TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC TÂM TRẠNG

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn về cách sống - Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư;Thiên Nga dịch; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2018

 

CHRISTOPHE: Để đi xa hơn trong hiểu biết về cảm xúc, ta có thể xem xét chúng theo hai trục – trục hóa trị (đúng hơn là dễ chịu hay khó chịu), và trục cường độ. Trên trục thứ hai này, ta phân biệt ra các cảm xúc bùng nổ, gần như không kiểm soát được khi chúng khởi động trong chúng ta, như giận dữ hay sợ hãi; và các trạng thái cảm xúc có cường độ thấp hơn, mà ta có thể gọi là “tâm tính” hay “tâm trạng”. Chúng có tầm quan trọng ngày càng lớn trong mắt các nhà nghiên cứu vì chúng đại diện cho cái cốt lõi trong cảm nhận của ta. Các cảm xúc mạnh mẽ thúc giục về mặt thể lực và tâm lý đến mức ta không thể để mình bị chúng chi phối nhiều lần một ngày. Việc này cuối cùng sẽ làm ta kiệt sức và chắc chắn sẽ giết chết ta. Khi ta yêu cầu ai đó nhớ lại lần sau cùng họ cảm thấy vô cùng giận dữ, vô cùng buồn, vô cùng lo lắng, vô cùng xấu hổ, hay, có lẽ, vô cùng hạnh phúc, thường thì họ khó mà tìm được những tình huống mới xảy ra gần đây. Trái lại, rất có thể là từ sáng nay chúng ta đã trải qua nhiều trạng thái cảm xúc chừng mực, với một chút buồn, một chút lo lắng, một chút vui vẻ hay hân hoan.

Quan trọng là nhận ra các trạng thái kín đáo này và thấy rằng chúng rất có uy thế vì chúng tượng trưng cho một kiểu đất mùn tạo điều kiện cho những cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều cũng như cả một hệ thống tư duy, cả một thế giới quan nảy nở. Việc thường trực bị chi phối bởi những cảm xúc oán giận hay tức tối với người khác sẽ tác động đến thế giới quan của tôi và cách tôi sẽ cư xử trong xã hội. Vì lẽ đó mà chúng tôi khuyến khích bệnh nhân lưu ý đến các cảm xúc tinh tế này, nhất là trong các giai đoạn ngăn ngừa tái phạm, mới học nghệ thuật thanh thản, nghệ thuật cân bằng bên trong.

Làm sao nhận ra các trạng thái cảm xúc này? Việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nhờ các phương pháp thiền và quán, nhưng ngoài ra còn có các hình thức hoàn thiện bản thân khác như ghi nhật ký, tham gia các buổi trị liệu nhận thức, khuyến khích ta thiết lập các mối liên hệ giữa các tình huống ta trải qua, các cảm xúc ta cảm thấy, các suy nghĩ xuất hiện vào lúc đó và cuối cùng là cách xử sự, hệ quả của cả chuỗi nhân quả này.

tầm quan trọng của các tâm trạng

Việc thường trực bị chi phối bởi những cảm xúc oán giận hay tức tối với người khác sẽ tác động đến thế giới quan của tôi và cách tôi sẽ cư xử trong xã hội.

MATTHIEU: Trong đạo Phật, ta nói về những ý nghĩ gần như ta không nhận thấy được, xuất hiện liên tục ở phía sau ý thức ta, như nước chảy dưới cỏ ở một cánh đồng. Những ý nghĩ này có thể gợi nên trong ta các tâm trạng khác nhau. Nếu chúng tiêu cực, chúng có thể nhen nhóm một cú nổ cảm xúc bất thần, một cơn giận chẳng hạn. Nếu chúng tích cực một cách tự nhiên hay do luyện tập, tập có lòng nhân chẳng hạn, việc chúng thường xuyên xuất hiện sẽ ảnh hưởng về lâu dài tới mảnh đất tinh thần của ta, đến mức mà, nếu ai đó xuất hiện trong tầm chú ý của ta, tình cảm đầu tiên nảy sinh trong ta sẽ là lòng nhân từ.

Làm sao để nhận ra những trạng thái cảm xúc xuất hiện trong ta mà thường là ta không hay biết? Nếu ta để chúng lớn dần, chúng sẽ trở nên không kiểm soát được, và ta chỉ còn cách chờ cho chúng dịu lại. Nhưng nếu ta xem xét các tác động chúng tạo ra đối với ta, ta sẽ nhận ra rằng trong cơn bão mà chúng làm nổi lên, nhận thức của ta về người khác và hoàn cảnh không tương ứng với hiện thực.

Nhờ lặp lại kinh nghiệm này, dần dần ta có thể thấy cảm xúc từ xa hơn. Lúc đó ta có thể dùng phương thuốc thích hợp để ngăn ngừa, với ý nghĩ rằng dập tắt một đốm lửa thì dễ hơn là một đám cháy rừng. Khi trui rèn thêm nữa hiểu biết và làm chủ tâm, ta đến được giai đoạn mà ta có thể điều khiển các cảm xúc ngay khi chúng nổi lên. Khi quá trình này trở nên quen thuộc đến mức, các cảm xúc trước đây vẫn làm ta rối bời, tiêu tan ngay khi xuất hiện, chúng không thể khuấy động tâm ta được nữa. Chúng cũng không thể thể hiện ra thành hành động và lời nói làm hại chính ta và người khác. Phương pháp này đòi hỏi rèn luyện, vì ta chưa quen đối trị ý nghĩ theo cách này.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả ALEXANDRE JOLLIEN

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả CHRISTOPHE ANDRE

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  2. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ