CHẤP NHẬN CÁI CHẾT

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng Thư Sống Chết - The Tibetan BookOf Living And Dying; Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch; NXB. Thanh văn Hoa Kỳ 1992 và NXB. Xuân thu Hoa Kỳ 1996.

Câu chuyện về Krisha Gotami chỉ cho ta một điều mà ta có thể chiêm nghiệm nghiền ngẫm: Một sự xúc chạm gần gũi với cái chết có thể đem lại một sự tỉnh thức thực sự, một sự chuyển hóa trong toàn bộ nhân sinh quan của ta.

Hãy lấy ví dụ cái kinh nghiệm cận tử. Có lẽ một trong những khai thị quan trọng nhất của nó là nó đã chuyển hóa con người trải qua kinh nghiệm ấy như thế nào. Những nhà nghiên tầm đã lưu ý một số hậu quả và biến đổi đáng ngạc nhiên nơi những người ấy: Đó là họ bớt sợ hãi và biết chấp nhận sự chết; họ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác nhiều hơn, họ càng thấy rõ tầm quan trọng của yêu thương, họ ít quan tâm đến những theo đuổi vật chất, họ càng tin tưởng vào chiều hướng tâm linh và ý nghĩa cuộc đời, và dĩ nhiên họ càng mở rộng niềm tin về đời sau. Một người đã nói với Kenneth Ring:

– Tôi đã được chuyển hóa từ một con người lạc lõng lang thang không mục đích, không thiết gì trong đời ngoài ra là tài sản vật chất, đến một người có định hướng, có động cơ sâu xa, có một mục đích trong cuộc đời, và một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có một quả báo vào cuối cuộc đời. Lòng say mê của cải, ham muốn sở hữu vật chất nơi tôi đã được thay bằng sự khát khao tìm hiểu về tâm linh và ước mong thấy thế giới được cải thiện.

Một phụ nữ nói với Margot Grey, một nhà nghiên cứu Anh quốc về kinh nghiệm cận tử:

– Tôi dần dần cảm thấy có một ý thức cao về tình yêu, khả năng cảm thông, khả năng tìm thấy niềm vui và lạc thú trong những việc nhỏ nhặt tầm thường nhất quanh tôi… Tôi phát sinh một lòng bi mẫn lớn lao đối với người bệnh và người sắp chết, và hết sức mong sao cho họ biết và ý thức được rằng tiến trình chết chỉ là một sự nối dài của đời sống.

Tất cả chúng ta đều biết những khủng hoảng đe dọa sự sống như bệnh nặng, v.v. có thể phát sinh những chuyển hóa sâu xa tương tự. Freda Naylor, một bác sĩ can đảm ghi nhật ký khi chết vì bệnh ung thư như sau:

– Tôi đã có những kinh nghiệm mà có lẽ không bao giờ tôi có được, về điều nầy tôi phải cảm ơn bệnh ung thư. Sự khiêm cung, giảng hòa với cái chết của chính tôi, nhận ra năng lực tâm linh tôi – một điều luôn làm tôi ngạc nhiên – và nhiều điều khác nữa về chính mình mà tôi đã khám phá bởi vì tôi đã dừng tại chỗ, xác định lại và tiến lên.

Nếu chúng ta quả có thể “xác định lại và tiến lên” với lòng khiêm cung và cởi mở ấy, và thực sự chấp nhận cái chết của chúng ta, thì ta sẽ tự thấy mình sẵn sàng hơn để đón nhận những chỉ dẫn về tâm linh để tu tập. Sự sẵn sàng đón nhận này còn mở đến một khả năng khác kỳ diệu hơn: Khả năng phục hồi đích thực.

Tôi nhớ một phụ nữ Mỹ trung niên đến viếng Dudjom Rinpoche tại Nữu ước vào năm 1976. Bà ta không đặc biệt quan tâm gì tới Phật giáo, nhưng bà nghe nói có một bậc thầy vĩ đại đang ở trong thành phố. Bà đang ốm nặng, và trong cơn tuyệt vọng bà muốn thử bất cứ gì, cả đến sự viếng thăm một bậc thầy Tây Tạng! Lúc ấy tôi làm người thông dịch.

Bà vào phòng, ngồi trước mặt Dudjom Rinpoche. Bà quá xúc động bởi chính tình trạng mình và sự hiện diện của ngài, tới nỗi bà òa lên khóc. Bà la lên: – Bác sĩ của tôi bảo tôi chỉ còn sống vài tháng nữa. Thầy có thể nào giúp tôi không? Tôi đang chết.

Ngạc nhiên cho bà làm sao, một cách nhẹ nhàng đầy từ mẫn Dudjom Rinpoche khởi sự cười khúc khích. Rồi ngài bình tĩnh nói:

– Bà thấy, ai trong chúng ta cũng đang chết cả. Chỉ là vấn đề thời gian. Một số người chết sớm hơn người khác, thế thôi.

Với những lời ít ỏi đó, ngài giúp bà ta thấy được tính chất phổ quát của sự chết, và cái chết sắp tới của bà không phải là duy nhất. Điều ấy làm bà đỡ lo. Rồi ngài nói về chết và chấp nhận cái chết. Ngài nói về niềm hy vọng ở trong sự chết. Và cuối cùng ngài cho bà một phương pháp tu tập để chữa trị, mà bà đã hăng hái tuân theo.

Không những bà khởi sự chấp nhận cái chết, mà nhờ tu tập một cách hoàn toàn thành khẩn, bà đã khỏi bệnh. Tôi đã nghe nhiều trường hợp khác, có những người được chẩn đoán là bệnh đã tới thời kỳ sau chót, chỉ còn sống vài tháng, nhưng khi họ đi vào độc cư, tu tập tâm linh, thực sự đối mặt với chính mình và với cái chết, thì họ lại hết bệnh. Điều này cho ta thấy gì? Rằng khi ta chấp nhận chết, chuyển hóa thái độ của ta đối với cuộc đời, và tìm ra mối liên hệ căn để giữa sống và chết, thì lúc ấy, một khả năng chữa trị kỳ diệu có thể xảy ra.

Những Phật tử Tây Tạng tin rằng những bệnh như ung thư có thể là một lời cảnh cáo nhắc ta nhớ rằng ta đã lãng quên những khía cạnh sâu xa của bản thể ta, những nhu cầu tâm linh chẳng hạn. Nếu ta nghiêm túc đón nhận sự cảnh cáo này, và thay đổi một cách căn bản chiều hướng cuộc đời ta, thì rất có hy vọng chữa lành không những thân xác ta mà cả toàn thể con người ta nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRƯỚC CÁI CHẾT, AI CŨNG TRỞ NÊN TÍCH CỰC HƠN
  2. CHÚNG SANH  SỐNG CHẾT THEO NGHIỆP CỦA HỌ
  3. SỐNG VÀ CHẾT (SANH TỬ)

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM
  2. THIỆN TÂM
  3. SÓNG VÀ ĐẠI DƯƠNG

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG