BUÔNG BỎ VÀ VUI SƯỚNG

SHARON SALZBERG

Trích: Trái Tim Thiền Tập; Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên; NXB. Lao động; Công ty CP Sách Thái Hà; 2015

Mahātmā Gāndhī diễn tả sứ mạng của đời ông trong vỏn vẹn có mấy chữ: “Buông bỏ và vui sướng.”

Trong cuộc sống, chúng ta thường ít có những giây phút để dừng lại và suy ngẫm xem mình thật sự là ai. Và sự thiếu thốn này rất là nguy hại. Wordsworth có viết, “Sớm và muộn, thu vào và chi ra, chúng ta hoang phí đi năng lực của mình.” Nhưng thật ra không phải chỉ có việc “thu vào và chi ra” thôi, mà còn biết bao việc làm khác đã khiến năng lực của ta bị phân tán và hoang phí. Một tư tưởng nhỏ khởi lên, chúng ta lập tức bị lôi cuốn theo một dòng thác lũ của trăm ngàn ý nghĩ khác, tiếp nối theo. Khi giật mình dừng lại, có lúc ta tự hỏi tại sao mình lại mơ tưởng đến Paris trong khi mình chỉ có nghĩ đến giờ ăn trưa! Có lúc, dường như bất cứ một cảm xúc nào cũng đều có thể lấn át ta được. Ta cảm thấy hân hoan trong giây phút này và rồi buồn khổ trong giây phút kế tiếp. Chúng ta đeo đuổi những gì mình nghĩ là mình muốn, và trốn tránh những gì mình không muốn. Trôi về quá khứ hay lạc vào tương lai, bị lôi cuốn bởi những lo nghĩ và phê phán, ta tiếp tục đi tới trong một trạng thái bất an và phản ứng luôn. Tản mát năng lượng của mình ra muôn phương ngàn hướng, chúng ta vô tình tự phá đi cơ hội của sự tĩnh lặng và an lạc, và thật sự “hoang phí đi năng lực của mình.”

Bạn hãy thử tưởng tượng nếu ta có thể gom tụ năng lực ấy lại và sử dụng một cách có ý thức – thay vì phân tán nó ra khắp mọi nơi. Khi chúng ta sống trong hiện tại, ta sẽ phát triển định lực và có thêm sức mạnh. Chúng ta biết mình nghĩ gì trong khi ta đang suy nghĩ. Chúng ta biết mình cảm xúc gì trong khi ta đang cảm xúc. Ta không phải bị lôi cuốn theo bất cứ một chuyện gì khởi lên trong tâm. Và khi tâm ta định, ta sẽ cảm thấy rất quân bình về mặt tình cảm. Sự tập trung này, trong tiếng Pali gọi là samattha, sẽ mang lại trong ta một tâm thức rất bình lặng và vững vàng. Nhưng nó không hề có nghĩa là ta cần phải chối bỏ hoặc xua đuổi bất cứ một cảm thọ nào của mình.

Trong truyền thống thiền định, chúng ta đặt sự chú ý của mình vào một đề mục duy nhất, như là sự ra vào của hơi thở hoặc một câu niệm về tâm từ, và ta buông bỏ hết tất cả những gì khác đi ngang qua các giác quan vật lý và tâm lý của ta. Nó cũng giống như là một thái độ nâng niu đối với đề mục thiền định của mình vậy. Ta bảo vệ và giữ gìn đối tượng ấy, nhưng không có nghĩa là ta phải bám chặt, ôm ghì siết nó, mà chỉ đơn giản thực tập với trọn con người của mình. Chúng ta để hết tâm ý vào đề mục thiền định mà mình đã chọn, ta tiếp xúc với nó và nhẹ nhàng buông bỏ những việc gì có thể làm mình lo xa hoặc xao lãng.

Một lần, có người hỏi Michelangelo rằng ông tạc tượng một con voi bằng cách nào. Ông trả lời, “Tôi lấy một tảng đá lớn và đục bỏ đi những phần nào không phải là con voi.” Tu tập để phát triển định lực cũng tương tự như thế, ta chỉ cần thấy được những gì “không phải là con voi” và buông bỏ đi. Nghệ thuật tập trung là một sự buông bỏ liên tục. Chúng ta buông bỏ những gì không chủ yếu hoặc làm cho ta xao lãng. Nhưng ta buông bỏ một tư tưởng, một cảm thọ, không phải vì ta sợ hãi, không phải vì ta chối bỏ nó, mà là bởi vì nó không cần thiết. Khi ta ngồi thiền định và có một tư tưởng khởi lên trong tâm – một kỷ niệm, một dự án, một sự so sánh, một mộng tưởng – ta buông bỏ chúng đi. Nếu có một cơn giận nào khởi lên, một ý nghĩ phán xét, hay một dự tính cho tương lai, ta chỉ cần giản dị buông bỏ nó đi, và nhẹ nhàng trở lại với đề mục thiền định của mình. Và đó mới chính thật là ý nghĩa của đức buông xả.

Thánh Gandhi diễn tả sứ mạng của đời ông trong vỏn vẹn có mấy chữ: “Buông bỏ và vui sướng.” Đức buông xả của thánh Gandhi là một trạng thái tinh luyện của tâm, chứ không phải một sự khổ hạnh khắt khe, cay nghiệt. Và cũng thế, trong sự tu tập thiền định, mỗi khi ta buông bỏ một điều gì làm ta xao lãng, ta đâu nhất thiết cần phải ghét bỏ nó. Hành động ấy cũng là một biểu hiện của cái tâm mong cầu giải thoát luôn có mặt trong mỗi người chúng ta. Ta phải biết buông bỏ với cùng một tình cảm nồng hậu như khi ta tặng cho ai một món quà vậy. Buông bỏ phải là một hành động bố thí, một sự rộng lượng. Khi ta tu tập thiền định, chúng ta “buông bỏ và vui sướng.” Chúng ta xả bỏ hết những gì không trọng yếu, buông thư vào sự tĩnh lặng, và từ đó ta sẽ an trú trong giờ phút hiện tại.

Mỗi khi ta mắc kẹt vào những phản ứng như là bám víu hoặc ghét bỏ, nghiêng về bên này hoặc ngã về bên kia, ta sẽ bị khổ đau. Cũng vì không thể kinh nghiệm được sự sống một cách trọn vẹn mà ta đã “hoang phí đi năng lực của mình.” Thiền định là một phương pháp thực tập mầu nhiệm có thể giải thoát ta ra khỏi sự ràng buộc và giới hạn của những bất ổn này. Và cũng vì cái ước muốn thực tập sâu xa ấy mà chúng ta lại tiếp tục buông bỏ, buông bỏ và lại buông bỏ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐEM TÌNH THƯƠNG VÀO CUỘC ĐỜI
  3. LÀM SAO GIỮ TÂM QUÂN BÌNH VÀ TĨNH LẶNG

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ