CÀNG CÓ NHIỀU, CÀNG THÍCH?

MARCI SHIMOFF - CAROL KLINE

Trích: Khi mọi điểm tựa đều mất – Happy for no reason; Biên dịch: Kim Vân – Thế Lâm – Hoàng Oanh; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VH sáng tạo Trí Việt – First News; 2017

Thế nào là người giàu có? Người giàu có là người hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang nắm giữ.

Theo Talmud – những văn bản cổ về luật và truyền thống Do Thái

Đa phần chúng ta đã quen với suy nghĩ: càng có nhiều, chúng ta càng cảm thấy hài lòng. Quan niệm này hình thành dựa trên một niềm tin vô thức của con người: càng nhiều thành công, càng nhiều tiền đồng nghĩa với việc bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng những con số thống kê sau đã phủ nhận tất cả:

  • Thu nhập cá nhân của người Mỹ đã tăng 2,5 lần trong vòng 50 năm qua nhưng mức độ hạnh phúc của họ vẫn không tăng theo.
  • Gần 40% những người có tên trong danh sách Những người giàu nhất do tạp chí Forbes bình chọn nói rằng họ không cảm thấy hạnh phúc như những người có thu nhập trung bình khác.
  • Khi thu nhập cá nhân vượt ngưỡng 12.000 đô-la một năm thì bất kỳ khoản thu nhập nào khác thêm vào đều không đồng nghĩa với xúc cảm hạnh phúc tăng lên.

Rõ ràng không phải những người hạnh phúc nhất là những người giàu có nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thoát khỏi suy nghĩ tiền có thể mua được hạnh phúc – hay ít nhất nó cũng mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc. Tôi từng nghe một phóng viên đặt câu hỏi với J. Paul Getty – người sáng lập thương hiệu Getty Oil và là nhà tỷ phú đầu tiên trên thế giới: “Ông là người giàu nhất thế giới. Đến lúc nào thì ông mới nghĩ như vậy là đã đủ?”. Ông suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: “Bây giờ thì chưa”.

Điều này cho thấy khát vọng sở hữu không mang lại cho con người hạnh phúc thật sự. Nhưng rất khó để thoát ra khỏi quan niệm bất thành văn ấy!

Dựa trên nền tảng quan niệm “Càng có nhiều, càng thích”, ngành quảng cáo ra đời; và đây chính là cỗ máy giúp kích hoạt và thúc đẩy nền kinh tế các nước. Mỗi năm hàng tỷ đô-la được chi ra cho quảng cáo với mục tiêu khuyến khích con người không ngừng tiêu dùng nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của chính mình. Bằng nhiều cách dí dỏm, khôi hài, hấp dẫn thậm chí là thúc giục, những nhà quảng cáo đã cố gắng thuyết phục người tiêu dùng nên sở hữu một chiếc xe mới tốt hơn; hoặc họ cho rằng chúng ta nên mua một chiếc áo ngực quyến rũ hơn, hay mua ngay những viên thuốc thần dược và những mỹ phẩm chăm sóc da tốt nhất…

Bạn thử nghĩ xem: chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những thông điệp này và rồi đến một lúc nào đó, chúng ăn sâu vào tiềm thức làm chúng ta mất kiểm soát và vô hình chung nó trở thành niềm tin thật sự.

Đối với trẻ con, khi chúng được phép ngồi trước màn hình tivi 5 tiếng một ngày thì bạn đừng ngạc nhiên khi chúng liên tục đòi đồ chơi mới, những trò chơi vi tính mới hay những chiếc quần jean kiểu dáng lạ.

Một người bố trẻ khi được tôi phỏng vấn đã kể tôi nghe câu chuyện về đứa con gái của mình:

“Trước dịp lễ Giáng sinh, khi đứa con gái lớn của tôi – Victoria – lên ba tuổi, chúng tôi thường đọc cho bé nghe câu chuyện “How the Grinch Stole Christmas” (Kẻ phá hỏng buổi tiệc Giáng sinh) mỗi tối.

Con bé nằm cuộn tròn bên cạnh tôi và tôi bắt đầu đọc: “Mọi người trong ngôi làng đều hân hoan với không khí của lễ Giáng sinh…”

Victoria chăm chú lắng nghe khi tôi đọc đến đoạn tên trộm Grinch lên kế hoạch phá hỏng buổi lễ Giáng Sinh của mọi người bằng cách cải trang thành ông già Noel, mang theo con chó của hắn cũng được cải trang thành con tuần lộc. Grinch lén vào nhà mọi người và lấy đi tất cả đồ đạc, chỉ để lại sợi dây và chiếc móc câu còn treo trên tường. Nhưng trái với mong đợi của hắn, người dân trong làng lại tỏ ra rất vui và hạnh phúc dù mất đi những gói quà và bộ lễ phục. Kế hoạch của Grinch đã không lấy đi niềm hân hoan đón chào Giáng Sinh của mọi người – Giáng sinh vẫn đến trong niềm vui trọn vẹn.

Vào buổi sáng ngày lễ Giáng sinh, chúng tôi đánh thức Victoria và chờ đợi niềm vui của con bé khi thấy những món quà dành cho mình được đặt dưới cây thông. Đầu tiên, con bé chạy vào nhà bếp nơi nó đã chuẩn bị một bữa ăn nhẹ cho ông già Noel. Con bé rất vui khi thấy những mảnh vụn còn sót lại trên đĩa, cốc sữa đã cạn hết và những củ cà rốt cũng không còn. Vợ chồng tôi rất vui khi con bé tỏ ra hào hứng trước những bằng chứng chứng tỏ về cuộc viếng thăm của ông già Noel đêm qua. Sau đó, nó chạy vào phòng khách và nhìn thấy gói quà đặt dưới cây thông.

Chúng tôi đang mong chờ con bé sẽ chạy ùa đến và mừng rỡ cầm món quà lên, nhưng nó đã không làm như vậy. Victoria chắp hai tay rồi nói: “Chúng ta hãy tưởng tượng Grinch đã đến đây và lấy đi mọi thứ, hắn chỉ để lại sợi dây thừng cùng chiếc móc câu mà thôi. Và chúng ta vẫn sẽ hưởng một mùa Giáng sinh hạnh phúc và an lành”.

Chúng tôi tin tưởng theo niềm tin của con bé, Giáng sinh đến một cách an lành.”

Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta luôn cảm nhận được hạnh phúc cho dù bất cứ điều gì xảy đến?

Một khi nắm giữ hạnh phúc đích thực – niềm hạnh phúc tự thân – bạn sẽ mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến với mọi người hơn là thụ động ngồi chờ ai đó ban tặng cho bạn. Và như thế, bạn đã chủ động loại bỏ được tư tưởng “càng có nhiều, tôi càng cảm thấy hài lòng”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC SỐNG SẼ ĐƠN GIẢN HƠN KHI TA BIẾT ĐIỀU GÌ LÀ CẦN THIẾT
  2. CHÚ TRỌNG CUỘC SỐNG GIẢN ĐƠN
  3. VÌ SAO “TÔI” KHÔNG THỂ HẠNH PHÚC? 

Bài viết khác của tác giả

  1. GIẢI THOÁT PHIỀN MUỘN
  2. LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM
  3. RÈN LUYỆN LÒNG BAO DUNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP