JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Đánh Thức Trí Thông Minh; NXB Thiện Tri Thức.
Người hỏi : Tâm thức có phải chỉ gồm cái “tôi” ? Chúng có đồng nhất không ?
KRISHNAMURTI : Khi tâm thức không bận rộn với cái “tôi”, nó không phải là cái “tôi”. Nhưng phần đông chúng ta bận bịu với cái “tôi”, ý thức hay vô thức.
Người hỏi : Hình như chúng ta có thể từ bỏ, chấm dứt mọi loại tư tưởng và vì cái “tôi” được tư tưởng lắp ghép, tại sao chúng ta không thể lìa bỏ nó ?
KRISHNAMURTI : Không thưa bạn, không thể lìa bỏ cái gì cả, ngoại trừ hút thuốc chẳng hạn. Chúng ta hãy kiên trì với chỉ một điều này : tôi có thực thấy rằng trong hành động của cái “tôi”, tiêu cực hay tích cực, có một hình thức bạo lực. Nó là bạo lực. Tôi phải thấy nó chứ, tại sao không ? Cái gì là sai lầm trong cái nhìn của tôi, trong cảm nhận của tôi ? Có phải tôi sợ điều sẽ xảy ra nếu tôi thấy nó ? Hay tôi mệt chán với toàn bộ sự việc ? Xin hãy tiếp tục, các bạn !
Người hỏi : Chúng ta không thể gom năng lượng để giữ tâm nơi chủ đề.
KRISHNAMURTI : Không, thưa bạn. Nếu bạn nói bạn không có năng lượng, sự gom năng lượng lại là một ở cái “tôi”, nó nói, “Tôi phải có nhiều năng lượng hơn để giải quyết điều này.” Bất cứ chuyển động nào của cái “tôi”, nó là tư tưởng, ý thức hay vô thức, vẫn là cái “tôi”. Tôi có thực sự thấy chân lý của điều này ?
Người hỏi: Có cái gì đàng sau cái “tôi” mà bản chất không phải là tư tưởng ?
KRISHNAMURTI : Hãy nghe câu hỏi ấy ; chớ nói, “Chúng ta không biết hay chúng ta biết.” Có cái gì đàng sau cái “tôi” mà không phải là cái “tôi” ?
Người hỏi : Nếu có, và chúng ta nghĩ về nó, nó lại là phần của cái “tôi”.
KRISHNAMURT’: Ai đặt câu hỏi này ? Hẳn là cái “tôi”!
Người hỏi: Tại sao không ? Tư tưởng là một dụng cụ, tại sao không dùng nó ?
KRISHNAMURTI : Không, bạn không thể nói “Tại sao không” – đó vẫn là chuyển động của cái “tôi”.
Người hỏi : Ngài đã hỏi : chúng ta có thực sự thấy rằng bất kỳ chuyển động nào của cái “tôi” là bạo lực ? Tôi nghĩ lý do duy nhất khiến chúng ta không thể thấy điều đó là bởi vì chúng ta từ chối bạo lực.
KRISHNAMURTI :Ồ, không. Hoặc bạn thấy nó hay không thấy nó. Đó không phải là một vấn đề cái gì ngăn cản bạn thấy. Tôi không thấy lòng yêu mến con chó của tôi, hay vợ tôi, hay chồng tôi, cái đẹp của nó là phần của tôi ; bởi vì tôi nghĩ đó là một trạng thái kỳ diệu nhất.
Người hỏi: Thưa ngài, ngài đã mặc nhiên định nghĩa rằng đời sống là bạo lực, chuyển động, thay đổi.
KRISHNAMURTI : Như chúng ta đang sống bây giờ, đời sống, cuộc sống là một hình thức bạo lực.
Người hỏi : Đời sống có thể không thay đổi, không chuyển động ?
KRISHNAMURTI : Đó là điều chúng ta đang hỏi. Đời sống chúng ta đang sống là một đời sống của bạo lực, nó do cái “tôi” gây ra và chúng ta đang hỏi : chúng ta có thấy bất kỳ chuyển động nào của cái tôi trong bất kỳ chiều hướng nào, ý thức hay vô thức, đều là một hình thức của bạo lực ? Nếu chúng ta không thấy điều đó, thì tại sao chúng ta không thấy ? Cái gì sai ở đây ?
Người hỏi : Với tôi có vẻ cái “tôi” thấy điều đó.
KRISHNAMURTI : Khoan đã. Có phải cái “tôi” thấy điều đó chăng ?
KRISHNAMURTI : gì nhìn thấy rằng lụy, bất hòa, tai Ai thấy nó?
Người hỏi : Nó là trí thông minh ư ?
KRISHNAMURTI : Tôi không biết, bạn tìm cho ra ! Cái thấy rằng cái “tôi” là cội nguồn của mọi phiền lụy, bất hòa, tai hại ? Thưa bạn, xin hãy coi xem nó.
Người hỏi : Tôi không thấy nó. Tôi sợ phải vứt mọi sự tôi đã biết.
KRISHNAMURTI : Thế thì bạn không muốn thấy rằng cái “tôi” chịu trách nhiệm đối với sự hỗn độn bẩn thỉu này. Bởi vì bạn nói : Tôi không quan tâm nếu thế giới vỡ tan, nhưng tôi muốn có cái góc nhỏ bé của tôi. Bởi thế tôi không thấy cái “tôi”, gốc rễ của mọi hỗn loạn.
Người hỏi : Ngài nói có một cái “tôi” khác hơn là tiến trình suy nghĩ với một đối tượng trong cái nhìn ? Khi tôi nghĩ về cái gì, đến một đối tượng, với tôi đây là cái “tôi”, và không có cái “tôi” nào khác ngoài tiến trình ấy.
KRISHNAMURTI : Hiển nhiên.
Người hỏi : Nhưng ngài nói nó không phải là cái nhìn thấy ý nghĩa của câu hỏi.
KRISHNAMURTI : Không. Chúng ta nói, cái “tôi” này là một vật sống động, một chuyển động. Mọi lúc nó thêm vào cho chính nó và làm giảm bớt cho chính nó. Và cái “tôi” này, chuyển động này, là cội gốc của mọi bạo lực. Không chỉ cái “tôi” này là cái gì tĩnh đọng đã sáng chế ra linh hồn, đã sáng chế ra Thượng Đế, thiên đường và hình phạt – nó là toàn bộ cái đó.
Chúng ta đang hỏi : tâm có thấu hiểu rằng cái “tôi” là nguyên nhân của sự hỗn độn này ? Tâm – hãy dùng từ trí thông minh nếu bạn muốn – thấy toàn bộ bản đồ của bạo lực, mọi rắc rối, thấy nó bằng cách quan sát, tâm ấy nói : đó là cội gốc của mọi cái xấu. Thế nên bây giờ tâm ấy hỏi : có thể sống mà không có cái “tôi” ?
Người hỏi : Tiến trình thấy thì khác với tiến trình chuyển động theo một chiều hướng nào đó đến cái gì.
KRISHNAMURTI : Đúng. Tiến trình thấy thì hoàn toàn khác. Nó không phải là một tiến trình. Tôi không muốn dùng từ đó. Cái thấy là thấy bây giờ ; nó không phải là một tiến trình thấy. Thấy là hành động. Bây giờ, tâm có thấy toàn bộ bản đồ của bạo lực và gốc rễ của nó ? Và cái gì thấy ? Nếu cái “tôi” thấy, bấy giờ nó sợ sẽ sống khác đi, rồi cái “tôi” nói, “Tôi phải bảo vệ mình, tôi phải chống lại cái này, tôi sợ.” Thế nên cái “tôi” từ chối thấy bản đồ. Nhưng cái thấy không phải là cái “tôi”.
Người hỏi: Thấy không có mục tiêu, phải không ?
KRISHNAMURTI : Không có mục tiêu trong việc thấy bản đồ ; nó chỉ thấy.