CĂN TAI VIÊN THÔNG HƠN HẾT- KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

Trích: Kinh Lăng Nghiêm Hành Giải/ Đương Đạo; NXB Thiện Tri Trức

—???—

Con nay bạch Thế Tôn

Phật ra cõi Ta Bà

Phương này chân giáo thể

Thanh tịnh tại nghe thanh

Muốn được Tam ma đề

Thật do nghe mà nhập.

—???—

 

Ở các cõi Phật khác, có cõi dùng ánh sáng để chỉ bày thật tướng, có cõi dùng hương thơm, có cõi dùng cây Bồ đề…tùy theo duyên nghiệp công đức của cõi đó. Riêng ở cõi Ta Bà này, âm thanh là chủ đạo. Chúng ta cứ xem trong cuộc sống hằng ngày, hầu như cuộc sống là âm thanh. Chúng ta vẫn thường sống với căn tai. Căn tai hiện diện thường trực: khi chúng ta nói chúng ta vẫn nghe. Khi nhìn, vẫn nghe; khi ngửi, vẫn nghe; khi nếm, vẫn nghe; khi đi đứng, vẫn nghe; khi suy nghĩ, vẫn nghe. Căn tai luôn luôn có mặt dù cho các căn kia đang hoạt động, do đó mở nút hay xoay căn tai là dễ nhất.

Mở được, xoay được thì đó là tam muội, thanh tịnh, bất biến, đó là tánh viên thông vốn sẵn chưa hề cách lìa chúng sanh một sát na, một cọng tóc.

 

—???—

Lìa khổ được giải thoát

Lành thay Quán Thế Âm

Trong hằng sa số kiếp

Vào cõi Phật vi trần

Được lực đại tự tại

Vô úy thí chúng sanh

Diệu âm, Quán Thế Âm

Phạm âm, hải triều âm

Cứu thế, an lành thủy

Xuất thế, hằng thường trụ

—???—

 

Đoạn kệ này tán thán Đức Quán Thế Âm. Quán Thế Âm trở thành vị thành tựu viên thông cái nghe, do đó danh hiệu ngài cũng chính là tánh nghe.

“Viên mãn tánh nghe” nên “lìa khổ, được giải thoát”, là đoạn đứt biến dịch sanh tử và phần đoạn sanh tử. Do đó được lực đại tự tại, thường trụ trong Tam muội Kim cương như huyễn nên “xuất thế hằng thường trụ”, mà lại ở trong thế gian “cứu thế an lành thảy”.

Bồ tát Quán Thế Âm

Bồ tát Quán Thế Âm

—???—

Con nay bạch Như Lai

Như Quán Âm đã nói

Ví như người ở yên

Mười phương đều đánh trống

Mười chốn đồng thời nghe

Đó là chân viên thông.

—???—

 

Đây là điều ai cũng chứng nghiệm hàng ngày. Nhưng phải thiền định thiền quán lâu ngày mới nhận ra sự thật hiển nhiên này.

“Mười phương đều đánh trống, mười chốn đồng thời nghe”: nơi nào có tiếng thì khắp nơi đều nghe, tánh nghe có mặt ở khắp cả, không tùy thuộc vào nơi nào âm thanh khởi, cũng không tùy thuộc chỗ nào đứng nghe.

Thật sự ngộ ra được điều này và không bao giờ quên là bắt đầu vào tánh viên thông. Từ khi thật biết chân viên thông này rồi bèn niệm niệm “huân tu tánh nghe thuần sáng, sáng khắp pháp giới” thì mới mong hoàn toàn vào Tam muội Kim cương như huyễn, được đại tự tại.

 

—???—

Mắt không thấy ngoài (ngăn) che

Miệng, mũi cũng như vậy

Thân có hợp mới biết

Ý loạn không mối manh.

Cách vách vẫn nghe tiếng

Xa gần đều nghe được

Năm căn so không bằng

Đó là thật viên thông.

—???—

 

So sánh với năm căn kia thì cái nghe có ưu thế hơn:

– Cách vách, xa gần đều nghe: tầm hoạt động rộng xa hơn.

– Cái nghe dễ trung tính hơn, ít dính chấp hơn so với cái thấy

– Quan trọng nhất là sự thường trực của cái nghe, có tiếng thì nghe, không có tiếng vẫn nghe, khi các giác quan kia hoạt động vẫn nghe. Chính sự thường trực này khiến dễ tương ưng với tánh nghe thanh tịnh tương tục không gián đoạn, nghĩa là thường trụ.

Cho nên tu cái đang nghe, đó là huân tu tánh nghe.

 

—???—

Âm thanh có động tĩnh

Trong cái nghe (thành) có, không

Không tiếng gọi (là) không nghe

Chẳng phải không tánh nghe.

Không tiếng, đã không diệt

Có tiếng, cũng không sanh

Sanh diệt đều trọn lìa

Đó là thường chân thật.

—???—

 

Đoạn này chỉ thẳng tánh nghe nơi đời sống bình thường, trong trạng thái thức, tuy nhiên, để thấu rõ nó phải cần Chỉ Quán lâu ngày thì lúc nào đó tánh nghe mới hiện tiền, mới là cái gì cụ thể hiện thực được.

Âm thanh có khi động, khi tĩnh, trong cái nghe nhận biết khi có tiếng khi không tiếng. Nhưng không có tiếng thì không nghe cái có tiếng, chứ vẫn nghe cái không có tiếng. Tánh nghe vẫn thường hằng tại đây và bây giờ. Có tiếng, đó là tánh nghe. Không có tiếng, đó là tánh nghe. Không thể nào thoát ngoài tánh nghe được.

Cũng vẫn cái nghe này mà chạy theo có tiếng và không có tiếng thì sa vào thế giới sanh diệt, vào trần tướng. Còn chính cái nghe này mà tự trụ trong bản vị bất động của nó, thường hằng nghe cả có tiếng và không có tiếng, đây là tánh nghe, hay chính xác hơn, bắt đầu đi vào tánh nghe để cuối cùng là sự viên thông vốn sẵn của tánh nghe.

Đơn giản nếu ngay bây giờ mà nghe xuyên suốt qua âm thanh trần tướng, xuyên suốt qua hư không vắng lặng, thì đây là tánh nghe không lúc nào không nghe. Rồi sống trong tánh nghe, nghĩa là huân tu tánh nghe cho đến khi viên mãn.

Tánh nghe ấy thường trụ bất động, không phải vì không có tiếng mà diệt, không phải vì có tiếng mà sanh. Trực tiếp thấy biết, chứng ngộ điều này tức là biết tánh nghe không sanh không diệt thì thoát khỏi sanh tử luân hồi sanh diệt.

Khi đã thật sự thấy biết tánh nghe không sanh không diệt thì thường xuyên an trụ trong tánh nghe ấy, chuyển hóa, nghĩa là đưa các tướng sanh diệt trở về với bản tánh không sanh không diệt của chúng. Đến lúc “sanh diệt đều trọn lìa”, nghĩa là không còn có chút tướng sanh diệt nào nữa, tất cả chỉ là cái không sanh không diệt: “không tiếng đã không diệt, có tiếng cũng không sanh”. Tướng sanh diệt tức là tánh không sanh không diệt. Nói cách khác, tánh vốn không sanh không diệt mà tướng cũng không sanh không diệt.

Đây là trạng thái “thường chân thật”, hay là Tam muội Kim cương như huyễn do huân tu tánh nghe mà thành tựu.

 

—???—

Dầu cho trong mộng tưởng

Không nghĩ mà thành không

Tánh nghe ngoài suy nghĩ

Thân tâm không đến được.

—???—

 

Tánh nghe hiện hữu siêu vượt mọi trạng thái của thân tâm, khi ngủ mộng, khi thức, khi suy nghĩ và khi không suy nghĩ. Nhưng siêu vượt mọi trạng thái, mọi hoạt động nhưng trong trạng thái nào hoạt động nào cũng có nó, vì nó là nền tảng cho tất cả, tam muội vốn sẵn từ đó mọi trạng thái tâm xuất sanh.

Hãy tìm thấy nó để được giải thoát khi ở đâu cũng có nó, lúc nào cũng có nó, trạng thái nào cũng có nó.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ÂM THANH NHƯ LÀ THẦN CHÚ
  2. ĐỂ THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM CỦA AI ĐÓ HÃY DỪNG NÓI và HÃY LẮNG NGHE
  3. LẮNG NGHE BẰNG CÁI TAI THỨ BA

Bài viết khác của tác giả

  1. BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI – PHẦN DẪN NHẬP
  2. VỀ NGUỒN
  3. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH