GARY KELLER
JAY PAPASAN
Trích: Điều Ý Nghĩa Nhất Trong Từng Khoảnh Khắc Cuộc Đời - The One Thing; Tuấn Trương dịch; NXB. Lao Động Xã Hội
?Mọi Thứ Đều Quan Trọng Như Nhau
Sự công bằng là một lý tưởng đáng theo đuổi nhân danh công lý và nhân quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi thứ không bao giờ công bằng. Dù các nhà tổ chức có cố gắng phân minh ra sao – các cuộc thi vẫn không đạt được sự công bằng. Dù mọi người có tài năng đến đâu – hai người cũng không thể ngang tài ngang sức tuyệt đối.
Sự công bằng là lời dối trá.
Hiểu được điều này là cơ sở của mọi quyết định quan trọng.
Vậy, bạn quyết định bằng cách nào? Khi có quá nhiều việc để làm trong ngày, bạn quyết định việc phải làm đầu tiên bằng cách nào? Khi còn bé, chúng ta thường đợi đến hạn chót mới vội vàng hoàn thành nốt những việc cần phải làm. Đã đến giờ ăn sáng. Đã đến giờ đi học, đến giờ làm bài tập về nhà, đến giờ làm việc nhà, giờ tắm, giờ đi ngủ. Nhưng khi lớn hơn, chúng ta được đặt ra một khung thời gian nhất định. Con có thể ra ngoài chơi miễn là con làm xong bài tập về nhà trước bữa tối. Sau đó, khi trưởng thành hơn, chúng ta được quyền tự lựa chọn. Và khi cuộc sống của chúng ta được hình thành dựa trên các lựa chọn, chúng ta phải làm sao để lựa chọn đúng đắn?
Thật phức tạp khi càng lớn, lại càng có nhiều cớ để chúng ta tin rằng mọi chuyện “đơn giản phải được thực hiện”. Kỳ vọng quá nhiều, vượt quá năng lực và cam kết thái quá. Tràn lan, đại trà đã trở thành tình trạng chung.
Đó là khi cuộc chiến tìm kiếm hành trình đúng đắn diễn ra quyết liệt. Thiếu công thức ra quyết định rõ ràng, chúng ta rơi vào trạng thái phản ứng và sa đà trở lại những cách thức ra quyết định quen thuộc và dễ dãi. Kết quả là, chúng ta tùy tiện chọn những cách tiếp cận làm xói mòn thành công của chính mình. Việc gấp rút thực hiện những công việc cần làm trong ngày biến chúng ta thành một nhân vật đang hoảng sợ trong một bộ phim kinh dị – luống cuống chạy lên cầu thang thay vì chạy ra cửa. Quyết định sáng suốt nhất được thay thế bằng bất kỳ quyết định nào, và những gì cần được tiến hành chỉ đơn giản trở thành một chiếc bẫy.
Ở tình trạng cấp bách và quan trọng, mọi thứ dường như công bằng. Chúng ta trở nên chủ động và bận rộn, nhưng điều đó không thực sự đưa chúng ta đến gần thành công hơn. Hành động thường không liên quan đến hiệu suất, và sự bận rộn hiếm khi ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả công việc.
Như Henry David Thoreau từng nói, “bận rộn thôi không đủ, cần mẫn cũng vậy. Vấn đề là, chúng ta bận vì việc gì?”. Thà làm một việc có ý nghĩa còn hơn làm trăm việc vô nghĩa. Không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau, và thành công không phải là phần thưởng dành cho kẻ làm nhiều nhất. Tuy nhiên, đó lại là những gì diễn ra hàng ngày.
?Chẳng có gì để làm
Danh sách những việc cần làm là yếu tố chính của khả năng thành công và quản lý thời gian. Với mong muốn của bản thân và ước muốn của người khác dồn dập ập đến chúng ta từ tứ phía, chúng ta vội vàng ghi chúng vào các mảnh giấy nhỏ một cách rõ ràng hoặc liệt kê chúng một cách có thứ tự vào các tập giấy in. Các nhà hoạch định thời gian dành thời gian quý giá cho các danh sách công việc hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Nhiều ứng dụng điện thoại di động, và các chương trình phần mềm mã hóa chúng ngay vào bảng chọn. Có vẻ như chúng ta được khuyến khích tạo ra một danh sách việc cần làm – và cho dù những danh sách đó là vô giá, nhưng chúng cũng có những hạn chế.
Dù việc cần làm được coi như những mục đích tốt đẹp nhất của chúng ta, nhưng chúng cũng áp chế chúng ta với những việc không quan trọng, tầm thường mà chúng ta cảm thấy bắt buộc phải hoàn thành – bởi chúng nằm trong danh sách những việc cần làm. Đó là lý do hầu hết chúng ta đều thích hoặc không thích danh sách những việc phải làm. Nếu được phép, chúng sẽ tự tạo ra các ưu tiên giống như cách hòm thư bức chế lịch trình hàng ngày cho chúng ta. Phần lớn những hộp thư đều tràn ngập những e-mail không quan trọng “giả dạng các ưu tiên”. Giải quyết công việc theo trình tự thời gian thư nhận được chẳng khác nào chiếc bánh xe cót két cần được tra dầu. Thủ tướng Úc, Bob Hawke, đã ghi nhận một cách đúng đắn, “Những điều quan trọng nhất không phải là những gì được rao giảng nhiều nhất”.
Những người thành công thường hành động khác biệt. Họ có con mắt rất tinh tường. Họ cân nhắc đủ kỹ lưỡng để xác định những gì quan trọng và sau đó cho phép chúng chi phối thời gian của họ. Những người thành công thường hoàn thành các công việc mà người khác dự định làm nhưng lại trì hoãn có thể là vô thời hạn và ngược lại, họ có thể trì hoãn hoặc không làm những gì người khác làm. Sự khác biệt không nằm ở dự định mà ở cách làm. Những người thành công luôn xuất phát với một ý thức rõ ràng về các ưu tiên.
Trong tình trạng nguyên bản, như một bản kiểm kê đơn giản, một danh sách những việc cần làm có thể dễ dàng khiến bạn lạc đường. Một danh sách những việc cần làm chỉ đơn giản là những việc bạn nghĩ mình cần phải thực hiện; việc đầu tiên trong danh sách chỉ là điều đầu tiên bạn nghĩ đến. Các danh sách những việc cần làm vốn đã thiếu định hướng thành công. Trong thực tế, hầu hết các danh sách những việc cần làm chỉ là “danh sách sống sót” – giúp bạn sống qua ngày, nhưng không tạo nên những bước đệm để giúp bạn dần tạo dựng cuộc sống thành công. Chúng ta dành rất nhiều thời gian để thực hiện các mục trong danh sách những việc cần làm nhưng đến cuối ngày chúng lại chẳng hề mang lại thành công. Thay vì một danh sách những việc cần làm, bạn cần một “danh sách thành công” – với mục đích tạo ra những kết quả đột phá.
Các danh sách những việc cần làm thường rất dài, đưa bạn đến mọi hướng trong khi danh sách thành công lại khá ngắn nhưng lại vẽ cho bạn một hướng đi cụ thể. Một là thư mục hỗn độn và một là hướng dẫn có tổ chức. Nếu một danh sách không nhằm mục đích tạo dựng thành công, nó chắc chắn sẽ không mang lại thành công cho bạn. Nếu danh sách những việc phải làm của bạn là một mớ “hổ lốn”, thì nó có thể đưa bạn đến khắp nơi nhưng đó lại không phải nơi bạn thực sự muốn đến.