CÂU CHUYỆN CỦA THIỀN SƯ MINGYUR RINPOCHE

Trích: Thong Dong Bước Đến, Tự Tại Đi Về; Việt dịch: Sen Xanh; NXB Dân Trí; Công ty Sách Thái Hà, 2023

02/03/2025
123 lượt xem

Để khiến chủ đề về sự tan rã của thân tứ đại này đỡ bí ẩn hơn, tôi muốn kể một câu chuyện về một người đã thật sự được chuẩn bị, qua học hỏi và thực hành, để nhận ra và trải nghiệm quá trình tan hòa trong suốt trải nghiệm cận tử. Đây là một câu chuyện được ngài Yongey Mingyur Rinpoche kể lại trong cuốn sách Sống chết mỗi ngày: Hành trình đi xuyên qua các tiến trình sinh tử của một nhà sư Phật giáo.

Ngài Mingyur Rinpoche, là một bậc thầy danh tiếng xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống với rất nhiều bậc thầy của Phật giáo Tây Tạng, ngài đồng thời là trưởng một tu viện ở Bodhgaya, Ấn Độ, nơi Đức Phật đã đạt được giác ngộ. Trong suốt 36 năm đầu tiên của cuộc đời, ngài đã được bảo bọc và hưởng nhiều đặc ân đặc quyền. Khi còn thơ ấu, ngài đã được xác định là một vị tulku, một tái sinh của một bậc thầy giác ngộ trước đây. Cha của ngài, bậc thầy thiền định vĩ đại Tulku Ụrgyen Rinpoche đã nuôi dưỡng ngài lớn lên vừa như một người con trai vừa như một học trò. Tại nhà ở Nepal, cha mẹ của ngài đã chăm sóc ngài với tình yêu thương, sự trìu mến và không bao giờ để ngài phải đi ra ngoài một mình. Ngay cả khi ngài rời gia đình để bắt đầu những khóa học chính thức, thì ngài vẫn luôn được bảo vệ bởi vai trò và tước vị của mình. Những sự bảo vệ này vẫn tiếp diễn cho hết thời kỳ trưởng thành. Trước tuổi 36, ngài chưa từng ở ngoài một mình trong suốt cuộc đời. 

Và, vào tháng 6 năm 2011, ngài đã thức dậy giữa đêm, rời tu viện để bắt đầu vào một hành trình nhập thất lang thang kéo dài hơn bốn năm. Ngài đã từng thực hiện nhiều kỳ nhập thất trước đó, trong đó có cả một kỳ nhập thất ba năm liền, nhưng tất cả những lần đó đều xảy ra ở các tự viện hoặc những nơi ẩn cư. Chuyến nhập thất lang thang này đã là một giấc mơ từ thuở nhỏ của ngài; ngài đã được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện của các vị tu hành khổ hạnh sống tự do, tự tại, sẵn sàng đón nhận bất kỳ thức ăn hoặc mái ấm nào được cúng dường trên đường. 

Tất cả những gì ngài đã mang theo là hai bản văn của Đức Phật, một chút xíu tiền mặt và bộ quần áo mặc trên người. Không có ai biết được ngài đã rời đi. Khi vị thị giả bước vào phòng ngài chiều hôm sau, ông thấy một phong thư tạm biệt, trong đó Mingyur Rinpoche đã bày tỏ ước nguyện được đi theo bước chân của những vị hành giả nhập thất trong quá khứ như ngài Milarepa; người đã dành gần hết cuộc đời mình thiền định ở những hang động xa xôi và những thánh địa linh thiêng. Để tiếp tục dẫn dắt những học trò của mình, Mingyur Rinpoche đã để lại một khóa học được hướng dẫn cẩn thận với những bản hướng dẫn thực hành thiền đơn giản cùng việc thu âm hàng trăm giờ giảng dạy. 

Trước khi ngài rời tu viện, mường tượng của ngài về cuộc nhập thất đã nhuốm màu lãng mạn: những hang động với hồ nước đẹp và chuyến tàu xuyên quốc gia thơ mộng. Kế hoạch duy nhất của ngài là sẽ bắt một chuyến tàu đầu tiên để đến Varanasi, thành phố cổ đại nằm bên dòng sông Hằng, nơi các Phật tử và những người theo đạo Hindu đã thực hành tâm linh hàng ngàn năm qua. Nhưng trước hết, ngài phải tự học xem làm thế nào để mua được vé tàu bởi đó là việc ngài chưa từng làm bao giờ. Và rồi, khi ngài bước lên tàu, vào được khoang hạng bét, trải nghiệm choáng ngợp của ngài là sự khó chịu. Chuyến tàu đông kinh khủng; mọi người đều bốc mùi và nhìn rất xấu xí; ngài có thể thấy chấy rận bò lổm ngổm trên đầu người khác. Không có ai bày tỏ sự kính trọng đối với bộ áo tăng mà ngài đang mặc; ngài bị xô đẩy, xúc, hất như bất kỳ ai trong khoang tàu đó. 

Nhưng ngài liên tục trấn an mình rằng đây chính là điều mà ngài mong muốn trải nghiệm: đó là mọi thứ đang tan rã ra và cách cư xử theo lẽ thường mà ngài vẫn biết thì chẳng có tác dụng gì ở đấy cả. Ngài đã muốn kiểm tra năng lực thực hành của mình ở giữa những sự hỗn độn đó. Và điều vô cùng gây cảm hứng đối với tôi đó là ngài đã không chỉ đi xuyên qua những trải nghiệm của mình. Ngài còn vượt qua nỗi sợ, vượt qua những xúc tình tiêu cực, giống như bạn và tôi vẫn thường trải qua. Ngài đã sử dụng mọi bài thực hành mà ngài được học, không còn phân biệt đó là bài dành cho giai đoạn “bắt đầu” hay “cao cấp”. Trong bất kỳ trường hợp nào xuất hiện sau đó, ngài đã làm mọi thứ có thể để được an trú trong hiện tại và làm việc với tâm thức của mình, ngay cả khi ngài cảm thấy ghê tởm hoặc sợ hãi đến mức gần như không chịu đựng nổi. 

Không lâu sau chuyến tàu đó, ngài đi đến Kushinagar, nơi Đức Phật nhập niết bàn. Ngài đã dành hầu hết thời gian của mình thiền định trong một công viên tưởng niệm về cái chết của Đức Phật. Với một chút ít tiền mang theo, ngài đã có thể ở được vài ngày tại nhà trọ và mua đồ ăn đường phố. Nhưng khi khoản tiền đó hết, ngài bắt đầu ngủ ngoài trời và đi ăn xin. Trong suốt những ngày lang thang này, ngài không còn mặc chiếc áo tăng nhà Phật màu mận chín và bắt đầu mặc chiếc áo màu nghệ tây của người tu khổ hạnh, một pháp tu xả bỏ của người theo đạo Hindu. Ngài đã xem sự thay đổi này là một phần quan trọng trong tiến trình bước về nơi vô định. Chiếc áo tăng Phật giáo đã luôn che chắn cho ngài và mang lại cho ngài một cảm giác về sự định danh, ngài muốn vượt thoát ra ngoài tất cả những điểm tham chiếu thông thường của mình — không có gì để bám víu mà cũng không có gì để trốn chạy. 

Đi ăn xin là một trải nghiệm rất khó khăn đối với ngài. Nó chống lại tất cả mọi thứ trong con người ngài để có thể đứng lên bước tới một người khác và hỏi xin đồ ăn, Nơi đầu tiên mà ngài đến xin là tại một quầy bán đồ ăn mà ngài vẫn thường lui tới trước đó. Người quản lý quầy hàng phát hiện ra ngài đã thay đổi trang phục và nói rằng “bây giờ ông là một người Hindu rồi”. Và người quản lý này bảo ngài đến tối hãy quay lại, khi mà họ để hết thức ăn còn thừa từ các đĩa ăn của khách để cho người ăn xin, Ngài đã dành phần lớn thời gian trong ngày để thiền định về nỗi xấu hổ của bản thân, sử dụng giáo ly để đối trị với cảm xúc đó, và đến khi ngài trở lại quầy đồ ăn, ngài đã sẵn sàng chấp nhận ăn những đồ ăn thừa của người khác. Ngài đã đói đến mức mà ngài nói rằng, ngài thích món đồ ăn đó còn hơn bất kỳ món ăn nào đã từng ăn tại một khách sạn năm sao.

Đêm đầu tiên ngủ ngoài trời của ngài gần ngay Tháp Trà Tỳ – một gò đất lớn chứa xá lợi từ thân của Đức Phật. Ngài đã không thể ngủ nổi bởi vì lũ muỗi quấy rầy và đến sáng hôm sau, ngài đã bị đau dạ dày. Khi ngài thiền định vào ngày tiếp theo, ngài bắt đầu bị tiêu chảy và đến tối thì nôn ói. 

Khi tình trạng trở nên xấu đi trong vài ngày tiếp theo, ngài nhận ra rằng ngài đang chết. Dấu hiệu đầu tiên mà ngài nhận ra được là yếu tố đất tan hòa vào yếu tố nước. Ngài bắt đầu cảm nhận sự nặng nề đến mức sức nặng của cơ thể đang nhấn chìm ngài xuống bên dưới mặt đất. Thêm một dấu hiệu nữa của sự hòa tan, thị lực của ngài trở nên mờ dần. Và rồi ngài cảm nhận quanh miệng và lưỡi không còn tuyến nước bọt. Mặc dù ngài đã bị mất nước quá nhiều để yếu tố nước có thể rời khỏi cơ thể, ngài hiểu rằng yếu tố nước đang tan hoại dần. Lúc này, ngài đã suy nghĩ: “Nó đang xảy ra. Đây là cơ hội của ta”. (Các bạn có thể tưởng tượng được một thái độ không sợ hãi như vậy không?) Sau đó ngài trở nên rất lạnh, và bởi vì không khí bên ngoài vô cùng nóng, ngài vẫn cảm thấy điều này là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn của yếu tố lửa đang tan hoại. Và rồi, yếu tố khí tan hoại vào tâm thức, ngài cảm nhận bản thân như một quả bóng bị xì hơi mỗi lần ngài hít vào. 

Ngài vẫn còn cảm giác về bản thân mình như là một người đi qua những trải nghiệm này. Vẫn còn một chút cảm nhận về “Mingyur Rinpoche” đang quan sát và dõi theo những gì đang xảy ra. Nhưng; như ngài đã mô tả về nó, tâm thức khái niệm của ngài đang “cạn dần đi”. Cùng lúc đó bản tâm chân thật của ngài ngày càng trở nên sống động hơn nữa. Và rồi, đến một thời điểm, ngài hầu như đã bị lá đi, những tỉa sáng màu trắng và đỏ xuất hiện trong tâm ngài. 

Những gì xảy ra tiếp theo thì nằm ngoài bất kỳ thứ gì mà ngài đã từng trải nghiệm. Sau khi trải qua, ngài cảm thấy gần như không thể mô tả thành lời, nhưng cuốn sách của ngài cũng đã kể lại được cảm nhận về hiện thực. Đã xuất hiện một sự nhận biết sáng rõ, nhưng dù sao nó cũng là không khái niệm. Không có bản thân cũng không có người khác, không bên trong, không bên ngoài, không thời gian, không phương hướng, không có sống, không có chết. Và cùng lúc đó, tất cả mọi thứ đều được khởi sinh từ tình yêu. Cây cối, những vì sao và toàn bộ thế giới đều được tạo ra từ tình yêu thương. 

Trước trải nghiệm này, ngài đã dành rất nhiều thời gian thiền định về bản tánh như bầu trời của tâm thức ngài, vì vậy, có thể nói ở một mức độ nào đó, ngài đã có sự chuẩn bị. Nhiều năm thực hành đã giúp ngài hiểu rõ được chính xác những gì đang xảy ra. Nhưng sự nhận ra bản tánh của tâm ngài chưa bao giờ trọn vẹn như thế. 

Sau đó, ngài đoán rằng ngài đã rơi vào trạng thái đó khoảng năm giờ đồng hồ. Ngài biết ngài bắt đầu bước vào trạng thái không khái niệm này khi nó tối sầm lại và có ánh sáng khi ngài đến đó, Nhưng, sự “đến đó” này đã không xảy ra theo cách thông thường của một người bị ngất đi và rồi phục hồi nhận thức. Nếu có ai đó nhìn thấy ngài, họ có lẽ nghĩ rằng ngài đã bị choáng ngất, nhưng ở trạng thái hôn mê sâu, thực tế là ngài hoàn toàn tỉnh thức trong toàn bộ khoảng thời gian đó — tỉnh thức với sự nhận biết sáng tỏ không một gợn mây, với một tâm thức mở ra hoàn toàn với vũ trụ. Cuối cùng, ngài đã quay trở lại với thân thể ngài. Đây không phải là một quyết định ngài tự đưa ra, không hề có cảm giác của một “cái tôi” nào liên quan đến. Nhưng dù sao, một khoảnh khắc của tâm thức đã xảy ra, dựa trên sự nhận biết về trách nhiệm của một bậc thầy mà ngài đảm nhận vẫn chưa được hoàn tất. 

Ngài đã cảm nhận bản thân mình đi vào cơ thể. Hơi thở bình thường trở lại và thân thể ngài ấm lên. Khi ngài mở mắt ra, mọi thứ dường như đã được chuyển hóa. Ngài đã nói rằng, cây cối vẫn xanh như thường, nhưng chúng đang tỏa sáng: Ngài vẫn bị mất nước rất nhiều, vì thế ngài đã đứng dậy và đi đến chỗ máy bơm nước. Sau đó ngài mới thật sự ngất đi. Khi tỉnh lại, ngài thấy mình đang ở trong bệnh viện với ống tiêm gắn vào cánh tay. (Làm thế nào ngài đến được bệnh viện lại là một câu chuyện hoàn toàn khác vô cùng hấp dẫn, được kể trong cuốn sách của Mingyur Rinpoche). 

Vì thế, đây chính là câu chuyện của một người đã thật sự đi qua quá trình tan hoại của những yếu tố và trải nghiệm những đám mây tan rã hiển lộ một bầu trời rộng mở vô hạn trong tâm. Tất nhiên, Mingyur Rinpoche đã quay trở lại, do vậy ngài đã không thể kể cho chúng ta những gì có lẽ đã xảy ra nếu như ngài ở lại. Nhưng như chính câu chuyện này đã minh họa năng lực và tầm quan trọng của sự thực hành mở rộng tâm thức liên tục, để tâm thức của chúng ta luôn được làm quen với trạng thái ở giữa mãi mãi trong cuộc đời. 

Từ đêm mà ngài rời khỏi tu viện, qua từng trải nghiệm ngài đã đi trong bốn năm sau đó, ngài đã cố gắng sống trọn vẹn trong dòng chảy vô định của sinh và tử. Trải nghiệm cận tử của ngài chỉ là một phần của dòng chảy đó, và ngay khi ngài vừa đủ khỏe (vào thời điểm ngay trước khi bác sĩ nghĩ rằng ngài đã đủ khỏe), ngài lại quay trở lại phiêu lưu trong thế giới hoàn toàn vô định, không có bất kỳ sự bảo vệ nào ngoài tâm thức rộng lớn như bầu trời của mình. Đối với tôi, không có gì ngoài sự thực hành giáo pháp tạo cảm hứng nhiều hơn việc chứng kiến cách mà sự thực hành mang lại kết quả là một tinh thần không sợ hãi như vậy. 

💦🍁✨

Chú thích

(1) Cuốn sách có tựa gốc là In Love with the World: A Monk’s Journey through the Bardos of Living and Dying đã được Thaihabooks và NXB Hà Nội ấn hành. (BT)