VÌ SAO “TÔI” KHÔNG THỂ HẠNH PHÚC? 

MATTHIEU RICARD

Trích dẫn từ tác phẩm “Hạnh Phúc
Hướng dẫn phát triển kỹ năng sống trọng yếu nhất” của Matthieu Ricard. 
Chân Như Việt dịch

Matthieu Ricard là một tu sĩ Phật giáo đã từng có một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực nghiên cứu gien tế bào trước khi ông rời bỏ nước Pháp cách đây 35 năm để tu họcPhật giáo tại vùng núi Himalaya. Ông là tác giả, dịch giả và là một thành viên tham gia nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của thiền lên não bộ. Các tác phẩm của ông được đánh giá cao trong giới học thuật tại châu Âu và ông cũng là đồng tác giả của hai cuốn sách bán chạy nhất tại Pháp: tác phẩm Tu Sĩ và Triết gia và tác phẩm Lượng tử và Hoa Sen. Ông sống tại Tây Tạng và Nepal.

Bốn sự thật cao quý (Tứ Thánh đế) dạy rằng để tìm thấy phúc lạc trước tiên chúng ta phải truy tìm ranguyên nhân của khổ. Đây là cách tiếp cận của tu sĩ Phật  giáo người Pháp, Thầy Matthieu Ricard, người đã chỉ ra rằng hạnh phúc chân thật chỉ hiện hữu sau khi chúng ta thấu triệt vô minh căn bản, tức là khởi nguyên của phiền não khổ đau.

Người bạn Mỹ của tôi, một biên tập viên nhiếp ảnh tiếng tăm, có lần kể cho tôi nghe mẩu đối thoại giữa cô và một nhóm bạn sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp đại học và họ đều băn khoăn không biết sẽ làm gì tiếp theo với đời mình. Khi cô nói: “Tôi muốn hạnh phúc,” một sự yên lặng đầy bối rối bao trùm, và rồi một trong những người bạn của cô đã hỏi: “Làm sao một người sắc sảo như cậu lại không muốn cái gì hơn hạnh phúc?” Cô bạn tôi đáp: “Tớ không nói mình muốn hạnh phúc như thế nào. Có rất nhiều cách kiếm tìm hạnh phúclập gia đình, sinh con, lập nghiệpchạy theo mạo hiểm, giúp đỡ người khác, tìm hạnh phúc nội tâm. Làm gì thì làm, cuối cùng tớ muốn có một cuộc đời hạnh phúc thật sự.”

Chữ hạnh phúc, như nhà văn Henri Bergson từng viết: “thường được sử dụng để chỉ những gì rắc rối và mù mờ,  là một trong những khái niệm mà con người cố tình bỏ ngỏ trong mơ hồ để rồi mỗi cá nhận tự diễn giải theo cách riêng của mình.” Từ góc độ thực tế mà nói, bỏ ngỏ định nghĩa về hạnh phúc như thế không sao cả nếu chúng ta đề cập đến những cảm giác vụn vặt bình thường. Nhưng chân lý hoàn toànkhác, vì chúng ta đang luận bàn nghiêm túc về một phương cách hiện hữu sao cho ta có thể xác định được chất lượng từng giây phút sống. Vậy hạnh phúc thật sự là gì?

Các nhà xã hội học định nghĩa hạnh phúc là “mức độ mà ở đó con người định giá chất lượng toàn diệncủa toàn bộ cuộc sống thực tại một cách tích cực. Nói cách khác, con người thỏa mãn cuộc sống hiện tại của mình tới mức độ nào.” Tuy nhiên, định nghĩa này không phân định được sự mãn nguyện hỷ lạcsâu xa với thỏa mãn thuần túy các điều kiện cuộc sống vật chất bên ngoài. Với một số người, hạnh phúc chỉ là “một dấu ấn ngắn ngủi, phù du với cường độ và thời gian thay đổi tùy theo các điều kiện sẵn có để giúp nó hiện hữu”. Những hạnh phúc kiểu như thế, về bản chất sẽ rất mơ hồ và phải lệ thuộc vào các điều kiện hoàn cảnh vốn thường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.  Với triết gia Robert Misrahi lại khác, hạnh phúc là “sự lan tỏa của hân hoan vui sướng đối với toàn thể hiện hữu của một cá nhân hoặc đối với phần tươi sáng nhất trong đời sống quá khứ năng độngđời sống hiện tại chân thựcvà đời sống tương lai khả tri của một cá nhân.” Có lẽ đó là một điều kiện bền vững hơn. Còn theo triết gia Andre Comte – Sponville, khi nói về “hạnh phúc” chúng ta hàm ý bất kỳ giây phút nào sự hân hoancó thể diễn ra tức khắc.”

Vậy hạnh phúc có phải là một kỹ năng một khi thành tựu được sẽ tồn tại vững bền qua nhiều biến cốthăng trầm của cuộc đời? Cò hàng ngàn kiểu tư duy về hạnh phúc và vô số triết gia đã đưa ra định nghĩa riêng của họ về hạnh phúc. Với Thánh Augustine, hạnh phúc là “niềm hân hoan trong chân lý”. Đối với Immanuel Kant, hạnh phúc phải hợp lý và không gợn chút uế tạp cá nhân nào, trong khi Marx cho rằng hạnh phúc là sự tiến triển trong công việc. Aristotle đã viết như thế này: “Điều gì kiến lập nên hạnh phúc là vấn đề còn phải bàn cãi và nguyên nhân phổ biến tạo nên hạnh phúc chẳng bao giống những thứ mà các triết gia đề ra cả.”

Phải chăng chính từ hạnh phúc đã bị lạm dụng nhiều đến mức người ta bó tay với  nó, quay lưng lại với nó vì những ảo tưởng và sự nhàm chán mà nó tạo tác? Với một số người, nói về chuyện tìm kiếm hạnh phúc dường như rất oải. Trùm kín trong bộ giáp của tự mãn trí tuệ, những người này nhạo báng hạnh phúc như họ cười nhạo vào một cuốn tiểu thuyết ướt át.

Tạo sao có sự hạ thấp giá trị của hạnh phúc như thế? Phải chăng nó phản ảnh những lạc thú giả tạo do truyền thông đại chúng mang tới? Phải chăng đó là kết quả của những nỗ lực thảm hại mà chúng ta đã sử dụng để kiếm tìm hành phúc chân chính? Chúng ta thà chấp nhận chung sống với phiền não còn hơn là dành những nỗ lực thông thái và thành khẩn để kiếm tìm hạnh phúc trong đống khổ đau rối bời?

Thế còn những hạnh phúc giản đơn khi ta nhìn một em nhỏ mỉm cười hay một tách trà thơm sau buổi dạo trong rừng? Dù những khoảnh khắc chân thật thoáng qua của hạnh phúc có phong phú và dễ chịuđến mấy đi nữa thì chúng cũng chỉ là những tình tiết vụn vặt, không thể bao trùm hào quang của chúng lên toàn thể đời sống của chúng taHạnh phúc không thể bị giới hạn bởi đôi ba cảm giác lạc thú, vài xúc cảm mãnh liệt, một hỷ lạc vỡ òa, một cảm giác tĩnh lặng ngắn ngủi, một ngày hân hoan hay một khoảnh khắc kỳ diệu xuất hiện trước ta trong mê cung của hiện hữu.  Những mảnh ghép muôn màu ấy không đủ để kiến tạo một hình ảnh chính xác về sự mãn nguyện sâu lắng và niên viễn vốn chính là đặc điểmcủa hạnh phúc chân thật.

Khi nói về hạnh phúc ở đây, tôi hàm ý một cảm nhận sâu lắng của niềm hân hoan sống động khởi lên từ một tâm thức tỉnh giác cao độ. Đây không chỉ là một thứ cảm giác hoan lạc thuần túy, một xúc cảm thoáng qua, hay một tâm trạng mà là một trạng thái tối ưu của hiện hữuHạnh phúc cũng là một phương cách để diễn giải thế giới quan, vì thay đổi ngoại cảnh khách quan thì có thể khó khăn, còn thay đổi nhân sinh quan thì luôn luôn khả dĩ.

Chuyển hóa nhân sinh quan không hàm nghĩa chủ thuyết lạc quan ngây ngô hay những trạng thái thơ thới giả tạo được dựng ra để hóa giải nghịch cảnhChừng nào chúng ta còn bị thống trị bởi bất mãn và phiền não dấy khởi từ sự rối loạn đang thao túng tâm thức, thì nó cũng phù phiếm như là ta đang đi tới đi lui tự nhủ “Mình hạnh phúc! Mình hạnh phúc!” giống như đang sơn phết lại một bức tường sụp đổ. Mưu cầu hạnh phúc không phải là nhìn đời qua mảnh kính tô hồng hay bịt mắt mình mù lòa trước những khổ đau, bất toàn của thế gian này. Hạnh phúc cũng không phải là một trạng thái hân hoan kéo dài niên viễn bất chấp mọi giá; mà nó là sự thanh tẩy những độc tố tinh thần như hận thù cùng với những ám ảnh vốn đầu độc tâm thức con ngườiHạnh phúc cũng chính là học cách quán xét sự vật trong các mối tương quan và rút ngắn khoảng cách giữa cái nhìn bề ngoài và hiện thực. Để tới được đó chúng ta phải có tri kiến sâu xa hơn về sự vận hành của tâm thức và am hiểu chính xác hơn bản chấtcủa các sự vật và hiện tượng, vì rằng theo một nghĩa sâu lắng nhất, phiền não khổ đau có sự liên kếtmật thiết với sự ngộ nhận về bản chất của hiện thực.

Hiện thực và nội kiến thấu suốt.

Hiện thực là gì? Theo Phật giáohiện thực hàm nghĩa bản chất chân thật của sự vật, không bị bóp méobởi các thành tố tinh thần do chúng ta áp đặt vào đó. Tư duy như thế kéo rộng hố ngăn cách giữa cảm nhận chủ quan và hiện thực, và điều này gây ra cuộc tranh đấu không bao giờ ngưng nghỉ với thế giannày.  “Chúng ta ngộ nhận về thế giới này rồi cho rằng nó dối gạt ta,” nhà thơ Tagore đã từng nói như thế. Chúng ta cho những thứ phù du ngắn ngủi là thường hằng vĩnh viễn, định nghĩa hạnh phúc là những thứ mà thật ra chỉ là nguồn gốc của khổ đau: chẳng hạn như ham muốn của cải vật chất, tham đắm quyền lực danh vọng và những lạc thú dài lê thê.

Khi nói về tri thức chúng ta không hàm nghĩa là phải hiểu biết hàng đống thông tin và sự học hành này kia mà là tri biết bản chất chân thật của sự vật hiện tượng. Theo thói quenchúng ta luôn cảm nhận thế giới bên ngoài là một chuỗi các thể riêng lẻ, hiện hữu độc lập có thể gán ghép cho chúng những đặc tính mà ta cho là tự tính của chúng. Các kinh nghiệm hàng ngày nói cho chúng ta biết cài này “tốt” cái kia “xấu”. Dường như đối với chúng ta, cái “tôi” cảm nhận chúng cũng cụ thể và chắc thật y như thế. Sai lầm này, điều mà Phật giáo gọi là vô minh, làm gia tăng phản chiếu mạnh mẽ của các bám luyến và sân hận vốn đưa đường dẫn lối vào cảnh dâu bể bi đát. Như Etty Hillesum đã phát biểu ngắn gọn: “Chướng ngại lớn lao đó luôn mang tính biểu trưng và không bao giờ là hiện thực cả.” Cõi vô minh và khổ đau, tiếng Sankrit gọi là Samsara, không phải là điều kiện nền tảng của hiện hữu mà chỉ là một cõi tinh thầndựa trên những suy niệm lầm lạc về hiện thực của chúng ta.

Thế giới hiện tượng được tạo tác từ sự kết hợp của vô lượng các nhân duyên biến chuyển không ngừng. Giống như chiếc cầu vồng hiện ra khi mặt trời xuyên rọi qua màn mưa và biến mất khi bất kỳ yếu tố nào góp phần tạo ra nó không còn nữa, hiện tượng tồn tại trong một thể hoàn toàn tương thuộc và không có một hiện hữu bền vững độc lập. Mọi sự vật hiện tượng đều tương quan với nhau. Không có một thứ gì tự nó hiện hữu, miễn nhiễm khỏi tác động của nhân quả: Đây chính là tri kiến sáng suốtTri kiến sáng suốt không phải nhận thức triết học; nó hình thành từ một cách tiếp cận cơ bản cho phépchúng ta rũ bỏ dần sự mù quáng tinh thần và các cảm xúc rối loạn và do đó rũ bỏ những nguyên nhânchính yếu của khổ đau.

Mọi cá nhân đều mang trong mình hạt giống toàn hảo, tựa như hạt vừng thấm đẫm tinh dầu. Vô minh, trong ngữ cảnh này, hàm nghĩa không nhận thức được tiềm năng đó, giống như một người hành khấtkhông nhận ra có kho báu chôn dấu ngay dưới cái bị của mình. Nhận thức được bản chất chân thật của mình, đi tới chỗ sở hữu kho tàng đang ẩn náu đó sẽ giúp chúng ta sống một đời tràn đầy ý nghĩa. Đó là cách chắc chắn nhất để tìm thấy sự thanh thản và giúp tâm vị tha chân thật đơm hoa kết trái.

Có một cách hiện hữu tập trung và tràn đầy hết thảy các trạng thái cảm xúc bao trùm mọi niềm hân hoan cũng như đau khổ. Một hạnh phúc sâu lắng đến mức, như Georges Bernanos từng diễn tả “không gì có thể thay đổi được nó, giống như một dòng nước tĩnh lặng khổng lồ nằm bên dưới một cơn bão.” Trong tiếng Sankrit, từ vựng diễn tả trạng thái hiện hữu này gọi là sukha.

Sukha là trạng thái hạnh phúc niên viễn tự thể hiện chính nó khi chúng ta giải thoát khỏi sự u tối tinh thần và các cảm xúc phiền não nhiễm ô. Đây là loại trí tuệ cho phép chúng ta nhìn thế giới đúng như chính nó, không còn bức màn vô minh che chướng hay bị bóp méo dị dạngCuối cùng, đây chính là nguồn hỷ lạc khi di chuyển vào trạng thái tự do nội tại và tâm từ ái chiếu tỏa rạng ngời lan truyền đến những người khác.

Ban đầu ta hình thành “cái tôi” rồi bám chặt vào nó
Tiếp đến chúng ta hình thành “cái của tôi” rồi bám chặt vào thế gian vật chất này,
Tựa như dòng nước mắc kẹt trong bánh xe nước, xoay vần trong vòng tròn khép kín, bất lực
Tôi tán dương tâm từ ái ôm trọn mọi chúng sinh.
– Nguyệt Xứng.

Tâm mê là một bức màn cản lối chúng ta nhìn thấy hiện thực một cách rõ ràng và che chướng tri kiếncủa chúng ta về bản chất chân thật của sự vật hiện tượngThực tế mà nói, đó cũng là chính là sự bất lực không thể xác định được những hành vi nào giúp chúng ta tìm thấy hạnh phúc và né tránh khổ đau. Khi nhìn ra ngoài, chúng ta định đoạt thế gian này bằng cách gán cho nó những tính chất không bao giờ là tự tính của nó. Khi nhìn vào trong, chúng ta đóng băng dòng chảy tâm thức khi dựng lên “cái tôi”ngự trị giữa một quá khứ không còn tồn tại và một tương lai chưa hề hiện hữuChúng ta tin chắc thật những gì mình nhìn thấy và ít khi tự vấn quan điểm đó. Chúng ta tự gán những giá trị nội tại vào các sự vật, con người, cho rằng “Cái này đẹp, cái kia xấu” mà không nhận ra rằng chính tâm ta áp đặt những đặc tính này lên các sự vật mà chúng ta đang cảm nhận. Ta tự chia cắt thế giới giữa “những thứ mong muốn” và “những điều ghét bỏ,”  xem cái phù du là thường hằng bất biến và những sự vật hiện tượngvốn là tổng thể của các mối tương quan biến chuyển không ngừng thì là được xem là hiện hữu độc lậpChúng ta có khuynh hướng cô lập các quan điểm đặc thù về con ngườisự kiệnhoàn cảnh và nhất tâmchú ý vào những đặc thù này. Đây là cách người ta đi đến việc dán cái mác lên người khác như “kẻ thù”, “điều thiện”, “cái ác” và bám luyến một cách cường liệt vào các đặc tính đó. Tuy nhiên, nếu xem xét hiện thực một cách kỹ càng, cái phức tạp của nó trở nên hiển nhiên.

Nếu như một vật có bản chất thật sự đẹp đẽ và dễ chịu và nếu những phẩm chất đó thật sự thuộc về nó, thì chúng ta phải say mê thích thú với nó trong mọi lúc mọi nơi. Nhưng có cái gì trên đời đồng loạtnhất thể được xem là đẹp đẽ? Như một câu kệ trong giáo pháp nhà Phật có nói: “Người đàn bà đẹp, trong mắt tình nhân, là đối tượng thèm muốn; Trong mắt vị ẩn tu, là sự tán tâm; trong mắt sói hoang, là miếng mồi ngon.” Tương tự, nếu một đối tượng xem là kinh tởm đáng ghétmọi người đều phải né tránh nó chứ. Mọi điều trên đời này sẽ đổi thay khi con người nhận ra rằng chúng ta chỉ thuần gán đặt đặc tính nọ kia lên trên sự vật và con người mà thôi. Không có một đặc tính nội tại trong một vật thể đẹp đẽkhiến nó lợi lạc cho tâm và không có một đặc tính nội tại trong một vật xấu xí khiến nó nguy hại cho tâm cả.

Tương tự như thế, người mà hôm nay chúng ta xem là kẻ thù chắc chắn sẽ là một đối tượng yêu thương trong mắt kẻ khác, và có khi một ngày nào đó chúng ta lại kết thân bằng hữu với chính kẻ thùcủa mình. Chúng ta phản ứng cứ như thể các đặc tính này không thể tách rời khỏi đối tượng mà chúng ta gán đặt vào đó. Do vậy chúng ta xa rời hiện thức và bị kéo lê vào cỗ máy của yêu ghét liên tục không ngưng nghỉ trong sự vận hành các phóng ảnh của tâm. Suy niệm của chúng ta làm sự vật hiện tượngđông cứng thành những thể nhân tạo và chúng ta mất đi tự do nội tâm tựa như nước mất đi tính chấtlỏng của nó khi đóng thành băng.

Kết tinh của bản ngã.

Trong nhiều phương diện của rối ren mê mờ, phiền toái cơ bản nhất chính là chấp bám vào một khái niệm về bản sắc cá nhân: còn gọi là bản ngãPhật giáo phân biệt giữa cái “tôi” nội tại, bản năng – khi chúng ta tư duy, chẳng hạn “tôi thức dậy” hay “tôi lạnh” – và một cái “ngã” mang tính khái niệm được hình thành bởi tác động của thói quenChúng ta gán đặt nhiều tính chất vào nó và ấn định nó là cốt lõihiện hữu của chúng ta, một thứ bền lâu và độc lập.

Trong mọi khoảnh khắc giữa sống và chết, cơ thể chúng ta trải qua những biến chuyển không ngừng và tâm thức chúng ta trở thành rạp hát chứa đựng vô số những kinh nghiệm cảm thức. Tuy thếchúng tavẫn kiên cường gán đặt các tính chất thường hằng, độc nhất và tự tồn vào bản ngãNgoài rachúng tabắt đầu cảm thấy rằng bản ngã này rất dễ bị tổn thương và nó phải được bảo bọc,  phải được thỏa mãn, rồi theo sau đó cái yêu, cái ghét sắm vai của chúng – Ghét bỏ bất cứ thứ gì đe dọa bản ngã và đam mêcuốn hút vào những gì thỏa mãn được bản ngãxoa dịu nó, gia cố sự tự tin của nó hoặc làm nó cảm thấy dễ chịu thoải mái. Hai cảm xúc cơ bản này, yêu thích và ghét bỏ chính là căn nguyên của toàn bộđại dương nhiễm tâm phiền não.

Bản ngãtheo như triết gia Phật giáo Han de Wit từng nói: “cũng là những phản ứng dễ bị xúc độngtrước kinh nghiệm của chúng ta, một sự thoái lui tinh thần trên nền tảng của sợ hãi.” Từ nỗi sợ hãi thế gian và con người, nỗi sợ hãi khổ đau, lo lắng sinh tửchúng ta hình dung ra rằng mình sẽ được bảo bọc bằng cách ẩn nấp bên trong cái bong bong – tức là bản ngã.

Sự dũng mãnh thật sự khởi sinh từ niềm tin cho rằng chúng ta sẽ có thể tập hợp toàn bộ nội lực cần thiết để đương đầu với bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này hoàn toàn khác hẳn với việc thu rút vào bản ngãbên trong, một phản ứng sợ hãi vốn duy trì mãi mãi những cảm giác đầy bất an.

Mỗi chúng ta là một cá nhân đơn nhất, vì vậy thừa nhận và trân trọng chính mình là đúng. Song, khi củng cố bản sắc riêng biệt của bản ngãchúng ta lại không đồng nhất nó với hiện thựcSự thật là, về cơ bản chúng ta tương thuộc vào nhau và vào môi trường. Kinh nghiệm của chúng ta chẳng qua là nội hàm của một dòng chảy tinh thần hay còn gọi là dòng tương tục của tâm thức, và không thể có một biện minh nào cho việc coi bản ngã là một thực thể hoàn toàn tách biệt với dòng chảy tinh thần đó. Chúng taquá sức quen thuộc với việc gắn chặt chiếc nhãn “tôi” vào dòng tâm thức, đến mức đi tới chỗ đồng nhất với nó và hoảng loạn nếu nó biến mất. Tiếp đó là sự bám luyến mãnh liệt vào bản ngã và rồi vào khái niệm “của tôi” – thân thể của tôi, tên của tôi, tâm của tôi, tài sản của tôi, bạn bè của tôi  v.v… dẫn đến hoặc là tham muốn sở hữu hoặc là cảm giác ghê tởm “những cái khác”. Đây là đường hướng mà các suy niệm về bản ngã của ta và của người kết tinh trong tâm thức chúng taÝ thức nhị nguyên sai lầmtrở thành tất yếu, kiến tạo nền tảng cho mọi nhiễm tâm phiền nãotham muốnsân hậnghen ghét, ngạo mạn, ích kỷ. Từ đó, chúng ta nhìn thế gian này qua chiếc gương của ảo giácChúng ta thấy mình bất hòa với bản chất thật của sự vật và hiện tượng, điều này chắc chắn sẽ dẫn dắt tới khổ não.

Chúng ta có thể thấy sự kết tinh “tôi” và “của tôi” trong nhiều tình huống hàng ngày. Bạn đang chèo thuyền yên lành giữa một cái hồ. Rồi bỗng một chiếc tàu khác đâm sầm vào tàu của bạn và khuấy lên trong bạn ý nghĩ rằng gã lái tàu kia sao tự dưng đâm vào mình, thế là bạn nổi khùng lên, sẵn sàng rủa gã, rồi sau đó mới phát hiện ra là cái tàu kia không có người lái. Bạn cười nhạo vào sai lầm của mình và lại tiếp tục bình thản chèo thuyền. Điều khác biệt duy nhất giữa hai phản ứng này là trong tình huống thứ nhất, bạn nghĩ mình là mục tiêu bị người khác chơi xấu, trong khi ở tình huống thứ hai, bạn nhận rarằng “mình” không phải là mục tiêu.

Lấy một ví dụ khác minh họa cho bám luyến của chúng ta vào ý niệm “của tôi”. Bạn đang ngắm nghía một chiếc bình sứ lộng lẫy trong cửa hàng thì bỗng dưng người bán hàng vô ý làm rơi nó vỡ toang xuống đất. “Tiếc quá! Chiếc bình quá đẹp!” bạn thở dài và tiếp tục lặng lẽ rảo bướcTuy nhiên, nếu là bạn vừa mua chiếc bình đó và mãn nguyện đặt nó trong áo khoác của mình rồi tuột tay đánh vỡ nó tan tành, bạn sẽ la khóc hãi hùng “Chiếc bình của tôi vỡ rồi!” và chắc sẽ đau buồn nặng nề về chuyện này. Khác biệt duy nhất ở đây chính là cái nhãn “của tôi” mà bạn đã dán vào chiếc bình kia.

Bản ngã dối lừa.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta kinh nghiệm bản ngã qua sự tổn thương của nó. Một nụ cười giản dị sẽ làm nó hân hoan tức thì và một cái chau mày gây ra cho nó một cảm xúc ngược lại. Cái ngã luôn luôn “ở đó,” sẵn sàng bị tổn thương hay được tâng bốc. Thay vì xem bản ngã đa chiều và khó nắm bắt, chúng ta biến nó thành một pháo đài độc lậptrung tâm và cố định. Hãy xem chúng ta đóng góp cái gì vào bản sắc cá nhân. Cơ thể chúng ta? Một mớ xương và thịt. Tâm thức của chúng ta? Một dòng tương tục các khoảnh khắc. Lịch sử của chúng ta? Ký ức về những thứ không còn tồn tại. Tên của chúng ta? Chúng ta đính vào nó tất cả mọi thứ khái niệm – di sảnthanh danhđịa vị xã hội – song, xét cho cùng chúng cũng không hơn gì một đống chứng thư. Khi thấy chữ “JOHN”, ta phấn chấn hẳn lên và nghĩ “Là tôi đó!” Nhưng chỉ cần tách các chữ cái ra thành J-O-H-N, là mất hết cảm hứngÝ niệm “tên của tôi” chỉ là sự thêu dệt tinh thần mà thôi.

Có một  cảm thức sâu lắng về bản ngã dối lừa ngay chính tâm điểm của sự tồn tại mà chúng ta phải thành thực kiểm chứng. Khi khám phá ba cửa ngõ thân, ngữ và ý, chúng ta sẽ thấy rằng cái tôi này chẳng là gì ngoài một câu chữ, một cái nhãn, một quy ước, một sự gán đặt. Vấn đề nằm ở chỗ cái nhãn này nghĩ rằng nó là thực có. Để lột bỏ bản ngã dối lừa, chúng ta phải đi tìm hiểu đến cùng. Khi ngờ vựccó trộm trong nhà, chúng ta phải lục soát tất cả các phòng, mọi ngóc ngách, mọi nơi ẩn náu khả dĩ để chắc chắn tên trộm không có trong nhà. Lúc đó ta mới yên tâm nghỉ ngơi. Chúng ta cần quán xét nội tâm để tìm hiểu điều gì đang ẩn nấp đằng sau ảo ảnh của bản ngã, thứ mà chúng ta cho rằng tạo lập  sự hiện hữu của mình.

Phân tích khắt khe dẫn tới kết luận bản ngã không trú ngụ nơi đâu trên cơ thể cả, nó cũng không phải là một thể khuếch tán nào đó lan tỏa trong toàn cơ thể chúng taChúng ta sẵn sàng tin rằng bản ngã liên hệ với ý thức nhưng ý thức cũng vậy, nó là một dòng mơ hồ: theo nghĩa kinh nghiệm sống, thời khắcquá khứ của tâm thức thì đã chết (chỉ có ảnh hưởng của nó còn lưu lại), tương lai chưa tới và hiện tạichưa kết thúc. Làm sao một bản ngã riêng biệt có thể tồn tạilơ lửng như một bông hoa giữa trời, giữa một cái gì đó không còn hiện hữu và một cái chưa hiện hữu?  Không thể tìm thấy nó trong thân và tâm; nó không phải là một cá thể riêng biệt trong sự phối kết của cả hai mà cũng không ở bên ngoài cả hai. Không có một phân tích nghiêm chỉnh hay một kinh nghiệm nội kiến trực tiếp nào có thể dẫn tới một niềm tin mạnh mẽ cho rằng chúng ta  sở hữu một bản ngã. Một ai đó có thể tin rằng mình cao lớn, trẻ trung và thông thái, nhưng cả chiều cao, tuổi trẻ hay trí tuệ đều không phải là bản ngã. Do vậy, Phật giáo kết luận rằng bản ngã chỉ là tên gọi chúng ta gán đặt cho một dòng lưu chuyển, cũng giống như chúng ta đặt tên cho sông Hằng hay sông Mississipi mà thôi. Một dòng liên tục như thế đương nhiên hiện hữu nhưng chỉ là mang tính quy ước dựa vào sự tương thuộc của thân, tâm và môi trường. Nó hoàn toàn không hề có hiện hữu độc lập.

Sự mong manh của bản sắc.

Khái niệm về “người” bao gồm hình ảnh chúng ta lưu giữ về mình. Ý niệm bản sắc riêng của tôi, địa vịcủa tôi bắt rễ sâu dày trong tâm thức và liên tục ảnh hưởng đến quan hệ của chúng ta với người khác. Một ngôn từ ngắn nhất đe dọa hình ảnh của chúng ta đã là không thể chấp nhận, mặc dù chúng tachẳng thấy hề hấn gì nếu nó được dùng cho người khác ở tình huống khác. Nếu gào vào vách núi lời lăng mạ hay nịnh bợ và những lời đó dội ngược vào mình, chúng ta đâu cảm thấy gì ghê gớm. Nhưng nếu có ai đó quẳng vào mặt mình những lời lăng mạ đúng như thế thì chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ thất vọng. Nếu có được một hình ảnh mạnh mẽ về bản thânchúng ta sẽ tiếp tục cố gắng đảm bảo với chính mình là hình ảnh đó phải được công nhận và chấp nhận. Không gì đau xót cho bằng hình ảnh bản thânbị nghi ngờ.

Nhưng bản sắc cá nhân này đáng giá bao nhiêu? Từ cá nhân đến từ một chữ Latin là persona, mang nghĩa là chiếc mặt nạ của người diễn viên – chiếc mặt nạ qua đó giọng nói của người diễn viên vang lên (gọi là sonat). Trong khi người diễn viên nhận biết mình đang đeo mặt nạ, chúng ta thường hay quên nhận biết sự khác biệt giữa vai trò xã hội của mình và sự trân trọng thành thật đối với hiện hữu của bản thân.

Nói chung, chúng ta sợ hãi phải giải quyết thế giới này mà không có điểm quy chiếu và thường choáng váng khi mặt nạ và danh xưng rớt xuống. Nếu tôi không còn là nhạc sĩ, nhà văn, không còn sành điệu, bảnh bao hay mạnh mẽ thì tôi là cái gì?  Dẫu vậy,  từ bỏ mọi nhãn mác là sự đảm bảo lý tưởng nhất của tự do và cách linh hoạt nhất, nhẹ nhõm nhất, vui tươi nhất để sống trong thế giới này. Khước từ bị dối gạt bởi bản ngã chưa từng ngăn cản chúng ta nuôi dưỡng quyết tâm kiên định để đạt được mục tiêu đề ra cho mình và trong từng giây phút, chúng ta tận hưởng sự phong phú trong mối quan hệ của mình với thế giới và tha nhân.

Xuyên qua bức tường vô hình.

Làm sao tôi kỳ vọng nhận biết như thế về bản chất huyễn ảo của bản ngã có thể thay đổi mối quan hệ của tối đối với gia đình và thế giới quanh tôi? Liệu một cú xoay vòng chữ U như thế có làm chao đảomọi thứ? Kinh nghiệm cho thấy điều này chỉ có thể tốt hơn cho chúng ta. Trên thực tế, khi bản ngãthống trị, tâm ta như một con chim liên tục va vào bức tường kính – tức niềm tin vào bản ngã – sẽ thu hẹp thế giới và khép chặt nó trong những giới hạn hẹp hòi. Rối bời và choáng váng vì bức tường, tâm không thể vượt qua nó. Nhưng bức tường này lại vô hình vì nó không hiện hữu thực sự. Nó chỉ là một tạo tác của tâm. Tuy nhiên nó lại có công năng như một bức tường có thể chia cắt thế giới nội tâm của chúng ta và ngăn chặn dòng lưu chuyển của lòng vị tha và sự vui sống (joes de vivre) của chúng ta. Sự bám luyến vào bản ngã về cơ bản liên kết với những nỗi khổ đau tự cảm nhận thấy và những khổ đau chúng ta gây ra cho người khác. Buông bỏ bám luyến vào hình ảnh một cái tôi dấu yêu và tước bỏ sự quan trọng ra khỏi bản ngã cũng tựa như chinh phục được suối nguồn tự do nội tại lớn lao. Nó cho phépchúng ta tiếp xúc với mọi người và mọi tình huống bằng sự thoải mải tự nhiên, chan hòa, sức kham nhẫn kiên cường và sự bình thản. Chẳng cầu lợi lộc chẳng sợ mất mát, chúng ta tự do cho và nhận. Không còn cần thiết phải nghĩ ngợi, phải phát biểu hay hành động một cách giả tạo, ích kỷ,.

Bám luyến vào không gian chật hẹp của bản ngãchúng ta có khuynh hướng chỉ biết lo cho bản thân. Thất bại một chút cũng làm chúng ta thất vọng nhụt chí. Lo lắng, thắng thua, kỳ vọng luôn ám ảnh chúng ta và vì thế cơ hội tìm thấy hạnh phúc luôn luôn lẩn tránh ta. Thế giới chật hẹp của bản ngã giống như một ly nước hòa với một vốc muối – không thể uống được. Nhưng nếu dỡ bỏ rào cản của bản ngã, tâm ta sẽ biến thành hồ rộng bao la, vốc muối kia không thể nào ảnh hưởng đến vị ngọt của nước.

Khi bản ngã không còn là thứ quan trọng nhất trên đời, chúng ta sẽ thấy chú trọng quan tâm đến người khác dễ dàng hơn. Nhìn vào đau khổ của họ giúp ta thêm quả cảm và quyết tâm giúp họ thay vì bị trói chặt trong phiền não khổ đau cá nhân. Nếu bản ngã thật sự là phần cốt lõi tận cùng của chúng ta thì nỗi sợ hãi phải buông bỏ nó là điều dễ hiểu. Nhưng nếu bản ngã chỉ là một ảo ảnh thì chối bỏ nó đâu phải là xé quả tim ra khỏi sự hiện hữu của chúng ta, mà đơn giản là khai tâm mở nhãn thôi.

Vì vậy cũng đáng công sức dành ra những khoảnh khắc nào đó trong đời để tâm được nghỉ ngơi trong an bình nội tại và qua phân  tích cũng như trực nghiệm để thấu hiểu vị trí của bản ngã trong đời sống này. Chừng nào cảm giác quan trọng về bản ngã còn chi phối đời sống này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được nguồn an lạc vĩnh cửu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGŨ UẨN VÀ VÔ NGÃ
  2. CHIẾN ĐẤU VỚI BẢN NGÃ
  3. HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  2. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU ĐỂ DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ