LÀM SAO GIỮ TÂM QUÂN BÌNH VÀ TĨNH LẶNG

SHARON SALZBERG

Trích: Sống Với Tâm Từ; Nguyên tác: Loving Kindness; Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên; Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến; NXB. Tôn Giáo, 2016

Trong phòng ăn dành riêng cho nhân viên của trung tâm Insight Meditation Society, chúng tôi có treo trên tường một bức hình lớn, là tập hợp nhiều tấm ảnh nhỏ của các em bé dán lại với nhau. Đó là những tấm ảnh của chính chúng tôi khi còn bé, những nhân viên làm việc ở đây vào 5 năm đầu. Đôi khi nhìn những tấm ảnh ấy, tôi tự hỏi, làm sao mà những chú bé, cô bé ấy, với đủ mọi hoàn cảnh, môi trường, điều kiện khác biệt, lại cùng gặp gỡ nhau ở một nơi này! Thật là kỳ diệu! Chúng ta sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được dòng thay đổi phức tạp nào đã đưa đẩy tất cả chúng tôi tụ hội về nơi đây.

Trong một bữa ăn trưa, chúng tôi khám phá rằng, có một người trong chúng tôi đã từng đi học tại trường Đại học CaliforniaBerkeley vào thập niên 60, thời gian có những cuộc nổi loạn của các sinh viên tại đây, và một người khác làm việc chung với anh, lại từng là một cảnh sát viên đi giữ trật tự vào thời ấy! Ai ngờ được, hai người ở hai phía hoàn toàn đối nghịch, nhiều năm sau lại ngồi xuống và làm việc chung với cùng một mục đích, trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Dòng sông vô thường biến chuyển, thay đổi luôn, là một bức tranh mỹ thuật nhiệm mầu của cuộc đời này.

Lẽ đĩ nhiên, đôi khi chúng ta cũng thấy khó có thể nào ôm ấp được những nỗi khổ đau, và xem nó chỉ là một phần nhỏ của một cái gì to tát hơn. Ta không thể tiếp nhận chúng dễ dàng như khi mọi việc trong đời ta đều được trôi chảy và may mắn. Nhưng thật ra, cuộc sống là một tập hợp của những sự kiện biến đổi không ngừng nghỉ. Những hạnh phúc và muộn phiền sẽ tiếp tục đến và đi ngang qua đời ta. Cũng như đức Phật nói, được và thua, vinh và nhục, khen và chê, vui và khổ, là tám ngọn gió sẽ mãi mãi thổi qua cuộc đời ta, và ta không làm gì được hết!

Một người bạn đồng sự của tôi, cũng giống tôi, khi đi hướng dẫn những khóa tu, anh ta vẫn giữ nghi thức đảnh lễ trước bàn Phật khi bước vào thiền đường, trước mỗi buổi ngồi thiền. Anh kể, có lần sau giờ ngồi thiền, anh nhận được hai tờ giấy từ những thiền sinh có mặt trong buổi hôm ấy. Một tờ viết: “Tôi thấy ông quỳ lạy tượng Phật và tôi cảm thấy đó là một điều sỉ nhục. Tôi nghĩ đó là một hành động rất mê tín và mù quáng, và ta không nên cho phép nó có mặt ở nơi này. Tôi yêu cầu ông đừng nên quỳ lạy như vậy nữa!” Và tờ giấy kia viết: “Tôi thấy ông quỳ lạy trước bàn Phật, và tôi muốn được chia sẻ rằng đó là một việc làm tôi xúc động nhất trong khóa tu này. Nó khiến cho những ngày tu học của tôi ở đây trở nên kỳ diệu hẳn lên. Tôi thành thật cảm tạ và biết ơn hành động ấy của ông!”

Cuộc đời cũng giống như vậy đó: chúng ta hành động, hy vọng bằng một tâm ý chân thật nhất, và rồi có khi ta nhận được sự khen tặng, có khi ta nhận lãnh sự chê trách. Trong chuyện kể Phật giáo cũng có một câu chuyện tương tự. Có lần, một người tìm đến tịnh xá nơi đức Phật đang cư ngụ để hỏi pháp. Ông ta gặp một thầy đang ngồi thiền, ông hỏi nhưng vị thầy này không trả lời. Ông giận dữ bỏ về. Hôm sau ông trở lại và gặp một vị thầy khác. Đây là một thầy rất hoạt bát và có kiến thức uyên thâm về Phật pháp. Thầy giảng cho ông nghe một bài pháp thật dài và rất chi tiết. Một lần nữa, ông ta tức giận và bỏ ra về. Ngày hôm sau, ông trở lại lần nữa, và lần này gặp ngài Ananda, một thị giả thân cận của Phật.

Lúc này, Ananda có nghe kể lại về việc ông ta đã gặp hai vị thầy, một người không nói gì hết và một người nói rất nhiều, nên ngài cẩn thận chỉ giảng cho ông ta nghe vừa đủ thôi, không dài quá và cũng không ngắn quá. Lạ thay, ông ta cũng lại đùng đùng nổi giận, nói với ngài Ananda: “Tại sao thầy lại dám bàn luận một vấn đề nghiêm trọng bằng một thái độ khinh xuất như vậy?” Và rồi ông ta bỏ đi luôn, không trở lại nữa.

Khi các thầy tìm đến thưa lại câu chuyện với đức Phật, ngài nói: “Ta không bao giờ tránh được sự chê trách của cuộc đời này. Nếu ta nói nhiều, sẽ có một số người chê bai ta. Nếu ta nói ít, sẽ có một số người chê bai ta. Và nếu như ta không nói gì hết, cũng sẽ có một số người chê trách ta.”

Bản chất của cuộc đời này là như vậy. Không ai trên đời này chỉ có hạnh phúc mà không khổ đau, được mãi mà không thua. Hiểu được sự thật này, ta thấy mình không cần phải trốn tránh hoặc bám giữ vào bất cứ một sự việc nào hết. Thay vì cố gắng kiểm soát những gì ngoài khả năng của mình, ta có thể tìm được an ổn khi đối điện với những gì đang thật sự có mặt. Thay vì phê phán, chúng ta hãy trau dồi một tâm thức quân bình, có thể tiếp nhận bất cứ việc gì xảy ra, không kỳ thị. Thái độ chấp nhận ấy chính là nguồn gốc của sự tự tin và an ổn.

Bạn nên nhớ, mỗi khi ta cảm thấy phiền muộn hoặc đau đớn, đó không phải là dấu hiệu ta đã làm một điều gì sai, hoặc tình trạng đã trở nên tồi tệ hơn. Phiền muộn và đau đớn sẽ đến và đi không ngừng nghỉ. Nhưng dầu vậy, ta vẫn có thể có hạnh phúc! Đôi khi chúng ta khám phá rằng, ngay trong những lúc ta cảm thấy cùng cực nhất, giữa những tình trạng đớn đau nhất, ta lại tìm được một sự tự do. Đó là những khi ta cảm thấy mình không thể làm gì được nữa và ta buông bỏ tất cả.

Thường thường, chúng ta có thói quen sống trong sự phủ nhận. Có người bạn kể lại cho tôi nghe một câu chuyện thú vị. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, lúc ấy anh còn là một cậu bé, được cha anh chở xe đi chơi. Bỗng trên đài truyền thanh có lời thông báo khẩn cấp: “Quân đội Nhật vừa mới dội bom tấn công Trân Châu Cảng!” Ngay lúc ấy, cha anh quay sang anh, dặn dò cẩn thận: “Con nhớ đừng nói gì với mẹ con hết, nghe không!” Anh nghĩ thầm: “Có lẽ cha muốn giấu, hy vọng rằng mẹ sẽ không biết là Thế chiến thứ hai đang xảy ral”

Khi chúng ta cho rằng những kinh nghiệm này hoặc những sự kiện kia là không cần thiết, không nên biết, đó là ta đang tự thu hẹp sự sống của mình. Sự sống của ta sẽ trở nên nhỏ nhoi và rất giới hạn. Và chỉ khi nào ta dám kinh nghiệm hết tất cả, ta mới có thể tìm lại được niềm tự tin và sự an ổn của chính mình. Chúng ta sẽ tiếp xúc với sự sống một cách trọn vẹn hơn, trong đó có cả hạnh phúc lẫn khổ đau.

Muốn thực hiện được điều ấy, trước hết ta cần phải nhìn lại thực tại của mình. Đức Phật nói, chúng ta tiếp xúc với thực tại bằng sáu cách, qua sáu cánh cửa giác quan: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tâm ý, trong đó có sự suy nghĩ, xúc cảm và những tâm hành. Qua sáu sự tiếp xúc đó, ta định nghĩa thực tại của mình. Đức Phật lại dạy thêm, trong mỗi giây phút của sự sống, chúng ta tiếp nhận những kinh nghiệm qua sáu giác quan này, và chúng có pha thêm vào đó màu sắc của cảm tính. Vì vậy, trong mỗi giây, mỗi phút, chúng ta kinh nghiệm sự dễ chịu, khó chịu hoặc trung hòa.

Ví dụ, khi chúng ta nhìn một đối tượng hoặc đồ vật gì, trong giây phút đó, kinh nghiệm của ta sẽ là dễ chịu, hoặc khó chịu hoặc là trung hòa. Và tiếp theo, cảm thọ ấy sẽ thúc đẩy ta có một phản ứng. Nếu đó là một kinh nghiệm dễ chịu, ta không muốn để nó mất đi, ta sẽ bám chặt lấy nó. Và nếu đó là một kinh nghiệm khó chịu, ta sẽ ghét bỏ, ta muốn xô đẩy, xua đuổi nó đi. Trong cuộc đời, chúng ta thường dựa trên những cảm giác kích động – vui thú hoặc khổ đau – để cảm thấy rằng mình đang sống. Vì vậy, khi có một cảm giác trung hòa, không vui cũng không khổ, ta sẽ đâm ra buồn chán và lơ đễnh. Trong đạo Phật, trạng thái này được gọi là si mê.

Sống trong cuộc đời, chúng ta như một chiếc nút chai làm bằng bần nổi trôi giữa đại dương mênh mông, bị những ngọn sóng ưa ghét xô đẩy bấp bênh, hết trôi bên này lại dạt vào bên kia. Chúng ta bị kéo xô trước những khổ đau và hạnh phúc, đến rồi đi không ngừng nghỉ. Cũng có lúc chúng ta phản ứng bằng một thái độ phủ nhận được biểu lộ qua nhiều hình thức: dửng dưng, đè nén, lãng quên, bận rộn, trốn tránh.

Nhưng thật may, đức Phật dạy, thay vì bị kẹt trong những phản ứng có điều kiện, chúng ta có thể đáp lại bằng một sự quân bình và tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng ấy không có nghĩa là ta sẽ không còn biết cảm xúc nữa, vì mục đích của thiền tập không phải để biến ta thành gỗ đá vô tri giác. Đức Phật dạy, chúng ta có thể cảm nhận niềm vui thật trọn vẹn, nhưng vẫn không bị dính mắc vào đó, không cho đó là hạnh phúc tối hậu của đời mình. Ta cũng có thể cảm nhận được nỗi đau sâu sắc hơn mà vẫn không ghét bỏ hoặc than trách. Và ta cũng có thể kinh nghiệm những giây phút trống trải, bằng cách thật sự có mặt với chúng, chứ không phải chỉ chờ đợi một điều gì khác hay ho hơn sẽ xảy ra. Đó là những trạng thái quân bình và tĩnh lặng mà tôi muốn nói, và nó có khả năng đem lại tự do cho ta trong mỗi giây, mỗi phút.

Trong thời gian đầu tu tập ở Ấn Độ, một vị thầy của tôi thường giảng nhiều về tính cách nhiệm mầu của thái độ không phản ứng này. Trong khi ngồi nghe ông nói, trong đầu tôi có một cuộc đối thoại: “Hay quá! Đây là một giáo pháp kỳ diệu nhất mà tôi được nghe, rằng ta có thể thật sự chứng nghiệm đươc sự giải thoát trong mỗi giây phút. Nhưng phải chi mình hết cái đau nơi chân trong khi ngồi thiền thì mới được, chắc chắn mình sẽ tiến rất xa trong sự tu tập.”

Trong khi thầy tôi tiếp tục giảng sâu thêm về thái độ không phản ứng này, thì trong tôi vẫn tiếp tục: “Kỳ diệu thật! Mình chưa bao giờ cảm thấy phấn khởi như bây giờ đây, khi nghe những lời ấy. Chắc kiếp trước mình phải là một Phật tử nên bây giờ mới cảm thấy gần gũi với giáo pháp này đến vậy. Nhưng phải chi mình trừ khử được cái đau nơi chân này rồi thì chắc mình sẽ rất sớm được giác ngộ! Có lẽ hôm nào mình phải đi xuống tu viện dạy yoga ở phía nam Ấn Độ. Mình cần phải tập cho gân cốt được thư giãn một chút. Mình sẽ không còn bị mấy thứ đau đớn này làm ngăn trở nữa. Chừng sáu tháng sau, trở lại ngồi thiền, chắc chắn sẽ giác ngộ ngay!”

Những ý nghĩ đó càng lúc càng tăng, cho đến một ngày, nhiều tháng sau, tôi chợt thức dậy và ý thức rằng, những điều thầy tôi nói, những gì đức Phật dạy, chính là cái đau nơi chân của tôi đây! Trong giờ phút này tôi đang có một kinh nghiệm khó chịu. Tôi đối phó với nó ra sao? Tôi đang nắm bắt, ghét bỏ hay là dửng dưng? Hay là tôi chấp nhận và buông xả nó? Tôi đang bị ràng buộc hay tôi đang được tự do?

Thay vì muốn đổi kinh nghiệm tôi đang có, cho một cái gì hay ho hơn trong tương lai, tôi quay lại tiếp xúc với cái đau nơi chân mình, tôi tôn trọng nó. Tôi không coi cái đau ấy như một điều gì vô ích, một gánh nặng, một sự không may, mà đó chính là sự thật của giờ phút này. Giáo pháp của đức Phật để lại cho ta không bao giờ xa xôi và trừu tượng. Nó có liên quan đến cái đau nơi chân và phản ứng của ta với nó như thế nào. Krishnamurti có lần nói: “Tự do là bây giờ hay sẽ là không bao giờ!

Sức mạnh của tâm xả phát xuất từ một sự hiểu biết và niềm tin. Ta hiểu rằng, khi ta cảm thấy bất mãn và bực tức vì không kiểm soát được mọi việc trên đời, điều đó không phát xuất từ sự bất lực, nhưng là vì ta cố gắng làm một chuyện không thể được. Làm sao ta có thể ngưng được mưa rơi! Làm sao ta có thể ngăn chặn được sự đổi thay của bốn mùa! Hết mùa lá rụng sẽ đến mùa tuyết rơi. Cũng là chuyện dĩ nhiên thôi. Có thể ta không thích! Nhưng ta hiểu rằng, tất cả những sự đổi thay đều rất cần thiết cho một vòng tròn chuyển biến to lớn hơn, một bức tranh mầu nhiệm hơn. Và ta có thể áp dụng được sự hiểu biết và niềm tin ấy vào cuộc sống của chính mình hay không, cho những đổi thay liên tục những cảm xúc dễ chịu, khó chịu và trung hoà trong ta hay không?

Người Trung Hoa có một bài thơ thật đẹp:

Xuân muôn hoa nở

Trăng sáng đêm thu

Gió lay mùa hạ

Tuyết phủ trời đông

Tâm không lay động

Thế sự như mơ

Mỗi mùa mỗi đẹp.

Thấy được chân tướng của sự vật, thấy được tự tánh đổi thay, thấy được tính vô thường, thấy được dòng trôi chảy bất tận của những biến cố khổ đau và hạnh phúc… tất cả đều nằm ngoài vòng kiểm soát của ta – đó mới chính thật là tự do.

Tâm xả được dạy như là một trạng thái thiền tập sau cùng của pháp môn Tứ vô lượng tâm. Tâm xả đem lại sự quân bình cho tâm từ, tâm bi và tâm hỷ. Chúng ta đã tập mở rộng tâm mình ra qua những lời nguyện “Mong sao người được an lạc” “Mong sao người không bị khổ đau” “Mong sao niềm vui của người sẽ được mãi mãi.” Và tâm xả sẽ đem lại cho ta một sự an tĩnh với ý thức rằng, dầu cuối cùng có việc gì xảy ra đi chăng nữa, tất cả đều vẫn được tốt đẹp. Dẫu chúng ta có mong ước đến đâu, những gì xảy ra bao giờ cũng sẽ nằm ngoài vòng kiểm soát của mình.

Khi chúng ta thực tập ba phương pháp kia, niệm từ, niệm bi và niệm hỷ, ta có thể bị kẹt vào một ý niệm chiếm hữu, ta muốn cai quản những đối tượng của mình. Ta có thể thực tập niệm tâm từ cho một người nào, và rồi cảm thấy nóng nảy với họ: “Tại sao anh vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc? Tôi thì cứ ngồì đây mà hết lòng cầu mong cho anh! Vui lên đi chứ! Phải làm cho giống với sự mong ước của tôi đi chứ!

Tâm xả cũng giống như cách cư xử của cha mẹ đối với con cái khi chúng đã trưởng thành. Bậc cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc cho con cái từng ly, từng tí. Nhưng đến một lúc nào đó, họ cũng phải để cho chúng ra đi. Họ buông bỏ chúng bằng một tình thương và sự chấp nhận, không đuổi xô, không níu kéo. Tâm xả cũng vậy, nó có đủ sự nồng ấm và thiết tha của ba tâm kia. Nhưng nó cũng có cả sự quân bình và tuệ giác, hiểu được tự tánh của sự vật, biết rằng mình không bao giờ kiểm soát được hạnh phúc và khổ đau của người khác mãi mãi. Vì như lời Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều là chủ nghiệp quả của mình. Hạnh phúc hay khổ đau là do nơi hành động của họ. Không ai có quyền đối với họ cả.

Nhưng điều này không có nghĩa là ta cứ việc bỏ mặc mà không cần bận tâm. Chúng ta nên và cần phải bận tâm! Chúng ta lúc nào cũng cần mở rộng con tim mình ra, ban rải tâm từ, tâm bi và tâm hỷ đến cho người khác. Nhưng ta cũng phải biết buông bỏ những kết quả của chúng. Ví dụ, ta có một người bạn đang đeo đuổi một lối sống đồi trụy, tự hủy hoại đời mình. Ta thành thật hết lòng mong ước sao cho người đó không bị nguy hại, lúc nào cũng được hạnh phúc. Nhưng cuối cùng, ta vẫn ý thức được giới hạn và trách nhiệm của mình, biết được hạnh phúc chân thật nằm ở nơi đâu. Nếu người bạn ấy không chịu thay đổi lối sống của họ, thì cho dù ta có thành tâm mong cầu đến đâu, họ vẫn sẽ phải chịu khổ đau. Dù vậy, ta vẫn ban gởi tâm từ và tâm bi của ta đến cho người ấy, và ý thức rằng, cuối cùng họ cũng phải nhận lãnh hậu quả của việc họ làm.

Tâm xả còn giúp ta hiểu được luật nghiệp quả, karma. Đức Phật gọi luật nghiệp quả là “ngọn đèn của thế giới”, vì nó soi sáng cho ta thấy nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau, và chỉ cho ta con đường để chuyển hóa tình trạng của mình. Luật nghiệp quả phức tạp đến nỗi chính đức Phật đã nói, những ai không có tri giác của Phật sẽ không thể nào hiểu được trọn vẹn.

Ở đây, để cho dễ hiểu, ta có thể đưa ra một hình ảnh để minh họa. Bạn hãy nghĩ đến một hạt giống và loại quả mà nó sẽ đem lại. Chúng ta biết rằng khi ta trồng cây nào thì sẽ có quả ấy. Trồng táo thì có quả táo. Trồng ớt thì sẽ có quả ớt. Luật tự nhiên là vậy. Giả sử ta trồng táo rồi cầu nguyện, than khóc, van xin cho nó đừng sinh ra quả táo mà sinh ra quả xoài, liệu có được không? Nếu ta muốn có quả xoài, thì chỉ có một cách duy nhất là phải trồng hạt xoài.

Cũng vậy, tác ý hay động lực đứng phía sau, thúc đẩy lời nói và hành động của ta, là những hạt giống mà ta đang gieo trồng. Tác ý như thế nào chắc chắn sẽ mang lại kết quả như thế ấy, phù hợp với nó. Đó cũng là định luật muôn đời của vũ trụ. Những tác ý thiện, như là từ bi, thành thật, giúp đỡ, nếu được biểu lộ ra thành hành động, lời nói, thì chắc chắn một ngày sẽ kết thành quả an lạc và hạnh phúc. Những tác ý bất thiện, như là tham lam, sợ hãi, sân hận, nếu ta nói và làm theo chúng, thì một ngày kia ta sẽ gặt quả khổ đau. Không có một hành động nào mà không có hậu quả.

Bạn nên nhớ, khi ta thực hiện một hành động nào, nó sẽ không bao giờ mất đi hoặc tan biến trong hư vô. Những gì ta làm ngày hôm nay, chắc chắn ta sẽ nhận lấy kết quả của chúng, không chóng thì chày. Chúng ta có thể chứng nghiệm được việc này dễ dàng khi nhìn cách mình tiếp xúc với cuộc sống chung quanh. Nếu như ta có một ngày khó nhọc, cảm thấy bực bội và mỏi mệt, tâm trạng ấy sẽ ảnh hưởng đến gương mặt ta, dáng đi đứng, sự ăn nói của ta. Và bạn thử nghĩ, trong ngày hôm ấy người khác sẽ đối xử với ta ra sao? Ngược lại, nếu một ngày bạn thức dậy cảm thấy an lạc, hạnh phúc, và bạn giữ được thái độ lạc quan ấy trọn ngày. Bạn nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến lời ăn, tiếng nói, và cách cư xử của bạn như thế nào? Và thế giới chung quanh sẽ phản ứng ra sao?

Bạn biết không, đôi khi những trạng thái nội tâm của ta biểu lộ ra bên ngoài bằng những trường hợp khá huyền diệu và bí mật! Nhiều năm trước đây, không biết vì sao tôi lại bị khóa cửa nhốt ba lần liên tiếp chỉ trong một tuần. Lần thứ nhất, tôi đi ăn đám cưới một người bạn và bị khóa cửa kẹt trong nhà kho. Lần thứ hai, tôi tham dự một khóa hội thảo và bị nhốt trong phòng tắm. Lần thứ ba, tôi đi mua sắm trong một thương xá, và rồi các gian hàng đóng cửa, tôi lại bị kẹt giữa chợ, không ra được. Cả ba lần, người chịu trách nhiệm ở những nơi ấy đều nói rằng: “Lạ thật, chuyện này chưa bao giờ xảy ra cho chúng tôi lần nào!” Tôi tự nghĩ thầm, “Với tôi thì có chứ. Có một điều gì đó sâu kín trong tôi biểu hiện ra bên ngoài. Có bao giờ bạn gặp những trường hợp như vậy không? Mà thật ra tôi nghĩ cũng không có gì là khó hiểu.

Gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Thế cho nên, nghiệp quả cũng là nguồn gốc của mọi hiện tượng, và mọi việc xảy đến cho ta là do chính mình tạo nên. Vì vậy, tác ý nào sai sử, thúc đẩy hành động ta, sẽ quyết định hạnh phúc và khổ đau của ta, chứ không phải vì sự mong cầu của ta hay của bất cứ một người nào khác. Luật nghiệp quả giúp ta thấy rõ trách nhiệm cá nhân của mình, cũng như tính chất cần thiết của sự buông xả.

Và tâm xả còn giúp làm khơi dậy và lớn mạnh những tâm thức giải thoát khác nữa. Nó giúp ta tiếp xử với mỗi trường hợp đang có mặt như là mới tinh, không cứng nhắc và không thành kiến. Tâm xả mang lại cho ta niềm tin vào hành động, cũng như con người của mình. Đối diện với những khó khăn, tâm ta vẫn giữ được một sự an nhiên và thanh tịnh.

Tâm xả cho phép chúng ta nhìn thấy rõ được sự vật như chúng thật sự đang hiện hữu. Nó giúp ta phân biệt được những tâm thức gần giống, nhưng vẫn chưa phải là tâm xả. Ví dụ, tâm xả tự nó là một trạng thái vô tư, và rất có thể dễ bị lầm với một sự lạnh lùng, dửng dưng, một “kẻ thù gần” của tâm xả, theo ngôn ngữ của tâm lý học Phật giáo. Thái độ lạnh lùng, dửng dưng, thật ra lại chính là một hình thức rất vi tế của tâm ghét bỏ. Trong sự tĩnh lặng và vô tư của tâm xả, ta không có một sự ghét bỏ nào hết. Tôi vẫn thường cho rằng, sự vô tư là một trạng thái rất cao thượng, vì nó cho phép ta có một thái độ không kỳ thị. Ta không có một mưu đồ hoặc một toan tính nào hết, trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Trong ta lúc nào cũng có một cảm giác đầy đủ và an ổn. Và khi chúng ta có thể chấp nhận được giây phút này hoặc kinh nghiệm này như nó là, từ sự an tĩnh ấy, đầy đủ ấy, một tình thương chân thật sẽ xuất hiện.

Tâm xả giúp ta thấy được sự khác biệt giữa tâm hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi, giữa tâm bi và một thái độ ghét bỏ. Tâm xả giữ cho tâm từ, tâm bi và tâm hỷ được bền vững, lúc nào cũng kiên trì và vững chãi, cho dù người đời có vô ơn hay bạc nghĩa, cho dù cuộc sống có thăng trầm hay biến đổi đến đâu. Tâm xả giúp cho những tâm vô lượng khác được thật sự là vô lượng, có thể ôm trùm hết mọi người và mọi loài không phân biệt.

Với tâm xả, ta có đủ dũng lực để tiếp xúc với mọi khổ đau. Chúng ta có thể đối diện với những đớn đau, hết lần này đến lần khác, mà vẫn không bị chúng đè bẹp, vẫn không xô đuổi chúng. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, khi vấn đề kỳ thị màu da vẫn còn rất mạnh, một người đàn bà da đen tên là Bernice Johnson Reagan đã mạnh dạn đứng ra thách thức sự kỳ thị này ở những nơi công cộng tại Albany, Georgia. Bà kể lại:

“Bây giờ, ngồi nghĩ lại những việc tôi làm vào thời ấy, có lúc tôi tự hỏi: “Tại sao mình có thể gan lì đến như vậy?” Nhưng cái chết lúc ấy không có nghĩa lý gì cả. Nếu như có ai muốn bắn giết chúng tôi, thì chỉ có cái chết mà thôi. Khi có một người thân nào bị giết, chúng tôi khóc và đưa đám tang. Và rồi hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục cuộc tranh đấu của mình, làm những gì mình cần phải làm, bởi vì nó nằm trên cả vấn đề sống chết. Nó cũng giống như khi ta thật sự biết được cần phải làm gì trong cuộc đời này. Và khi ta biết chắc được việc phải làm, chuyện người ta có giết mình hay không là vấn đề của họ.”

Đó là một ví dụ hùng hồn cho một tâm bi được hỗ trợ bởi dũng lực của tâm xả. Tâm xả mang lại cho tâm bi một khả năng chịu đựng bền vững. Và nó có thể chuyển hóa được thế giới này.

Tâm xả cũng còn được ví như tính chất của đất. Mặt đất này nhận lãnh tất cả mọi thứ: đẹp xấu, sạch dơ, thương ghét, tốt xấu. Dầu cho ta có ném xuống bất cứ một thứ gì, mặt đất vẫn tiếp nhận hết tất cả trong thinh lặng và vẫn giữ được sự nguyên vẹn của nó.

Chấp nhận sự vật như chúng đang hiện hữu là một sự an lạc rất lớn. Ta có thể an trú trong cuộc sống này dầu bất cứ ở đâu. Ta thấy rằng, vũ trụ này quá lớn để cho ta ôm giữ, nhưng nó vừa đủ cho ta buông bỏ. Tâm ta có thể rộng lớn y như vậy, để có thể buông bỏ được nó. Và đó là món quà mà tâm xả ban tặng cho ta.

THỰC TẬP: NIỆM TÂM XẢ

Khi bắt đầu thực tập phương pháp niệm tâm xả, trước hết ta nên chọn một người dễ nhất – đó là một người không thân, người mà ta không thương cũng không ghét. Giữ hình ảnh người này trong tâm và niệm thầm những câu quán về tâm xả. Theo truyền thống, những câu ấy là: “Mọi chúng sinh làm chủ nghiệp quả của mình. Hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào hành động của họ. Tôi không thể nào mong muốn khác hơn được.” Nếu như bạn thấy những câu ấy không thích hợp với mình, bạn có thể thay đổi theo ý bạn. Chúng có thể là:

“Mong sao chúng ta đều chấp nhận được sự việc như chúng xảy ra.” 

“Mong sao chúng ta không bị xao động vì những biến cố đến và đi.”

“Tôi sẽ chăm sóc anh (hay chị), nhưng tôi không thể ngăn được khổ đau cho anh (hay chị).” 

“Tôi mong ước anh (hay chị), được nhiều hạnh phúc, nhưng tôi không thể chọn lựa thay cho anh (hay chị).” 

Và sau khi niệm tâm xả cho người không thân, ta có thể tiếp tục theo trình tự như trước: bậc tôn đức, bạn bè, kẻ thù, chính ta, mọi chúng sinh… những nhóm khác nhau… và mọi loài trong mười phương.

Hãy thầm niệm những câu quán tâm xả thật từ tốn, và hướng chúng đến tất cả theo trình tự trên.

Nếu như bạn cảm thấy mình bị rơi vào một tình trạng dửng dưng, bạn hãy quán tưởng sự thật rằng tâm xả giúp bạn có sức mạnh đối diện với những khó khăn và sự đổi thay. Hãy chú ý đến những hình thức vi tế của sự ghét bỏ và trốn tránh. Bạn cũng có thể chú ý rõ rệt hơn vào đối tượng niệm tâm xả của mình. Hãy nghĩ đến sự to tát của những đổi thay, và chúng nằm ngoài sự kiểm soát của ta như thế nào. Sau đó, bạn có thể trở lại với những câu niệm tâm xả.

Sau khi bạn cảm thấy sự thực tập niệm tâm xả của mình đã được vững vàng, bạn có thể đem nó phối hợp với những tâm vô lượng kia. Bạn có thể bắt đầu giờ ngồi thiền bằng cách phóng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ đến người khác. Một lúc sau, bạn chuyển sang niệm tâm xả. Bạn sẽ thấy rằng, tâm từ, tâm bị và tâm hỷ được tâm xả mang lại cho chúng một sự quân bình. Và ngược lại, tâm xả sẽ được ba tâm vô lượng kia làm phong phú hơn lên. Sự thực tập bốn tâm vô lượng chung với nhau sẽ mang lại cho ta một sự an lạc và vững chãi sâu sắc mà không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào. Những bức tường ngăn cách trong ta và quanh ta sẽ dần dần tan chảy như sáp nóng, và ta sẽ bước ra ngoài với một lối sống mới.

Bình luận

Huỳnh Vĩ Hoàng Nam viết:

Ở đoạn cuối ” Bạn sẽ thấy rằng, tâm từ, tâm bị và tâm hỷ được tâm xả mang lại cho chúng một sự quân bình.”
Đoạn này sai chính tả ” tâm bị ”
Phải không ạ
Nếu sai thì mọi người sữa để hoàn thiện hơn ạ
Em cảm ơn bài viết bỏ ích ạ.


Bài viết liên quan

  1. ĐỊNH TÂM VÀ HỌC BUÔNG XẢ
  2. HỶ XẢ THÌ AN LẠC

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐEM TÌNH THƯƠNG VÀO CUỘC ĐỜI
  3. TIẾP XÚC VỚI CÁI ĐẸP TRONG TA

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ