đây cùng với bài viết “Cốt lõi của bản ngã” được trích từ tác phẩm Thức tỉnh mục đích sống (nguyên tác tiếng Anh A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose). Bằng kinh nghiệm thực chứng của mình, với giọng văn và ví dụ rất sống động, dễ hiểu và phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay, ông đã phân tích rất tỉ mỉ và thấu đáo các khía cạnh cốt lõi của bản ngã và cách bản ngã điều khiển mọi diễn biến trong tâm thức mỗi con người nói riêng và tập thể nói chung. Và rằng bạn phải vượt qua cái bản ngã đang chi phối mọi hoạt động của mình để chạm tới và dần sống được với cái bản thể đích thực của bạn.

☀️☀️☀️

Khi bản ngã của bạn đang ở trong tình trạng tranh chấp, hãy hiểu rằng đó chẳng qua là một ảo tưởng đang đấu tranh để tự bảo vệ chính nó. Ảo tưởng đó cho rằng nó là bạn. Thoạt đầu thật khó để bạn có mặt ở đó như là một chứng nhân, để nhìn thấy hết mỗi cảm xúc và suy nghĩ đang xảy ra ở trong bạn, khó nhất là khi bản ngã của bạn đang ở trong tư thế phải đấu tranh để sống còn, chiến đấu để tồn tại, hay khi một khuôn mẫu phản ứng bó buộc trong tình cảm(23) đang bị kích động ở trong bạn; nhưng khi bạn đã làm quen với sự có mặt ở đó như một chứng nhân rồi thì năng lực của Sự Có Mặt ở trong bạn sẽ dần dần lớn mạnh hơn và bản ngã của bạn sẽ không còn khả năng khống chế bạn được nữa. Lúc đó có một năng lực mới, lớn hơn cả bản ngã và trí năng, đi vào cuộc đời bạn. Để thoát khỏi sự kiềm chế của bản ngã thì bạn chỉ cần nhận diện được nó, ý thức được nó. Vì nhận thức và bản ngã là thứ đối nghịch nhau, không thể trong một lúc mà cùng tồn tại. Nhận thức là năng lực ẩn tàng trong giây phút hiện tại, vì thế ta còn gọi nó là Sự Có Mặt. Mục tiêu tối thượng của con người, cũng là mục tiêu của chính bạn, là đưa năng lực của Sự Có Mặt đó vào trong thế giới này. Điều này cũng cho thấy rằng chuyện vượt thoát khỏi bản ngã không thể là một mục tiêu phấn đấu nằm ở trong tương lai. Vì chỉ có sự có mặt của bạn trong phút giây này, tức Hiện Hữu, mới có thể giải thoát bạn ra khỏi bản ngã và bạn chỉ có thể có mặt ngay trong giây phút này, mà không thể là trong quá khứ hay tương lai. Chỉ có năng lực của sự có mặt của bạn trong phút giây hiện tại mới có thể hóa giải quá khứ ở trong bạn và qua đó mà chuyển hóa nhận thức của  bạn.

Như vậy giác ngộ tâm linh là gì? Có phải là bạn tin rằng bạn là một người có đời sống tâm linh? Không, đó chỉ là một ý tưởng, dù ý nghĩ này gần chân lý hơn một tí so với ý nghĩ cho rằng bạn là con người ở trong chứng minh thư của mình. Giác ngộ là nhận thức rõ rằng những gì bạn đang cảm nhận, đang trải nghiệm hay đang suy nghĩ, rốt cuộc đều không phải là bản thể đích thực của mình, rằng bạn không thể tìm thấy một cái Tôi riêng biệt trong tất thảy những thứ đang diễn ra, đang đi qua. Có lẽ Đức Phật là người đầu tiên thấy rõ được điều này và vì thế mà Anata, tức là Vô Ngã(24), là một giáo lý căn bản trong tất cả những răn dạy của Ngài. Còn Chúa Jesus thì nói: “Hãy chối bỏ bản ngã của anh em”(25). Nghĩa là: Hãy phủ định (và vì thế mà hóa giải) ảo tưởng về một tư cách, một con người tách biệt với tất cả – ở trong bản thân. Nếu quả cái “Tôi” – tức bản ngã sai lầm ở trong bản thân – là một cái gì chân thật của mình thì chuyện phải “chối bỏ” nó đi quả là một điều rất ngớ ngẩn.

Những gì còn lại chính là sự tỏa sáng của thứ nhận thức thuần khiết, là không gian trong đó mỗi ý nghĩ, mỗi trải nghiệm, mỗi cảm xúc… ở trong bạn xảy ra rồi tan biến điNhận thức sáng tỏ đó chính là Hiện Hữu, là Chân Ngã sâu sắc và chân thực của bạn. Khi bạn biết rằng bạn chính là Hiện Hữu bất diệt, không hình tướng đó(26), tất thảy những gì xảy ra trong đời bạn không còn mang giá trị tuyệt đối nữa mà chỉ là một cái gì tương đối. Bạn vẫn trân trọng những gì bạn đang có, nhưng những thứ (mà bạn đang tạm thời sở hữu) ấy không còn mang tính chất tuyệt đối nữa, vì chúng không còn quá nghiêm trọng và nặng nề như trước. Điều quan trọng là: Liệu lúc nào bạn cũng có thể cảm nhận được sự Hiện Hữu, cái Biết thường hằng, ở đằng sau hậu trường cuộc sống của bạn hay không? Nói chính xác hơn là bạn có cảm nhận được Hiện Hữu đang ý thức chính nó trong giờ phút này không? Bạn có thể cảm nhận được bản thể chân chính của mình chính là nhận thức, là Tâm không? Hay bạn đang tự đánh mất mình trong suy tư, trong những gì đang xảy ra xung quanh?

TẤT CẢ MỌI CẤU TRÚC ĐỀU KHÔNG BỀN

Dù ẩn dưới hình thức gì đi nữa, động cơ vô thức ở đằng sau của bản ngã chỉ là để củng cố cảm nhận về một cái “Tôi”, cái “Tôi” hão huyền ấy sẽ xuất hiện khi có một ý nghĩ – đó có thể là một ân sủng hoặc là một lời nguyền – và ý nghĩ đó bắt đầu chiếm hữu và che mờ niềm vui đơn giản mà sâu sắc khi con người tiếp xúc với Hiện Hữu, với Cội Nguồn, với Thượng Đế. Dù cho bản ngã được thể hiện dưới bất kỳ lối cư xử nào thì động lực nằm đằng sau của bản ngã luôn luôn là: Có nhu cầu được nổi bật, trở nên đặc biệt, để nắm quyền kiểm soát; nhu cầu có quyền lực, được người khác quan tâm đến mình, nhu cầu tích lũy tài sản hoặc kiến thức nhiều hơn; và tất nhiên là cả cảm nhận về sự cách biệt giữa bạn với thế giới chung quanh, nói một cách khác, bản ngã của bạn luôn có nhu cầu muốn có sự đối kháng, có một người để bạn cho là kẻ thù. Bản ngã luôn muốn cái gì đó từ người khác, hay từ những tình huống nào ấy. Bản ngã ở trong bạn luôn luôn có một động cơ bí ẩn, vì nó luôn luôn cảm thấy “chưa đầy đủ”, hoặc có một sự thiếu thốn lớn cần phải lấp đầy. Bản ngã của bạn thích sử dụng người khác và những tình huống nào đấy để có được những gì nó muốn, ngay cả khi bản ngã của bạn thành công thì nó cũng không cảm thấy thỏa mãn được lâu. Thường thì những ý đồ của nó bị cản trở và trong hầu hết trường hợp, khoảng cách giữa “cái mà bản ngã của bạn muốn” và “những gì đang xảy ra” là nguyên nhân làm cho bạn rất khổ. Có một câu trong bài hát tiếng Anh từng rất thịnh hành: “I can’t get no satisfaction” – “Tôi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn” – đã nói lên rất chính xác cảm giác của bản ngã trong bạn. Và sợ hãi là cảm xúc chính nằm đằng sau, chi phối tất cả mọi hoạt động của bản ngã. Bạn sợ mình chỉ là một kẻ vô tích sự, sợ mình sẽ bị hoại diệt, sợ phải chết đi. Mọi hành động của bạn rốt cuộc cũng chỉ là để xua đi nỗi sợ hãi này nhưng giỏi lắm thì bản ngã của bạn chỉ có thể tạm thời dùng một quan hệ luyến ái để che đậy nỗi sợ hãi ấy, hoặc qua chuyện bạn sở hữu một cái gì, hay giành giật được cái này, cái nọ. Nhưng một ảo tưởng sẽ không bao giờ làm cho bạn được thỏa mãn(27). Chỉ có nhận ra được bản chất chân chính của bạn mới đưa bạn đến tự do, giải thoát. Nhưng tại sao bản ngã ở trong bạn thường có cảm giác sợ hãi đời sống? Vì bản ngã được phát sinh khi bạn sai lầm tự đồng nhất mình với hình tướng; trong khi sâu trong lòng bạn biết rất rõ rằng không một hình tướng nào bền vững lâu dài, rằng tất cả mọi hình tướng đều sẽ phôi pha, chóng tàn. Do đó, bản ngã của bạn luôn có một cảm giác bất an, dù bên ngoài nó luôn tỏ ra rất tự tin.

Cách đây một vài năm, khi tôi đang dạo chơi với một người bạn ngang qua một khu bảo tồn thiên nhiên gần thành phố Malibu, bang California, chúng tôi tình cờ bắt gặp một khu trang trại bị hỏa hoạn trước đó vài thập niên. Khu nhà lâu ngày đã bị cây cối, dây leo mọc phủ đầy, và bên con đường mòn có một tấm bảng do ban quản lý công viên dựng lên.  Tấm bảng ghi “Nguy hiểm, mọi cấu trúc đều không vững bền”. Tôi quay sang nói với người bạn: “Đây quả là một câu kinh văn thực sâu sắc và thâm diệu(28)”. Chúng tôi đứng lặng im trong niềm kính sợ. Khi bạn nhận ra và chấp nhận rằng bạn, mọi sự, mọi vật, kể cả những vật thể rắn chắc, đều không vững bền thì lúc đó sẽ có một niềm an bình trỗi lên ở trong bạn. Đó là vì khi bạn nhận ra tính vô thường của mọi sự, mọi vật; điều này sẽ làm thức tỉnh trong bạn một chiều không gian vô hình tướng, chiều không gian đó vượt thoát cả sinh tử. Chúa Jesus gọi đó là “Đời sống miên viễn”.

NHU YẾU MUỐN HƠN NGƯỜI KHÁC CỦA BẢN NGÃ

Có nhiều biểu hiện khá vi tế và dễ dàng bị bỏ qua của bản ngã ở trong bạn mà bạn có thể cảm nhận ở người khác, và quan trọng hơn nữa là ở trong chính bạn. Hãy nhớ rằng khi bạn vừa nhận thức được bản ngã trong chính bạn thì nhận thức mới vừa phát sinh đó chính là bản chất chân thật của bạn vượt lên trên bản ngã. Nhận ra sự giả dối là làm cho những gì chân thực vươn lên.

Ta hãy lấy một ví dụ: Khi bạn hào hứng định kể cho ai đó một mẩu tin vừa xảy ra “Thử đoán xem chuyện gì vừa xảy ra? Cậu chưa biết, đúng không? Để tớ kể cho mà nghe…”. Nếu bạn có đủ sự tỉnh táo, đủ “có mặt” thì bạn sẽ phát hiện rằng có một chút thỏa mãn nào ấy ở trong bạn ngay trước khi bạn loan báo mẩu tin này, cho dù đó là một thông tin xấu. Sở dĩ như thế là vì trong một thoáng, dưới con mắt của bản ngã thì có một sự chênh lệch giữa bạn với người kia mà bạn đang là người chiếm ưu thế. Trong giây phút đó, bạn là người biết “nhiều hơn” người kia. Nỗi thỏa mãn mà bạn cảm nhận được đó là cảm giác thỏa mãn của bản ngã, phát sinh từ chuyện bạn có được cảm nhận về chính mình mạnh mẽ hơn so với người kia. Cho dù họ là một vị tổng thống hay giáo chủ của một tôn giáo, trong giờ phút đó bạn thấy mình giỏi hơn người đó vì bạn biết “nhiều hơn”. Đây là lý do mà nhiều người đâm nghiện những chuyện ngồi lê đôi mách. Ngoài ra, những câu chuyện tầm phào như thế thường mang yếu tố chỉ trích, phê phán hoặc có ác ý với người khác, do đó tự làm cho bản ngã ở trong bạn mạnh hơn, vì khi chê trách ai thì bạn có hàm ý rằng bạn là một người có  đạo đức hơn người ấy.

Tuy nhiên, nếu có người nào đó có nhiều của cải hơn bạn, có kiến thức hơn bạn, hoặc làm việc siêng năng hơn bạn,… thì bản ngã của bạn sẽ cảm thấy bị đe dọa vì bạn cảm thấy rằng có “ít của cải và kiến thức hơn” người khác sẽ làm giảm thiểu cảm nhận về chính mình ở trong bạn. Lúc đó bản ngã của bạn sẽ cố khôi phục lại vị thế của nó  bằng cách hạ thấp, phê phán, hay làm giảm thiểu của cải, kiến thức hay năng lực của người kia. Cũng có thể bản ngã sẽ thay đổi chiến lược bằng cách thay vì đối chọi với người đó thì bản ngã sẽ tự củng cố chính nó bằng cách liên kết với người kia, nếu người kia tỏ ra là một người quan trọng dưới con mắt của những người chung quanh.

BẢN NGÃ VÀ DANH VỌNG

Có một hiện tượng khá phổ biến là việc ngầm khoe khoang sự quen biết của bạn với những người nổi tiếng với mục đích lòe người khác; đây là một chiến lược của bản ngã để làm cho nó cảm thấy nổi bật hơn người. Nhu yếu muốn được nổi tiếng này che mờ bản chất chân thật của bạn(29). Nếu bạn là người nổi tiếng thì hầu hết những người mà bạn gặp đều muốn tự củng cố hình ảnh về bản thân họ – tức là cảm nhận của họ về chính họ – nhờ sự quen biết với bạn. Bản thân họ có thể không biết rằng họ cũng chẳng hề quan tâm gì đến bạn, mà thực ra họ chỉ quan tâm đến chuyện nâng cao cảm nhận về chính bản thân họ, cái cảm giác mà chung cuộc chỉ là một điều hư cấu. Nhưng họ tin rằng, qua bạn, họ có thể “có nhiều hơn”. Họ trông mong để hoàn thiện chính họ qua bạn, hay nói một cách chính xác hơn, là qua cái hình ảnh trong trí óc của họ về bạn như là một người rất nổi tiếng. Chuyện đề cao thái quá về danh tiếng chỉ là một trong nhiều cách thể hiện sự điên rồ đầy tính bản ngã trong đời sống. Một số người nổi tiếng rơi vào sai lầm này và đồng nhất bản thân với hư cấu có tính tập thể đó, tức là cái hình ảnh mà mọi người và các phương tiện truyền thông đã tạo ra cho họ, và họ thực sự tự thấy mình ưu việt hơn những người bình thường. Do đó càng ngày họ càng trở nên xa lạ với chính họ và những người chung quanh; và họ ngày càng cảm thấy khổ sở và càng phụ thuộc vào sự mến mộ của mọi người. Họ luôn bị bao quanh bởi những người luôn vỗ béo cho cái hình ảnh bị thổi phồng về chính họ. Họ không còn khả năng để thiết lập những mối quan hệ chân chính với người khác.

Albert Einstein, người đề ra thuyết tương đối trong ngành vật lý học, không bao giờ tự đồng nhất ông với hình ảnh mà người khác đã tạo dựng về ông. Ông vẫn luôn sống khiêm nhường, không mang nặng bản ngã. Quả thực, ông đã từng nói về “sự mâu thuẫn đáng buồn cười giữa những gì mà người ta xem là những năng lực và thành tựu của tôi với thực tế con người của tôi như thế nào và những gì tôi thực sự có thể làm”. Đây là lý do tại sao mà một người nổi tiếng rất khó có được một mối quan hệ chân chính với người khác. Một quan hệ chân chính là một quan hệ không bị chi phối bởi bản ngã, vì mục tiêu của bản ngã là chỉ để tạo dựng nên một hình ảnh không có thực(30) hay dùng quan hệ ấy để cho bản ngã đi tìm chính nó(31). Trong một quan hệ chân chính, ta thấy có sự cởi mở và lòng quan tâm chân thành đối với người kia, mà không phải vì bất kỳ một hậu ý nào. Sự quan tâm rất tỉnh táo đó chính là sự Hiện Diện. Đó là điều kiện tiên quyết cho bất cứ một quan hệ chân chính nào. Bản ngã hoặc là muốn cái gì đó hoặc là hoàn toàn lãnh đạm khi cảm thấy nó không thu lượm được gì từ người kia. Bản ngã không hề quan tâm đến bạn. Do đó, ba trạng thái chính của một quan hệ có tính bản ngã là: mưu cầu một cái gì đó, thất vọng vì mưu cầu ấy không được thỏa mãn (bạn trở nên giận dữ, oán ghét, quở trách, hay than phiền) và lạnh nhạt.

☀️☀️☀️

Chú thích

(23) Một khuôn mẫu phản ứng bó buộc trong tình cảm: Mỗi lần có chuyện bất hòa trong quan hệ của bạn với người yêu, với vợ hay chồng của mình,… bạn cảm thấy rất khổ sở vì không được người kia đối xử với bạn một cách tôn trọng và hòa ái? Bạn nghĩ: Tại sao em lại đối xử tệ với anh như vậy?”. Thực ra, không ai có thể đối xử với bạn tệ bạc cả, nếu bạn không cho phép họ. Một người chỉ nhận chịu sự đối xử khiếm nhã (như nói nặng lời, khinh rẻ, chửi mắng, hoặc bị đánh đập, bức hiếp,…) mà vẫn để cho tình trạng đó kéo dài vì tự thân người đó đang có một khiếm khuyết, một nhu yếu hay một nỗi sợ hãi nào đó mà họ không muốn đối diện và vượt qua. Nếu bạn nghĩ: “Tôi mà có phản ứng chính đáng thì cô ấy sẽ không cho tôi chạm vào người của cô”. Thực ra, bạn cần chuyện ấy bao nhiêu thì người kia cũng cần chuyện đấy nhiều như bạn, hoặc có lẽ còn cần nhiều hơn bạn nữa, nhưng thông thường bạn là người chịu thua trước. Do đó, tình trạng đối xử khiếm nhã, lấn lướt nhau trong quan hệ của bạn cứ tiếp diễn. Nếu bạn muốn xây dựng một quan hệ mà hai bên đều đối xử với nhau trong tinh thần tương kính thì bạn phải thực tập để vượt qua nhu yếu này. Vì đây là cái làm cho bạn dễ dàng nhượng bộ, đánh mất tư cách của mình. Khi bạn đã vượt thắng được thói quen này ở trong mình, bạn có thể giúp cho người hôn phối của mình giỏi hơn, xây dựng sự thành thật và lòng tương kính trong quan hệ giữa đôi bên.

(24) Vô Ngã: Tức là không có bản ngã, không có một cái “Tôi” tách biệt với đời sống và với mọi người chung quanh. Chúng ta luôn mang một ấn tượng rất mạnh rằng có một cái “Tôi”, có một bản ngã ở trong mình. Ấn tượng ấy ăn sâu trong tâm thức và thẩm thấu vào tất cả những gì bạn nghĩ, nói, hay làm. Bạn làm mọi thứ để chiều chuộng, làm vui lòng, phục dịch cho con người không có mặt mũi, không có thực ấy. Bạn loay hoay với chuyện sinh kế, sống còn vì bạn sợ rằng “Tôi” sẽ chết đói, “Tôi” sẽ mất việc, “Tôi” sẽ mất đi những gì “Tôi” trân quý… Nhưng bạn chưa bao giờ thực sự gặp mặt, hay tìm ra “con người ấy” ở trong bạn cả. Chắc chắn rằng bạn không thể nào cho người khác giáp mặt với “con người ấy” ở trong bạn, hoặc để bạn giới thiệu với một người khác rằng: “Ồ, đây, xin giới thiệu anh, đây là bản ngã của tôi”. Khổ đau không phải là một cái gì dễ chịu, nhưng bạn có thể chịu được. Nhưng điều làm cho bạn khổ sở muôn phần là ấn tượng rằng có một con người khổ đau, một cái “Tôi” khổ sở ở trong bạn.

(25) “Hãy chối bỏ bản ngã của anh em”: Nghĩa là tự nhắc với mình rằng sự thực là “Không hề có Tôi, Tôi không bao giờ có thật”, tức là bạn điều chỉnh lại sai lầm trong nhận thức của mình về tính xác thực của một cá nhân, một con người tách biệt, không bao giờ có thật ở trong mình. Quả thực khi không có một ý nghĩ nào xảy ra ở trong đầu bạn thì lúc đó chỉ có ý thức sáng tỏ ở trong bạn, mà không hề có một cá nhân, một thực thể gọi là “Tôi” ở trong bạn. Như thế khi bạn nhận ra mình đang làm một điều gì chỉ vì ấn tượng về bản ngã, vì lợi ích nhỏ nhen ở trong mình thì bạn hãy can đảm từ chối, nhất định không làm theo điều đó. Nếu đã lỡ làm rồi thì bạn sẽ tìm cách sửa chữa lại hoặc hủy bỏ những gì bạn biết là sai trái. Tập làm được như thế thì càng ngày bạn càng thoát ra khỏi gọng kềm tinh vi của bản ngã ở trong bạn.

(26) Bạn chính là Hiện Hữu bất diệt, không hình tướng: Bởi ý thức, sự Có Mặt vô hình tướng ở trong bạn là một cái gì bất diệt vì cái ấy siêu việt cả thời gian, vì bản chất ấy chưa bao giờ từng sinh, nên nó cũng không bao giờ có thể bị hoại diệt. Điều tối quan trọng mà bạn luôn nhớ là bản chất ấy không mang hình tướng. Do đó khi bạn thực tập và nhận ra mình đang bị vướng mắc vào một vấn đề gì đó, tức là một hình tướng nào đó, thì bạn biết rằng “Ồ, đây không phải là bản chất chân thật của mình, vì bản chất của mình là vô hình tướng”. Do đó bạn nhanh chóng buông bỏ và thoát ra được sự vướng mắc này.

(27) Một ảo tưởng sẽ không bao giờ làm cho bạn được thỏa mãn: Ngụ ý bản ngã là một ấn tượng chưa bao giờ được bạn kiểm chứng về tính xác thực của bản ngã, vì bản ngã chỉ là một ấn tượng sai lầm của con người. Có lẽ Trịnh Công Sơn (1939-2001) cũng muốn nói đến điều này khi ông viết những câu hát như sau:

Không có đâu em này

Không có cái chết đầu tiên.

Và có đâu bao giờ

Đâu có cái chết sau cùng.

Tự mình biết riêng mình

Và ta biết riêng ta.

(Ngẫu nhiên)

“Không có đâu em này” nghĩa là “Này em, em không bao giờ có thực như em vẫn thường nghĩ đâu”, và vì em đâu bao giờ thực sự hiện hữu cả nên em không thể chết, dù là chết lần đầu hay lần cuối. Và sự thức ngộ này chỉ có một mình em hiểu, một mình em hay, không thể giải thích cho người khác hiểu được những kinh nghiệm tỉnh thức mà em đã đi qua.

(28) “Đây quả là một câu kinh văn thực sâu sắc và thâm diệu”: Bởi vì nó nói về tính vô thường của vạn vật, giúp ta thoát ra được sự vướng mắc vào những gì chóng hiện, chóng tàn, tiếp xúc được với chiều không gian của Vô Tướng, của vô sinh, bất diệt ở trong mình.

(29) Nhu yếu muốn được nổi tiếng này che mờ bản chất chân thật của bạn: Vì không biết bản chất chân thật của mình, và để cảm thấy rằng mình là một người quan trọng, bạn có nhu yếu muốn khoe với người khác sự quen biết của bạn với những người có địa vị, quyền chức,… trong xã hội. Khi làm như thế thì bạn đang vô thức tự đồng hóa mình với bản ngã, vì bản ngã luôn nghĩ rằng “Tôi” giỏi hơn anh, “Tôi” quan trọng hơn anh.

(30) Mục tiêu của bản ngã là chỉ để tạo dựng nên một hình ảnh không có thực: Khuynh hướng “làm nổi”, dùng mánh lới và sự khôn khéo của mình để mua lòng thán phục của người khác, tạo nên một ấn tượng không xác thực về mình.

(31) Dùng quan hệ ấy để cho bản ngã đi tìm chính nó: Bạn dùng quan hệ của mình: Rằng “Tôi” có một người yêu xinh đẹp, hoặc giàu có, nổi tiếng,… như là một điều hay ho, cốt chỉ để làm người khác thán phục bạn.

Thức tỉnh mục đích sống

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. BA THUỘC TÍNH CỦA HÀNH ĐỘNG KHI ĐÃ TỈNH THỨC
  3. TỈNH THỨC MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ?

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. NIỀM VUI TỰ TẠI
  3. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH