CHÖGYAM TRUNGPA
Theo Chögyam Trungpa Rinpoche, Bồ đề tâm (tương đối) là cách chúng ta học cách yêu thương bản thân mình và yêu thương nhau. Suy cho cùng, Bồ Đề tâm là bản chất của ý thức, trước khi nó được cái tâm phân biệt chia thành ‘Ta’ và ‘Họ’”.Sự rộng lượng là biểu hiện của trạng thái hoàn toàn cởi mở. Để có trái tim giác ngộ, ta cần phải có là sự rộng lượng đến tận cùng, đến siêu việt (bờ bên kia). Bạn không còn tập trung trau dồi tu học cho riêng mình. Và cách tốt nhất để mở rộng tâm hồn mình là làm bạn, trở nên thân quen với chính mình và những người khác.
Thông thường có ba loại rộng lượng. Loại đầu tiên là sự rộng lượng bình thường, sự cho đi về vật chất hoặc cung cấp các tiện ích dễ chịu cho người khác.
Loại thứ hai là sự cho đi lòng can đảm hay còn gọi là bố thí vô úy. Bạn trấn an những người khác và cho họ biết rằng họ không cần phải cảm thấy đau khổ hay bất an về cuộc sống này. Bạn hướng dẫn cho họ thấy bản tính thiện lương có sẵn trong tâm và việc thực hành tâm linh. Rằng có một phương pháp để có thể sống vui vẻ thay vì khổ đau và phiền não.
Loại cho đi thứ ba là tặng Pháp. Bạn cho người khác thấy rằng có một con đường đưa đến an lạc và giải thoát thông qua kỷ luật, thiền định, và trí tuệ/ kiến thức. Thông qua ba loại quà tặng hào phóng này, bạn có thể mở cánh cửa tâm hồn của mọi người. Nhờ những quà tặng đó, cái tâm đóng kín, bảo thủ, sự bất hạnh, và những suy nghĩ hẹp hòi của con người có thể được chuyển biến thành một tầm nhìn rộng lớn.
Đó là tầm nhìn của Phật giáo Đại thừa: giúp mọi người suy nghĩ lớn hơn, suy nghĩ sâu rộng hơn. Chúng ta có đủ khả năng để mở lòng mình và hòa nhập vào phần còn lại của thế giới với một cảm giác rộng lượng, lòng tốt, và sự giàu có phong phú đến bao la. Càng cho đi, chúng ta càng nhận được, mặc dù việc nhận lại không phải là mục tiêu mà ta nhắm đến khi cho đi. Càng cho đi, chúng ta càng mong muốn được cho đi nhiều hơn nữa. Và việc nhận lại sẽ đến một cách tự nhiên, tự động, luôn luôn là như vậy.
Ngược lại với sự hào phóng là tính keo kiệt, ki bo với tâm lý nghèo nàn. Khẩu hiệu tối thượng của Bồ Đề tâm là hãy an trú trong ý thức thứ tám, còn gọi là thức A Lại Da (alaya), và không đi theo những suy luận hoặc suy nghĩ lan man. Alaya là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “cơ sở”, đôi khi có nghĩa là “nơi ở” hoặc “nhà”, như trong từ Himalaya, “nơi ở của tuyết.”
Vì vậy, từ alaya có ý nghĩa rất rộng. Đó là trạng thái cơ bản, bản chất của ý thức, trước khi cái tâm phân biệt của ta chia thành “tôi” và “họ” hoặc là những cảm xúc hay các tên gọi khác. Alaya là nền tảng cơ bản để xử lý mọi việc, chứa đựng tất cả mọi thứ.
Để an trú trong thức A Lại Da (Alaya), bạn cần phải vượt qua thái độ ki bo, hẹp hòi của bản thân và nhận ra rằng alaya của bạn tốt như alaya của bất kỳ ai khác (vì thật sự chúng không khác nhau, như biển cả và chúng ta là những con sóng trong biển cả). Khi đó, bạn có cảm giác phong phú, tròn đầy, đầy đủ. Bạn có thể cảm nhận được điều đó, và bạn cũng có thể cho đi.
Lòng từ bi xuất phát từ kinh nghiệm đơn giản và cơ bản rằng con tim của bạn có thể nhẹ nhàng, dịu dàng trong mọi tình huống. Từ khóa huấn luyện thiền định cơ bản của chúng tôi, chúng ta bắt đầu nhận ra bản tính thiện lương trong con người mình và với sự hiểu biết đó, ta thực hành buông xả. Chúng ta bắt đầu an trú trong thức A Lại Da – không bận tâm suy tính thiệt hơn, ta trở nên hồn nhiên và rất đỗi bình dị.
Khi buông xả, cho đi, chúng ta bắt đầu cảm thấy bản tính thiện lương bên trong chính chúng ta, khiến ta có cảm giác tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ. Tuy nhiên, khi chúng ta có ý định làm điều tốt cho chính mình, điều đó không có nghĩa là chúng ta đang cố gắng mong cầu một điều gì, chúng ta chỉ cố gắng để trở về với bản chất thật của mình, là chính mình, vui vẻ, an nhiên và tự tại.
Chúng ta có thể là chính mình, trở về với bản chất thật của mình. Vào thời điểm đó, chúng ta thấy bản thân được tự do, không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ suy nghĩ toan tính nào. Chúng ta có thể thư giãn, đối xử với chính mình tốt hơn, tin tưởng bản thân mình hơn, và cảm thấy tốt đẹp. Những điều thiện cơ bản của thức alaya luôn luôn ở đó. Đó là cảm giác khỏe khoắn, vui tươi và hồn nhiên giúp ta chứng ngộ Bồ đề tâm (tương đối).
Bồ đề tâm (tương đối) có liên quan đến cách chúng ta bắt đầu học để yêu người và yêu bản thân mình. Đây là điểm cơ bản. Rất khó để chúng ta học cách yêu thương. Khi chúng ta quyết định yêu một ai đó, chúng ta thường mong đợi người đó đáp ứng mong muốn của ta và xứng đáng để ta tôn thờ. Về mặt nguyên tắc, nếu sự mong đợi của chúng ta được đáp ứng, chúng ta có thể bắt đầu yêu.
Vì vậy trong chuyện tình yêu, hầu hết là hoàn toàn có điều kiện, do đó chúng trông giống như việc kinh doanh hơn là tình yêu thực sự. Chúng ta không biết làm thế nào để cho đi cảm giác ấm áp và sự nhiệt tình. Khi chúng ta bắt đầu truyền đạt, cho đi cảm giác ấm áp, nhiệt tình cho một ai đó, chúng ta cảm thấy rất căng thẳng hay tiếc rẻ như mất mát, hao hụt một điều gì. Và khi đối tượng ta yêu cố gắng khích lệ ta cho đi nhiều hơn nữa (đặc biệt là khi không đền đáp lại), điều đó có thể làm ta cảm thấy tổn thương.
Đó là một cách tiếp cận mang tính đổi chác, vụ lợi. Trong Đại thừa, đặc biệt trong truyền thống suy niệm, tình yêu và tình cảm có nền tảng từ sự tự do, tình yêu rộng mở vô điều kiện không mong cầu đáp trả hay có qua có lại. Đó là một điệu nhảy chung. Thậm chí nếu trong quá trình khiêu vũ bạn lỡ dẫm lên chân người khác, thì cũng không ai để bụng hoặc xem đó là sự xúc phạm. Chúng ta không khinh thường, dè bỉu hoặc giận dỗi về điều đó.
Để học cách yêu, cách mở lòng ra là một trong những điều khó khăn nhất đối với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta được tiếp sức bằng niềm đam mê trong mọi lúc. Kể từ khi chúng ta bước vào cõi nhân sinh này, điều quan tâm và cũng là đặc điểm chính của con người chính là niềm đam mê và ham muốn. Vì vậy, giáo lý Đại thừa dạy ta về sự kết nối, sự khoan dung cởi mở, và lòng không mong cầu.
Khi chúng ta bắt đầu nhận ra rằng bản chất của sự vật trên thế giới này là tính Không. Từ bàn ghế, thảm, rèm cửa và tường, tất cả đều không thật sự giống như vẻ ngoài của chúng. Sau đó chúng ta có thể mở rộng khái niệm của chúng ta về tình yêu vô hạn. Chúng ta có thể lấp đầy toàn bộ vũ trụ với tình yêu không mang tính sở hữu, không đòi hỏi và không mong cầu sự đền đáp. Đó là một trong những điểm mạnh nhất của Phật giáo Đại thừa.
Tình mẫu tử được xem là hình mẫu cho ta phát triển lòng từ bi. Theo truyền thống từ thời Trung cổ của Ấn Độ và Tây Tạng, để gieo trồng Bồ đề tâm, ta nghĩ về mẹ của mình khi muốn đối xử tử tế, dịu dàng êm ái với một ai đó.
Thông thường, bạn sẽ cảm thấy ấm áp và chân thành khi nghĩ về mẹ của mình. Trong xã hội hiện đại, đôi khi có thể có một vài vấn đề về tình mẹ. Tuy nhiên, bạn có thể trở lại với ý niệm về mẹ của thời trung cổ. Bạn có thể trân trọng sự hy sinh những tiện ích bản thân của người mẹ để lo cho con mình. Bạn có thể nhớ lúc mẹ thức dậy vào nửa đêm khi bạn khóc, cách mẹ chăm bạn ăn, thay tã cho bạn và tất cả những việc khác mà mẹ đã làm cho bạn với tất cả tình yêu thương.
Vì vậy, để phát triển Bồ đề tâm, sự dịu dàng, trìu mến trong ý thức, chúng ta nhớ đến tấm gương của mẹ làm ánh sáng dẫn đường cho ta noi theo. Chúng ta nhớ về mẹ và nhận ra mẹ đã hy sinh cho ta nhiều biết bao nhiêu. Tấm lòng người mẹ là một ví dụ hoàn hảo về sự hy sinh và lòng vị tha, đặt quyền lợi của người khác quan trọng hơn chính mình. Bạn có thể là một người đang tuyệt vọng, nhưng bạn vẫn có thể nhớ lại thời thơ ấu của mình và nhớ lại mẹ đã tốt với bạn biết bao nhiêu. Bạn có thể nghĩ về những giây phút dịu dàng ấm áp đó thay vì để cho cảm giác sân hận, oán hờn và bất mãn xâm chiếm tâm hồn. Bạn nhớ rằng trên cuộc đời này, đã có người hy sinh cả cuộc đời cho bạn, và nuôi bạn khôn lớn đến ngày hôm nay.
Đó là loại từ bi đúng nghĩa và rất đơn giản. Với sự hiểu biết đó, chúng ta có thể bắt đầu mở rộng cảm giác không nóng nảy, không bất mãn, không sân hận cũng không oán hờn. Thông thường, chúng ta sẽ nghĩ về mẹ như một tấm gương để noi theo, sau đó chúng ta nghĩ đến bạn bè với lòng bao dung trìu mến đó và rồi mở rộng đến những người khác. Cuối cùng, chúng ta thậm chí hướng lòng từ ái về những kẻ thù, những kẻ ta không ưa hoặc ghét cay ghét đắng để nghĩ về họ một cách nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cố gắng mở rộng cảm giác dịu dàng, êm ái, và lòng biết ơn đến với mọi người càng sâu rộng, càng nhiều thì càng tốt.
Điểm khởi đầu là nhận ra rằng những người khác thực sự quan trọng hơn bản thân chúng ta. Những người khác có thể luôn gây rắc rối cho ta, nhưng ta có thể chọn lựa cách đối xử tốt với họ. Theo nguyên tắc của Bồ đề tâm, chúng ta nên cảm thấy bản thân ít quan trọng hơn những người khác, bất kể là ai! Khi làm như vậy, chúng ta bắt đầu cảm thấy như trút được một gánh nặng to lớn. Hơn hết, chúng ta nhận ra rằng có những nơi để ta gửi tình yêu thương đến thay vì chỉ tập trung tình yêu dành riêng cho cái “tôi” này. “Tôi thế này”, “tôi thế khác”, “tôi đang đói”, “tôi đang mệt”, “tôi … vân vân”. Chúng ta có thể nghĩ về người khác với lòng từ ái để phát triển Bồ đề Tâm.