BỜ BÊN KIA – NHẬT KÝ NGÀY 24

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bút Hoa; Người dịch Ẩn Hạc.

Trăng mọc lên trên đồi, một dải mây dài bao quanh làm trăng có sắc thái hư ảo. Trăng thật to, đè bẹp ngọn đồi, cả mặt đất và đồng cỏ xanh um ; đường trăng hướng về bầu trời trong sáng hơn, nhưng chẳng bao lâu trăng đã mất hút sau đám mây nặng mưa. Vài giọt mưa rơi xuống và mặt đất hoan hỷ ; ở đây không mưa nhiều và mỗi giọt mưa đều có giá trị ; cây đa to, cây me, cây xoài có thể tranh dành để sống còn, nhưng cây nhỏ và cây lúa đều hoan hỷ dù chỉ được một ít nước mưa. Khổ nỗi chỉ là trận mưa rào ngắn ngủi và chẳng bao lâu mặt trăng chiếu sáng trên bầu trời trong trẻo. Trời mưa như trút trên triền núi, nhưng ở đây, trên mảnh đất khô khan này, mây bay qua. Một buổi tối đẹp đẽ có nhiều bóng hình in sâu. Dưới ánh trăng, cành lá đa được rửa sạch lấp lánh trong bóng đêm im lìm. Lúc đó chúng tôi vừa nói chuyện, vừa đi dạo, thiền định lồng trong lời nói và vẻ đẹp trời đêm. Thiền định tiếp tục càng lúc càng sâu, chan rãi bên trong lẫn bên ngoài, nổ bùng, lan rộng. Ta nhận biết được thiền định trong chuyển động ; đây không phải là một kinh nghiệm, kinh nghiệm thì hạn cuộc ; mọi điều này đã xảy ra. Không phải với sự can dự của con người ; tư tưởng không thể chia xẻ, tư tưởng quá biến hoại và máy móc đối với việc này, cảm xúc không thể xen lẫn vào ; hoạt động của tư tưởng cũng như của cảm xúc quá rối loạn. Thiền định diễn tiến ở một chiều sâu bất trị không lường nổi. Mọi điều này đều nằm trong yên tĩnh vĩ đại. Thật là hoàn toàn ngạc nhiên, không bình thường chút nào.

Tàng lá đen sẫm sáng lên, và mặt trăng trên cao di chuyển về hướng Tây, căn phòng tràn ngập ánh sáng. Nhiều giờ trôi qua trước khi bình minh ; không một âm thanh, ngay cả chó trong thôn làng cũng im tiếng. Hiện diện trong sáng và chính xác, “bờ bên kia” đòi hỏi một trạng thái thức tỉnh chớ không phải hôn trầm ; đây là sự lựa chọn có suy nghĩ cân nhắc, một sự lựa chọn hoàn toàn có nhận biết về việc gì đã xảy ra. Trong giấc ngủ, điều này tuồng như là một giấc mơ, một sự ám thị xuất phát từ vô thức, một mưu mẹo của trí óc, nhưng khi hoàn toàn tỉnh thức, “cái khác đó” thật kỳ dị, và bất trị là một thật tế tiếp chạm được, một sự kiện thực tế chớ không phải do ảo ảnh hay chiêm bao. Nó in lại một tính chất – không hiểu chữ này có thích ứng không – không suy lường được và một sức mạnh bất tư nghì. Lại nữa, những từ này đều bao hàm một ý nghĩa nào đó, xác định, truyền thông được, nhưng những từ này sẽ mất hết ý nghĩa khi chúng bắt buộc gợi ra “bờ bên kia” ; từ ngữ là biểu trưng, nhưng không một biểu trưng nào có thể đưa đến chơn lý. “Bờ bên kia” ở đó, in dấu một sức mạnh quá ư bất hoại nên không gì có thể hủy diệt nó được, bởi vì không thể đến gần nó được. Cái gì thân thuộc ta có thể với tới được ; muốn đối thoại với cái thân thuộc phải có một ngôn ngữ chung, một tiến trình tư duy hữu ngôn hay vô ngôn, và nhất là một sự hiểu biết lẫn nhau. Ở đây không có được như vậy. Ta có thể, đối với việc này, cho nó một tính chất này nọ, nhưng ngay khi nó hiện hành, không còn ngôn từ nữa, trí óc hoàn toàn bất động, không có một chút tư tưởng nào hết. Nhưng “bờ bên kia” tuyệt không liên hệ đến một thứ gì, và mọi tư tưởng, mọi con người, chỉ hiện hữu qua tiến trình nhân quả ; do đó, không thể hiểu nó cũng không thể dính líu đến nó. Đó là ngọn lửa không đến gần được, và ta chỉ có thể nhìn nó từ đàng xa. Khi bỗng nhiên thức dậy, nó đã ở đó. Và với nó, một sự xuất thần bất ngờ, một niềm vui không nguyên do, không lý lẽ vì chưa bao giờ tìm cầu, đuổi bắt. Sự xuất thần này vẫn còn ở đó lúc thức dậy như thường lệ ; và kéo dài khá lâu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỜ BÊN NÀY, BỜ BÊN KIA
  2. BỜ BÊN KIA

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN