CHÍNH XÁC THÌ NGHE MÀ KHÔNG PHÁN XÉT NGHĨA LÀ SAO?

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn về cách sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư; Việt dịch:Thiên Nga; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018

Từ trái sang: Matthieu Ricard, Alexandre Jollien, Christophe Andre – đồng tác giả của sách Bàn Về Cách Sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư

MATTHIEU: Điều cơ bản là không đánh giá người khác như một cá nhân. Điều đó không ngăn chúng ta đánh giá cái họ nói hay làm theo góc độ gây ra hạnh phúc hay đau khổ, cũng như hiểu những lý do dẫn họ đến chỗ làm sai với mình và người khác, nếu có.

Ta có thể đánh gia người khác theo hai cách: tuyệt đối hay tương đối. Đánh giá theo cách tuyệt đối là chẳng hạn phán xét ai đó về nền tảng là xấu xa, rằng họ không có chút thấu cảm nào, rằng họ sẽ không bao giờ ngừng kêu ca vì đó là cách sống của họ và không có lý do gì để điều đó thay đổi. Kiểu đánh giá này cho rằng các nét tính cách khắc vĩnh viễn trong đá và đã bị phản chứng bởi kinh nghiệm thiền cùng các phát hiện hai mươi năm qua trong lĩnh vực khả biến thần kinh (não chúng ta biến đổi khi ta đứng trước những hoàn cảnh mới hay khi ta theo một quá trình rèn luyện thể chất hoặc tinh thần) và di truyền học biểu sinh (ngay cả gien của ta cũng có thể biến đổi). Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng có thể thay đổi cách ta điều khiển suy nghĩ, cảm xúc, tâm tính của mình và cuối cùng, cả nét tính cách.

 Đánh giá tương đối chỉ áp dụng vào hoán cảnh thực tế, tạm thời của người ta đánh giá. Dẫu ai đó bộc lộ những nét tính cách và thái độ khó ưa, ta cũng tính đến vai trò của sự phát triển cá nhân và môi trường của họ. Ta không đánh giá một người trong tự tính của họ, mà trong trạng thái tinh thần của họ lúc đó và các yếu tố đè nặng lên hành vi của  họ. Nếu có người dùng gậy đánh ta, ta không nổi giận với cây gậy, ta biết rằng đằng sau cây gậy có một cá nhân. Ta hãy theo đuổi lập luận: người này bị nỗi căm giận sai sử, còn nó thì bắt nguồn từ vô minh. Ta không lẩn tránh vấn đề cách xử sự của người đó đặt ra, mà ta để cửa mở cho lòng từ bi đối với người là nạn nhân của hận thù và vô minh.

CHRISTOPHE: Tôi thấy như có những tình huống mà thời gian đánh giá, thời gian chẩn đoán và thời gian khuyên nhủ nên tách với thời gian lắng nghe. Tôi thấy rằng, đứng trước những bệnh nhân mà tôi không nhất thiết đồng tình với tư cách con người, việc lắng nghe họ, cố hết sức tránh xa phán xét, có một tác động rất quan trọng đối với họ. Nếu tôi phán xét trong khi lắng nghe, dù theo cách nhẹ nhàng, họ cũng sẽ cảm nhận được. Và thường thì, tôi nhận thấy rằng một chuyện đơn giản như được hiền từ lắng nghe cũng sẽ giúp mọi người nhìn ra sự vô lý trong một số lập trường của họ. Khi người đó nói xong, tôi yêu cầu họ nói cụ thể hơn: “Vậy thì nếu tôi hiểu đúng, có phải anh nói tôi rằng anh cư xử như thế không?” Và tôi có cảm giác như khi tôi biết hoãn lại tất cả những đánh giá, không những tôi nghe tốt hơn mà công việc chuyển hóa cũng đã bắt đầu. Đến một lúc, tất nhiên là tôi cần phải sắp xếp lại những ý nghỉ của mình, hơn nữa, thỉnh thoảng tôi còn cho phép mình thong thả – điều trước đây tôi không làm. Chẳng hạn tôi nói với bệnh nhân: “Giờ cho tôi vài phút, trước khi trả lời anh, để suy ngẫm cái anh vừa nói.”

MATTHIEU: Tôi hiểu quan điểm của anh, nhưng cái tôi vừa ám chỉ thì gần hơn với chẩn đoán mà một bác sĩ nhân từ lập ra bằng cách để tâm đến mọi triệu chứng và đánh giá cái khổ tiềm tàng có thể có, không phán xét đạo đức. Lòng từ bi nằm bên dưới thái độ này chỉ có một mục đích duy nhất là chấm dứt mọi hình thức khổ. Tuy vậy, chắc chắn một bệnh nhân sẽ thấy được an ủi vô cùng khi nghĩ thầm: “Vậy là cũng có người lắng nghe mình và thật tâm cố hiểu mình.”

CHRISTOPHE: Phải, tôi nhận thấy là bệnh nhân hiểu rất rõ điều này. Nhưng trước kia, tôi không dám, vì tôi thấy với tư cách nhà chuyên môn, mình phải có sẵn những câu trả lời. Tôi thấy mình làm tốt hơn khi tôi có thể tách lắng nghe với phân tích, dẫu là điều đó giả tạo, dẫu có lẽ đánh giá vẫn luôn ngầm có ở đó. Hơn nữa, đây là cái chúng tôi nói với bệnh nhân tập chánh niệm: anh không thể ngăn mình đánh giá, nhưng hãy ý thức sự hiện diện của đánh giá. Và bằng hết sức mình, anh hãy liên tục mở sự chú tâm về sự hiện diện của mình, về lắng nghe, và hơi thở. Đánh giá vẫn có đó, những ý nghĩ ở đó, nhưng đừng co cụm trong mỗi đánh giá này, những ý nghĩ này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA LẮNG NGHE THẬT SỰ

Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  2. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC
  3. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN

Bài viết mới

  1. BỚT SỢ HÃI
  2. KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
  3. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH