CÁI ÁC

NIKOLAI A. BERDYAEV

Trích: Thế Giới Quan Của Dostoevsky; Dịch Giả: Nguyễn Văn Trọng; NXB. Tri Thức; 2017

Tượng Dostoevsky (1821 – 1881) ở phía trước Thư viện Quốc gia Nga

Ở Dostoevsky đề tài về cái ác và tội lỗi gắn liền với đề tài về tự do. Không có tự do thì cái ác không thể giải thích được, cái ác hiện ra trên những con đường tự do. Không có mối gắn kết ấy với tự do thì không có trách nhiệm về cái ác. Không có tự do thì Thượng Đế hẳn phải chịu trách nhiệm về cái ác. Dostoevsky sâu sắc hơn bất kỳ ai khác đã hiểu rằng cái ác là con đẻ của tự do. Nhưng ông cũng đã hiểu rằng không có tự do thì không có điều thiện. Điều thiện cũng là con đẻ của tự do. Bí ẩn của cuộc sống, bí ẩn của số phận con người gắn với điều này. Tự do là phi lý tính, nên vì thế mà có thể tạo ra cả điều thiện lẫn cái ác. Nhưng nếu dựa trên cơ sở là tự do có thể tạo ra cái ác mà bác bỏ tự do, thì tức là sinh ra một cái ác còn lớn hơn nữa. Bởi vì chỉ có điều thiện tự do mới là điều thiện, còn cưỡng bức và nô dịch bị mê hoặc như làm điều thiện, thì đó chính là cái ác phản Thượng Đế.

Ở đây tất cả đều là những câu đố, những nghịch thường và những bí ẩn. Dostoevsky không chỉ đặt chúng ta trước những câu đố ấy, mà còn làm được rất nhiều điều để giải đoán chúng. Dostoevsky có thái độ rất độc đáo thật đặc biệt đối với cái ác, thái độ ấy có thể mê hoặc nhiều người. Cần phải thấu hiểu cho đến tận cùng xem ông đã đặt vấn đề cái ác thế nào và giải đáp nó ra sao. Con đường tự do chuyển thành tự tung tự tác, tự tung tự tác dẫn đến cái ác, cái ác dẫn đến tội ác. Vấn đề tội ác chiếm vị trí trung tâm trong sáng tác của Dostoevsky.

Ông không chỉ là nhà nhân học, mà còn là nhà điều tra tội phạm thật độc đáo. Nghiên cứu những giới hạn và ranh giới của bản chất con người dẫn đến việc nghiên cứu bản chất của tội ác. Con người đi quá những giới hạn và ranh giới ấy ở trong tội ác. Từ đó mà có mối quan tâm khác thường đối với tội ác. Con người trải qua số phận thế nào khi đi quá ranh giới được cho phép, từ đó thì xảy ra những biến chất gì trong bản chất của nó? Dostoevsky khai mở những hậu quả bản thể luận của tội ác. Hóa ra là tự do chuyển thành tự tung tự tác sẽ dẫn đến cái ác, cái ác dẫn đến tội ác, tội ác dẫn đến sự trừng phạt với tính chất tất yếu nội tại. Sự trừng phạt rình rập con người ở chính ngay chiều sâu nơi bản chất của anh ta. Dostoevsky suốt cuộc đời đấu tranh chống lại thái độ bề ngoài đối với cái ác.

Các tiểu thuyết của ông và các bài báo “Nhật ký của nhà văn” đầy những vụ án hình sự. Mối quan tâm kỳ lạ ấy đối với tội ác và trừng phạt được quyết định bởi sự tình là toàn bộ bản chất tinh thần của Dostoevsky nổi dậy chống lại sự giải thích bề ngoài, xem cái ác và tội ác là do môi trường xã hội và dựa trên cơ sở ấy mà phủ nhận sự trừng phạt. Dostoevsky căm ghét lý thuyết xã hội học – thực chứng. Ông nhìn thấy ở trong đó có sự phủ nhận chiều sâu của bản chất con người, sự phủ nhận tự do tinh thần của con người và gắn với điều này là sự phủ nhận trách nhiệm. Nếu con người chỉ là phản xạ thụ động của môi trường xã hội bên ngoài, nếu nó không phải là thực thể có trách nhiệm, thì tức là không có con người, không có Thượng Đế, không có tự do, không có cái ác và không có cái thiện. Sự hạ thấp con người như thế, sự chối bỏ địa vị hàng đầu của nó gây phẫn nộ cho Dostoevsky. Ông không thể giữ được bình tĩnh khi nói về học thuyết này, vốn là học thuyết chiếm ưu thế vào thời đại của ông. Ông sẵn sàng đứng về phía những trừng phạt nghiêm khắc nhất như tương ứng với bản chất của những thực thể tự do có trách nhiệm. Cái ác chứa đựng sẵn trong chiều sâu của bản chất con người, ở trong tự do phi lý tính của nó, ở trong sự sa ngã rời khỏi bản chất thánh thần, cái ác có nguồn gốc bên trong. Những người ủng hộ các trừng phạt nghiêm khắc nhìn sâu hơn vào bản chất của tội lỗi và bản chất con người nói chung, sâu hơn là sự phủ nhận của chủ nghĩa nhân văn đối với cái ác.

Nhân danh phẩm giá con người, nhân danh tự do của nó Dostoevsky khẳng định tính tất yếu của trừng phạt đối với bất cứ tội lỗi nào. Không phải pháp luật bề ngoài, mà chính chiều sâu lương tâm tự do của con người đòi hỏi điều này. Tự bản thân con người không thể cam chịu được với sự tình rằng nó không chịu trách nhiệm về cái ác và tội ác, rằng nó không phải là một thực thể tự do, không phải là tinh thần mà là phản ánh lại của môi trường xã hội. Trong sự phẫn nộ của Dostoevsky, trong sự tàn nhẫn của ông vang lên tiếng nói nổi dậy vì phẩm giá của con người và vì địa vị hàng đầu của nó. Thật không xứng đáng là một thực thể tự do có trách nhiệm mà lại trút bỏ gánh nặng trách nhiệm của bản thân mình và đổ vấy nó cho những điều kiện bên ngoài, tự cảm thấy mình chỉ là đồ chơi của những điều kiện bên ngoài ấy.

Toàn bộ sáng tác của Dostoevsky là sự vạch trần lời vu khống đó đối với bản chất con người. Cái ác là dấu hiệu cho thấy có hiện hữu chiều sâu nội tâm ở trong con người. Cái ác gắn với bản diện cá nhân, chỉ có cá nhân mới tạo ra cái ác và chịu trách nhiệm về nó. Sức mạnh vô diện mạo không thể chịu trách nhiệm về cái ác, không thể là ngọn nguồn của nó. Thái độ đối với cái ác ở Dostoevsky gắn liền với thái độ của ông đối với cá nhân cùng với cá biệt luận của ông. Chủ nghĩa nhân văn vô trách nhiệm phủ nhận cái ác bởi vì nó phủ nhận cá nhân. Dostoevsky đã đấu tranh với chủ nghĩa nhân văn nhân danh con người. Nếu tồn tại con người, tồn tại nhân cách cá nhân ở trong độ sâu, thì cái ác có nguồn gốc bên trong, nó không thể là kết quả của những điều kiện ngẫu nhiên của môi trường bên ngoài. Tương ứng với phẩm giá cao nhất của con người, với tư cách là con của Thượng Đế thì phải cho rằng con đường đau khổ sẽ chuộc lại tội lỗi và thiêu hủy cái ác. Ý tưởng này rất đáng kể đối với nhân học của Dostoevsky, ấy là chỉ có thông qua đau khổ con người mới vươn lên cao được. Đau khổ là thước đo chiều sâu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT NGHIỆP QUẢ HAY NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
  2. BỆNH KHỔ DO VÔ MINH

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH