CHÚNG TA CÓ THỂ TỰ HIỂU MÌNH?

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Đánh Thức Trí Thông Minh; NXB Thiện Tri Thức.

Vấn đề tự-hiểu biết là vấn đề nhìn. Nhìn không có mảnh, không có cái “tôi”. Phân tích, những giấc mộng và giấc ngủ. Vấn đề của “người quan sát” và của thời gian. “Khi bạn nhìn vào chính bạn mà không có đôi mắt của thời gian, ai ở đó để nhìn ?”

Hầu hết chúng ta sống một đời sống bề ngoài và nông cạn, và bằng lòng tiếp tục một đời sống như vậy, chạm mặt tất cả những vấn đề của chúng ta một cách cạn cợt và do đó làm chúng trầm trọng thêm, bởi vì những vấn đề của chúng ta thì cực kỳ phức tạp, rất vi tế và cần thâm nhập và thấu hiểu sâu xa. Hầu hết chúng ta thích xử sự với những vấn đề của chúng ta ở một cấp độ bề ngoài theo truyền thống cũ, hay chúng ta cố gắng tự phù hợp với một khuynh hướng mới, thế nên chúng ta không bao giờ giải quyết toàn bộ và trọn vẹn vấn đề nào, như chiến tranh, xung đột, bạo lực và vân vân. Chúng ta cũng có khuynh hướng chỉ nhận trên bề mặt không biết thâm nhập vào trong chính chúng ta; hoặc chúng ta quan sát mình với một chán ghét nào đó một kết luận có trước nào đó, hay chúng ta như với hy vọng thay đổi cái chúng ta thấy.

Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cần hiểu chính mình một cách toàn triệt, trọn vẹn, bởi vì như chúng ta đã nói hôm trước, chúng ta là thế giới và thế giới là chúng ta. Đây là một sự kiện tuyệt đối ; không phải chỉ là một phát biểu ngôn từ hay một lý thuyết, mà là cái gì người ta cảm nhận một cách sâu xa, với tất cả sự đau đớn của nó, sự khổ đau, tàn nhẫn, sự phân mảnh, sự phân chia quốc tịch và tôn giáo. Và người ta không bao giờ có thể giải quyết vấn đề nào nếu không thực sự thấu hiểu chính mình, bởi vì thế giới là chính mình ; và nếu tôi hiểu chính mình thì có một cuộc sống ở một chiều kích hoàn toàn khác. Mỗi chúng ta có thể hiểu chính mình, không phải chỉ cấp độ bề mặt của tâm thức chúng ta, mà còn đi sâu vào những cấp độ sâu của hiện thể chúng ta không ? Đó là điều chúng ta sắp nói chuyện với nhau sáng nay ; khi chúng ta nói chúng ta sắp nói chuyện ấy với nhau, đó không có nghĩa là tôi nói và các bạn nghe – chúng ta đang cùng nhau chia xẻ điều đó.

Người ta nhìn chính mình như thế nào ? Liệu có thể nhìn chính mình trọn vẹn mà không có sự phân chia của ý thức và những tầng lớp sâu hơn của thức, những tầng lớp mà có lẽ chúng ta không biết trọn vẹn ? Có thể nào quan sát, thấy toàn bộ chuyển động của cái “tôi”, cái tự ngã, “cái tôi là”, với một tâm thức không phân tích, để cho trong chính bản thân sự quan sát bèn tức thời có một thấu hiểu toàn bộ ? Đó là điều chúng ta sắp nghiên cứu ; nó là một vấn đề rất quan trọng ; khám phá xem người ta có thể vượt lên chính và tìm thấy thực tại, gặp gỡ cái gì tâm thức không thể đo lường, sống không có bất kỳ ảo tưởng nào. Điều này là mục tiêu chính của mọi tôn giáo trên khắp thế giới ; và trong tiến trình tìm kiếm sự vượt khỏi chính mình, chúng đã bị mắc vào nhiều huyền thoại, huyền thoại Thiên Chúa giáo, huyền thoại Ấn giáo, toàn bộ văn hóa huyền thoại không cần thiết và hoàn toàn không thích hợp.

Bây giờ có thể nhìn chúng ta một cách không phân tích và do đó quan sát mà không có “tôi” quan sát ? Tôi muốn hiểu chính mình và tôi biết cái “tôi” thì rất phức tạp ; nó là một vật sống, không phải là cái gì chết ; nó là một vật sinh động, nó không chỉ là một tích tập những trí nhớ, những kinh nghiệm và kiến thức. Nó là một vật sống động như xã hội là một vật sống động, bởi vì chúng ta đã tạo ra nó. Bây giờ, có thể nhìn mà không có người quan sát đang nhìn vào sự vật được gọi là cái được quan sát không ? Nếu có người quan sát đang nhìn, bấy giờ chúng ta phải nhìn qua sự phân mảnh, qua phân chia và nơi nào có sự phân chia, cả trong tôi lẫn bên ngoài, nơi đó phải có xung đột. Bên ngoài, những xung đột quốc gia, những xung đột tôn giáo, những xung đột kinh tế, và bên trong có trường bao la này, không chỉ mặt bề ngoài mà một vùng rộng rãi mà chúng ta hầu như không biết gì cả. Thế nên, trong khi nhìn mà có sự phân chia cái “tôi” và cái “không phải tôi”, người quan sát và cái được quan sát, người tư tưởng và tư tưởng, người trải nghiệm và kinh nghiệm, bấy giờ phải có xung đột.

Người ta hỏi liệu có thể – tôi không nói có, hay không có ; chúng ta đang tìm ra cho chúng ta – quan sát chính mình mà không có sự phân chia này. Và để tìm ra, chúng ta hy vọng đi đến trạng thái tri giác kia, nó không có phân chia, nhưng không qua phân tích – khi không có sự phân chia giữa người phân tích và vật được phân tích. Quan sát chính tôi, có sự kiện thực của sự phân chia này. Khi tôi quan sát chính tôi, tôi nói, “Cái này tốt, cái này xấu”, “Cái này đúng, cái này sai”, “Cái này có giá trị, cái này không có giá trị”, “Cái này hợp và cái kia không”. Thế nên, khi tôi quan sát chính tôi, người quan sát bị điều kiện hóa bởi văn hóa tôi đang sống ; thế nên người quan sát là trí nhớ ; người quan sát là thực thể bị điều kiện hóa – cái “tôi”. Tùy theo cái nền tảng bị điều kiện hóa ấy của cái “tôi”, tôi phán đoán, tôi đánh giá ; tôi quan sát chính mình theo văn hóa đó, và tùy theo sự bị điều kiện hóa của tôi, tôi hy vọng đem lại một thay đổi trong cái được quan sát. Đây là điều chúng ta đang làm trong mọi lúc : hy vọng thay đổi cái được quan sát bằng phân tích, bằng kiểm soát, bằng cải cách vân vân. Đó là một sự kiện. Bây giờ tôi có thể phân tích tâm thức trên bề mặt, hoạt động bề mặt hàng ngày của nó, nhưng làm thế nào tôi hiểu, nghiên cứu những tầng lớp sâu hơn, bởi vì tôi muốn hiểu chính mình một cách toàn bộ và trực tiếp ? Tôi không muốn để lại bất kỳ góc nào hay bất kỳ chỗ tối nào không được khảo sát ; tôi muốn phân tích mọi sự, để cho không có cái gì sót lại mà tâm thức chưa hiểu trọn vẹn. Nếu có một góc chưa được khảo sát bấy giờ góc ấy làm méo mó mọi tư tưởng, mọi hành động. Nhưng phân tích hàm ý trì hoãn hành động. Khi tôi phân tích chính mình, tôi không hành động ; tôi đợi cho đến khoa học phân tích xong, có lẽ bây giờ tôi mới hành động đúng ; thế nên phân tích là từ chối hành động. Hành động nghĩa là bây giờ, không phải ngày mai. Thấy tất cả điều này, làm sao tâm thức có thể hiểu những tầng lớp sâu kín của nó một cách trọn vẹn ? Tất cả điều này bao gồm trong hiểu chính mình.

Hiểu có thể đến qua những giấc mơ không ? Nghĩa là, có thể trong khi ngủ những giấc mơ phát lộ những tầng lớp sâu của vô thức, hay sự vật gì còn dấu kín ? Những chuyên gia nói rằng bạn phải mơ, và nếu không mơ, điều đó chỉ ra một loại loạn thần kinh nào đó. Họ cũng nói rằng những giấc mơ giúp bạn hiểu mọi hoạt động của phần tâm thức còn che dấu. Thế nên người ta phải tra hỏi những nghĩa những giấc mơ và chúng ta cần nằm mơ. Hay những giấc mơ chỉ là một hình thức tượng trưng của sự tiếp tục đời sống hàng ngày của chúng ta ?

Suốt ngày tâm thức chúng ta bận rộn với mọi thứ lăng nhăng của đời sống hàng ngày – công việc ở sở, việc nhà, những cãi cọ và những giận bực của tương quan, hình ảnh đánh nhau với hình ảnh, và vân vân. Bấy giờ, trước khi bạn đi ngủ, có một sự kiểm tra mọi sự đã xảy ra trong ngày. Điều này có xảy ra cho bạn trước khi bạn ngủ ? Bạn làm sống lại mọi cái : “Lẽ ra bạn đang làm điều này, bạn phải nói điều đó…” ; bạn đi hết chu kỳ trong ngày, mọi tư tưởng của bạn, mọi hoạt động của bạn, bạn tức giận ra sao, ghen tỵ thế nào…

Bây giờ, tại sao tâm thức làm điều này ? Tại sao nó kiểm điểm những sự cố trong ngày ? Có phải vì tâm thức muốn thiết lập trật tự ? Tâm thức kiểm điểm những hoạt động trong ngày bởi vì nó muốn đưa mọi thứ vào trật tự , nếu không thì khi bạn ngủ, trí óc tiếp tục làm việc và cố gắng lập trật tự trong bản thân nó, bởi vì bộ óc chỉ có thể vận hành bình thường, khỏe mạnh trong trật tự đầy đủ. Thế nên nếu không có trật tự trong ngày, bộ óc cố gắng thiết lập trật tự khi thân thể yên lặng, đang ngủ, và sự thiết lập trật tự ấy là phần của những giấc mơ. Các bạn có chấp nhận tất cả điều diễn giả đang nói ?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC LÀ TỰ THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH
  2. HÃY HIỂU CHÍNH MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  2. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI
  3. TÌNH YÊU LÀ TÍNH THIÊN LIÊNG

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN