CÁI CHẾT AN LÀNH

NI SƯ AYYA KHEMA

Trích: Qùa Tặng Cuộc Đời -AYYA KHEMA tự truyện (I give you my life); Ayya Khema/ Diệu Đạo dịch; sách ấn tống năm 1999

 

Ayya Khema (1923 – 1997) sinh ở Berlin, Đức. Năm 1932 gia đình bà qua Trung Hoa rồi qua Scotland, và sau đó đi nhiều nơi trên thế giới. Bà tu học với nhiều vị tăng ở Úc, Thái Lan, Myanmar, kể cả học Thiền ở Trung tâm Thiền San Francisco, nhưng chủ yếu là ở Sri Lanka và được phép dạy Phật giáo ở đây. Bà là một trong những vị lập ra Ni đoàn Nam tông.
Năm 1989 bà trở về Đức và dạy Phật giáo ở Đức. Bà đã xuất bản hơn hai mươi lăm đầu sách, trong đó tác phẩm nổi tiếng của bà là “ Tôi cho bạn cuộc đời tôi” (I give you my Life).
——-???——-
Ni sư Ayya Khema

Dẫu bay lên không trung, lặn dưới đáy bể

Chui vào hang sâu núi thẳm

Không có nơi đâu trên thế gian này

Người ta có thể trốn khỏi tử thần.

Kinh pháp cú 128

Trong chương này tôi nói khá nhiều về cái chết vì lòng sợ hãi về cái chết là đề tài thường được nhiều người hỏi đến ở các buổi nói chuyện của tôi. Tôi luôn phải đối đầu với đề tài này. Một khi ta còn chưa có thể sẳn sàng chờ đón cái chết của mình, chưa có thể nói về nó với lòng bình thản, tự tại, thì cuộc đời ta vẫn còn bị trói buộc trong sự sợ hãi. Tâm ta chỉ thực sự có an bình khi ta có thể chấp nhận mọi sự khi chúng đến.

 

Đức Phật có dạy một số điều liên quan đến cái chết, khá hữu ích. Điều quan trọng nhất là: Khi một người sắp từ giã cõi đời, ta cần nhắc nhở cho họ về tất cả những điều tốt họ đã làm, để họ có thể ra đi với tâm bình yên, hạnh phúc. Điều đó rất quan trọng vì trong những giờ phút cuối cùng, người ta thường bị xâm chiếm bởi những  cảm giác ăn năn, hối hận vì đã làm điều nọ, điều kia không đúng. Nếu bạn là người y tá hay bác sĩ ở cạnh bệnh nhân, nhưng không biết nhiều về họ, bạn cần hỏi thân nhân họ để có thể giúp họ ra đi nhẹ nhàng. Chúng ta cũng cần phải có tiếp xúc trực tiếp – như nắm tay người sắp chết hay vuốt ve họ, để họ không có cảm giác đã bị bỏ rơi.

 

Thính giác là giác quan cuối cùng ra đi. Vì vậy đừng nghĩ rằng người đang nằm mê man đó không thể nghe chúng ta nói gì. Chỉ nói trước mặt họ, những điều bạn muốn họ được nghe.

 

Nếu người sắp chết là Phật tử, có lòng tin ở Đức Phật và giáo lý của Ngài, thì ta có thể tụng kinh cho họ nghe. Có nhiều bài kinh rất phù hợp cho mục đích này. Thí dụ:

 

“Ngay chính xe mã của nhà vua còn bị hủy diệt; thân này cũng mau chóng bị hủy diệt. Nhưng những lời dạy của các bậc Giác ngộ chẳng bao giờ bị mai một. Những lời dạy của bậc Giác ngộ được lưu truyền bởi những người hiểu đạo”.

 

Điều đó có nghĩa là ta có thể nói rằng ai rồi cũng chết. Nhưng thân mạng không phải là cái quan trọng bậc nhất. Tâm và ý thức về chân thiện mỹ còn quan trọng hơn. Chúng sẽ không bao giờ bị hủy diệt. Chết không có gì hơn là một sự chuyển đổi. Chúng ta nhẹ nhàng chuyển đổi qua một trạng thái hiện hữu khác. Dĩ nhiên sự chết chỉ xảy ra nhẹ nhàng nếu ta không cưỡng lại nó – và nếu chúng ta không phải chịu đau đớn.

 

Có một thời gian, các vị pháp sư giảng về Phật pháp, cho rằng người ta phải ra đi trong trạng thái hoàn toàn tỉnh thức, và vì lý do đó, không nên cho người bệnh dùng các loại thuốc giảm đau. Nhưng điều đó có vẻ trái ngược với lời Đức Phật dạy rằng người ta cần được ra đi với tâm yên tĩnh. Làm sao người ta có thể yên tĩnh ra đi khi đang phải chịu đau đớn? Ở các nơi chăm sóc cho người bệnh của Phật giáo, người ta tìm mọi cách làm cho bệnh nhân được bớt đau đớn. Vì thế nếu cần ta vẫn phải dùng đến các loại thuốc giảm đau, dầu có làm cho người bệnh mê man. Tâm thức lúc nào cũng có mặt dù rằng người bệnh có thể không trả lời ta hay có vẻ bất động. Thật là sai lầm nếu cứ để người sắp ra đi phải chịu đau đớn – điều đó chỉ làm cho tâm họ rối bời, bất an.

 

Đức Phật còn khuyên rằng, ta cần phải đợi ba ngày trước khi chôn xác, vì tâm thức cần thời gian để lìa bỏ xác thân nó từng ẩn náu. Người Phật tử cũng nghĩ rằng nếu được chết ở nhà trong một khung cảnh quen thuộc, ấm cúng thì tốt hơn. Những người thân cần có mặt và phải hiểu rằng họ cần nói lời từ giã với người sắp chết, như một lời chúc lành trước khi họ ra đi. Nói với họ rằng dù ta có nhớ nhung tiếc nuối họ, nhưng ta hoàn toàn có thể tự lo khi không có họ ở bên cạnh. Rằng ta rất thương yêu họ, nhưng ta phải tiếp tục cuộc sống. Những lời nói như thế rất quan trọng đối với người sắp chết. Không nên níu kéo họ, vì như thế chỉ làm cho sự ra đi của họ thêm khó khăn.

Trong các bệnh viên của Thiên Chúa giáo, tôi nghĩ là chắc họ cũng làm như thế.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHẤP NHẬN CÁI CHẾT
  2. CHÚNG SANH  SỐNG CHẾT THEO NGHIỆP CỦA HỌ
  3. SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT – BÍ ẨN LỚN NHẤT CỦA SỰ SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐIỀU PHỤC TÂM
  2. CÁC CĂN THANH TỊNH, TRONG SÁNG
  3. BỐN HỶ LẠC – VÔ NGÃ VÔ ƯU

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ