BẠN CÓ ĐANG ĐỐI XỬ DỊU DÀNG VỚI NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH?

HIDEKO SUZUKI

Trích: Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô; Việt dịch: Ngọc Chi Linh; NXB. Thế Giới; 2017

Bạn có dám khẳng định bạn luôn dịu dàng với những những người xung quanh?

Luôn cư xử thân thiện, yêu thương những người xung quanh là việc rất khó, đặc biệt với người mình ghét cay ghét đắng hay một người kém cỏi. Tỏ ra lạnh lùng, phớt lờ đối phương, thậm chí hục hặc khiêu khích không phải chuyện hiếm gặp.

Nhưng đó là việc làm hết sức vô nghĩa, cho dù đối phương có là kẻ thù, đối thủ cạnh tranh hay thậm chí thiên địch của bạn đi chăng nữa. Nếu bạn cứ giữ thái độ gay gắt, sau này khi không thể gặp lại đối phương, trong lòng bạn sẽ chỉ còn lại sự bứt rứt khó chịu.

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã dõi theo rất nhiều người đang cận kề cái chết. Bởi vậy, tôi hiểu rõ sức mạnh và cảm giác đau đớn khi không thể gặp lại nhau lần nữa. Với tư cách người đã trải qua nhiều tang thương, tôi muốn gửi đến các bạn một nguyên tắc lớn, đó là: Khi còn sống, hãy đối xử dịu dàng với những người xung quanh.

Chắc chắn sẽ có người phản bác, làm sao có thể dịu dàng với kẻ mình ghét? Ấy nhưng, chính vì đó là kẻ bạn ghét, bạn cần phải vận dụng hết khả năng, cố cư xử thật dịu dàng với họ.

Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu một người tên A mà bạn vô cùng căm ghét gặp tai nạn giao thông rất nặng và sắp qua đời, chắc chắn sẽ có những người thân của A khóc lóc, đau buồn.

Có thể cha mẹ của A – những người chắc chắn sẽ khóc lóc, đau buồn vì cái chết của A – đang sống ở một nơi rất xa, họ vội vàng lên máy bay để đến thu xếp tang lễ cho A. Họ gục bên thi hài của A, gào khóc. Khi vẽ ra tình huống giả tưởng chân thật như vậy, bạn có cảm giác đau buồn? Cảm giác chán ghét A có phai nhạt đi chút nào không?

Hãy thêm một ví dụ nữa. Có một người bên B, mỗi lần phải nói chuyện với B bạn đều cảm thấy khó chịu và đau khổ.

Giả sử B mắc bệnh truyền nhiễm không thuốc nào chữa nổi, chỉ còn sống được thêm vài ngày, đến lúc ấy bạn có cảm thấy không chịu nổi B và muốn B biến mất không?

Bạn cũng thử nghiêm khắc nhìn nhận lại bản thân xem sao.

Nếu bạn mắc bệnh nặng và được chẩn đoán chỉ còn một tuần để sống, bạn có tiếp tục coi nhẹ những người bấy lâu nay bạn vẫn coi thường mà chẳng thèm để ý tới họ nữa không?

Nếu bạn biết mình chẳng còn sống thêm được mấy ngày nữa, dù là với những người có địa vị thấp hơn, bạn cũng không nên tiếp tục nói năng thô lỗ hay cư xử vô trách nhiệm với họ. Thử nhìn họ bằng con mắt khác, có lẽ bạn sẽ nhận ra những ưu điểm của họ mà bấy lâu nay bạn bỏ qua.

Thử tưởng tượng vài ngày nữa mình sẽ chết là cách vô cùng hữu hiệu giúp bạn điều chỉnh quỹ đạo sống của mình.

Đừng ngại ngần thử điều này với chính bản thân bạn lẫn những người xung quanh. Khi có khoảng trống trong mối quan hệ giữa người với người, việc thử mô phỏng tình huống không còn được gặp lại nhau thêm lần nữa sẽ giúp cải thiện rõ rệt mối quan hệ đó.

Khi thái độ của bạn thay đổi, nhất định hành động và nội tâm của những người xung quanh cũng có chuyển biến.

Sẽ có người cho rằng tưởng tượng việc mình sắp chết chẳng hay ho chút nào, nhưng việc này cũng đâu có ảnh hưởng tới ai.

Nếu bạn có thể kết hợp với hành thiền1 hay chánh niệm2, kết quả đạt được sẽ tốt hơn. Phương pháp thiền hiện tại đã được nhìn nhận và phổ biến trên toàn thế giới.

Một nhánh khác của hành thiền để nhìn nhận tâm hồn với tên gọi chánh niệm hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm. Chánh niệm là cách nhìn nhận tâm hồn, khi con người ta luôn chú ý tới sự tồn tại của hiện thực, không bị bất cứ suy nghĩ hay tình cảm mang tính định kiến nào giới hạn.

Kết hợp với các hình thức hành thiền hay chánh niệm sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng triệt để hơn, cải thiện các mối quan hệ, cuộc sống hàng ngày nhờ đó càng trở nên phong phú, tâm hồn bạn cũng thêm rực rỡ.

Tôi xin giới thiệu thêm một câu chuyện về H, nhân tài người Mỹ từng tốt nghiệp đại học và cao học Harvard. Theo bất cứ tiêu chuẩn nào trên thế giới để đánh giá, H cũng có thể được coi là thanh niên ưu tú. Trong khoảng thời gian sinh sống tại New York trước kia, tôi từng có dịp gặp và nói chuyện trực tiếp với H.

Gọi cậu ấy là một “hạt giống siêu cấp” cũng không có gì quá đáng, vậy mà cậu ấy lại nói thẳng với tôi: “Mấy năm trước, em nhìn những người xung quanh như kẻ ngốc và cảm thấy bất lực. Sự ngu độn của họ khiến em muốn phát điên.”

Vào lúc đó, duyên phận đã tình cờ đưa cậu ấy tới tham gia khóa tu Phật giáo trong vòng một năm tại Tây Tạng.

Sư thầy truyền đạo đã dạy cậu ấy cách tu hành như sau: “Trong một năm tới, cậu hãy ngồi thiền bên lề đường, nhớ hết tất cả những người cậu từng gặp từ trước tới nay.” Nội dung tu hành H được hướng dẫn không cần thực hiện những động tác vận động mạnh.

Sư thầy là một vị đại sư trong Phật Giáo Tây Tạng nên rất coi trọng luân hồi. “Bất cứ người nào hiện lên trong đầu cậu, hãy nghĩ rằng đó là người mẹ kiếp trước của mình.”

H chuyên tâm tu hành theo cách Sư thầy chỉ dạy.

Ngày lại qua ngày, cậu ấy khoanh chân ngồi thiền bên lề đường, cảm giác như cơ thể cũng dần trở nên kỳ quái, nhưng H vẫn kiên trì hoàn thành hết một năm.

Sau một năm, nội tâm H đã thay đổi vô cùng lớn. Kết thúc quá trình tu hành và quay trở lại New York, cậu cảm thấy cõi lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản đến mức chính cậu cũng không tin nổi.

New York là nồi súp nấu chảy mọi văn hóa. H đã kết thúc quá trình tu hành và đứng trên một góc phố New York, mọi người thuộc mọi chủng tộc lướt qua cậu. Mỗi hình ảnh rơi vào tầm mắt đều mang đến cho cậu cảm giác ấm áp, khiến cậu thật sự cảm thấy muốn yêu thương và cư xử dịu dàng với mọi người.

H nhận ra những cảm xúc tiêu cực trước nay như xem thường hay khinh khi mọi  người giờ đã hoàn toàn biến mất.

Đề làm được như H khá là khó bởi nó cần thời gian, chi phí và một ý chí mạnh mẽ. Nhưng chỉ cần hành thiền vài lần mỗi ngày, vài phút mỗi lần, bạn có thể hy vọng về một kết quả như H đã đạt được.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN TẬP VỀ THƯƠNG YÊU
  2. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BIẾT ƠN CÁI CHẾT VÌ SỰ SỐNG BẠN ĐANG CÓ
  2. TRƯỚC CÁI CHẾT, AI CŨNG TRỞ NÊN TÍCH CỰC HƠN

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG