CHẤP NHẬN SỰ THAY ĐỔI

VALERIE MASON - JOHN

Trích: Giải Thoát Thân Tâm- Detox Your Heart; Người dịch: Nguyên Tư Thắng; Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Khi chúng ta bắt đầu cân nhắc nỗi sợ hãi của mình, chúng ta thấy chúng đều được kết nối với sự mất mát hoặc sự thay đổi mà nhìn chung đều như nhau. Nếu chúng ta chấp nhận sự vô thường trong cuộc sống, tâm trí chúng ta sẽ thoát khỏi nỗi sợ hãi, Nếu chúng ta có thể chấp nhận rằng mọi việc đều sẽ thay đổi, rằng sẽ không phải lúc nào chúng ta cũng khỏe mạnh, rằng không phải bạn bè và người thân sẽ sống đến khi mình tới tuổi 60, chúng ta sẽ bắt đầu giải phóng mình khỏi gọng kìm độc hại của nỗi sợ hãi. Khi gọng kìm này lơi đi, chúng ta trở nên tự do, thoát khỏi những phán xét, chỉ trích, đổ lỗi, và sự tức giận. Tâm không sợ hãi là tâm tràn đầy sự thương cảm.

Đầu những năm ở lứa tuổi 30, tôi làm việc siêng năng để từ bỏ chứng ăn uống vô độ. Đầu tôi tràn ngập những ý nghĩ như: “Nếu mình từ bỏ chứng ăn uống vô độ này thì mình sẽ trở thành người như thế nào?”. Nó là một phần của vấn đề trong nửa cuộc đời tôi. Tôi sợ hãi đến độ không thể từ bỏ và thay đổi, tôi tiếp tục đổ lỗi cho mình bằng cách ăn vào rồi nôn ra. Tôi tự thuyết phục rằng mình chỉ có thể sống trong tình trạng vô trật tự và hỗn độn này. Nếu chứng rối loạn còn tiếp tục, sẽ không còn thêm những bi kịch trong đời mình nữa. Mình sẽ là ai? Ôm giữ nỗi sợ, tôi ôm giữ chứng bệnh này. Chứng rối loạn này là nỗi giận dữ với thế giới và về sự tự ghét bỏ mình. Tôi không sẵn sàng thay đổi; tôi không muốn thay đổi. Sự tức giận và tự ghét bỏ mình là nỗi sợ lan truyền khắp tâm trí mình. Nó là năng lượng độc hại giúp nỗi tức giận và sự ghét bỏ của mình tồn tại. Không thể thay đổi, sẽ không thay đổi sao? Thực tế là chúng ta luôn luôn thay đổi.

Khi sự thay đổi xảy ra, chúng ta có thể làm điều tương tự: Cố tìm điều tích cực trong khó khăn, và nhớ bảo trọng vì chúng ta dễ bị tổn thương khi sự thay đổi diễn ra. Bảo vệ bản thân có nghĩa là sống chậm lại, tự cho phép mình ngủ thêm một giấc, cho phép có thời gian để trải nghiệm những cảm giác của mình.

Cách nay mấy năm, tôi bị sốc bởi vẻ đẹp của những đóa hoa héo mà người ta vất đi. Tôi quyết định lần sau khi mua hoa, tôi sẽ quan sát quá trình này. Tôi choáng ngợp bởi lòng trắc ẩn khi tôi quan sát một số đóa hoa héo úa, một số héo nhanh hơn một số khác, rồi tôi nhận ra những đóa hoa này đang dạy tôi qui luật phổ quát của tính nhất thời. Thượng tọa Sangharakshita có viết: “Cơ thể chúng ta tương tự như những đóa hoa; một ngày kia chúng sẽ héo tàn”.

Thực hành: Suy ngẫm những đóa hoa

– Mua vài bông hoa và cắm chúng vào bình. Đặt nó ở nơi để bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày. Làm bất kỳ điều gì bạn muốn để giữ chúng tươi. Ý thức về vẻ đẹp của chúng khi biết rằng chúng đang từ từ chết. Chú ý tới chúng mỗi ngày màu sắc, hình dạng, hương thơm – và quan sát chúng thay đổi, úa héo và tàn ra sao. Hãy quan sát một số đoá còn tươi trong khi những đóa khác thì héo dần. Dù sau bạn đã cho rằng chúng đã tàn, bạn hãy cứ để chúng trong bình thêm mấy tuần nữa, hoặc càng lâu nếu bạn có thể chịu đựng được, và quan sát chúng phân rã.

– Xem những đóa hoa này như là một ẩn dụ về mình và các người bạn. Hãy nghĩ về các bạn cùng lứa tuổi. Hãy ý thức xem liệu một số người có tóc bạc trong khi một số khác thì chưa, liệu họ trông già hoặc trẻ hơn so với mình, và một số người có thể đã chết rồi.

– Hãy tái kết nối với hơi thở của mình một lần nữa, hãy ngắm nhìn những bông hoa đó, và suy ngẫm về cuộc đời chúng. Chúng mau già héo hơn chúng ta, nhưng nếu bạn có thể suy ngẫm về những đóa hoa này mỗi ngày, và ý thức về chúng trong từng khoảnh khắc, chúng sẽ dạy bạn điều không thể tránh khỏi và nét đẹp cuộc sống, sự héo úa, và tàn lụi. Thông qua bài thực hành này, chúng ta có thể bắt đầu khám phá ra rằng chúng ta có sự chọn lựa giữa đặt nỗi sợ hãi của mình đối mặt với tình yêu thương và lòng trắc ẩn, hoặc đối mặt với sự đổ lỗi, tức giận, và ghét bỏ. Tôi làm điều này mỗi khi tôi mua hoa.

Nếu chúng ta có thể duy trì ý thức, và sự căng thẳng, rằng mọi thứ luôn có lúc thăng có lúc trầm, chúng ta sẽ sống khác đi. Sẽ ra sao nếu chúng ta sống mỗi ngày như thể nó là ngày cuối cùng của mình? Để đối mặt với những gì mình không biết trong khi nhận thức rằng mỗi ngày đều là một ngày đáng quí? Thổ dân Mỹ có một câu ngạn ngữ: “Hôm là ngày tốt đẹp để chết”. Đây là một quan nay niệm rất xác đáng, vì nhiều người trong chúng ta thường hối tiếc. Có lẽ nó sẽ còn xác đáng hơn nếu nói mỗi ngày là một ngày tốt đẹp để sống, vì nếu vậy, chúng ta phải thay đổi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHẤP NHẬN VÀ BUÔNG BỎ
  2. KHẢ NĂNG CHẤP NHẬN – MỘT PHƯƠNG PHÁP THIỀN
  3. CHẤP NHẬN LÀ KHÔN NGOAN

Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU KẺ THÙ
  2. LÒNG TRẮC ẨN LÀ THUỐC GIẢI
  3. SỰ TỬ TẾ DÀNH CHO NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN