CHÚNG TA MUỐN ĐIỀU GÌ

SHARON SALZBERG

Trích: AN NHIÊN GIỮA NHỮNG BỘN BỀ: sức mạnh của thiền nơi công sở/ SHARON SALZBERG; Thanh Hằng Việt dịch; NXB Thanh niên; 2020

 

? Khi chúng ta sống trong một nền văn hóa thiên về hành động, ta rất dễ quên mất một điều, đó là mọi thứ chúng ta nói và làm đều bắt nguồn từ suy nghĩ và ý định. Chánh niệm về thế giới nội tâm khi làm việc cho phép ta giao thiệp và kết nối một cách tinh tế hơn với mọi người thông qua lòng vị tha và sự rõ ràng trong mục đích.

? Nicholas, một giáo viên lớp bảy mới tại một trường học nội thành, đã khám phá ra tầm quan trọng của mục đích đúng đắn trong tuần đầu tiên đi làm. “Tôi lo rằng những đứa trẻ sẽ coi tôi như một ông thầy ẻo lả. Thật tình mà nói, tôi sợ chết đi được. Có 35 đứa trẻ chống lại một mình tôi, đó là điều tôi mường tượng. Đa số những đứa trẻ này đến từ những gia đình tan vỡ, thu nhập thấp và cần tôi dẫn dắt. Mặc dù tôi muốn chúng yêu mến mình, nhưng tôi tập trung hơn vào việc khiến chúng tôn trọng tôi. Khi một số đứa tỏ ra bướng bỉnh trong lớp, tôi đã nghiêm khắc trừng phạt chúng. Thay vì trầm xuống và hợp tác, hành vi xấu của chúng ngày một tệ hơn.

? Điều này diễn ra trong vài tuần kế tiếp. Mỗi khi có vấn đề xảy ra trong lớp, phản ứng của tôi là quát tháo và dùng lời lẽ ‘đao to búa lớn’ để có được sự tôn trọng của chúng, ít nhất đó là những gì tôi nghĩ. Nhưng điều đó hoàn toàn vô dụng. Tôi và học sinh luôn đối đầu nhau. Cuối cùng, tôi đã yêu cầu đứa hay phá bĩnh nhất lớp ở lại sau giờ học và nói chuyện. Tôi muốn hiểu điều gì đang xảy ra. Điều đầu tiên chúng muốn biết là tại sao tôi lúc nào cũng giận dữ như vậy. Ban đầu tôi gạt phăng điều đó, nhưng chúng đã đúng. Đúng là lúc nào tôi cũng tức giận. Điều đó đến từ nỗi sợ – mặc dù tôi không cần phải nói ra điều đó! Bọn trẻ đã ‘đọc’ được rằng sự kỉ luật của tôi đến từ sự bất an, và chúng làm những điều mà bọn trẻ luôn làm khi chúng phát hiện ra điều đó: Chúng nổi loạn.

? Mong muốn thực sự của tôi là trở thành một giáo viên tốt, nhưng nỗi sợ bị coi thường đã che lấp đi điều đó. Ngay khi nhận ra điều này, thái độ của tôi đã bắt đầu thay đổi. Tôi bắt đầu lắng nghe bọn trẻ nhiều hơn và phá bỏ bức tường phòng thủ của bản thân. Tôi nhận ra rằng nỗi sợ hãi đã độc chiếm hướng tiếp cận của tôi, và ngay khi tôi nhận ra điều đó, tôi có thể có chánh niệm hơn với xu hướng muốn kiểm soát bọn trẻ bằng quyền lực của người có thẩm quyền. Giờ đây tôi cố gắng kết nối với chúng, và mọi chuyện trở nên hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi bây giờ hòa thuận với nhau hơn nhiều, và những hành vi xấu hầu hết đã thuyên giảm. Tôi không cố gắng kiểm soát chúng nhiều như khi tôi cố gắng dạy chúng nữa. Đó là một ý định tích cực hơn rất nhiều”.

? Giao tiếp tinh tế là một nỗ lực nhiều tầng. Đôi khi cần phải lên tiếng, lúc khác thì nên lắng nghe. Nói và nghe là hai chức năng riêng biệt, có ảnh hưởng đến cuộc hội thoại theo cách khác nhau. Đây là một trường hợp điển hình, được ứng dụng bởi chương trình Communication Options (Những lựa chọn giao tiếp) trong chuyên đề huấn luyện giao tiếp của Mudita Nisker và Dan Clurman. Họ đã phát hiện ra rằng nhiều người trong chúng ta đang nhầm lẫn giữa nói và nghe mà không cân nhắc xem chức năng nào sẽ hiệu quả hơn trong một trường hợp cụ thể.

? Ví dụ, Bob, một kĩ sư phần mềm, gần đây đã được chấp thuận để phát triển một phần mềm mới cho khách hàng lớn nhất của công ty. Thôi thúc đầu tiên của Bob là thuyết phục người quản lý chất lượng của anh ấy, George, chạy thử chương trình mới của anh ngay lập tức, nhưng George đang bận rộn với nhiều dự án được đưa ra từ trước. Dù Bob đã gắng sức thuyết phục George về lợi ích và tiềm năng mang lại lợi nhuận của sản phẩm này, nhưng George vẫn thờ ơ trước lời đề nghị của anh. Khi cơn bực bội của Bob lắng xuống đủ lâu để anh chú ý đến những việc đang xảy ra, anh nhận ra rằng George sẽ không đón nhận mình cho đến khi anh chịu lắng nghe và tìm hiểu về những lo lắng của anh ấy.

Lắng nghe để thấu hiểu mà không khẳng định hay phủ nhận

? Hóa ra, George chần chừ tiến hành vì anh muốn biết nhiều hơn về thành tích của Bob và liệu rằng đội ngũ của anh ấy có tiền sử thành công hay không, bởi vì George có thể phải đem uy tín của anh ra đặt cược nếu ưu tiên dự án của Bob. Bob nhận thấy rằng mình phải đưa ra bằng chứng về những thành công trong quá khứ và lắng nghe George trọn vẹn hơn. Khi làm điều đó, anh nhận ra rằng mối lo lắng của George về uy tín của mình đã ảnh hưởng lớn đến quyết định của anh ấy như thế nào. Chỉ khi đó, Bob mới hành động để mang lại cho George một lời bảo đảm mà anh đang cần. Bằng việc học cách lắng nghe, Bob đã có thể giao tiếp với George hiệu quả hơn, và dự án của anh cuối cùng đã được bật đèn xanh.

? Để có thể cải thiện việc giao tiếp, chúng ta phải học hỏi để trở nên có chánh niệm về điều sẽ đem lại kết quả tốt nhất cho cả hai bên. Lắng nghe để thấu hiểu mà không khẳng định hay phủ nhận sẽ cho thấy bạn cởi mở đối với ý tưởng của người khác như thế nào, và họ có thể cởi mở với bạn đến đâu.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA LẮNG NGHE THẬT SỰ
  2. NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE
  3. TÂM TĨNH LẶNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐEM TÌNH THƯƠNG VÀO CUỘC ĐỜI
  3. LÀM SAO GIỮ TÂM QUÂN BÌNH VÀ TĨNH LẶNG

Bài viết mới

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI