CẢM XÚC, BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA TÂM TRÍ

CAROLE BERGER

Trích: Ho'Opnopono, Sống Như Người Hawaii: Chấp Nhận, Biết Ơn và Tha Thứ; Việt dịch: Hoàng Lan; NXB. Công Thương, Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

Hằng ngày, chúng ta trải qua hàng trăm cảm xúc. Dù lớn hay nhỏ, chúng cũng âm thầm biến đổi cấu trúc hóa học của cơ thể, điều này thường gây ra suy kiệt và căng thẳng khó kiểm soát.

Vào những năm 1970, nhà dược học người Mỹ, tiến sĩ Candance Pert đã tiến hành một số nghiên cứu mà sau đó đưa đến vài kết luận hết sức đáng kinh ngạc: khi chúng ta có một ý nghĩa hoặc trải qua một cảm xúc, các neuropeptide sẽ bắt đầu luân chuyển thông tin này tới cơ thể và truyền đạt các cảm xúc liên quan đến những ý nghĩ này tới các tế bào. Nhờ đó, các ý nghĩ và cảm xúc được truyền tới các tế bào và được biến đổi thành các cảm giác của cơ thể vật lý. Khi những ý nghĩ và cảm xúc này là dễ chịu thì mọi sự đều ổn thỏa. Nhưng trong trường hợp ngược lại, chúng sẽ “gây căng thẳng” cho cơ thể và tâm trí, tạo ra các tác động thực sự đối với sức khỏe, tuổi thọ và tâm trạng.

Điều này rất dễ nhận biết: khi bạn vui vẻ, cơ thể bạn trở nên nhẹ nhõm và khuôn mặt bạn ngời sáng với nụ cười trên môi. Khi bạn giận dữ, trái tim bạn như muốn vỡ tung ra. Khi bạn sợ hãi thì nó siết chặt lại. Mọi cảm xúc đều gây ra một tác động đối với cơ thể, và những ý nghĩ của chúng ta thường kích hoạt các cảm xúc lớn nhỏ mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra. Thách thức ở đây là phải nhận thức được ảnh hưởng mà các cảm xúc gây ra đối với sự an lạc của tâm hồn cũng như đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta luôn có quyền lựa chọn: để bản thân bị một cảm xúc nào đó lấn át, hay ngược lại, để nó trôi đi. Sức mạnh của chúng ta nằm chính ở điểm này, và đây cũng là điểm mà ta học được từ tinh thần Ho’oponopono. Đây là cái giá để có được tự do.

Cảm xúc: kẻ dẫn đường bất kham và thường là mù quáng

Trong nền văn hóa Hawaii, các bậc thông thái luôn thận trọng trước bất kì cảm xúc nào có ý định thâm nhập thế giới nội tâm của họ, dù đó là cảm giác thăng hoa hưng phấn hay giận dữ tột độ. Họ biết rằng cảm xúc không phải là một kẻ dẫn đường tốt, nó có thể bóp méo thực tại và áp đặt lên chúng ta một trạng thái để rồi chúng ta thường trở thành nô lệ của trạng thái ấy. Tự do nằm ở lựa chọn của chúng ta, trong từng khoảnh khắc, trong từng cảm xúc, đối với việc chúng ta có để bản thân bị những cảm xúc ấy cuốn đi hay không.

Thực ra, cảm xúc là những hiện tượng kì lạ. Chúng có thể mạnh tới nỗi xóa sạch mọi thứ trên đường chúng đi, Tuy nhiên, những cảm xúc làm ta choáng ngợp thường ngăn ta nhìn nhận mọi sự theo đúng bản chất của chúng. Cảm xúc làm thay đổi thực tại và khiến chúng ta đánh mất khả năng nhận thức.

Cảm xúc yêu thương cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta thường dễ bị mắc vào lưới tình mà không nhìn rõ bản chất thật sự của người mình yêu. Chúng ta cũng dễ “sa” vào tình cảm đối với một ai đó và bỏ qua mọi khuyết điểm của họ cũng như tất cả những gì trực giác mách bảo chúng ta là không ổn. Để rồi, khi xúc cảm yêu thương phai nhạt, chúng ta mới vấp phải một cú thức tỉnh đầy đau đớn và mắt chúng ta mới điều chỉnh để nhìn nhận thông suốt hơn.

Sự chuyên quyền của những cảm xúc tiêu cực

Trong số những cảm xúc mà chúng ta trải qua, có nhiều cảm xúc luôn nghiêng về phía tiêu cực và ta cứ mặc cho chúng xâm chiếm mình mà không hề kháng cự. Chúng buộc ta phải chấp nhận chúng, và ta thấy tâm can mình nhức nhối khôn nguôi. Người Hawaii dùng từ pilikia để mô tả hiện tượng này.

Pilikia thỏa sức trộn lẫn những cảm xúc và ý nghĩ tiêu cực để biến cuộc sống của chúng ta thành địa ngục. Mọi điều chúng ta làm hằng ngày nhằm phủ nhận cái đang thực sự diễn ra trong cuộc sống của mình đều là pilikia. Trạng thái tâm trí này đầu độc bản thể bên trong của chúng ta, làm nó bị sa lầy vào những cảm xúc sợ hãi, giận dữ, phủ nhận và bất bình.

Pilikia là tất cả những thứ giữ chân ta trong vũng lầy ấy và khiến ta đau khổ – chúng là tất cả những điều phóng đại mà ta tự dựng lên trong cuộc sống thường ngày của mình. Đó cũng là tất cả những ý nghĩ, những nỗi lo lắng và rắc rối đầy ám ảnh. Nó giống như một chất độc làm cho ta chết dần chết mòn. Tất cả những gì có thể khôi phục phần nào trạng thái hòa hợp – như niềm vui trong nụ cười, niềm hạnh phúc trong vòng tay bè bạn, niềm vui từ sự sẻ chia hay đơn giản là từ cảm giác đang được sống – đôi khi vẫn phải chịu thất thế trước khối cảm xúc tiêu cực khổng lồ này.

Những người nhìn đâu cũng thấy vấn đề

Bạn đã bao giờ gặp người nào luôn nhìn thấy vấn đề trong mọi thứ xung quanh họ chưa? Họ luôn miệng phàn nàn: nào xe buýt đến trễ, bậc bước lên xe quá cao, nào xe quá đông, họ không thể tìm nổi chỗ ngồi… Họ giữ thái độ ấy suốt cả ngày và sống trong thế giới pilikia. Những người như vậy, tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, đã lựa chọn nhìn nhận cuộc sống theo cách này. Lựa chọn ấy thương là vô thức và là hậu quả của một sự kiện đau lòng hoặc một chấn thương thuở nhỏ. Họ đã tìm ra phương cách tự vệ riêng; vì muốn tránh cho bản thân khỏi mọi sự thất vọng, họ không dám liều lĩnh sống hạnh phúc vì lo sợ hạnh phúc sẽ phai tàn. Bất kể lý do đằng sau lựa chọn này là gì, thì hậu quả của nó thật rõ ràng: họ sống trong những năng lượng tiêu cực và thậm chí trở nên phụ thuộc vào chúng. Lối sống ấy phù hợp với họ, và họ sẽ chỉ thay đổi nếu một ngày kia họ có cơ hội thay đổi những niềm tin của mình và nhận ra rằng mình có thể sống theo một cách khác.

Thi thoảng, người ta thấy dì Mahealani tỏ ra hơi “gay gắt” với những người đến hỏi xin lời khuyên. Khi một ai đó cứ liên tục phàn nàn về một tình huống khó khăn mà họ đang trải qua, thì bà sẽ nói thế này: “Cứ cho tôi biết khi nào anh/chị muốn bước tiếp rồi thì chúng ta sẽ làm gì đó”. Kỳ thực, chừng nào vẫn còn ở trong trạng thái phàn nàn liên tục, vốn là thủ phạm sản sinh những cảm xúc tiêu cục, thì chừng đó chúng ta còn chưa thể đi đến lối thoát và sẽ mãi kẹt lại trong thế giới pilikia (“Nhưng tại sao điều này lại xảy đến với tôi?” “Thật bất công.” “Chuyện này cứ đeo bám tôi.” “Tôi muốn biết vì sao.”). Chừng nào tâm trí còn ở trạng thái này, thì chừng đó không điều gì có thể xảy ra, chúng ta đã bị khóa chặt. Và đáng tiếc thay, một số người bị “nhốt” ở chốn này nhiều năm trời. Ít nhất, ở cấp độ vô thức, họ không thực sự muốn thoát khỏi trạng thái tâm trí đó. Chỉ khi chúng ta quyết định hô lên hai tiếng “dừng lại” thì sự thay đổi mới có thể xảy ra.

Rời bỏ thế giới của những vấn đề

Hãy nhớ lại một tình huống gần đây nhất đã đẩy bạn vào cảm xúc tiêu cực. Mường tượng lại tình huống ấy, rồi tự hỏi những câu sau:

  • Chuyện gì đã thực sự xảy ra (Nếu gạt sang một bên những diễn giải cá nhân của mình)?
  • Mình đã cảm thấy ra sao?
  • Cảm xúc ấy có chính đáng không?
  • Vì sao?
  • Khi đó. mình có thể cảm nhận khác đi không?
  • Khi đó, mình có thể phản ứng khác đi không?
  • Mình đã nhận được gì từ cảm xúc ấy?
  • Nó có giúp mình tìm ra phương hướng để tiến về phía trước không?
  • Lựa chọn khi đó đã là tốt nhất cho bản thân mình hay chưa?
  • Và nó có tốt cho những người xung quanh mình không?

Nếu thành thực trả lời tất cả những câu hỏi trên, chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng có nhiều lựa chọn khác dành cho bạn. Hãy học nhìn ra mọi lựa chọn – hành động khả thi trước khi quyết định cách thức bạn “bước lên vũ đài”.

Trong Ho’oponopono truyền thống, khi ra một quyết định hoặc thực hiện một chuỗi hành động thì trước hết bạn nên nghe theo trực giác và cảm hứng cũng như “linh cảm” của bạn.

TRÍ TUỆ CỦA CÁC BẬC TRƯỞNG LÃO

Cảm xúc là những “vị khách” đối với thế giới nội tâm của bạn. Bạn không bao giờ có nghĩa vụ phải cho chúng vào “nhà” mình. Chính ở điểm này, ý chí tự do và sức mạnh của bạn phát huy vai trò của chúng. Bạn có thể nhận mặt kẻ đang gõ cửa, nhưng bạn toàn quyền quyết định có mở cửa đón nhận những cảm xúc ấy cùng mọi hệ lụy của chúng vào cuộc sống của mình hay không.

Khi tâm trí trở nên tĩnh lặng và cảm xúc lắng xuống

Khi bản ngã của chúng ta chấp thuận im lặng, chúng ta có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại và chấp nhận nó “đúng như nó đang diễn ra”. Và ở trạng thái này, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình.

Bạn chỉ có thể loại bỏ một ý nghĩ bằng cách thay thế nó bằng một ý nghĩ khác. Và tại bất kỳ thời điểm nào, chúng ta đều có thể lựa chọn ý nghĩ sẽ thay thế ý nghĩ cũ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ THÔNG MINH CỦA CẢM XÚC
  2. CẢM XÚC LÀ NĂNG LƯỢNG
  3. SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LƯỢNG MẠNH MẼ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
  2. ĐI THEO DẪN DẮT CỦA TRỰC GIÁC VÀ CẢM HỨNG
  3. GỠ BỎ NHỮNG “NÚT THẮT” CHÍNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP