ĐẠI BI TÂM NGUYỆN CỦA PHỔ HIỀN NHƯ LAI

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: “Bình giảng của HE. Garchen Rinpoche về Đại Bi Tâm Nguyện của Phổ Hiền Như Lai” tại Pháp hội tại Vancouver, Canada, ngày 17-18 tháng 7 năm 2015.
Ina Dhargye dịch đuổi từ tiếng Tạng sang tiếng Anh tại Pháp hội. Trung tâm Thiền Ratnashri, Thụy Điển viết lại bản dịch tiếng Anh.
Hoàng Lan dịch từ bản viết tiếng Anh sang tiếng Việt 2021.
Ảnh: nguồn internet
Qua lời nguyện của Phật Phổ Hiền, nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật, trọn vẹn hoàn thiện trong Pháp Giới.
Nói cách khác, cầu mong tất cả chúng sanh thành tựu giác ngộ. Phật Phổ Hiền (Đức Phật Bổn Nguyên Samantabhadra) là ai? Thực ra đó là bản tánh của tâm bạn, Phật tánh của bạn. Nó còn được gọi là “Bậc Thiện Thệ” (Sugata – Bậc đã đi đến nơi an lạc). Điều này có nghĩa là bản tánh của tâm bạn vốn dĩ là phúc lạc. Đức Phật đã nói: “Tất cả chúng sanh đều là Phật bởi vì họ có tâm. Tâm là Phật.” Vì vậy, khi mọi người nói, “Tôi là một Phật tử hay tôi không phải là một Phật tử.” Tất cả chỉ là những khái niệm tạm thời của tâm. Thực ra vì họ có tâm, bản tánh của tâm là Phật. Bản tánh của tâm tự nguyên thủy đã luôn luôn là Phật. Do đó, có nói “Phật tánh thấm khắp mọi chúng sanh bởi vì tất cả chúng sanh đều sở hữu nguyên nhân của giác ngộ.” Tất cả họ đều có thể thành tựu trạng thái giác ngộ nếu họ thấu hiểu được nghiệp mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Nếu bạn không hiểu sự vận hành của nghiệp và bạn vô minh, thì bạn đang chuyển hạnh phúc thành đau khổ. Bạn đang biến bạn bè thành kẻ thù. Tài sản và sự giàu có của chúng ta có thể trở thành nguyên nhân của những nỗi khốn khổ. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy đau khổ. Đây là một con đường và con đường kia là thấu hiểu về nghiệp, thay đổi cách suy nghĩ và tìm thấy hạnh phúc trong đau khổ. Phật Phổ Hiền là tâm của chính bạn và để thấy biết tâm đó, chúng ta cần tỉnh giác, có nghĩa là chúng ta cần hiểu sự vận hành của nghiệp. Nguyện cho tất cả thành tựu giác ngộ, có nghĩa là tất cả đều thoát khỏi đau khổ, nguyện cho tất cả làm tiêu tan đau khổ của mình thông qua việc thấu hiểu sự vận hành của nghiệp.
Về Pháp Giới (Dharmadhatu), cũng có các phương diện bên ngoài, bên trong và bí mật. Trụ xứ bên ngoài của Pháp giới là vô số Tịnh độ bao la trong các hiện tướng Báo thân, ví dụ như Tịnh độ Tây Phương Dewachen. Trụ xứ bên trong của Pháp giới là để đến được các Tịnh độ, chúng ta phải buông bỏ việc nắm giữ và trưởng dưỡng tâm đại bi. Trong Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo có nói: “Sáu Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ) là thuốc giải cho sáu phiền não. Nếu bạn trưởng dưỡng thật nhiều tâm đại bi ngay cả trong cuộc sống này, bạn sẽ có thể ở trong tâm trạng vô cùng bình đẳng, không có thành kiến giữa kẻ thù và bạn bè, và sống đời hạnh phúc. Bạn liên tục kinh nghiệm hạnh phúc tạm thời ở các cõi cao hơn. Cuối cùng, bạn sẽ thành tựu trạng thái Giác ngộ. Trụ xứ bên trong của Pháp giới là liên tục ở trong tâm trạng yêu thương và đại bi. Trụ xứ bí mật của Pháp giới là Phật tánh, chân lý tối thượng của sự hợp nhất giữa tánh Không và tâm đại bi, tạo nên vô số Tịnh độ và các hóa thân Phật. Thứ tự đi qua ba phương diện là bắt đầu với phương diện bên trong, bằng cách, đầu tiên là trưởng dưỡng tình yêu thương và tâm đại bi liên tục không suy giảm, giống như làm tan băng. Sau đó, khi băng tan chảy, nó trở thành một với nước biển rộng lớn, sau đó, bạn đạt được trụ xứ bí mật của Pháp giới, cái tạo ra các hiện tướng bên ngoài của Pháp giới, các cung điện, các Tịnh độ và các hoá hiện của Phật. Nguyện cho tất cả chúng sanh thành tựu những phương diện này của trụ xứ của Pháp giới.
Một số người có thể nghi ngờ về trụ xứ của Pháp giới. Họ tự hỏi những Tịnh độ đó ở đâu và liệu chúng có hiện hữu hay không. Một số người nói rằng chúng không thực sự hiện hữu bởi vì chúng chỉ là tâm. Đúng là chúng sanh khởi từ tâm. Như thế nào? Chúng sanh khởi từ tâm bằng cách hiện thực hóa hai cấp độ của Bồ đề tâm – tương đối và tuyệt đối. Ví dụ như, nếu bạn đang ở trong Tịnh Độ Tây Phương Dewachen, tất cả các hiện tướng bên ngoài đều sanh khởi từ Bồ đề tâm. Trên thực tế, tất cả các Tịnh độ đều là của Báo thân và mỗi Tịnh độ đều được phú bẩm Năm Sự Xác quyết của Báo thân. Đầu tiên, sự xác quyết về địa điểm – địa điểm là Tịnh độ Akanishta (Cung điện Pháp thân Akanishta). Pháp giới là Akanishta. Thứ hai, sự xác quyết về thời gian – tiếp diễn liên tục, vĩnh viễn. Thứ ba, sự xác quyết về vị thầy – Vajradhara. Thứ tư, sự xác quyết về Phật pháp – giáo lý Đại thừa. Thứ năm, sự xác quyết về quyến thuộc, đạo hữu – những vị bồ tát ở các quả vị cao. Đây là năm điều xác quyết của tất cả các Tịnh độ Báo thân đó. Như vậy, nếu chúng ta đặt nguyện vọng đến đó, chúng ta chắc chắn có thể đến đó. Nó thực sự chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta có đặt nguyện vọng của mình hay không. Mặc dù tôi không thực sự có những phẩm tính tốt, tôi có thể giải đáp những nghi ngờ của bạn và đảm bảo với bạn rằng chúng thực sự hiện hữu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI