CÁNH CỬA HẠNH PHÚC

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động

Nghe nói thứ tốt đẹp nhất trên thế giới này là hạnh phúc, có một cô gái trẻ muốn đi tìm hạnh phúc. Hình dáng của hạnh phúc như thế nào nhỉ? Người hàng xóm của cô là một người có hạnh phúc, cô ta đem thứ hạnh phúc quý báu của mình cho cô gái trẻ xem, thì ra đó là một đôi giày thủy tinh trong suốt. Cô gái trẻ ghi nhớ hình dáng của đôi giày thủy tinh, và lên đường đi tìm. Tuy nhiên đi khắp chân trời góc bể, cô ta cũng không tìm thấy đôi giày ấy. Cô dần dần nghi ngờ trên thế giới này có thật có đôi giày thủy tinh ấy hay không, có thật có hạnh phúc hay không?

Về sau, có một người thiện tri thức nói với cô gái trẻ: “Theo tôi được biết, trên thế giới này không người nào tìm ra đôi giày thủy tinh ấy cả, chi bằng cô nên đi tìm một đôi giày hợp với ý mình”. Thế là cô gái trẻ bỏ ý tưởng trước đây, bèn mua cho mình một đôi giày thể thao ưa thích. Lúc mang đôi giày vào chân, cô ngạc nhiên phát hiện đôi giày thể thao biến thành đôi giày thủy tinh.

Mọi người sống trên thế gian đều mong muốn có những ngày vui vẻ hạnh phúc. Có người ngưỡng mộ người khác có nhiều tiền của, cho rằng đó là hạnh phúc, mà đâu biết rằng có tiền lại phải lo lắng bị cướp bị giật; có người ngưỡng mộ quyền thế, cho rằng đó là hạnh phúc, nhưng nào có biết quyền thế thường làm cho người ta sa đọa về mặt đạo đức. Như vậy làm thế nào bước vào cánh cửa hạnh phúc? Xin đưa ra bốn ý kiến để tham khảo:

Thứ nhất, cần biết nói lời cảm ơn đối với con người. Ngạn ngữ có câu: “Uống nước nhớ người đào giếng.” Con người không thể sống tách rời quần chúng, ví như cơm ăn áo mặc cũng cần phải nhờ vào người trồng cấy, người dệt vải, người gia công, người nấu nướng. Cần rất nhiều thời gian để hoàn thành các việc ấy, do đó chúng ta phải có tấm lòng cảm ơn. Người có lòng cảm ơn mới là người giàu có. Một người biết cảm ơn mới có thể thấu hiểu nỗi vất vả của người khác đã đóng góp công sức Một người biết cảm ơn mới có ý thức báo đáp về lòng biết ơn ấy. Một người biết cảm ơn ắt hẳn là người vui vẻ hạnh phúc.

Thứ hai, cần phải biết nhẫn nhục đối với sự việc. Tục ngữ có câu: “Nhịn nhịn nhịn, trăm nhịn thành vàng; giận giận giận, một giận thành thù.” Khi mọi người làm việc cùng nhau, sẽ có lúc xảy ra việc lộn xộn, điều quan trọng nhất là cần có sự nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn không phải là mềm yếu, mà là sức mạnh, việc nhỏ không thể nhẫn nhịn thì có thể ấp ủ thành họa lớn. Cho nên, không đôi co tính toán việc nhỏ mới có thể giảm bớt gánh nặng của tâm hồn, không nghe lời đồn nhảm mới tránh khỏi được những tranh chấp không cần thiết. Có nết tốt nhẫn nhục, nhất định có vui vẻ hạnh phúc.

Thứ ba, cần phải biết tri túc đối với vật chất. “Tranh cãi dễ sinh phiền não, không tranh sẽ được an tâm”. Cuộc sống của con người không thể thoát khỏi những nhu cầu vật chất, đi xa phải dùng xe thay cho đi bộ, đói khát cần phải ăn uống để bổ sung, nhưng vật chất thì có hạn, mà lòng tham thì vô cùng. Chỉ khi tâm ý mình cho là đủ, mới có thể hưởng thụ hạnh phúc có được ngay lúc này. Ông Amial, người Pháp, nói: “Danh từ đích thực của hạnh phúc là tri túc”. Người trì túc, tuy vật chất ít ỏi, nhưng tâm hồn thì tràn đầy niềm vui. Người không biết tri túc, tuy cuộc sống giàu có, nhưng tâm hồn lại nghèo nàn.

Thứ tư, cần phải biết sám hối đối với chính mình. Là người cần có cái tâm luôn luôn sám hối. Trong cuốn “Vạn thiện đồng quy” có viết: “Trong các thứ phước báo, sám hối là nhất, trừ được chướng ngại, nhận được đại thiện. Sám hối khiến cho con người có sức mạnh tái sinh, như nhớp bẩn của nhiều năm được gột sạch trong một sớm, như mây đen được xua tan, tỏa ánh mặt trời ấm áp. Sám hối mới có thể sửa sai, sám hối mới có thể thanh tịnh và tiên bộ”.

Mỗi người đều có thể đem lại hạnh phúc cho mình, và chỉ có mình mới cho mình hạnh phúc. “Đối với tình cảm không chấp không hợp, đối với ham muốn không tham không chống, đối với thế gian không chán không cầu, đối với sống chết không sợ không rời”. Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc đang ở mỗi giây phút hiện tại.

? Lời trích từ sách “Thái căn đàm”

Niềm hạnh phúc tốt đẹp nhất của con người là trong tâm có một ngọn đèn sáng;

Điều bình đẳng tự do nhất của nhân gian là trong tâm có một đấng chân như;

Có nội hàm phong phú mới có thể tỏa phát khí chất cao đẹp;

Có ấp ủ sâu dày mới có thể kích phát động lực của cuộc sống.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  2. TÔI LÀ PHẬT
  3. NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN DẠY CHO CON

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ