BÀN VỀ RÔ BỐT

GS. TRỊNH XUÂN THUẬN

Trích: Đối Thoại Giữa Khoa Học Và Phật Giáo; Dịch: Hồ Hữu Huân; NXB Phương Đông

Bộ não có vận hành như một máy tính không? Liệu một máy tính có một trí thông minh nhân tạo có nhận thức cuộc đời như chúng ta không? Và nếu thế thật thì sự có mặt và vị trí của các tâm thức biết suy tư, biết tự vấn chính mình sẽ như thế nào trong cuộc đời này?

Thuận: Như chúng ta đã thấy, vài nhà sinh học cho rằng chỉ cần vật chất được sắp xếp đến một mức độ phức tạp nào đó, thì tâm thức xuất hiện đồng thời với tình yêu và những tình cảm để làm cho cuộc đời đáng sống. Theo họ thì không có gì ngăn trở sự xuất hiện tự nhiên và đột ngột của tâm thức, khi sự tiến hóa vượt khỏi một ngưỡng nào đó về tổ chức, và sự phức tạp. Bộ não chỉ là một cỗ máy biết suy nghĩ, gồm có những bộ phận hợp thành một thứ xã hội tế bào thần kinh. Và những sự giao tiếp bên trong xã hội đó, thường được gọi là “tinh thần”.

Tâm thức có thể ví như một máy tính gồm có những phần cứng là hệ thần kinh (hardware) và một phần mềm (software) là tinh thần. Hệ thần kinh tựa như chỗ dựa vật chất cho tâm, giống như những mạch điện trong máy tính là phần cứng để cho phần mềm là những đĩa mềm hoạt động. Nếu ta quan niệm tâm thức con người như thế, thì một ngày nào đó khi máy tính trở nên phức tạp hơn, chúng sẽ có thể biết suy nghĩ và có cảm giác. Một vài nhà nghiên cứu trong lãnh vực trí thông minh nhân tạo nghĩ rằng trên lý thuyết có thể xây dựng những máy tính có khả năng của một trái tim biết yêu thương, biết giận hờn, biết buồn rầu và biết thương hại. Và không có gì ngăn cản chúng nghĩ đến việc sáng tạo và viết ra những tác phẩm như: “Chiến tranh và hòa bình” hay là sáng tác ra một bản nhạc mới tương tự như bản giao hưởng số 9 của Beethoven.

Matthieu: Cứ cho rằng một cỗ máy có thể bắt chước tâm thức, điều này cũng không thay đổi gì bản chất của nó. Một cỗ máy như thế có thể xử lý những thông tin không có ý nghĩ gì đến với nó. Dù cho nó có sáng tác ra được một bản giao hưởng mới, nó cũng bắt buộc phải sử dụng những nguyên tắc hòa âm đã được lập trình sẵn. Không những nó không cần biết đến cái đẹp của bài nhạc, mà nó còn bất chấp cả cái gọi là Âm nhạc nữa.

Thuận: Năm 1977, báo chí đã nói rất nhiều về siêu máy tính “Deep blue” đã đánh bại Vô địch cờ vua thế giới là Garry Kasparov. Vài ký giả còn cho đó là thất bại của cả nhân loại. Thật ra Deep blue đã đánh bại Kasparov nhờ vào khả năng tính được hai trăm triệu nước đi mỗi giây đồng hồ, do đó nó có khả năng tính trước được mười bước đi tiếp theo. Một kỳ thủ chỉ có thể tính trước được vài bước đi, phần lớn nhờ vào trực giác do nhớ lại những bàn cờ đã chơi qua hay do kinh nghiệm thi đấu. Vậy là nhờ vào khả năng tính toán phi thường của Deep blue, nó đã hạ được Kasparov. Deep blue không biết được nó đã chơi cờ và nó cũng không cần biết nó đã thắng hay thua. Nó chỉ cần tuân theo một cách mù quáng những chỉ dẫn của các chuyên viên tin học đã lập trình qua các mạch điện. Ý chí chiến thắng, sự lo sợ, sự bất an căng thẳng hay sự hối tiếc vì đã đi sai một nước cờ, hay sự thích thú đã nghĩ ra một nước hay, tất cả đều xa lạ với Deep blue. Có thể cũng vì Kasparov đã trải qua các tình cảm có tính người như thế nên đã thua trận!

Matthieu: Một chiếc máy tính nhỏ cũng đủ để vượt chúng ta trong việc làm một bài toán nhân có ba số. Tất cả những điều đó không có gì liên quan đến tâm thức. Chúng ta lo ngại về các máy tính, nhưng chúng thì lại bất cần đến chúng ta, và chắc là không có hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ được tự hỏi con người có tâm thức hay không?

Thuận: Ngày nào các máy tính chỉ gồm các mạch điện rắc rối chạy theo chương trình, thì chúng ta vẫn là những cỗ máy không thể suy nghĩ, cảm thọ, yêu hay ghét. Thật ra máy tính chỉ là một bản sao ngụy tạo của một dụng cụ đã được người Trung Hoa và người Ba Tư dùng từ thuở xa xưa gọi là cái bàn toán. Trong cái bàn toán đó, số một được tượng trưng bởi những viên gỗ tròn di chuyển lên xuống trên những chiếc que kim loại, trong khi số 0 thì được tượng trưng bằng những khoảng trống. Thay vì những thành phần điện tử, là những ngón tay đẩy các viên gỗ tròn trên những chiếc que theo những định luật chính xác. Máy tính hiện nay tính nhanh hơn bàn toán rất nhiều nhưng không vì thế mà nó có nhận thức thì có khác nào nói các viên gỗ tròn của bàn toán biết bài toán cộng mà chúng đang thực hiện.

Francois Valera cho rằng những người so sánh bộ não với máy tính đã không chú ý nhiều đến tác động hỗ tương giữa bộ não và thế giới bên ngoài. Ông cho rằng bộ não có trong thân, thân có trong thế giới và như vậy có thể chuyển động, làm việc, tưởng tượng và mơ mộng. Và nhờ những hoạt động thường xuyên như vậy, mà con người nhận biết thế gian và vạn vật.

Matthieu: Rất nhiều nhà sinh học không chấp nhận hình ảnh máy tính của não bộ. Theo họ, bộ não có khả năng học hỏi gần như vô tận. Đối lại với cái nhìn “máy tính” là một cái nhìn “năng động” của bộ não. Theo cái nhìn này, sự tương thuộc và tương tác của những thành phần sinh học của não bộ làm nảy sinh ra tâm thức.

Thuận: Thật ra sự tương tự của não bộ và máy tính rất là nông cạn. Nếu người ta nghĩ sâu hơn một chút, người ta sẽ nhận thấy bộ não xử lý các thông tin khác xa máy tính. Máy tính thì tích trữ thông tin bằng những chuỗi từ 1 và từ 0. Những chuỗi từ 1 tương ứng với những xung điện, còn những chuỗi từ 0 thì không có xung điện. Đây là điều mà người ta gọi là loại ngôn ngữ phân đôi. Nhưng trong bộ não, chưa bao giờ có ai chỉ ra được những tế bào thần kinh nào tác động như máy tính. Bộ não là một hệ thống tự lập trình, còn máy tính thì có sẵn chương trình đã được các chuyên gia lập sẵn. Máy tính có một bộ nhớ tự động với một đầu vào và đầu ra riêng biệt, còn trong bộ não, vùng của ký ức cũng là vùng của những suy nghĩ. Hơn nữa một khi đã lắp đặt xong thì hệ thống các mạch điện không thay đổi nữa. Chỉ cần một sợi dây dẫn, hay một transistor hư, là máy sẽ không chạy. Trái lại mạng lưới tế bào thần kinh có khả năng tái tục và thích ứng dễ dàng. Nó thay đổi liên tục theo thời gian, nhất là từ tuổi bé thơ. Những tế bào mới sinh ra các tế bào khác chết đi, những mối nối được thiết lập rồi lại biến mất. Người ta có thể thấy một sự chọn lọc tự nhiên, ở lãnh vực tế bào thần kinh.

Tốc độ truyền dẫn thông tin cũng rất khác xa. Trong bộ não, xung động thần kinh được dẫn truyền với tốc độ 100m/giây trong khi ở máy tính các thông tin chạy với tốc độ mấy ngàn cây số/giây. Đó là lý do vì sao máy tính lại làm toán nhanh hơn chúng ta nhiều. Trái lại bộ não thực dụng hơn trong các thử nghiệm có tính tổng hợp, như nhận diện một khuôn mặt chẳng hạn. Thật vậy, nếu muốn ủng hộ việc có một tinh thần trong máy tính, thì cần phải thiết lập những máy tính phức tạp, có cấu trúc như các tế bào thần kinh của con người. Có thể một ngày nào đó người ta sẽ nghĩ ra những máy tính biết yêu, biết đau khổ. Dù sao bộ não con người là kết quả của một triệu năm tiến hóa, trong khi các máy tính chỉ mới được thiết lập từ những năm 50. Khoảng thời gian ấy nhà bác học người Anh Alan Turing đã đề nghị một cuộc thử nghiệm đơn giản để hiểu về sự thông minh của một cỗ máy. Giả sử rằng chúng ta nói chuyện với hai người giấu mặt, mà một là con người và người kia là một máy tính. Nếu trong câu chuyện, người ta không phân biệt được thì bắt buộc người ta phải kết luận là máy tính cũng thông minh như con người. Nhưng năm 1980, triết gia người Mỹ John Sarle đã phản bác lại thử nghiệm của Turing. Sarle đề nghị thí nghiệm gọi là căn phòng Trung Hoa. Tôi ngồi trong một căn phòng biệt lập, và qua một khe hở người ta trao cho tôi những câu hỏi viết bằng Hán tự mà tôi phải trả lời dù rằng tôi không hề biết một chữ Hán nào. Để trả lời, người ta cho tôi một danh sách các câu trả lời và một bảng chỉ dẫn cách chọn một câu trả lời thích hợp. Tôi đưa câu trả lời qua khe hở cho người đặt câu hỏi, người này hiểu tiếng Trung Hoa. Dù cho các câu trả lời có đúng đi chăng nữa, tôi cũng không thể nói rằng tôi hiểu tiếng Trung Hoa, cũng như tôi đã nghĩ ra những câu trả lời như là tôi rành tiếng Trung Hoa. Tôi chỉ sử dụng bảng chỉ dẫn cũng giống như một máy tính theo đúng chỉ dẫn đã lập trình từ trước. Và từ đó ta có thể kết luận rằng một máy tính nếu cho những câu trả lời tương tự như tôi, thì những câu trả lời phải được lập trình từ trước. Rõ ràng máy tính không biết suy nghĩ gì cả. Theo ý riêng tôi, thì lập luận của vị triết gia thuyết phục hơn. Turing đã tiên đoán là vào năm 2000, các máy tính có thể đánh lừa được người hỏi trong vòng 5 phút đàm đạo. Có lẽ ông ta quá lạc quan, vì còn lâu chúng ta mới có thể tạo nên những máy tính có thể nói chuyện bình thường với con người, nhất là về những vấn đề cần phải suy nghĩ.

Matthieu: Khi bạn đưa ra những câu hỏi khó cho một người thì người đó sẽ không đưa ra một câu trả lời vô lý hoặc vu vơ như là máy tính thường làm khi nó không tìm được câu trả lời thích hợp trong chương trình của nó.

Thuận: Máy tính có thể đọc được nét chữ, nghe được âm thanh, phiên dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, hay giải những bài toán có thể làm đau đầu mấy thế hệ các nhà toán học. Mặc dù thế, khả năng của chúng còn rất hạn chế. Những cỗ máy thông minh không thể nhìn rõ, cũng như khó nhận ra người đối thoại với mình, chúng cũng chỉ hiểu được vài nghìn từ, lại còn phải nói với chúng thật rõ ràng và chậm rãi và chúng trả lời với một giọng nhão nhẹt.

Matthieu: Đó chỉ là những vấn đề kỹ thuật có thể sửa đổi được. Nếu ta chỉ xem tâm thức như là một hoạt động của tế bào thần kinh, và hoạt động của tế bào thần kinh như tùy thuộc vào những nguyên tử cấu thành chúng, thì những khác biệt giữa một con người và một máy tính không có gì là cơ bản. Tuy nhiên, một máy tính có thể nào tự hỏi: “Tâm là gì? Tôi là ai? Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Khi chết tôi sẽ đi về đâu?”. Nó cũng không thể tự hỏi sẽ phải ra sao, khi người ta cắt đi dòng điện. Một vài hệ thống thông minh nhân tạo có thể học hỏi hay tự tổ chức, nhưng chúng có biết lo sợ về cái gì sẽ xảy ra cho chúng hoặc giả chúng vui mừng vì hoạt động tốt trong hiện tại chăng?

Thuận: Theo vài nhà nghiên cứu, nhận thức về cuộc đời có thể xuất hiện ở Rô bốt, nếu chúng biết tìm hiểu về môi trường chung quanh, giống như tâm thức xuất hiện nơi con người trong quá trình tiến hóa. Đây là giả thiết của Rodney Brooks ở MIT và một nhóm nghiên cứu về thông minh nhân tạo. Theo Brooks và nhóm của ông, nếu ta có thể xây dựng một cỗ máy không biết gì về môi trường chung quanh nó, nhưng lại được gắn một thiết bị cảm thụ và vận động hữu hiệu, thì nó có thể đi khắp nơi giống như một con kiến bò đi khám phá môi trường. Nó có thể đi sang phòng bên cạnh, ra vườn, đi vòng quanh cây cối, tránh xa các hầm hố và dần dần các thiết bị cảm thụ-vận động trở nên chính xác và cỗ máy có thể xoay sở trong bất cứ tình huống nào. Nói một cách khác cỗ máy dần dần có nhận thức về môi trường chung quanh trong quá trình sử dụng.

Còn bộ não đã xuất hiện nơi con người để cho các thiết bị cảm ứng và hành động được dễ dàng hơn. Vì thế nên hệ kinh không có ở cây cỏ, ở loài nấm hay ở vi khuẩn, mà chỉ ở loài vật vì chúng cần săn mồi. Còn khả năng trừu tượng và suy nghĩ đến muộn hơn. Sự tiến hóa của hệ thần kinh đã mất một triệu rưỡi năm, và trong khoảng 3/4 thời gian đó, loài vật chỉ có thể sử dụng những khả năng để sinh tồn mà thôi như chạy nhảy, săn đuổi, ăn uống v.v… Chỉ khoảng một triệu năm trở lại thì ngôn ngữ và trí thông minh tượng trưng cùng với những khả năng tương tác với môi trường mới xuất hiện ở loài linh trưởng. Theo Francois Valera, sự xuất hiện của tinh thần không phải là một bước nhảy vọt, mà là một sự liên tục cần thiết trong việc hiện thân của con người trong quá trình tiến hóa.

Những nhà nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo đã theo hai phương pháp khác nhau để tạo nên những cỗ máy biết suy nghĩ. Cách thứ nhất, người ta tạo nên hàng ngàn những rô bốt nhỏ khác nhau, sau đó người ta thả chúng ra ngoài thiên nhiên, và người ta chọn lại những rô bốt có độ bền cao nhất. Cách thứ hai là của Brooks, người ta cài đặt trong rô bốt những thiết bị bắt chước khả năng của não bộ như trí nhớ, sự nhận diện một khuôn mặt hay nhiều khả năng tương tác với xã hội khác.

Matthieu: Nhưng dù cho các rô bốt này có tiến bộ đến đâu, cũng không thể cho là chúng có tâm thức được. Thật ra không ai xác định được tâm là gì và không có phương tiện khoa học nào có thể khám phá được sự có mặt hay vắng mặt của nó bất cứ ở đâu. Lý do có lẽ là vì không thể nghiên cứu Tâm từ bên ngoài, mà cần phải viện dẫn sự trải nghiệm của chính con người. Cũng giống như những triết gia về tinh thần chủ trương thuyết duy vật khoa học, triết gia người Mỹ Daniel Dennett nhìn nhận rằng với cái “Tâm” chúng ta luôn ở trong một sự hỗn độn, và nó vẫn còn là một đề tài làm bối rối và nản lòng những nhà tư tưởng siêu việt nhất.

Tôi nghĩ rằng điều cần thiết là nên phối hợp việc nghiên cứu cái tâm từ một người quan sát bên ngoài và một người đang trải nghiệm một cuộc sống nội tâm. Dù sao chỉ có cái Tâm mới có khả năng tự hiểu lấy mình mà thôi. Nếu muốn hiểu được bản thể của tâm, mà không đi vào cuộc sống nội tâm kết hợp với thiền định lâu ngày thì cũng giống như học bơi mà sợ bị ướt.

Thuận: Rất có thể các nhà nghiên cứu về thông minh nhân tạo có nhiều cao vọng vì sự thành công gần đây của những rô bốt có những đặc tính gần giống như một cái Tâm sơ khai. Vấn đề được đặt ra là liệu các rô bốt có thể có khả năng suy nghĩ không? Những công cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy một nhóm rô bốt nhỏ có thể tự tổ chức bằng cách tương tác và ứng xử giống như chúng có ý thức. Ví dụ, chúng có thể chấp nhận những rô bốt phụ nếu những vật này giúp chúng hoạt động tốt hơn, nhưng chúng có thể loại những vật phụ này ra nếu làm hỏng hoạt động của chúng. Những rô bốt hiện nay có thể có tầm mức ý thức của một con côn trùng và có thể tiến gần đến tầm mức một con chó. Dù sao ý thức đó chỉ là một sự thử nghiệm và còn rất sơ khai. Cái việc loại ra các rô bốt phụ nếu không thích hợp gần giống như thử nghiệm về bản năng của chó của Pavlov. Còn rất xa mới đến được ngôn ngữ và cái tâm biết suy nghĩ của loài người.

Trong đời sống thường nhật, 90% hoạt động của chúng ta dựa vào bản năng: đi đứng, ăn uống, nấu bếp… là những công việc không cần đến suy nghĩ. Còn cái tâm biết suy nghĩ là để soi rọi lại chính mình và tự hỏi về số phận. Hình như cái tâm này bắt đầu xuất hiện vào kỷ nguyên người Cro-Maguon, khi ấy con người mới bắt đầu biết chôn người chết. Những nhà nhân chủng học nghĩ rằng một trong những biểu hiện đầu tiên của cái tâm biết suy nghĩ là cái khả năng tưởng tượng một thế giới sau khi chết, và chuẩn bị cho chuyến đi dài đến thế giới đó. Cũng vào thời đó, con người bắt đầu biết sáng tác nghệ thuật, như các tranh cổ thạch cách đây 40.000 năm trong những hang động ở Chauvet và Lascot miền Nam nước Pháp.

Khả năng sáng tạo và những tiến trình tâm thức cao hơn dường như kết hợp với ngôn ngữ. Chính sự liên kết mật thiết với ngôn ngữ mới thật sự nói lên tính người. Trong tất cả các sinh vật, chỉ có con người là có một ngôn ngữ chọn lọc. Trong trường hợp các rô bốt, còn lâu chúng ta mới tạo dựng được một ngôn ngữ và một cái tâm biết suy nghĩ…

Cái tâm hướng dẫn con người không những quay lại với chính mình, mà còn hướng về người khác, về môi trường, và về với thời gian đang trôi đi. Nói tóm lại vấn đề là: liệu các rô bốt có khả năng suy nghĩ hay không?

Matthieu: Cái tâm biết suy nghĩ chính là cái tâm có thể tự hỏi lại chính mình, và đi ngược dòng tư tưởng để sau cùng tiến đến “tâm vi tế” với bản nguyên trong sáng của nó. Chỉ có cái “tâm vị tế” này tự nó mới có khả năng nắm bắt sự vật trong cái thể Nhất nguyên, nghĩa là không có năng sở. Người ta gọi cái tâm này là “vô lượng quang” vì nó có khả năng tự soi sáng và soi sáng mọi hiện tượng có nghĩa là thông suốt tất cả. Theo Phật giáo, một tổng hợp các tế bào thần kinh không thể là nguyên nhân đầu tiên của tâm thức. Nếu một rô bốt có thể tạo nên một khả năng nhận biết, thì đó có thể là một con ma trong cỗ máy.

Một vấn đề khác mà các nhà sinh học thần kinh không thể giải thích thích đáng là vấn đề “tự giác” (libre arbitre) của mỗi cá nhân. Theo họ, cái cảm giác mà chúng ta có khi chúng ta nghĩ và quyết định một điều gì, chỉ là phản ánh một sự tính toán của hệ thần kinh dựa vào các kích động bên ngoài, dựa vào tính di truyền và vào sự học tập của chúng ta trong cuộc sống. Một thoáng nghi ngờ, là vì hệ thần kinh cần có thời gian để chọn một phản ứng tốt nhất. Khi mà hệ thần kinh hoạt động đồng bộ, chúng ta có một quyết định và chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm.

Một vài nhà sinh học đã đi đến kết luận là sự tự giác chỉ là một ảo tưởng. Chúng ta có cảm tưởng là hoàn toàn tự do trong mọi quyết định, và điều này là một lợi thế của chúng ta trong quá trình tiến hóa. Luận cứ này khiến ta nghĩ rằng con người chỉ là những rô bốt biết suy nghĩ. Và như thế cái tâm không có tác dụng gì lên bộ não, và chỉ là một chứng nhân thụ động và vô ích mà thôi.

Tuy nhiên tôi có thể tạo ra một tình huống để tách biệt sự tự giác ra khỏi những hoạt động tinh thần khác. Ví dụ tôi cứ ngồi thừ trên ghế cho đến khi ngủ quên hoặc bất tỉnh, bất chấp những đòi hỏi khác của cơ thể như đói, khát, nhu cầu vệ sinh v.v… Thật là vô lý, nếu cho rằng sự tự giác này là do những sự sắp xếp vô tri của bộ não. Vậy từ đâu nảy ra ý nghĩ chứng minh là cái tâm thật sự có mặt? Làm thế nào để một vật thể không hiển hiện, lại muốn chứng minh rằng mình có mặt? Bằng cách nào mà những nhà khoa học không có tâm lại có thể sáng tạo ra một khoa học để chứng minh rằng cái tâm không có thật? Và có cần phải hỏi là cái tâm có thật hay không nữa? Khi tôi tự hỏi về tôi, thì tôi biết rằng cái tâm có thật. Và phủ nhận sự có mặt của cái tâm có lẽ thuộc về phần siêu hình hơn là về phần khoa học.

Thuận: Dù sao trong mọi trường hợp, khoa học chưa giải thích được làm sao chúng ta nghĩ hay sáng tạo được, thì chúng ta làm thế nào lại biết thương ghét, biết cái đẹp, cái xấu, biết vui buồn. Và ngày nào tất cả những điều đó chưa được hiểu cặn kẻ, thì khó mà bàn đến nguồn gốc của tâm.

Matthieu: Những người duy vật tích cực nhất, tự cho mình là “duy vật siêu hạng” cho rằng cần phải xem như không có các trạng thái tinh thần chủ quan. Lý do là sự diễn tả các trạng thái ấy không thể sử dụng được ngôn ngữ thần kinh học. Nhưng Alan Wallace đã nói: “Khi phủ nhận các trạng thái tinh thần mà ai cũng có thể trải qua, các nhà duy vật chỉ dựa vào những luận thuyết giáo điều mà thôi”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÀNH ĐỘNG SINH RA TA – CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY
  2. SỰ VÔ THƯỜNG GIỮA LÒNG THỰC TẠI
  3. TÍNH KHÔNG THỂ CHIA CẮT CỦA VŨ TRỤ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU