CHÚ TRỌNG CUỘC SỐNG GIẢN ĐƠN

SHUNMYO MASUNO

Trích: Sống Đơn Giản Cho Mình Thanh Thản; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Lao Động; 2018

Sống đơn giản, có nghĩa là giảm bớt hoàn toàn sự lãng phí, chỉ sử dụng những món đồ thật sự cần thiết. Đó chính là cái đẹp mà thiền đã luôn nhắc nhở.

Bây giờ là thời đại tràn ngập đồ đạc. Cho dù không phải là thứ thật sự cần thiết nhưng chỉ cần muốn thôi thì người ta vẫn có thể mua. Hay kể cả trong nhà vẫn còn nhiều đồ, nhưng người ta cũng không buồn quan tâm lắm, và vẫn nghĩ đến việc mua thêm đồ dự trữ. Kết quả là, trong nhà lúc nào cũng chật cứng đồ, thế nên ngày càng có nhiều người khó hướng đến một cuộc sống giản đơn được.

Có hai từ là “giản đơn” và “giản dị”. Thoạt nghe thì có vẻ hai từ này mang ý nghĩa giống nhau, nhưng đây lại là hai từ hoàn toàn khác nhau.

“Giản đơn” có nghĩa là bỏ hết những thứ đồ vô ích, không cần thiết, phải nhận ra được cái gì là thực sự cần thiết với bản thân mình. Chẳng hạn như một người thích uống trà chắc chắn sẽ luôn để mắt tới những cái chén uống trà, phải không? Và cho dù nó có đắt một chút thì việc uống trà bằng chén trà mình  thích cũng khiến cho tâm hồn sảng khoái, vui sướng. Người ta mua một tách trà đắt tiền với niềm yêu thích và mục đích như vậy cũng không vấn đề gì. Họ sẽ giữ gìn nó cẩn thận. Họ không mua nhiều chén trà rẻ tiền, mà yêu cầu một thứ có thể sử dụng cả đời. Như thế gọi là “lối sống giản đơn”.

Mặt khác, “giản dị” có nghĩa là dùng hàng hóa có giá trị thấp. Với họ chén trà như thế nào cũng được. Thậm chí chỉ là cái uống được trà thôi là được rồi. Chắc chắn có những người suy nghĩ như thế. Họ nghĩ chẳng việc gì phải tốn kém mua mấy chén trà đắt tiền làm gì. Nếu không có vấn đề gì thì đồ rẻ tiền cũng là đủ rồi. Nếu bản thân không mong muốn, yêu cầu giá trị gì thì một thứ “giản dị” là được rồi.

Bản thân từng người cần phải phân biệt được cái gì cần giản đơn, cái gì cần giản dị. Cái gì là thực sự cần thiết với mình. Trong những thứ mình có bây giờ, cái gì là không cần thiết. Và cái thực sự khiến mình hài lòng, thỏa mãn là gì. Nếu trong cuộc sống thường ngày bạn ý thức được những điều đó, thì căn nhà của bạn cũng ắt tự trở nên gọn gàng, ngăn nắp.

Cái gì là thực sự cần thiết với bạn? Cái gì thực sự mang lại cho bạn cảm giác hài lòng, thỏa mãn?

Không tích trữ

Có những người luôn tích trữ rất nhiều đồ chuẩn bị cho tương lai. Chẳng hạn, trong tủ lạnh hay ở phòng bếp luôn có mấy lọ gia vị mới như nước chấm và nước sốt. Những sản phẩm không nhớ đã mua từ khi nào vẫn đang nằm ngủ trong góc tủ lạnh.

Nguyên nhân dẫn đến thói quen tích trữ đồ sẵn như vậy có thể do nhiều người nghĩ rằng “nếu hết thì lại phiền lắm” hay “hôm nay đại hạ giá nên cứ mua sẵn vào đấy”.

Ngay cả quần áo hay những đồ phụ kiện, trang trí nhỏ nhặt, cứ có giảm giá là người ta lại mua hết thứ này đến thứ khác. Kết cục là cái tủ chứa chật cứng đồ. Hẳn cũng có nhiều người trong các bạn có kinh nghiệm săn đồ giảm giá như vậy rồi. Nhưng dù giá rẻ như thế nào đi chăng nữa mà mua về không thực sự dùng được thì nó cũng chỉ trở thành một thứ đồ vô dụng mà thôi.

Cần phải tự ý thức việc không dự trữ nhiều đồ sinh hoạt trong một giới hạn có thể. Nếu gia vị hết thì hãy đi mua ngay lúc đó. Nếu không đi mua được, hãy thử chế biến món ăn bằng những gia vị khác, đó cũng là một thú vui hay ho. Cho dù không mua sẵn đồ lúc hạ giá, thì việc chỉ mua những đồ còn thiếu vào lúc cần thiết cũng vẫn tiết kiệm.
Cũng có người nghĩ rằng cần chuẩn bị cho khi bất chợt thảm họa ập đến. Đương nhiên điều đó luôn cần thiết với bất cứ ai. Nhưng nếu chuẩn bị đồ uống và đồ đóng hộp cho những lúc nguy cấp thì cũng đến lúc chúng hết hạn sử dụng và trở thành đồ bỏ đi mà thôi. Chuẩn bị, tích trữ cho những lúc như thế không có nghĩa là dự trữ sẵn thật nhiều đồ. Mà phải nắm được thông tin, nếu hết đồ gì thì đi đâu để mua hoặc cái gì có thể thay thế được trong lúc đó. Trường hợp nếu không biết chỗ mua cũng như không biết đồ gì thay thế được thì bạn sẽ phải làm như thế nào? Tôi nghĩ, phải chuẩn bị cả tinh thần sẵn sàng như thế nữa.

Những người tu hành luôn hướng đến việc tự cấp tự túc như chúng tôi khi chuẩn bị bữa tối thì luôn chỉ ra ruộng lấy rau đúng phần ăn hôm ấy thôi. Đấy là điều cơ bản trong việc tự cấp tự túc. Và chúng tôi cũng không bao giờ để thừa lại đồ ăn. Sẽ không có chuyện lấy sẵn thêm nguyên liệu cho ngày hôm sau. Trong bếp hoàn toàn không còn nguyên liệu gì cả. Ở đó luôn rất sạch sẽ, ngăn nắp. Chỉ lấy một lượng cần thiết cho những lúc cần thiết, chỉ thu hoạch một phần vừa đủ. Không bao giờ để sẵn những thứ chưa cần thiết. Đó cũng là điều căn bản trong đời sống thiền. Là không gian hoàn toàn không có những vật dụng thừa thãi. Không gian vô cùng gọn gàng ấy sẽ mang lại cho bạn sự thư giãn và cảm thấy thoải mái.

Chỉ giữ lại những thứ cần thiết cho mình, tuyệt đối không tích trữ những vật dụng không cần thiết.

Hãy làm cho cuộc sống mỗi ngày của bạn trở nên dễ chịu, sảng khoái.

Trân trọng từng đồ vật

Rõ ràng có những thứ vốn người ta đã có rồi, nhưng khi phiên bản mới của nó được ra mắt là họ liền mua ngay. Thậm chí, có những thứ còn sử dụng rất tốt nhưng họ lại vứt đi. Cho dù cái mới cũng chẳng khác biệt so với cái cũ là bao nhưng họ vẫn bị cái mới thu hút hơn. Điều đó giống như một trạng thái “dục vọng gọi dục vọng”. Và tôi không nghĩ rằng đây là một trạng thái hạnh phúc.

Giữa đồ vật và con người, tôi cho rằng tồn tại một chữ Duyên. Trong một vài đồ vật đó cũng chỉ có duy nhất một cái đến với chỗ mình. Cho dù nó là thứ đồ được sản xuất với số lượng rất lớn, bày bán ở tất cả mọi nơi thì cũng chỉ có duy nhất một cái thuộc về mình. Vì thế, mới cần trân trọng cái Duyên đó, và giữ gìn thứ đồ vật ấy một cách cẩn thận. Theo tôi, đó mới chính là hạnh phúc.

Những thiền sư như chúng tôi đã nuôi dưỡng tinh thần trân trọng đồ vật từ khi tham gia tu hành. Sẽ không bao giờ có chuyện dễ dàng vứt bỏ mọi thứ, ngay cả chiếc áo cà sa vẫn mặc hàng ngày. Hay dù có chỗ nào đó bị rách đi chăng nữa, chúng tôi cũng may lại rồi tiếp tục khoác lên cẩn thận. Hoặc nếu đôi dép xỏ ngón làm từ cỏ bị đứt thì chúng tôi cũng sẽ cẩn thận sửa lại để tiếp tục mang. Chúng tôi luôn trân trọng tất cả mọi thứ xung quanh mình, và không có chuyện vứt bỏ chúng một cách dễ dàng.

Lý do chúng tôi luôn làm như vậy không chỉ để tránh lãng phí, tốn kém tiền mua đồ mới. Mà tôi có cảm giác việc sửa lại chiếc áo cà sa bị rách cũng giống như sửa lại chỗ “rách” trong tâm hồn. Sửa lại đồ vật mà mình đã gắn bó, yêu mến cũng giống như uốn nắn, chấn chỉnh lại trái tim đang xao xuyến, rung động trước một cái gì đó mới mẻ. Biết bày tỏ lòng cảm ơn đến chiếc áo cà sa lúc nào cũng che chở cho mình, thì tự nhiên cũng sẽ tự biết ơn đến rất nhiều việc khác nữa.

Hãy thử nghĩ rằng, những thứ đó vì có Duyên mới đến với mình, thế nên hãy coi nó như một phần của con người mình. Vậy những kẻ không quý đồ vật, chẳng phải cũng là không quý chính mình và mọi người xung quanh hay sao. Hơn hết thảy, nếu bạn biết trân trọng từng thứ một, thì những thứ không cần thiết sẽ không tăng lên nữa. Không có nhiều đồ vật tăng lên, cũng giống hệt như việc không có nhiều lo âu, phiền toái khiến bạn phải phân tâm, lo lắng nữa.

Thứ gắn bó với chính mình trong nhiều năm sẽ để lại rất nhiều kỷ niệm. Chỉ cần nhìn ngắm nó, cũng có thể nhìn thấy được hình bóng của bản thân mình nhiều năm về trước. Đồ vật khơi gợi những câu chuyện về chính bản thân mình. Chẳng phải đó chính là “câu chuyện” về cuộc đời bạn sao?

Hãy trân trọng, yêu thương những thứ đã đến với bạn nhờ chữ Duyên.

Tối giãn đồ vật mang theo khi ra ngoài

Tôi chưa bao giờ nhìn xem bên trong chiếc túi xách của những người phụ nữ hay đeo khi đi ra ngoài, nhưng có vẻ như trong đó chứa rất nhiều thứ. Có người lúc nào cũng mang bên mình chiếc túi rất to, nhiều khi tôi nghĩ họ đang đi du lịch chứ không phải chỉ là đi ra ngoài nữa.

Khi đi ra ngoài, tôi thường không bao giờ mang những thứ không cần thiết. Tôi chỉ mang đồ dùng cần thiết cho công việc làm trụ trì của mình và những thứ chắc chắn sẽ cần dùng trong công việc ngày hôm đó. Ngoài ra hầu như tôi chẳng mang theo gì cả. Có khi tôi chỉ mang theo một chiếc túi rút hoặc túi vải nhỏ thôi. Bởi tôi cảm thấy mang theo mấy đồ thừa thãi không thoải mái chút nào. Chắc cũng có thể do lối suy nghĩ này đã hình thành trong tôi từ khi bắt đầu tu hành. May là lúc nào nó cũng hiện hữu sẵn trong con người tôi rồi .

Tôi hầu như không mang theo ô ra ngoài. Cũng có người thường mang theo một chiếc ô gấp, nhưng tôi nghĩ chẳng cần thiết đến mức ấy. Đương nhiên khi có dự báo trời mưa thì tôi sẽ mang ô theo, nhưng cũng có nhiều khi không mang – mà bất chợt cơn mưa đổ xuống. Lúc ấy, thay vì nghĩ rằng “Thôi chết rồi!”, tôi lại muốn tận hưởng những hạt mưa đó.

Nếu như đang ở trong một tòa nhà, thì tôi sẽ giết thời gian ở đâu đó, đợi cho đến khi trời tạnh mưa. Nếu gặp mưa khi đang đi bộ thì tôi sẽ xin trú dưới một mái nhà nào đó. Hoặc nếu trú mưa ở một con phố mà tôi không biết, tôi sẽ vừa nhìn ngắm dãy phố, vừa thư giãn một chút. Luôn giữ trong mình những lối suy nghĩ như vậy trên từng bước đường cuộc sống hẳn ta sẽ thoải mái và dễ chịu hơn nhiều.

Những người hay mang nhiều thứ khi ra ngoài, hãy thử một lần bỏ hết mọi thứ bên trong ra và xem xét chúng. Sắp xếp những thứ mình mang theo trong túi cũng giống như sắp xếp lại mọi suy nghĩ trong đầu. Nếu trong đầu chứa quá nhiều suy nghĩ, lo âu không đáng có thì sẽ chẳng còn chỗ cho những điều mới mẻ nữa. Nếu chất chứa quá nhiều thứ thừa thãi như thế thì dần dần bạn sẽ luôn bị trói buộc trong những thứ đó. Vì vậy, hãy bỏ bớt đồ đạc của bạn xuống, cũng như để tâm hồn bạn trở nên nhẹ nhàng, thư thái.

Không cần phải mang theo những thứ để phòng tình huống bất chợt ập đến, mà hãy để bản thân bạn tận hưởng cả những việc không lường trước.

Đừng vội vàng có bằng được những thứ mình muốn

Thời kỳ tu hành để thực sự trở thành một thiền sư của tôi rất khắc nghiệt.

Hàng ngày chúng tôi phải dậy từ 4 giờ sáng, sau khi vệ sinh cá nhân, sửa soạn quần áo xong phải ngồi thiền ngay lập tức. Sau đó phải làm công việc buổi sáng, chính là tụng kinh. Tiếp theo đó, chúng tôi đi quét dọn, lau chùi những dãy nhà trong chùa. Hoàn thành xong việc đó, mới đến lúc ăn sáng. Trong buổi sáng, mỗi người sẽ nghiêm chỉnh chấp hành việc đã quy định, như dọn vườn tược chẳng hạn. Đến chiều mới là thời gian tự học hoặc tiếp tục làm công việc mình được giao. Cuộc sống sinh hoạt luôn tiếp diễn như thế, một năm 365 ngày đều không thay đổi.

Trong cuộc sống như vậy không hề có một khoảng trống nào cho những mong muốn không cần thiết len lỏi vào, chẳng có chút thời gian rảnh rỗi nào để nghĩ tới chuyện mình muốn cái gì, hay muốn ăn gì. Chung quy lại, có thể nói rằng thời gian tu hành với thiền như là lúc bắt đầu một cuộc sống mà ta hoàn toàn bị kiểm soát.

Chắc chắn rằng những người đang có cuộc sống bình thường sẽ chẳng bao giờ bị gò bó bởi nếp sống sinh hoạt khắc nghiệt như vậy. Và hẳn cũng chẳng ai theo đuổi sự hà khắc đến mức đó. Thế nhưng tôi nghĩ rằng, đâu đó trong ý nghĩ của chúng ta cũng phải biết tự kiểm soát bản thân. Đó là một điều rất quan trọng. Chỉ cần lơ đãng, đi lạc ra khỏi phạm vi kiểm soát ấy, chúng ta sẽ bị lôi kéo bởi những thứ có thể giúp chúng ta thỏa mãn ham muốn. Để không rơi vào trạng thái đó, tự bản thân chúng ta phải biết kiểm soát chính mình.

Chẳng hạn, khi đang đi trên phố và bạn bị một món đồ nào đó thu hút, lúc đó bạn sẽ muốn có nó. Khi ấy, nếu bị chi phối bởi những ham muốn, dục vọng, bạn sẽ chẳng chần chừ gì mà ngay lập tức rút hầu bao mua nó. Vậy thay vì mua ngay từ lần thấy đầu tiên, bạn hãy thử kiểm soát bằng cách để đến lần thứ ba nếu vẫn thích thì hãy mua.

Khi thấy món đồ gì trên phố, rất có thể bạn sẽ có cảm giác muốn sở hữu ngay. Nhưng đừng vội mua ngay lúc đó. Nếu sau khi về nhà rồi mà bạn vẫn còn muốn nó thì hãy đến cửa hàng ấy vào hôm sau. Nhưng cũng vẫn đừng vội mua. Một tuần sau, nếu bạn vẫn còn muốn món đồ đó, thì lúc ấy mới nên mua.

Hãy tự mình đưa ra những quyết định theo cách ấy. Đó cũng là cách dành thời gian để đối mặt với dục vọng và sự điềm tĩnh. Nếu bạn biết tự kiểm soát mình như thế, dần dần sẽ không còn chuyện mua sắm những thứ đồ lãng phí, vô ích nữa. Lý do là bởi vì thực tế chẳng có nhiều thứ mình xem đi xem lại, nghĩ đi nghĩ lại, đến tận lần thứ ba thấy nó mà vẫn còn muốn mua.

Dám sống trong vòng kiểm soát của chính mình.

Dù mua được cũng không mua

Tiền bạc là một thứ rất quan trọng. Kể cả với những người tu hành như chúng tôi, tiền vẫn là một thứ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Tuyên bố hùng hồn rằng không có tiền thì cũng chẳng sao – nghe chừng là đơn giản lắm. Nhưng đó thực sự là một lối suy nghĩ xa rời thực tế. Nếu đã sống trong xã hội này, thì không thể quay lưng với thứ gọi là tiền.

Nhưng ta không thể quá gắn chặt với đồng tiền. Suy cho cùng đồng tiền chỉ là thứ làm cho cuộc sống trở nên giàu có. Tôi cho rằng tiền không phải dùng để mang lại sự giàu có về mặt vật chất, mà nó được dùng để mang lại sự giàu có về mặt tinh thần. Chẳng phải là cuộc sống của mọi người sẽ thay đổi nhờ vào cách họ dùng số tiền có được hay sao?

Một người phụ nữ đã chia sẻ với tôi câu chuyện của mình như sau: Cô ấy làm việc ở một doanh nghiệp lớn, thu nhập khá cao, luôn mua sắm cho mình những bộ trang phục thời thượng, thưởng thức các món ăn ở những nhà hàng sang trọng. Cuộc sống mấy năm liền của cô ấy đều xa hoa như vậy. Thế nhưng cô ấy lại nói mình không cảm nhận được thế nào là hạnh phúc.

Cô ấy có một người đồng nghiệp hơn tuổi, cùng công ty. Người đó làm việc rất hiệu quả, lúc nào cũng cặm cụi, chú tâm vào công việc. Cô ấy cảm thấy ngưỡng mộ chị đồng nghiệp này, nhưng cũng có cảm giác rằng sở thích của hai người sẽ không hợp nhau. Hầu như chị này chẳng bao giờ quan tâm đến thời trang, lúc nào cũng xuất hiện trong một chiếc quần jean và áo phông. Nếu nói là về lương, thì lương chị ấy chắc chắn đủ để mua được những bộ quần áo đẹp hơn. Nhưng tại sao người ta lại không chi thêm tiền cho việc mua quần áo nhỉ? Cô ấy quyết định hỏi người đồng nghiệp này.

Sao chị không mua mấy bộ quần áo đẹp hơn? Lương của chị cao hơn hẳn em mà?

Ngay lập tức, người đó cười và trả lời:

Vì tôi thích sách. Thế nên đến nhà sách chẳng bao giờ tôi phải để ý đến giá cả, tôi sẽ mua những cuốn sách mà mình muốn. Sách sẽ làm cuộc sống của tôi trở nên phong phú, nhiều màu sắc hơn, còn quần áo thì không thể làm mình hạnh phúc.

Chỉ cần không thấy phù hợp với quan điểm về giá trị của mình, thì dù có thể mua, người ta cũng chọn không mua. Cô gái nói nhờ gặp được người đồng nghiệp đó, mà suy nghĩ của cô ấy cũng đã thay đổi khá nhiều. Đó là một câu chuyện rất thú vị.

Hãy dùng tiền để làm cuộc sống tâm hồn của bạn trở nên phong phú.

Đôi khi hãy học cách dừng lại

Trong cuộc sống, việc trân trọng hay bỏ qua thứ gì đó đối với mỗi người là khác nhau. Cho dù đối với những người quanh mình nó chẳng là gì cả, chỉ cần nó quan trọng với mình thì cũng không cần thiết phải bỏ nó đi.

Tuy nhiên, lại có rất nhiều người giữ quá nhiều thứ bên mình. Đó là những thứ mà với những người thường suy nghĩ quá cứng nhắc luôn cho rằng không thể thiếu đối với họ.

Có một số người cho rằng bữa ăn của các thành viên trong gia đình luôn phải được nấu tại nhà, họ muốn tự tay làm cho chồng và con những hộp cơm thơm ngon và xinh xắn. Tất nhiên với người có sở thích làm cơm hộp thì không nói làm gì, nhưng cũng có một số người tự cho rằng đó là việc không thể không làm. Và một khi đã vô tình tự coi nó là nghĩa vụ phải làm, thì chẳng mấy chốc cơn khủng hoảng hay căng thẳng cũng sẽ tìm đến.

Khi bắt đầu cảm thấy căng thẳng thì nghỉ ngơi là một việc hết sức quan trọng. Nếu là làm cơm hộp, thì bạn có thể không làm vào một ngày nào đó trong tuần chẳng hạn, hãy đưa tiền cho con bạn và nói: “Trưa nay con tự ăn nhé, có thể mua bánh mì cũng được.” Và rồi thời gian bạn có được của ngày hôm đó, hãy dành cho bản thân mình. Một số người có thể cảm thấy áy náy, chưa quen với việc nhàn rỗi, nhưng thử đứng trên cương vị chồng và con, thì có khi họ lại cảm thấy vui sướng bất ngờ. “Ôi, bữa trưa nay mình có thể ăn món bánh mì yêu thích rồi!”.

Đừng tự bắt bản thân phải làm quá nhiều việc, đôi khi hãy thử dừng lại. Nếu mình dừng lại mà gây ra tổn hại gì đó, thì chỉ cần quay trở lại như trước kia vẫn làm thôi. Còn nếu mình dừng lại mà không hề có ảnh hưởng gì, chẳng có gì thay đổi cả thì hãy nghĩ đó là việc không làm cũng được.

Người ta hay nghĩ dừng lại, hay bỏ qua một việc gì đó là không tốt, nhưng không phải như thế. Việc làm tất cả mọi thứ một cách hoàn hảo là không thể. Điều quan trọng là phải biết phân biệt việc gì có thể dừng lại, việc gì có thể buông bỏ được và việc gì thì không.

Đừng để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng chỉ vì xem nhiều thứ là bắt buộc.

Không lặp lại một sự kiện mỗi năm

Hàng năm có rất nhiều lễ hội, sự kiện xảy ra, bắt đầu là việc đi lễ chùa đầu năm vào buổi sáng mùng Một Tết. Nếu là Phật giáo thì có lễ Ohigan (viếng mộ người thân trong tuần lễ xuân phân hay thu phân) hay lễ Obon (lễ tảo mộ của người Nhật, thường diễn ra vào giữa tháng 8). Nếu theo Thiên Chúa giáo thì sẽ có đêm Giáng sinh. Vốn dĩ, những lễ hội quanh năm này đã phát triển theo tôn giáo. Những lễ hội được tổ chức ở các địa phương cũng vậy.

Nhưng hiện nay, tại Nhật Bản gần như tháng nào cũng có lễ hội hay sự kiện gì đó. Những sự kiện như Valentine hay Halloween, hoặc những sự kiện của một ngày nào đó, liên tục xuất hiện. Đối với những người thích thú, hào hứng với những ngày đó thì thật là tuyệt vời, nhưng chắc hẳn cũng có những người dù không thích mà vẫn buộc phải tham gia vì một lý do nào đó. Chẳng hạn như cứ đến ngày Valentine, mọi người trong công ty thường phát cho nhau những thanh socola như một “nghi lễ” bắt buộc. Và người nhận cũng vậy, họ sẽ phải trả lại người tặng vào ngày Valentine Trắng một tháng sau đó. Trong khi nếu cả hai bên đều cảm thấy không thoải mái, đau đầu vì nó thì bỏ qua cũng không có gì là không được cả.

Chẳng phải vốn dĩ những lễ hội trở nên vui vẻ, náo nhiệt chính là do người tham gia sẽ tìm thấy giá trị nào đó ở lễ hội ấy hay sao? Nó cũng không phải cái có thể phù hợp với toàn xã hội để ai cũng bắt buộc phải tham gia. Vì thế, chúng ta cũng chẳng việc gì phải buồn bã, ủ rũ bởi những suy nghĩ như “Giáng sinh phải ở bên người yêu và gia đình” hay “Ôi Giáng sinh rồi mà sao mình vẫn độc thân thế này?”.

Tôi chẳng làm gì đặc biệt vào ngày Giáng sinh cả. Không phải do tôi là người tu hành nên mới như vậy, mà kể cả nếu tôi là một tín đồ Phật giáo đi chăng nữa, thì chỉ cần muốn, tôi vẫn có thể tham dự một bữa tiệc Giáng sinh. Thế nhưng bản thân tôi lại chẳng tìm thấy niềm vui hay một giá trị nào ở chỗ đó cả.

Nếu bạn muốn tham gia một lễ hội được tổ chức hàng năm ở Nhật Bản, thì bây giờ đã có rất nhiều lễ hội cho bạn lựa chọn. Có lẽ những sự kiện ấy sinh ra để cứu rỗi cho sự bận rộn của mọi người.

Thay vì chỉ chú ý đến những lễ hội bên ngoài, bạn hãy chú tâm đến những sự kiện của chính bản thân mình. Hãy tạo ra những sự kiện cho gia đình bạn, tự tận hưởng một ngày chẳng có gì đặc biệt, trân trọng ngày kỷ niệm của mình. Một sự kiện vui vẻ hằng năm mà một năm có đến những ba lần như vậy chẳng phải đã đủ rồi hay sao?

Bạn có thể tự quyết định một sự kiện hay ngày kỷ niệm nào đó.

Thay đổi lối hành xử

Hôm trước, khi bước lên tàu điện, tôi thấy một cô gái trẻ rất xinh đẹp, ăn mặc cũng thời trang ngồi ở ghế phía trước. Tôi cũng thấy có một số anh chàng quanh đó phải đưa mắt ngắm nhìn. Đột nhiên cô gái ấy lấy ra một vài món đồ trang điểm từ chiếc túi xách của mình, kèm theo chiếc gương, rồi bắt đầu trang điểm. Nhìn thấy cảnh đó, tất cả các anh chàng kia đều đồng loạt quay đi chỗ khác, không hướng mắt vào cô gái trẻ ấy nữa. Dĩ nhiên trong đó có cả tôi, tôi cũng tự nhiên nhắm mắt lại.

Biểu cảm của cô ấy lúc bấy giờ thì như muốn nói rằng: “Việc mình trang điểm trên tàu điện thì cũng đâu có ảnh hưởng đến ai. Kể cả ở đâu đi chăng nữa thì đó cũng là quyền tự do của mình”. Chắc chắn tôi cũng không hề có ý định chỉ trích hành vi của cô gái này. Nếu đó là con gái hay học trò của mình thì chắc là tôi sẽ nhắc nhở, nhưng sẽ không thể làm điều đó với người ngoài. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn ai đó truyền đạt đến cô gái ấy một điều rằng: “Hành động đó của bạn hoàn toàn chẳng đẹp mắt chút nào.”

Việc trang điểm, ăn diện để khiến mình trông xinh đẹp hoàn toàn là một việc rất tuyệt vời. Nhưng sự thật là đang có quá nhiều người hiểu sai về nó. Tôi nghĩ rằng xinh đẹp không có nghĩa là phải theo đuổi các mốt thời trang đang thịnh hành, cũng chẳng phải là đắp một lớp trang điểm dày cộm lên mặt. Vốn dĩ sự xinh đẹp được thể hiện ở một hành vi đẹp.

Khi biết tự mình nhắc nhở về những hành vi, lối cư xử lịch sự thì nó cũng dẫn đến một tâm hồn đẹp. Phật giáo đã dạy, việc thay đổi, tu sửa hành vi, nếp sống của bản thân cũng là một con đường đi đến sự thấu hiểu Phật pháp. Không nên bó mình chỉ trong một diện mạo đẹp đẽ. Bởi diện mạo đẹp đẽ ấy sẽ mất đi ngay khi trở về nhà và tẩy rửa lớp trang điểm trên khuôn mặt.

Trong thiền cũng có câu “Sửa hình đẹp bóng”. Ý nói nếu hành vi, cử chỉ của người đó vốn đẹp rồi, thì bóng của họ cũng tự nhiên đẹp lên. “Bóng” ở đây chính là tâm hồn. Vì thế, một người có hành vi luôn lịch sự, nhã nhặn thì điều đó cũng phản ánh một tâm hồn đẹp. Hãy nhìn lại những hành vi, cử chỉ của mình xem nó đã là một cử chỉ “đẹp” chưa nhé!

Cái đẹp không được thể hiện bởi dung mạo hay trang phục, mà ở chính cách hành xử của bạn.

Thỉnh thoảng hãy nói thật to

Công việc mỗi buổi sáng của những người tu hành như chúng tôi là tụng kinh. Khi có hàng trăm người cùng đồng loạt tụng kinh thì không nói làm gì, nhưng bình thường chúng tôi vẫn đọc rất to. Kể cả có vài người chúng tôi vẫn đọc to, đến mức khiến một người nào đó cảm thấy ồn ào.

Đến đây chắc bạn nghĩ rằng việc gì phải đọc rõ to như vậy, đúng không? Trên thực tế thì cũng chẳng có quy định nào yêu cầu chúng tôi phải làm vậy. Nhưng kể cả thế thì mấy người chúng tôi vẫn luôn tụng kinh bằng một giọng rất to. Chúng tôi làm thế chỉ bởi vì cảm thấy vô cùng sảng khoái.

Trong cuộc sống thường ngày có khá ít cơ hội để chúng tôi có thể nói thật to. Hơn nữa, vì ở vị trí của một người tu hành, nên kể cả trong lòng đang có điều bồn chồn, khó chịu đi chăng nữa, chúng tôi vẫn phải kiểm soát giọng nói ở một giới hạn âm thanh nhỏ nhẹ. Vì thế mà, khi có một chút căng thẳng thì chúng tôi có thể giải tỏa bằng cách tụng kinh thật to.

Chắc cũng có người ít khi to tiếng trong cuộc sống, vậy thì bất cứ khi nào trong lòng chất chứa những lo âu, căng thẳng thì hãy thử hét thật to. Vì không thể hét to ở công ty hay trên đường phố được, nên hãy thử đến một nơi vắng người như một vùng núi hay một bãi biển rộng lớn để hét thật to.

“Cố lên”, “Mình sẽ làm được!” Hãy thử tự cổ vũ bản thân mình bằng những câu như vậy. Hoặc nếu không, bạn cũng có thể xả hết những điều phiền muộn, bực bội trong lòng cho một ai đó. Chuyện đó cũng giống như xả hết đống rác trong lòng bạn. Hay bạn cũng có thể đến chùa tụng kinh, kể cả không hiểu lắm ý nghĩa của những lời kinh đó. Thói quen nói thật to này có thể khiến tâm hồn nhẹ nhàng hơn ngoài dự đoán của bạn đấy.

Nhưng nếu như đang muốn mắng mỏ, cãi cọ to tiếng với ai đó, thì khi ấy bạn cần phải kiềm chế mình lại. To tiếng với ai đó sẽ chỉ càng làm cảm xúc tiêu cực lúc bấy giờ của họ dâng lên mạnh mẽ hơn. Nên nếu như cần trách mắng hay nhắc nhở người khác, hãy nhắc nhở họ bằng một giọng điệu điềm tĩnh, ôn nhu. Điều đó không chỉ tốt cho đối phương, mà cho cả bản thân mình nữa.

Nói thật to có thể giảm căng thẳng. Nhưng không được to tiếng, mắng mỏ người khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VÌ SAO “TÔI” KHÔNG THỂ HẠNH PHÚC? 
  2. LỐI SỐNG TỐI GIẢN
  3. GIẢN DỊ

Bài viết khác của tác giả

  1. TẬP THÓI QUEN DUY TRÌ TRONG 100 NGÀY
  2. ẢO TƯỞNG MANG TÊN SO SÁNH VỚI NGƯỜI KHÁC
  3. TÂM KHÔNG ẢO TƯỞNG

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY