TIẾP XÚC VỚI CÁI ĐẸP TRONG TA

SHARON SALZBERG

Trích: Sống Với Tâm Từ; Nguyên tác: Loving Kindness; Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên; Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến; NXB. Tôn Giáo, 2016

Trong tiếng Pali, metta, tâm từ, có hai nghĩa gốc. Nghĩa thứ nhất là “êm dịu”. Tâm từ cũng được ví như một cơn mưa hiền hòa rơi xuống mặt đất. Cơn mưa không lựa chọn, không phân biệt – “Ta sẽ mưa nơi này và tránh chỗ kia!” Mưa rơi đều xuống cho tất cả, ban bố khắp mọi nơi, mọi chốn.

Nghĩa gốc thứ hai của metta là “bạn lành”. Muốn hiểu được năng lực của tâm từ, ta cần hiểu sâu thêm về ý nghĩa của tình bạn chân thật. Đức Phật gọi những người bạn lành này là những bậc thiện hữu tri thức. Họ là những người luôn ở bên cạnh ta trong những hoàn cảnh vui, cũng như khi ta gặp hoạn nạn, khổ đau. Một người bạn lành sẽ không bao giờ bỏ rơi ta khi ta gặp khốn khó, hay mừng vui trước những bất hạnh của ta. Đức Phật diễn tả bậc thiện hữu tri thức là người bảo bọc ta những khi ta bất lực, và che chở ta trong những lúc ta sợ hãi.

Phương pháp quán tâm từ, dùng năng lực của tình thương để chuyển hóa những phiền não, được bắt đầu bằng sự kết thân với chính mình. Nền tảng của pháp môn thiền tập quán tâm từ là học cách làm bạn với chính ta. Đức Phật dạy: “Quý vị có thể đi khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới này để thử tìm một người nào xứng đáng với tình thương và sự yêu mến của mình hơn chính bản thân, và rồi quý vị sẽ không thể tìm được. Vì chính quý vị, cũng xứng đáng như bất cứ một chúng sinh nào khác trong toàn vũ trụ này, để nhận lãnh tình thương và sự yêu mến ấy của quý vị.” Mà ít ai trong chúng ta lại có khả năng thương mình được như vậy! Với sự thực tập niệm tâm từ, ta sẽ tìm lại được khả năng tự trọng ấy. Ta sẽ khám phá rằng, như Walt Whitman đã viết: “Tôi rộng lớn và tốt đẹp hơn mình tưởng.”

Khi ta trực tiếp thấy được sự trong sáng của tâm, ta sẽ tự nhiên hiểu được cái đẹp của chính mình, Trong nhà thiền gọi đó là bản lai diện mục, tức mặt mũi cúa ta trước khi sinh ra, trước khi nó bị trở thành một “cái tôi” giới hạn, nhỏ nhoi và cách biệt. Tiếp xúc được với khả năng thương yêu ấy, ta sẽ tìm lại được sự trong sáng nguyên thủy, nó bao giờ cũng hiện hữu trong ta, chưa từng sanh và cũng chưa từng diệt.

Niềm tin vào khả năng biết thương yêu của con người giúp ta nuôi dưỡng tâm từ. Tiềm năng ấy rất thực và không thể bị tiêu hoại, cho dù ta có trải qua bất cứ kinh nghiệm nào đi chăng nữa: dẫu ta có lỗi lầm gì, có những thói quen, tật xấu nào, đã gây đau đớn cho người khác hoặc làm khổ chính mình, khả năng thương yêu của ta vẫn nguyên vẹn và trong sáng. Khi ta thực tập niệm tâm từ trong lúc ngồi thiền và trong cuộc sống hằng ngày, là ta đang nuôi dưỡng tiềm năng ấy. Tình thương nắm tay với tác ý của ta, như những người bạn thân, sẽ chữa lành tất cả những vết thương trong ta và cho cả thế giới.

Một đồng minh thân cận nhất của ta trên con đường tu tập tâm từ là ước muốn được hạnh phúc. Ước muốn ấy cũng là một sự thôi thúc tìm về chân tâm, khi ta ý thức rõ những gì thật sự đem lại hạnh phúc. Cũng có đôi khi ta cảm thấy mình không xứng đáng được nhận lãnh hạnh phúc ấy, ta có một mặc cảm tự ti về ước muốn của mình. Dù vậy, chính ước mong ấy là một trong những điều kiện tốt đẹp nhất có mặt trong ta. Nó giúp ta mở tung cánh cửa giải thoát, và cho ta cơ hội để chuyển hóa đời mình.

Vào thời đức Phật còn tại thế, tại Ấn Độ có những trường phái triết học tin rằng nếu ta tự hành hạ thân thể, chối bỏ thân mình đúng mức, linh hồn của ta sẽ được khai phóng và giải thoát. Ngày nay, trong chúng ta không còn mấy ai tin rằng tự hành hạ thân xác lại có thể giải thoát được linh hồn. Nhưng hình như chúng ta lại tin theo một trường phái khác, cũng gần giống như vậy. Chúng ta tin rằng, nếu ta tự hành hạ tâm mình đúng mức, bằng sự tự ghét bỏ, tự ti, tự phê phán, thì điều đó sẽ giúp ta đi đến giải thoát!

Thật ra, muốn có được một sự giải thoát thật sự, ta cần phải bỏ đi thái độ “khổ hạnh tâm linh” này. Con đường tu tập dựa trên một mặc cảm tự ti, tự nó sẽ không bao giờ có thể đứng vững. Một tấm lòng rộng mở đối với người khác nhưng khắt khe với chính mình sẽ đem lại cho ta một thái độ hy sinh mù quáng. Tình thương đối với người khác nhưng không đặt trên nền tảng thương yêu chính mình sẽ trở thành lệ thuộc, tuyệt vọng và khổ đau. Bạn nên nhớ rằng, ta chỉ có thể giúp người khác tìm lại được chân tánh của họ khi nào ta tiếp xúc được với chân tánh của chính mình mà thôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta là những tấm gương soi của nhau. Chúng ta nhìn vào người khác để xem mình có dễ thương hay không, để xem ta có khả năng cảm nhận tình thương hay không, để tìm một phản ảnh trong sáng của chính ta. Giúp người khác ý thức được cái hay đẹp của chính họ là một món quà quý giá nhất mà ta có thể trao tặng cho bất cứ ai! Khi ta thấy được cái hay đẹp của người khác là ta đang giúp họ “nở rộ từ bên trong, vì biết tự hạnh phúc”.

Nhưng thấy được cái hay cái đẹp của người khác không có nghĩa là ta giản dị bỏ qua hết những cá tính khó khăn hoặc những hành động bất thiện của họ. Thật ra, chúng ta vẫn thừa nhận sự có mặt của những yếu tố tiêu cực ấy, nhưng vẫn chọn nhìn đến những điều tích cực trong họ. Nếu ta chỉ biết chú tâm vào những điều bất thiện mà thôi, tự nhiên ta sẽ cảm thấy tức giận, bất mãn và thất vọng. Khi ta chú tâm vào những điều tích cực, ta có thể bắt cầu cảm thông, nối liền được với người ấy, và từ đó ta có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau như những người bạn. Khi hai người bạn cùng ngồi xuống, họ có thể ngồi gần bên nhau.

Sự phản ảnh như một tấm gương là đặc tính lớn nhất của tâm từ, vì nó giúp ta “dạy lại cho một vật nào biết về cái đẹp của chính nó”. Năng lực của tâm từ khiến ta có thể nhìn người khác và thấy được ước mong hạnh phúc của họ, thấy được sự đồng nhất của ta với họ. Và nó cũng phản ảnh cho chúng ta thấy được muôn vàn tiềm năng đang có mặt trong mỗi giây, mỗi phút của cuộc sống.

Có lần, tôi được nghe một anh thanh niên kể lại tuổi thơ của anh lớn lên tại Campuchia. Anh và tất cả những đứa trẻ khác trong làng phải sống mấy năm trời trong một trại giam, bao vây bởi những hàng rào kẽm gai. Mỗi ngày bốn lần, có một số người bị bắt đem ra bên ngoài vòng rào xử tử. Những đứa trẻ như anh bị bắt ra đứng sắp hàng để chứng kiến cảnh tượng ấy. Và theo luật, nếu đứa nào khóc, nó cũng sẽ bị giết theo. Anh ta kể, mỗi lần có người bị đem ra xử tử là anh trở nên vô cùng khiếp đảm, vì trong số đó có thể có người là hàng xóm, bạn bè hay thân thuộc của anh. Anh biết nếu việc ấy xảy ra, thế nào anh cũng sẽ không dằn được mà khóc lên, và anh sẽ bị giết. Anh ta phải sống với nỗi sợ hãi ấy trong suốt mấy năm trời. Anh chia sẻ rằng, trong hoàn cảnh ấy, muốn sinh tồn anh chỉ còn có mỗi một cách là hoàn toàn tự cắt đứt hết với những cảm xúc của mình, không cho phép mình còn lại một nhân phẩm nào nữa.

Sau nhiều năm, tình hình chánh trị tại Campuchia được thay đổi, và cậu bé ấy được một gia đình Hoa Kỳ nhận làm con nuôi. Và rồi anh ý thức rằng, muốn thật sự sống, anh phải tập thương yêu trở lại, đập xuống bức tường mà anh đã bắt buộc phải tự xây lên để bảo vệ mình trong mấy năm qua. Anh kể, anh đã học thương yêu lại bằng cách nhìn vào đôi mắt của người cha nuôi, thấy được tình thương của ông đang dành sẵn cho mình. Trong tấm gương phản ảnh tình thương của người cha nuôi, cậu bé chợt thấy rằng mình cũng đáng yêu như mọi người khác, và từ đó cậu ta đã có thể mở rộng tấm lòng ra được.

Tâm từ sẽ nối liền tất cả mọi người lại với nhau. Trong tâm lý học Phật giáo, tính chất này được ví như là yếu tố nước, vì nước có tính chất lưu nhuận, dính liền lại với nhau. Khi một người đang giận dữ thì con tim họ bị khô cằn. Nó sẽ trở thành tươi mát khi người ấy biết thương yêu. Trong thiên nhiên, nếu ta đem hai vật khô khan lại gần nhau, chúng không thể nào kết hợp được vì không có một phương tiện xúc tác nào hết. Nhưng khi ta cho nước vào thì hai vật thể này có thể kết hợp, dính lại với nhau được. Cũng thế, năng lực của tâm từ cho phép chúng ta đến với nhau, kết hợp với nhau, ngay trong ta cũng như với mọi người chung quanh. Sự thật nhiệm mầu này khiến đức Phật đã nói, nếu ta giữ được đức từ trong tâm, cho dù chỉ trong vòng một sát-na thôi, ta cũng đã là một bậc giác ngộ rồi.

THỰC TẬP: TIẾP XÚC VỚI CÁI ĐẸP TRONG TA

Ngồi cho thoải mái, thân buông thư và nhắm mắt lại. Hãy giữ cho mình đừng phân tích hoặc có một kỳ vọng nào cả, buông bỏ hết. Trong khoảng từ 10 đến 15 phút, hãy nhớ lại những gì bạn đã làm hoặc nói, mà bạn nghĩ là tốt lành – có thể bạn đã cho ai vật gì, giúp đỡ người khác, làm cho họ hạnh phúc hơn… Sau khi hồi tưởng lại, bạn hãy cho phép cảm giác hạnh phúc ấy trở về cùng với hình ảnh đó. Nếu không có gì để nhớ, bạn hãy từ tốn chú tâm mình vào một đức tính nào đó của bạn mà bạn ưa thích. Bạn có một khả năng hay tài nghệ nào mà bạn có thể nhận diện không? Và nếu như vẫn không có một điều gì đến với bạn, bạn hãy nhìn sâu vào cái ước muốn được hạnh phúc của mình, và cái hay cái đẹp của ước muốn ấy.

Trong khi thực tập như trên, nếu có một sự bất an, bực mình hoặc sợ hãi nào khởi lên, bạn cũng đừng thất vọng hay lo lắng. Hãy từ tốn trở lại với sự quán chiếu của mình, đừng để bị mặc cảm tội lỗi hay tự trách chi phối. Trái tim của thiền tập nằm ở khả tăng buông bỏ và biết bắt đầu trở lại, hết lần này đến lần khác. Cho dù bạn có phải làm như vậy hàng ngàn lần trong một buổi ngồi thiền đi chăng nữa, cũng không là vấn đề. Không có quãng đường nào ta phải vượt qua trong thiền tập, bất cứ khi nào ta ý thức rằng mình bị phân tâm hoặc không còn tiếp xúc với đề mục mình đã chọn, ngay giây phút ấy ta có thể bắt lại từ đầu. Không có gì mất mát, và cũng không có chuyện thành công hay thất bại. Không có một sự phân tâm nào, cũng không cần biết là ta đã lơ đãng trong bao lâu, mà ta không thể hoàn toàn buông bỏ được, chỉ cần ngay giây phút ấy ta bắt lại từ đầu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT
  2. TỪ BI QUÁN
  3. KHAI THỊ SỐ 5: BỒ ĐỀ TÂM VÀ CHÂN TÁNH

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐEM TÌNH THƯƠNG VÀO CUỘC ĐỜI
  3. LÀM SAO GIỮ TÂM QUÂN BÌNH VÀ TĨNH LẶNG

Bài viết mới

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG