Bernie Classman
THIỀN SƯ TAIZAN MAEZUMI
Trích: Ánh Trăng Huyền Ảo Của Sự Giác Ngộ - The Hazy Moon Of Enlightenment; Tác giả: Taizan Maezumi (1931-1995), Bernie Classman (1939 - ); Người dịch: Chương Ngọc; Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 2018
Vào mùa hè năm 1968, cùng với đạo sư Soen Nakagawa và nhiều người khác, chúng tôi đến viếng Trung tâm Thiền Trên Núi tại vùng suối nước nóng Tassajara, California. Nằm sâu trong hoang vu của vùng rừng núi miền trung California, thiên đường này cách Los Angeles tám giờ chạy xe về hướng tây bắc và cách San Francisco bốn giờ chạy xe về phía nam.
Rời khỏi Trung tâm Thiền Los Angeles lúc 9 giờ sáng ngày 9 tháng Bảy, và sau vài lần nghỉ ngơi dọc đường, chúng tôi đã đến Tassajara hơn sáu giờ tối một chút. Trong suốt hai giờ sau cùng trên đường đi, xe chúng tôi phải leo một con đường rừng chật hẹp, dốc và uốn khúc quanh co, vào sâu trong núi khiến khó tưởng tượng được là có người nào đã từng đi bộ tới đây. Thỉnh thoảng dọc đường đi, chúng tôi thoáng thấy những con nai, con sóc. Trên bầu trời cao, những con diều hâu lơ lửng vẽ những vòng tròn trông như bất động.
Từ trên điểm cao nhất 5.000 bộ, con đường đổ xuống độ cao 400 hoặc 500 bộ để đi vào thung lũng hẻo lánh Tassajara với những suối nước nóng tự nhiên, những thác nước và những dòng suối đổ dốc, những thân cây cổ thụ, và những ngôi nhà đá.
Ở đây, trong thung lũng này, đạo sư Shunryu Suzuki, người đã từ Nhật Bản đến San Francisco năm 1959 để dạy thiền, đã dựng lập khu ẩn trú trên núi với sự giúp sức của những môn sinh người Mỹ và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ngôi chùa trên núi này có tên là Zenshinji (Thiền sơn tự).
Trước chuyến đi này, Flora Courtois đã là hội viên sáng lập của Trung tâm Thiền ở Los Angeles và bà đã hành trì tọa thiền đều đặn. Chính bà là người đã lái xe đưa chúng tôi đến Tassajara rồi trở về Los Angeles. Nhờ sự giúp đỡ của bà, chúng tôi đã có thể đến viếng Tassajara không chút khó khăn và thậm chí còn tắm được suối nước nóng nữa.
Không lâu sau khi trở về từ chuyến đi này, tôi đã đi đến New York cùng với đạo sư Nakagawa để dự lễ khai trương thiền đường ở New York, sau đó quay trở về Los Angeles. Vài ngày sau đó, bà Courtois điện thoại hỏi xem bà có thể thảo luận với tôi về một trải nghiệm của bản thân hay không.
Khoảng 10 giờ sáng thứ Ba, ngày 16 tháng Bảy, bà đến Trung tâm Thiền Los Angeles và tôi đã lắng nghe bà nói suốt hơn một tiếng đồng hồ, với sự thông dịch của Maezumi Sensei. Dù không được mô tả đầy đủ trong cuốn sách này, nhưng chủ yếu những gì bà nói với tôi là như thế.
Bà bắt đầu bằng việc mô tả cảm giác hoài nghi ngày càng lớn, khi còn là một cô gái, đối với tất cả mọi chuyện. Bà tiếp tục kể về việc bà đã bắt đầu đối chất với câu hỏi, “Thực tại tối hậu là gì?” khi học đại học. Bà kể lại công cuộc tìm kiếm của mình qua các cuốn sách của những triết gia, những cuộc thăm viếng riêng với các linh mục và giáo sư. Bà kể lại là tất cả những chuyện này đã chẳng đi tới đâu, và cuối cùng phải tìm đến một bác sĩ tâm thần. Nhưng vấn đề của bà chẳng nhận được nhiều sự chú ý của những người khác trong cộng đồng, vì thế bà đâm ra cảm thấy bị cô lập và tự mình lao vào một vòng xoáy của cuộc tìm kiếm bất tận. Bà đã có nhiều sự trải nghiệm giống như ảo ảnh vậy.
Những việc này kéo dài suốt nhiều năm cho đến khi cuối cùng, một ngày kia, ngồi một mình trong phòng, lơ đãng nhìn qua chiếc bàn bên cạnh, bà đã trải nghiệm một sự việc phi thường xua tan hết mọi hoài nghi và khiến bà tràn ngập niềm vui và sự thích thú. Đây là một bước ngoặt. Những tháng sau đó, khi sự tỉnh thức đã sâu sắc thêm thì tự nhiên các câu hỏi về thực tại tối hậu đã được giải quyết, và toàn bộ thái độ của bà đối với cuộc đời đã trải qua một sự thay đổi triệt để. Thậm chí sức khỏe thể chất cũng được cải thiện, và bà đã nhanh chóng có được sự năng động cần thiết.
Tuy nhiên, khi tìm cách kể lại điều mà bà mô tả là trải nghiệm “Tầm nhìn Mở rộng” của mình cho những giáo sư trong trường hoặc các bạn học cùng khóa, bà đã gặp một sự thiếu quan tâm phủ phàng đến nỗi cuối cùng bà quyết định là chẳng có ai để mình có thể cố gắng mô tả trải nghiệm này với chút hy vọng được thừa nhận. Vậy nên bà quyết không bao giờ nói tới chuyện này nữa cho đến khi tin tưởng đã tìm được một người như thế.
Suốt hơn 25 năm, cho đến khi chúng tôi gặp nhau, quả thực bà đã không còn nói tới chuyện đó. Bà đã trở thành một nhà tâm lý học và một nhà văn, tham gia tích cực vào trong cuộc sống cộng đồng, cũng như trong vai trò một người nội trợ và một bà mẹ bận rộn.
Đây là tóm lược cuộc nói chuyện của chúng tôi. Mặc dù đã hơn 25 năm trôi qua, nhưng bà vẫn nhớ sinh động từng thời khắc. Tôi đã theo dõi và quan sát kỹ bà khi bà nói. Sắc mặt bà rất bình thản và dịu dàng, không có sự căng thẳng nào. Tôi có ấn tượng đây là một con người hoàn toàn tự nhiên và thanh thản.
Lắng nghe câu chuyện của bà, tôi có trực cảm rằng việc kiểm chứng trải nghiệm này là không cần thiết. Sự trải nghiệm của bà 25 năm trước đến nay vẫn còn sống động mạnh mẽ. Ngay lập tức, tôi đã xác minh được rằng trải nghiệm ấy là một cái nhìn “kiến tính” hết sức rõ ràng. Đồng thời, tôi cũng khuyên bà nên chăm chỉ hành trì “chỉ quản đả tọa”. Tôi nói rõ ràng càng đi sâu vào trong biển Phật pháp, người ta càng làm sâu sắc thêm nhận thức của mình. Vậy nên tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định lại quyết tâm tu tập thêm của bà, bởi vì Phật tính trong mỗi chúng ta có khả năng to lớn là làm sâu sắc thêm sự khai sáng thông qua việc tu tập.
Mặc dù hoàn toàn không biết gì về Phật giáo hay Thiền tông, nhưng bà đã tự mình đạt tới giác ngộ do sự phấn đấu không ngừng nghỉ với câu hỏi, “Thực tại là gì?” Như thế gọi là sự giác ngộ không cần thầy, hay là sự giác ngộ một mình. Đây chính là kiểu tỉnh thức mà Đức Phật đã đạt tới khi ngài nhìn thấy ngôi sao mai vào ngày 8 tháng Mười hai, 2500 năm trước.
Sự giác ngộ chân chính của đạo Phật là sự chứng ngộ Chân ngã. Đây là điều phổ biến đối với mọi sự giác ngộ chân chính, không phân biệt chủng tộc, đất nước, thời gian hay truyền thống. Sự giác ngộ này không hề dành riêng cho một tôn giáo nào. Tất nhiên là ai ai cũng có thể thức tỉnh như bà Courtois nếu họ dốc lòng theo đuổi công cuộc tìm kiếm Chân ngã. Tuy nhiên, vì không có niềm tin và sự nỗ lực thích đáng cho nên ít có người đạt được điều này.
Trên thế giới tất nhiên cũng có những người tỉnh thức một mình cũng giống như bà Courtois. Đáng tiếc là họ rất khó gặp được người có thể đánh giá những trải nghiệm ấy, xem có phải là những trải nghiệm đích thực hay không, sâu sắc hay nông cạn. Do đó mà một trải nghiệm chân chính thường bị vùi lấp và không được ai biết đến.
Ngoài ra, sự tỉnh thức đầu tiên chỉ là bước đầu của sự khám phá Chân ngã. Để làm cho nó sâu sắc và rõ ràng hơn, để xác định chức năng đầy đủ của nó trong cuộc sống thường ngày, cần phải tu tập không ngừng nghỉ. Ở đây, lại càng khó khăn hơn nữa để gặp một vị thầy có thể dẫn dắt chúng ta trên con đường đạo. Do đó mà trong số những đóa hoa “kiến tính” hiếm hoi đơn độc nở ra, nhiều đóa đã lụi tàn khi chưa đậu quả.
Tôi chân thành mong mỏi rằng sẽ có thêm nhiều người nữa quyết tâm lao vào công cuộc tìm kiếm sự chứng ngộ Chân ngã. May mắn là việc tu tập thiền định, vốn được truyền đạt trực tiếp và chính xác từ Đức Phật, gần đây đã được đưa đến phương Tây và đã bén rễ tại đây.
Tôi khẩn thiết khuyên bạn hãy tinh tiến trong việc tu tập để có thể đạt tới sự tỉnh thức minh mẫn và làm sâu sắc hơn sự giác ngộ của mình.
Với niềm tin chắc, tôi khuyên các bạn nên tu tập thiền định, không những để cho mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy sự an bình và trí huệ, mà sau đó còn là sự hòa bình và hòa giải cho toàn nhân loại như một kết quả tự nhiên sẽ đến.