CÁC TRỌNG TÂM TRONG CUỘC SỐNG

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Để Thành Đạt; Người dịch: Vũ Tiến Phúc; Hiệu đính: Tổ hợp giáo dục PACE; NXB Trẻ

Mỗi người đều có một trọng tâm trong cuộc sống dù rằng chúng ta thường không nhận ra điều đó. Hãy khảo sát tóm tắt các trọng tâm khác nhau hay các mô thức cốt lõi trong chúng ta để hiểu rõ ảnh hưởng của chúng đến bốn nhân tố cơ bản, bao gồm an toàn, định hướng, khôn ngoan và năng lực.

Trọng tâm phối ngẫu. 

Quan hệ hôn nhân có thể là mối quan hệ thân mật, mãn nguyện, lâu dài và có ảnh hưởng nhất đối với con người. Nó giúp các mối quan hệ khác phát triển. Do vậy, việc một người nào đó tập trung chú ý vào vợ hay chồng mình là điều rất tự nhiên và đúng đắn.

Tuy nhiên, kinh nghiệm và quan sát thực tế cuộc sống lại cho chúng ta một bức tranh hoàn toàn khác. Sau nhiều năm tham gia xử lý một số cuộc hôn nhân gặp rắc rối, tôi nhận ra những sợi chỉ xuyên suốt dệt nên hầu hết các mối quan hệ hôn nhân đó là sự lệ thuộc mạnh mẽ về mặt tình cảm. Chúng ta sẽ dễ bị tổn thương bởi tâm trạng, tình cảm, hành vi và cách cư xử của người bạn đời, bởi các điều kiện bên ngoài tác động đến quan hệ vợ chồng, ví dụ một đứa con mới chào đời, tác động của gia đình bên vợ/chồng, những khó khăn tài chính, sự thành công về mặt xã hội của một trong hai người v.v.

Khi trách nhiệm tăng lên và sự căng thẳng xuất hiện trong quan hệ hôn nhân, chúng ta có xu hướng quay trở lại các “kịch bản” đã được trang bị trong giai đoạn trưởng thành. Và người bạn đời của chúng ta cũng thế. Thông thường, kịch bản của hai bên không giống nhau, vì vậy xuất hiện cách xử lý khác nhau về các vấn đề như tài chính, nuôi dạy con cái, tình cảm vợ chồng… Khi những vấn đề này kết hợp với sự lệ thuộc tình cảm trong hôn nhân thì mối quan hệ lấy phối ngẫu làm trọng tâm sẽ bộc lộ mọi điểm yếu của nó.

Khi chúng ta lệ thuộc vào người chúng ta đang có xung đột thì nhu cầu và xung đột luôn hòa lẫn vào nhau. Kết quả thường thấy là hành động yêu – ghét thái quá, đối đầu hay trốn chạy, rút lui hay gây hấn, cay đắng, đố kỵ, hoặc ngấm ngầm đua tranh. Khi những trạng thái tiêu cực này xảy ra, chúng ta càng lún sâu vào các thói quen cũ nhằm biện minh cho hành vi của mình và trả đũa người vợ hoặc chồng.

Rõ ràng, khi bị tổn thương nặng nề, chúng ta cảm thấy cần phải phòng thủ để tránh đau đớn lần nữa. Vì vậy, chúng ta thường dùng những ngôn từ mỉa mai, châm chọc và chỉ trích để che đậy sự yếu đuối bên trong con người mình. Cả vợ và chồng đều có ý chờ bên kia nhân nhượng tình cảm trước, để rồi nhận lấy sự thất vọng và càng cảm thấy oán trách đối phương.

Mối quan hệ như vậy chỉ chứa đựng an toàn hão huyền. Định hướng lúc này chỉ dựa vào cảm xúc nhất thời. Còn khôn ngoan và năng lực bị chìm lấp trong mối quan hệ tương tác tiêu cực và đối nghịch.

Trọng tâm gia đình

Một trọng tâm tự nhiên, đúng đắn và đáng chú ý khác thường thấy là gia đình. Đây là lĩnh vực được tập trung và đầu tư nhiều, tạo ra những cơ hội lớn cho các mối quan hệ sâu sắc, cho sự yêu thương, chia sẻ, và nhiều nhân tố khác để làm cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng vì là một trọng tâm, nên bản thân nó cũng lại có khả năng phá hoại chính các yếu tố cần thiết bảo đảm cho sự thành công trong cuộc sống gia đình.

Những người lấy gia đình làm trọng tâm của cuộc sống có nhận thức về sự an toàn hay giá trị của bản thân xuất phát từ truyền thống, nền tảng giáo dục hay danh dự của gia đình. Do vậy, họ dễ bị tổn thương trước mọi sự thay đổi về truyền thống hay văn hóa, hoặc bất kỳ tác động nào làm phương hại đến gia đình họ.

Những bậc cha mẹ lấy gia đình làm trọng tâm thường không có được sự tự do về tình cảm để chăm sóc con cái ở mức cao nhất. Nếu họ quan niệm sự an toàn của họ xuất phát từ gia đình thì nhu cầu sống hòa hợp với con cái có thể làm lu mờ tầm quan trọng của việc đầu tư lâu dài vào sự trưởng thành và phát triển của chúng. Họ chỉ có thể tập trung vào uốn nắn các hành vi nhất thời. Bất cứ hành vi nào họ cho là không thích hợp đều bị coi là mối đe dọa cho sự an toàn của gia đình họ. Do vậy, họ trở nên thất vọng, dễ dàng chịu sự chi phối bởi những cảm xúc nhất thời hoặc những vấn đề trước mắt, hơn là chú ý đến sự trưởng thành và phát triển lâu dài của con cái. Họ có thể phản ứng thái quá và trừng phạt con cái do nóng nảy hoặc yêu thương chúng một cách có điều kiện, khiến cho chúng bị lệ thuộc về tình cảm, trở nên ngang ngạnh và quậy phá.

Trọng tâm tiền bạc. 

Một trọng tâm khác, hợp lý và rất phổ biến trong cuộc sống của nhiều người, là việc kiếm tiền. Trong bảng thứ tự ưu tiên hay chuỗi liên tục các nhu cầu, thì sự an toàn về vật chất và tài chính luôn đứng hàng đầu. Các nhu cầu khác thậm chí còn không được kể đến cho đến khi nhu cầu cơ bản được thỏa mãn, chí ít là ở mức tối thiểu.

Hầu hết mọi người đều phải đối mặt với sự âu lo về mặt tài chính. Nhiều tác động của xã hội có thể gây ảnh hưởng và đe dọa đến tình hình tài chính, tuy không phải lúc nào chúng ta cũng thể hiện sự lo lắng này ra bên ngoài.

Có rất nhiều lý do chính đáng để kiếm tiền, chẳng hạn như nhu cầu tích lũy, chăm sóc gia đình. Tuy rất quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, coi đó là trọng tâm của cuộc sống thì bản thân nó sẽ đem lại tác hại.

Hãy xem lại lần nữa bốn nhân tố cần thiết cho cuộc sống: an toàn, định hướng, khôn ngoan và năng lực. Giả sử tôi tìm thấy an toàn của mình chủ yếu từ công việc làm ăn, hay từ thu nhập hoặc lợi nhuận. Do có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến các nền tảng kinh tế này, nên tôi sẽ bận tâm và lo lắng, đề phòng và bảo vệ bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho chúng. Khi nhận thức về giá trị cá nhân của tôi xuất phát từ tiền bạc, tôi sẽ dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài. Nhưng công việc và tiền bạc tự thân nó không đem lại khôn ngoan, định hướng mà chỉ đem lại năng lực và an toàn ở mức độ hạn chế. Hạn chế của trọng tâm tiền bạc chính là nó thường đem lại sự khủng hoảng trong cuộc sống của chính bạn hay người thân của bạn.

Những người lấy tiền bạc làm trọng tâm cuộc sống thường gạt gia đình hay các ưu tiên khác sang một bên. Họ cho rằng mọi người sẽ thông cảm vì nhu cầu kinh tế phải là trước hết. Tôi còn nhớ một câu chuyện mà tôi có dịp chứng kiến như sau. Một ông bố sắp sửa dẫn các con đi xem xiếc như đã hứa thì nhận được điện thoại từ công ty. Đó là cuộc gọi của cấp trên bảo ông đến ngay công ty giải quyết công việc, nhưng ông đã từ chối. Khi bà vợ nói rằng ông nên đi làm thì hơn, ông trả lời: “Công việc rồi sẽ lại đến, nhưng tuổi thơ của các con thì không”. Từ đó, trong tâm trí, các con ông không bao giờ quên được những cử chỉ quan tâm, tuy nhỏ, nhưng là bằng chứng xác thực của tình yêu mà bố luôn dành cho chúng.

Trọng tâm công việc

Những người lấy công việc làm trọng tâm trong cuộc sống có thể trở thành những kẻ “tham công tiếc việc”. Họ hy sinh cả sức khỏe, các mối quan hệ và nhiều mặt quan trọng khác của cuộc sống. Đặc tính cơ bản của họ được quyết định bởi tính chất công việc: “Tôi là bác sĩ”, “Tôi là nhà văn”, “Tôi là nghệ sĩ”…

Vì nhận thức về giá trị của họ chỉ gói gọn trong công việc, nên cảm giác an toàn trong họ dễ bị tổn thương bởi những gì ngăn cản họ tiếp tục công việc. Định hướng cuộc sống của họ luôn phụ thuộc vào nhu cầu công việc. Khôn ngoan và năng lực cũng sẽ bị giới hạn trong phạm vi công việc. Do đó, họ luôn tỏ ra kém nhạy bén trong các lĩnh vực khác của cuộc sống như mối quan hệ gia đình, ứng xử xã hội…

Trọng tâm tài sản. 

Động lực sống của nhiều người khác lại là quyền sở hữu của cải vật chất – không chỉ đối với tài sản hữu hình như nhà lầu, xe hơi, thuyền buồm và đồ trang sức, mà còn cả những tài sản vô hình như danh tiếng, sự vinh quang và địa vị xã hội. Đa số chúng ta đều nhận thức được qua kinh nghiệm sống của mình về sự khiếm khuyết của trọng tâm này, đơn giản bởi vì chúng chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố và có thể mất đi nhanh chóng.

Nếu cảm giác về sự an toàn của tôi dựa vào danh tiếng hay số của cải vật chất có được thì cuộc sống của tôi luôn trong tình trạng bị đe dọa và lo âu. Tôi thường xuyên lo sợ tài sản của mình bị trộm hoặc mất giá. Nếu gặp ai có địa vị cao hơn, giàu có hay nổi tiếng hơn, tôi sẽ cảm thấy tự ti. Còn nếu gặp ai hèn mọn hơn, thấp kém hơn về tiền tài, địa vị, tôi sẽ cảm thấy kiêu hãnh. Nhận thức của tôi về giá trị bản thân luôn luôn biến động. Tôi không có được cảm giác yên ổn hay một bản ngã ổn định. Tôi sẽ không ngừng tìm cách giữ gìn, bảo vệ tài sản, cổ phiếu, địa vị và tiếng tăm của mình. Chúng ta từng nghe kể hoặc chứng kiến nhiều người tự kết liễu cuộc đời vì bị sạt nghiệp hay danh tiếng chính trị bị hoen ố.

Trọng tâm hưởng lạc thú. 

Một trọng tâm khác thường thấy, có quan hệ chặt chẽ với trọng tâm tài sản là trọng tâm hưởng lạc thú. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự khoái lạc luôn luôn tồn tại và được khuyến khích. Truyền hình và phim ảnh luôn đáp ứng nhu cầu của con người ở khía cạnh này, luôn khắc họa một cách sinh động những thú vui mà người khác có hoặc có thể tận hưởng trong cuộc sống một cách dễ dàng và “đầy thú vị”. Nhưng trong khi hào quang lấp lánh của lối sống hưởng thụ được khắc họa một cách quá mức thì kết quả tự nhiên của nó – tức tác động của nó đến nội tâm con người, đến tính hiệu quả, đến các mối quan hệ – lại ít khi được nhận diện một cách chính xác.

Sự giải trí vô hại ở mức vừa phải có thể làm thư giãn thể chất và tâm hồn, giúp nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình và các mối quan hệ khác. Nhưng bản thân thú vui không đem lại sự thỏa mãn sâu sắc và lâu dài hay một cảm giác toại nguyện. Người lấy thú vui làm trọng tâm cuộc sống sẽ rất chóng chán sau khi được thỏa mãn, và họ không ngừng đòi hỏi nhiều hơn, cao hơn. Rơi vào trạng thái này, người ta gần như trở thành một người ích kỷ, vô độ, họ giải thích mọi thứ trong cuộc đời qua những vui thú mình được tận hưởng.

Những kỳ nghỉ dài lê thê, ném tiền vào sòng bạc, nhảy nhót thâu đêm tại các vũ trường, hay đơn giản như xem quá nhiều phim ảnh… – nghĩa là dùng quá nhiều thời gian cho những thú vui vô bổ – sẽ làm hoang phí cuộc đời chúng ta, khiến cho năng lực bị tê liệt, trí tuệ ngừng phát triển, đầu óc và tinh thần bị mê muội và tâm hồn chai sạn. An toàn, định hướng, khôn ngoan và năng lực lúc bấy giờ sẽ nằm tận đáy của chuỗi phát triển.

Malcolm Muggeridge viết trong cuốn Lời chứng của thế kỷ 20 như sau:

“Ngày nay, mỗi khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi giật mình nhận ra rằng những điều trước đây tôi cho là có ý nghĩa nhất, có sức hấp dẫn nhất thì nay lại trở nên phù phiếm và vô nghĩa tột độ! Đó là tham vọng thành công bằng mọi giá; là sự hãnh diện vì được mọi người biết đến và ca ngợi; là những vui thú vật chất từ việc kiếm nhiều tiền, chinh phục được nhiều cô gái đẹp, có những chuyến chu du khắp thế giới như quỷ Satan. Tất cả giải thích và giúp tôi hiểu được thế nào là sự phù du giả tạo của thế giới này. Hồi tưởng lại, tất cả những trò tự mãn này xem ra chỉ là một sự huyền hoặc, cái mà Pascal gọi là “lướt trên cõi tục”.

Trọng tâm bạn/thù. 

Những người trẻ tuổi thường có xu hướng lấy bạn bè làm trọng tâm cuộc sống của mình.

Đối với họ, việc gia nhập vào một nhóm bạn đồng trang lứa là một việc vô cùng quan trọng. Tấm gương xã hội bị méo mó và luôn thay đổi trở thành nguồn lực cho bốn nhân tố chi phối cuộc sống, dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào sự biến đổi của tâm trạng, tình cảm, thái độ và hành vi của người khác.

Việc lấy bạn bè làm trọng tâm cuộc sống cũng có thể chỉ tập trung vào một vài người, nó có một số đặc điểm giống trường hợp trọng tâm phối ngẫu. Xu hướng lấy bạn bè làm trọng tâm có thể là nguyên nhân gây ra sự lệ thuộc tình cảm vào một cá nhân, sự phát triển của nhu cầu/xung đột theo đường xoắn ốc và mối quan hệ tương tác tiêu cực.

Ngược lại, cũng có số ít người lấy đối thủ làm trọng tâm cuộc sống, đặc biệt khi họ có sự tương tác thường xuyên với đối thủ. Tuy ít ai làm điều này một cách có ý thức, nhưng không phải là không phổ biến. Khi ai đó cảm thấy mình bị đối xử bất công bởi người có ảnh hưởng lớn về tình cảm hay về mặt xã hội, thì anh ta sẽ rất dễ dàng chú tâm vào sự bất công và coi người kia là “trọng tâm” cuộc sống của mình. Thay vì sống một cách luôn chủ động cho cuộc đời mình, người lấy đối thủ làm trọng tâm phản ứng lại một cách thụ động tùy vào hành vi và thái độ của đối thủ.

Tôi có một anh bạn giảng dạy tại một trường đại học. Anh ta đã trở nên quẫn trí vì sự yếu kém của một người quản lý – người có mối quan hệ rất xấu với anh ta. Anh ta đã để suy nghĩ của mình về người này chi phối đến mức trở thành nỗi ám ảnh. Điều này ảnh hưởng đến cả quan hệ của anh với gia đình, với nhà trường và các đồng nghiệp. Cuối cùng, anh đi đến quyết định sẽ rời bỏ trường đại học đó để tìm công việc khác.

“Liệu anh có thực sự muốn tiếp tục ở lại trường, nếu không có người đó không?”, tôi hỏi.

“Vâng, đúng vậy”, anh ta trả lời, “Vì chừng nào còn có mặt hắn ta ở đây, cuộc đời tôi còn bị gián đoạn, bị làm cho đảo lộn. Tôi phải đi thôi”.

“Tại sao anh lại lấy người này làm trọng tâm của cuộc đời anh?”, tôi hỏi lại.

Anh ta giật mình vì câu hỏi này. Nhưng rồi anh phủ nhận nó. Và tôi chỉ cho anh ta thấy rằng anh đang để cho một cá nhân cùng với sự yếu kém của họ làm méo mó toàn bộ “tấm bản đồ” cuộc đời mình, phá hoại niềm tin, và cả mối quan hệ với người thân.

Cuối cùng, anh ta thừa nhận rằng con người đó đã có ảnh hưởng đến anh, nhưng phủ nhận việc tự anh đưa ra sự lựa chọn này. Anh ta đổ trách nhiệm cho người quản lý nọ và tuyên bố bản thân anh không có trách nhiệm gì trong việc này.

Chúng tôi tiếp tục trao đổi. Dần dần, anh ta cũng nhận thấy rằng quả thật anh cũng có một phần trách nhiệm, nhưng vì anh đã xử lý trách nhiệm này không tốt, nên trở thành người vô trách nhiệm.

Nhiều người ly hôn cũng bị rơi vào tình trạng tương tự. Họ không thoát ra được tâm trạng oán giận, cay đắng và trách móc người vợ/chồng đã ly dị. Trong nhận thức tiêu cực, về mặt tâm lý, họ vẫn còn là vợ chồng, thế nên người này mới cần đến những nhược điểm của người kia để biện hộ, bào chữa cho mình.

Nhiều đứa trẻ vị thành niên sống trầm lặng hay phóng túng với sự căm ghét cha mẹ chúng. Chúng lên án cha mẹ về những hành động lạm dụng, bỏ rơi hay thiên vị trong quá khứ, và chúng chọn thái độ căm ghét làm trọng tâm cuộc sống của mình khi lớn lên. Chúng sống một cách bị động theo “kịch bản” được hình thành từ thái độ đó.

Người lấy bạn hoặc thù làm trọng tâm cuộc sống sẽ không có được an toàn và thanh thản trong tâm hồn. Cảm giác về giá trị bản thân dễ thay đổi. Họ thường bị chi phối bởi tâm trạng, xúc cảm hay hành vi của người khác. Định hướng ở những người này phụ thuộc vào nhận thức và phản ứng của người khác, còn khôn ngoan bị hạn chế bởi lăng kính xã hội, bởi nỗi ám ảnh về đối thủ. Những người này không có năng lực và phần lớn bị người khác điều khiển.

Trọng tâm hướng về bản thân. 

Có lẽ trọng tâm phổ biến nhất ngày nay là trọng tâm hướng về bản thân mà hình thức dễ thấy nhất là sự ích kỷ. Người lấy bản thân làm trọng không hề quan tâm đến những người xung quanh.

Đối với trọng tâm hướng về bản thân thì an toàn, định hướng, khôn ngoan và năng lực rất ít khi hiện diện. Cũng như biển Chết ở Israel, nó chỉ nhận vào mà không bao giờ cho đi. Vì thế, nó trở nên cạn kiệt. Mặt khác, nếu quan tâm đến sự phát triển của bản ngã theo quan điểm cao cả hơn, đó là hoàn thiện năng lực cá nhân để phục vụ, xây dựng và đóng góp một cách có ý nghĩa thì sẽ làm tăng đáng kể bốn nhân tố chi phối cuộc sống.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG