DAISETZ TEITARO SUZUKI
Để diễn đạt giáo lý Hoa Nghiêm về 4 pháp giới, hòa thượng Pháp Tạng (643 – 721) có một tập tiểu luận soạn cho Hoàng hậu Đường Triều Võ Tắc Thiên. Đáp lời Hoàng hậu, Sư mượn pho tượng Con Sư Tử Vàng chưng bày ở nội điện để giải lý Hoa Nghiêm. Sách có mười chương ngắn, theo như thông lệ của các nhà văn, Hoa Nghiêm chuộng con số mười coi là tuyệt hảo. Vậy tốt hơn ta nên theo dõi Sư qua mười đoạn dẫn giảng sau đây:
I
Vàng không có tự tánh, (svabhava). Mượn tay thợ, vàng mang hình sắc sư tử. Cũng vậy, lí không có hình sắc riêng. Tùy cơ duyên, lí mang đủ hình sắc.
II
Như vậy, sư tử không thật. Sư tử đúc toàn vàng ròng. Sư tử không thật, nhưng vàng thì không thể không thật được. Cũng vậy, lí (hoặc không) không phải là một vật riêng do trí phân biệt tạo ra, nhưng tự nó có thể ứng hiện bằng đủ hình sắc trong thế giới của tên gọi và hiện tượng (hình danh sắc tướng).
III
(Trong tinh thần cổ truyền của duy thức học) sư Pháp Tạng lưu ý:
Thừa nhận sư tử có giả là y tha khởi,
Thừa nhận vàng vốn bất biến là viên thành thực.
Vàng dung nhập trong toàn thể sư tử thì đâu là sư tử có thực thể riêng? Nên ta nói sư tử không có hình tướng riêng.
Có sư tử vì có vàng. Không vàng thì không có gì hết. Sư tử có còn có mất, còn vàng thì bất biến. Nên nói vàng vô sanh.
1. Nghĩ rằng sư tử sở dĩ có là nhân hội đủ những điều kiện, nhân duyên nào đó, chịu luật vô thường chi phối nên biến đổi luôn hình tướng, tức không có thực chất vậy — đó là kiến giải của hàng Thanh Văn.
2. Nghĩ rằng muôn vật đều khởi hiện tùy thuộc vào nhân duyên, tức không có cái gọi là tự tánh, vậy đều hoàn toàn “Không” — đó là kiến giải của hàng Đại thừa cấp sơ địa.
3. Nghĩ rằng muôn vật tuy là không mà vẫn không trệ ở không, vẫn hiện hữu như thường, do đó vẫn đồng thời có sư tử giả hợp mà vẫn có vàng tùy hình ứng vật — đó là kiến giải của hàng Đại Thừa cấp siêu địa.
4. Vượt qua cái thế hỗ tương liên thuộc giữa vàng và sư tử thì trí tưởng tượng (tức trí thức suy luận) mất chỗ đứng, tan tát trầm vong. Có và không dứt bặt cả hai thì lời nói hết chỗ dùng, và tâm trở về trạng thái an nghỉ tuyệt đối. Đó là kiến giải của hàng Đại Thừa Đốn Giáo.
5. Khi trí tưởng tượng điên đảo (tức trí suy luận) mất đất đứng thì toàn thể thực tại phơi bày ra, toàn thể thế giới sai thù hiện toàn thân với tất cả then máy chằng chịt trong một trật tự dường như không mạch lạc. Tuy nhiên, cho dầu các khối thể, các nguồn năng lực có tác động và phản động nhau xô bồ đi nữa, chúng vẫn là vàng ròng như nhau cả; và giữa muôn vật giao động nhau trùng trùng điệp điệp vẫn có một hệ thống điều hành. Muôn vật dung thông dung nhiếp vào nhau (viên dung) mà vật nào vẫn là vật ấy, giữ nguyên cá thể (vô ngại). Tất cả là một, muôn vật đều không sắc tướng như nhau. Một là tất cả, luật nhân quả chi phối hiển nhiên. Những nguồn năng lực tác động vào nhau, dung nhập trong nhau, khi ẩn lúc hiển, trùng trùng điệp điệp. Đó là kiến giải của hàng Tối Thượng Nhất Thừa.
VII
Và sau đây là mười cửa huyền diệu — thập huyền diệu lí — mở trên thế tương quan giữa vàng và sư tử.
THẬP HUYỀN DIỆU LÍ
1. Đồng thời cụ túc tương ứng môn. — Vàng và sư tử đều đồng thời tồn tại, cái nào cũng tự đủ với chính nó, tự hoàn thiện trong chính nó.
2. Nhất đa tương dung bất đồng môn. — Vàng và sư tử dầu khác thể vẫn viên dung nhau, vì một tức tất cả, tất cả tức một. Tuy nhiêu ta cần nhớ “viên dung” mà vẫn “vô ngại” nhau vì vàng vẫn là vàng, sư tử vẫn là sư tử.
3. Bí mật ẩn hiển câu thành môn.— Khi ta thấy sư tử thì chỉ thấy sư tử, không thấy vàng. Sư tử hiển, vàng ẩn.
Khi ta thấy vàng thì chỉ thấy vàng, không thấy sư tử. Vàng hiển, sư tử ẩn.
Khi ta đứng ở một góc khác mà quan sát thì có khi hiển cả hai, có khi ẩn cả hai.
4. Nhân Đà La võng cảnh giới môn (Sự tương quan giữa cái một và cái nhiều có thể ví như mành lưới ngọc của vua trời Đế Thích). Trên toàn thân sư tử, mỗi chân lông chứa một con sư tử vàng đủ bộ phận, gan, ruột.v.v. Mỗi sư tử vàng ở mỗi chân lông lại đồng thời đốn nhập trên đầu mỗi sợi lông mà vẫn tự do vô ngại giữ nguyên cá thể; ấy thế là trên mỗi sợi lông trên mình sư tử chứa vô lượng vô biên sư tử. Hơn nữa, mỗi nhóm “vô lượng vô biên” sư tử ấy, trên mỗi sợi lông ấy, lại hỗ tương dung nhập dung nhiếp vào mỗi sợi lông khác, ấy thế là trên mình sư tử chiếu khắp, bao la, và “trùng trùng duyên khởi”, hằng sa hệ thống hình ảnh sư tử. Đó là lưới ngọc của vua trời Đế Thích.
5. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn.— Khi mắt nhiếp trọn con sư tử thì mắt tức là toàn thể con sư tử, ngoài ra không có gì khác.
Khi tai nhiếp trọn con sư tử thì tai tức là toàn thể con sư tử, ngoài ra không có gì khác.
Khi cùng một lúc tất cả giác quan nhiếp trọn con sư tử thì mỗi giác quan nhìếp riêng mà đồng thời vẫn không gây trở ngại cho sự nhiếp chung toàn thề con sư tử.
6. Vi tế tương dung an lập môn.一 Khi mỗi chân lông ở một giác quan của sư tử nhiếp trọn con sư tử thì bất cứ giác quan nào cũng dung thông hoàn toàn với bất cứ giác quan nào, nên mắt tức là tai, tai tức là mũi, v.v. không gây vướng mắc, trở ngại cho nhau.
7. Chư pháp tương tức tự tại môn.— Giữa hai bên là vàng và sư tử có đủ thứ tương quan: ẩn-hiển, một-nhiều, khách- chủ, lí-sự. Những tương quan chằng chịt ấy không phá hủy nhau, nhưng tương dung tương tức đối với nhau mà đồng thời vẫn dị biệt nhau, cái nào giữ nguyên vị trí nấy.
8. Thập thế cách pháp dị thành môn.— Sư tử là một vật nên mỗi chốc lát thay hình đổi dạng không ngừng. Mỗi chốc lát có thể chia ra ba thì: quá khứ, vị lai và hiện tại. Mỗi thì của chốc lát lại chia ra ba thì khác, cứ thế chia mãi đến vô cực. Toàn thể các thì đều bao hàm trong ý niệm về thời gian, nên đều có thể đổi lẫn cho nhau. Vậy thời gian phải đâu là cái gì vô tận giữa quá khứ và vị lai, mà chỉ là cái chốc lát hiện giờ.
9. Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn.— Vàng đối lập với sư tử nên cái nầy hiển cái kia ẩn; cái nhiều lấn đến thì cái một thụt lui; vì vàng cũng như sư tử đều không có tự tánh riêng biệt cho chúng; cả hai chỉ xoay chuyển xung quanh điểm trục của tâm. Do tâm mới có lí và sự, mới có muôn vật sanh ra, tồn tại rồi tiêu diệt.
10. Thác sự hiển pháp sanh giải môn. — Sư tử động: đó là vô minh chuyển. Vàng vẫn là vàng: đó là thể tánh làu làu. Còn sự tương ứng tương tương dung giữa lí và sự, ta có thể tham cứu thuyết A lại da.
VIII
Sáu tướng Hoa Nghiêm, xếp thành ba cặp đối chiếu sau đây, biểu thị con sư tử:
Khi ta nói đến toàn thể con sư tử, đó là tướng tổng, khi nhắm vào năm giác quan, đó là tướng biệt;
Khi toàn thể con sư tử cùng các bộ phận hỗ tương liên hệ vào nhau để hiện hữu, đó là tướng đồng, khi mỗi bộ phận hoạt động rời nhau như không biết đến nhau, đó là tướng dị;
Khi tất cả bộ phận đều tùy duyên kết hợp với nhau để làm thành con sư tử, đó là tướng thành, khi mỗi bộ phận lìa nhau để trở về chỗ ban đầu, đó là tướng hoại.
IX
Những luận cứ trình bày nảy giờ nhằm mở đường đến Giác Ngộ, chứng Bồ Đề. Bồ Đề chỉ chứng được khi đối diện với sư tử, ta ngộ lẽ muôn vật đều là Không, nghĩa là đều ở trong trạng thái như, nghĩa là nó như vậy tại vì nó như vậy. Con đường Giác Ngộ chỉ mở thông khi ta nhận thức rằng từ vô lượng kiếp nào không thỉ không chung, muôn vật đều tự do tự tại ngoài tất cả mê lầm, biện luận và mâu thuẫn.
X
Vào Niết Bàn có nghĩa là vàng và sư tử đều vượt lên cả hai, mọi nguyên nhân kích động trí óc đều chiếu phá, và tâm lắng yên như biển cả. Đó là lúc mọi dục vọng lung lạc ta đều ngưng đọng, mọi lầm lẫn tri thức đều mở thông, như vậy không còn đâu có cảm giác bị một kẻ thù vô hình đe dọa. Đó là lúc mọi niềm tán loạn đều quét sạch, mọi chướng ngại gạt qua bên, và nguồn đau khổ cạn từ đầu mạch. Tâm chứng trạng thái yên vui và tự tại đó gọi là vào Niết Bàn.Đại khái, nội dung giáo lý Hoa Nghiêm cốt ở nhỡn quang phóng vào thế giới qua bốn từng như sau:
1 – Một thế giới của sự: sự pháp giới.
2 – Một thế giới của lý: lý pháp giới.
3 – Một thế giới của sự và lý hoàn toàn dung thông nhau không ngăn ngại: lý sự vô ngại pháp giới.
4 – Một thế giới của sự và sự hoàn toàn dung thông nhau không ngăn ngại: sự sự vô ngại pháp giới.
Trích: Hiền Thủ Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương _ “Cốt Tủy Đạo Phật”
Dịch giả: Trúc Thiên