ĐẠI TOÀN THIỆN – MAHA ATI

CHOGYAM TRUNGPA

"Hành Trình Vô Trụ Xứ" - N.X.B Phương Đông

Chögyam Trungpa Rinpoche là một bậc thầy thiền Phật giáo, một tertön, trụ trì tối cao của các tu viện Surmang, học giả, giáo viên, nhà thơ, nghệ sĩ, và người khởi xướng việc tái hiện lại căn bản về tầm nhìn Shambhala. Ngài có học vị Khenpo, tương đương với Tiến sĩ Thần học ở Tây phương và cũng đã học ở Đại học Oxford như một nghiên cứu sinh. Trungpa Rinpoche đến Hoa Kì năm 1970 và thành lập ra Vajradhatu, gồm hơn sáu mươi lăm trung tâm thiền định và nghiên cứu ở những thành phố lớn.

——-*——-

Thừa thứ chín, maha ati hay ati yoga (còn được gọi là Dzogchen, đại toàn thiện) là giai đoạn cuối cùng của con đường. Nó vừa là cái bắt đầu và cũng là cái cuối cùng của hành trình. Nó không phải cuối cùng theo nghĩa chúng ta đã làm xong việc tạo ra một trạng thái và chúng ta không có gì nữa để nói, mà cuối cùng theo nghĩa chúng ta cảm thấy chúng ta đã nói đủ. Ở cấp độ này, nếu có những lời thêm nữa thì chúng là những sáng tạo của khoảng không bao la hơn là những nhận xét vô công rỗi nghề.

Hành trình mật thừa giống như đi dọc theo một con đường núi lộng gió. Những nguy hiểm, những chướng ngại và những vấn nạn xảy ra thường trực. Có thú rừng, động đất, lở đất, mọi thứ, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hành trình và chúng ta có khả năng vượt qua mọi chướng ngại. Khi cuối cùng chúng ta đến đỉnh núi, chúng ta không làm lễ ăn mừng chiến thắng. Thay vì trồng cây cờ quốc gia chúng ta trên đỉnh núi, chúng ta lại nhìn xuống và thấy một viễn cảnh bao la núi sông đồng cỏ rừng cây và đồng bằng. Một khi ở trên đỉnh núi, chúng ta bắt đầu nhìn xuống và cảm thấy bị hấp dẫn bởi tính chất toàn cảnh của điều chúng ta thấy. Đó là kiểu ati. Từ quan điểm ấy, sự hoàn thành của chúng ta không được xem là cuối cùng mà như một sự thưởng thức lại cái chúng ta đã trải qua. Thật vậy, giống như chúng ta có lại cuộc hành trình chúng ta đã đi qua. Thế nên maha ati là sự bắt đầu của cái cuối cùng và cái cuối cùng của sự bắt đầu.

Những giáo lý ati nói về không gian rộng lớn. Trong trường hợp này, nó không phải là không gian như đối nghịch với một giới hạn, mà là một cảm thức rộng mở rỗng rang hoàn toàn. Một rộng mở như vậy không bao giờ còn có thể bị đặt thành câu hỏi. Thừa ati được xem là vua của tất cả các thừa. Thật vậy, từ ngữ truyền thống của tiếng tây tạng để thừa này là Long gyur thap kyi thekpa, nghĩa là “thừa vương giả”. Nó là vua hơn là triều đình, bởi vì một vị vua thì đã chinh phục xứ sở của mình. Để làm một hoàng đế, ông phải chinh phục một số lãnh thổ khác cũng như những lục địa khác. Một hoàng đế không cần những chinh phục thêm nữa; sự cai trị của ông vượt khỏi cả sự chinh phục. Cũng vậy, ati được xem là vua bởi vì, từ viễn cảnh của Ati yoga, kỉ luật tiểu thừa được xem là tính trống không; kỉ luật Đại thừa được xem là tính trống không; và những thừa Mật thừa cũng được xem là tính trống không. Nếu bạn nhìn lại điều chúng ta đã thảo luận trong suốt cuốn sách này, bạn sẽ thấy rằng chúng ta đã nắm lấy quan điểm này. Chúng ta đã bàn luận mọi sự từ quan điểm ati. Vì thế, chúng ta đã có thể nhìn thấy những đặc trưng của những thừa khác nhau theo tính rộng mở và trống không, ý niệm về tỉnh giác chúng ta thường xuyên bàn đến là sự tỉnh giác cuối cùng của ati yoga.

Giáo lý hay kỉ luật của ati yoga đôi khi được định nghĩa như cái siêu vượt khỏi đến, cái siêu vượt khỏi đi và cái siêu vượt khỏi ở. Định nghĩa này là cái còn hơn khẩu hiệu truyền thống của Mật thừa là Advaita, bất nhị. Trong trường hợp này, chúng ta nhìn những sự vật từ cấp độ của thực tại chân thật, không phải từ quan điểm của khẩu hiệu hay niềm tin. Những sự vật là như chúng ta, rất đơn giản, cực kì đơn giản. Bởi thế những sự vật là rộng mở rỗng rang. Sự tương quan giữa chúng ta và thế giới của chúng ta là không tương quan, bởi vì một tương quan như vậy là hoặc có hoặc không. Chúng ta không thể tạo tác ra một quan niệm hay ý niệm tương quan để làm chúng ta cảm thấy tốt hơn.

Từ viễn cảnh của Ati, những thừa kia là cố gắng an ủi chúng ta: “Nếu bạn cảm thấy tách biệt, chớ lo âu. Có tính bất nhị như là sự cứu độ cho bạn. Hãy cố gắng an định tâm bạn trong đó. Mọi sự đều ô-kê. Chớ có khóc than”. Ngược lại, lối tiếp cận của ati là một thái độ thẳng thừng và bao la của sự đổ xuống toàn bộ, bầu trời biến thành một cái bánh khổng lồ và sập xuống trên đầu bạn, điều rất khôi hài là nó tạo ra một không gian bao la. Đó là sự tiếp cận của ati, con đường rộng hơn của tư duy, cái thấy rộng hơn như thế.

Phật giáo có một số trường phái, chủ yếu được chia thành những truyền thống Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cương thừa và có sự tranh luận giữa các tông phái. Tất cả đều nói ngôn ngữ của cái toàn thể, và mỗi trường phái đều nhận mình có câu trả lời. Những nhà Tiểu thừa nói rằng họ có câu trả lời vì họ biết thực tại. Những nhà Đại thừa nói rằng Bồ-tát là con người tốt nhất chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới. Những hành giả Mật thừa nói rằng con người kì diệu nhất là thiền giả thần lực và điên khùng, không có gì có thể chinh phục và thành tựu những thần thông đủ loại. Hãy để họ tin cái mà họ muốn. Điều ấy tốt. Nhưng cái gì làm cho những điều ấy có ý nghĩa với chúng ta, như những học trò muốn thực hành và kinh nghiệm những giáo lý?

Hành giả Maha ati thấy một thế giới hoàn toàn trần trụi, ở cấp độ của tủy, hơn là cấp độ da hay thịt hay thậm chí xương. Trong những thừa thấp, chúng ta phát triển nhiều thành ngữ và từ ngữ, và điều đó là chúng ta cảm thấy tốt hơn bởi vì chúng ta có một số điều để nói đến, như lòng bi hay tánh Không hay trí huệ. Nhưng thật ra, chuyện ấy trở thành một cách để tránh né thực tại trần truồng và đích thực của đời sống. Dĩ nhiên, trong Maha ati có sự ấm áp, có rỗng rang, có xuyên thấu – mọi cái ấy đều có ở đó. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu phân chia pháp, cắt nó thành những mảnh nhỏ như cắt một miếng thịt thành thịt thăn, hambuger, thịt lát, với những miếng đắt tiền hơn những miếng khác, bấy giờ pháp có thể đem ra chợ bán. Thật vậy, theo Vimalamitra, lý do khiến Maha ati là cần thiết chính là vì trong suốt tám thừa ở dưới Pháp đã được bán như những mẩu thức ăn ngon nhưng riêng biệt. Cấp độ Maha ati là cần thiết để cứu Pháp khỏi phân mảnh và thành hàng bày bán; nghĩa là cần thiết để giữ gìn tính toàn thể của toàn bộ con đường.

Thực sự, nếu chúng ta có thể nhận xét về Maha ati, thì mọi thừa đều tạo ra những đồ chơi liên tiếp cao cấp hơn và máy móc hơn. Trước hết, khi một đứa trẻ còn rất nhỏ, chúng ta cho nó những thứ lay động để nhìn, những đồ chơi kêu leng keng để lắc. Rồi khi đứa trẻ phát triển hơn, chúng ta cho nó những đồ chơi phức tạp hơn, những đồ chơi mang tính sáng tạo. Đứa trẻ càng tò mò và phức tạp, chúng ta càng cho những đồ chơi phức tạp, vì tâm và thân nó đã phối hợp tốt hơn.

Cuối cùng, ở cấp độ trưởng thành, chúng ta tiếp tục mua những đồ chơi cho chính chúng ta. Khi chúng ta đủ lớn, chúng ta có thể mua cho mình một bộ Bách khoa tự điển hay một bộ nghe đĩa. Thậm chí chúng ta có thể mua cho mình một ngôi nhà – một đồ chơi sáng tạo cao cấp. Hay chúng ta có thể chế tạo những đồ dùng mới: “Tôi vẽ một loại xe hơi mới, một loại máy bay mới, một loại tàu lặn mới. Tôi thiết kế nó và nó dùng được. Không kì lạ sao?”. Chúng ta cảm thấy những khả năng của chúng ta trở thành lớn hơn nhiều vì không chỉ tạo ra và hưởng chúng mà còn biết cách bán chúng. Chúng ta có thể thiết kế một vườn thú hay một thành phố và được chấp nhận như một người quan trọng trong xã hội. Điều đó thì lạ lùng, nhiều năng lực và đầy phấn khởi. Nhưng chúng ta vẫn còn bị những đồ chơi của chúng ta hấp dẫn.

Theo Ati yoga, đi qua các thừa thì giống như tiến trình sưu tập đồ chơi càng lúc càng nhiều hơn. Chúng ta càng trở nên phức tạp và bị hấp dẫn, chúng ta càng giản lược mình thành cấp độ đứa trẻ. Dù sao chúng ta còn chưa ở cấp độ maha ati nếu chúng ta còn bị hấp dẫn bởi những đồ chơi, bởi những mối bận tâm của mình, bất kể chúng có thể lớn lao bao la đến thế nào. Ở cấp độ maha ati, những mánh khóe nhỏ mà chúng ta chơi để cải tiến mình hay để tiêu khiển không còn được xem như một sự việc gì hay tất cả sự việc nữa. Như thể chúng ta đang xây dựng một thành phố hay vườn bách thú, và thình lình toàn bộ bầu trời biến thành một cái bánh khổng lồ và đổ lên chúng ta. Có một chiều kích mới của sự ngạc nhiên mà chúng ta chưa bao giờ mong cầu bầu trời đổ xuống trên đầu chúng ta.
Có một câu chuyện nhi đồng về bầu trời đổ sập, nhưng chúng ta không tin điều đó có thể xảy ra. Bầu trời biến thành một cái bánh màu xanh và đổ xuống trên đầu chúng ta – không ai tin điều đó. Nhưng trong kinh nghiệm maha ati, nó thực sự xảy ra. Có một chiều kích chấn động mới, một chiều kích logic mới. Như thể chúng ta đang tính toán dữ dội một vấn đề toán học trong sổ tay, thình lình một cách tiếp cận toàn bộ hiện lên với chúng ta, làm dừng những lối đi cũ của chúng ta. Viễn cảnh của chúng ta trở nên hoàn toàn khác (Đốn ngộ trong Thiền – chú thích thêm của người dịch).

Lối tiếp cận bình thường của chúng ta với thực tại và chân lí thì quá đỗi nghèo nàn đến độ chúng ta không thấu hiểu rằng chân lí thì không phải là một chân lí, mà là tất cả chân lí. Nó có thể ở khắp nơi, như những giọt mưa, trái hẳn với nước từ một vòi chỉ một người uống được. Lối tiếp cận giới hạn của chúng ta là một vấn nạn. Có thể văn hóa chúng ta dạy cho tin rằng chỉ một người nắm được chân lí: “Bạn có thể nhận điều này, còn không ai khác có thể”. Có mọi loại chiến thuật triết học, tâm lí học, tôn giáo và cảm xúc mà chúng ta dùng để hoạt hóa chúng ta, chúng nói rằng chúng ta là người duy nhất có thể làm nhưng không ai khác làm được. Bởi vì nghĩ rằng chúng ta là người duy nhất có thể làm, chúng ta khởi động bộ máy của chúng ta và chúng ta làm. Và nếu hóa ra có người khác đã làm, chúng ta bắt đầu cảm thấy ghen ghét, thù hận. Thật ra, pháp được đem ra chợ bán hay bán đấu giá theo cách ấy. Nhưng từ quan điểm của maha ati, có “tất cả” pháp thay vì “một vài” pháp, ý niệm “một và duy nhất” không thể áp dụng nữa. Nếu cái bánh khổng lồ rớt trên đầu bạn, nó cũng rớt trên đầu tất cả mọi người.

Trong nghĩa nào nó vừa là một trò cười vừa là một thông điệp lớn. Thậm chí bạn không thể chạy qua hàng xóm mà nói: “Tôi có một cái bánh nhỏ rớt trên đầu tôi. Tôi có thể làm gì? Tôi muốn gội đầu”. Bạn không có chổ nào để đi cả. Đó là một cái bánh vũ trụ rớt xuống mọi nơi trên bề mặt trái đất. Bạn không thể trốn thoát – đó là điểm căn bản. Từ quan điểm này, cả vấn nạn và sự hứa hẹn đều có tầm vóc vũ trụ.

Nếu bạn đang cố gắng bắt điều tôi đang nói, hoàn toàn bạn không thể nắm được ý tưởng. Thật vậy, hoàn toàn có thể là bạn không hiểu một lời nào. Bạn không thể tưởng tượng nó dầu chỉ chút xíu, dầu chỉ mờ mờ. Nhưng có thể có những tình huống hiện hữu vượt khỏi logic của bạn, vượt khỏi hệ thống suy nghĩ của bạn. Đó không phải là điều bất khả. Thật ra nó rất có thể.

Những thừa trước nói về tấm thảm chúng ta đang đạp chân lên, điều đó hoàn toàn có thể hiểu. Nếu chủ nhà đá chúng ta ra khỏi phòng, tấm thảm lìa khỏi chân chúng ta. Điều ấy rõ ràng và có thể làm được, và chúng ta thấy rằng chúng ta có thể còn liên hệ với thế giới của chúng ta. Nhưng trong ati, chúng ta đang nói về bầu trời sụp đổ xuống đầu chúng ta. Không ai nghĩ đến khả năng ấy. Nó hoàn toàn là một tiếp cận khác. Không ai có thể tưởng tượng một bà chủ nhà hay ông chủ nhà có thể làm như thế với chúng ta.

Trong Maha ati chúng ta không nói về đạt đến một địa hay mất một địa, hay làm sao an định và tìm kiếm đường ở chung quanh. Thay vào đó, chúng ta đang nói làm sao chúng ta có thể mở ra khoảng trống trên đầu. Khoảng trống ngay trên đầu là điều quan trọng. Chúng ta đã quan tâm làm sao không gian có thể cung cấp cho chúng ta một tương quan với thực tại, với thế giới.

Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên đi vào qua nhiều chi tiết vào maha ati. Căn bản, tôi đã chỉ bức tranh, nhưng nó còn xa để chúng ta có thể đến điểm đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể bàn luận chủ đề khác liên hệ chặt chẻ với maha ati: trí huệ điên.
Dù từ điên của Anh ngữ để miêu tả kinh nghiệm Mật thừa thì rất dễ bị lừa bởi vì có nhiều ý niệm khác nhau về sự điên. Trong truyền thống người Da Đỏ châu Mỹ có một chiến sĩ có tên là Ngựa Điên. Ông là một người lập dị thông thái, già và điên, là một chiến sĩ vĩ đại và can đảm ghê gớm. Điên cũng phối hợp với ý niệm vô lý đến mức rồ dại. Cũng có ý niệm điên là không theo quy ước. Và đôi khi chúng ta nói người nào là điên vì âm nhạc hay điên vì mật, đường. Chúng ta muốn nói người ấy cực kì thích thú hay có một sự bị mê hoặc cực kì, đến độ có thể hủy hoại mình bằng cách quá điên về cái gì đó.

Chúng ta cũng nói rằng ai đó điên vì không đồng ý với chúng ta. Chẳng hạn, nếu chúng ta cố gắng tạo ra một việc kinh doanh, chúng ta sẽ tiếp cận với người có thể làm đối tác và họ sẽ đồng ý những đề nghị của chúng ta. Và nếu tiếp cận với người “không điên” này, ông ta sẽ chấp nhận logic của chúng ta và thích ý tưởng kinh doanh cùng chúng ta. Trong khi tiếp cận với người thông minh “điên”, ông ta sẽ thấy xuyên qua chúng ta. Ông sẽ thấy mọi lỗ hổng trong kế hoạch hay mọi chứng loạn thần mà công việc kinh doanh ấy sẽ tạo ra. Thế nên chúng ta không muốn tiếp cận với một đối tác kinh doanh như vậy: “Tôi không muốn nói đến y nữa. Y là thằng điên”. Điều chúng ta muốn nói là: “Y thấy suốt qua tôi. Y sẽ không mua ý tưởng của tôi, trò phiêu lưu của tôi”. Sự mô tả này về tính điên thì gần gũi với ý niệm điên của Mật thừa. Ngoài ra cái điên như vậy còn có một ý nghĩa nền tảng căn bản. Có nhiều chỗ trống, nhiều niềm tin, nhưng cũng nhiều vững chắc.

Chúng ta cũng có thể nhìn tính chính thống của ông bà chúng ta như là điên. Họ cứ bơi trong văn hóa và những tiêu chuẩn của họ đến độ họ không hiểu văn hóa của chúng ta chút nào. Cách điên của họ khiến họ không tiếp cận được với chúng ta. Chúng ta không thể lay chuyển đức tin vững chắc của họ, và chúng ta cảm thấy thất vọng khi có điều gì để nói với họ và họ không đáp ứng như chúng ta muốn. Thế nên chúng ta nhìn họ như nửa điên.

Tôi không nghĩ trí huệ điên hợp với cái gì trong những thí dụ trên. Thay vào đó trí huệ điên là tiêu chuẩn căn bản hay logic căn bản của sáng suốt. Nó là cái thấy trong suốt, cắt đứt những tiêu chuẩn quy ước hay chủ nghĩa cảm xúc quy ước. Nó là sự liên hệ đúng đắn với thế giới. Nó biết cần bao nhiêu sức nóng để đun sôi nước nấu trà hay bao nhiêu áp lực bạn cần để dạy dỗ các học trò của bạn. Cấp độ của sự điên ấy thì rất thông tuệ. Nó đặt nền trên thông tuệ tuyệt đối, biết chính xác điều cần làm. Một người thông tuệ như vậy thành thạo mọi cách của thế giới, và ông ta đã khai triển và thấu hiểu logic căn bản. Ông biết tự xử lí khi liên hệ với thế giới, từ cấp độ biết làm sao nhen tốt một lò sưởi cho đến biết những điểm tinh tế của triết học. Thế nên có một khả năng hiểu biết. Và rồi, trên chót đỉnh đó, tính điên bắt đầu đi xuống, như một trang hoàng cho trí huệ điên căn bản đã có sẵn đó.

Nói cách khác, trí huệ không xảy ra trừ phi có một thấu hiểu căn bản về sự vật, một hiểu biết cách sự vật hoạt động như chúng là. Ở đó có niềm tin vào hoạt động bình thường của nhân và quả tạo thành nghiệp. Đã tu tập cao cấp và trọn vẹn, bấy giờ có một chỗ rộng lớn cho trí huệ điên. Theo logic ấy, trí huệ không phải đi đến sự điên; mà trên đỉnh của logic căn bản hay tiêu chuẩn căn bản, sự điên như là sự minh mẫn sáng suốt cao hơn, thần lực cao hơn hay pháp thuật cao hơn, có thể hiện hữu.

Một thuộc tính của trí huệ điên là sự không sợ hãi. Đã hiểu logic của sự vật hoạt động như thế nào, không sợ hãi là thần lực và năng lượng hơn nữa để làm điều cần làm, để hủy diệt điều cần hủy diệt, để nuôi dưỡng điều cần nuôi dưỡng, để khuyến khích điều cần khuyến khích, hay bất cứ điều gì là hành động thích đáng.

Tính không sợ hãi của trí huệ điên cũng nối kết với sự thẳng thừng. Thẳng thừng ở đây là một ý niệm của rộng mở rỗng rang. Nó là một ý nghĩa ứng biến, đầy nguồn lực, nhưng không theo nghĩa thường xuyên cố gắng để ứng đối với bản chất của thế giới. Có hai cách ứng biến. Nếu chúng ta có một biến cố thuận lợi và chúng ta lợi dụng nó, chúng ta ứng biến khi đi theo nó. Đó là nghĩa quy ước. Chẳng hạn, nếu chúng ta trở thành một người đóng hài kịch nổi tiếng, không phải bởi vì sự mẫn cảm, mà thuần túy chỉ vì chúng ta làm những lầm lỗi buồn cười. Chúng ta nói những điều sai vào thời gian không chính đáng và người ta thấy chúng ta buồn cười. Thế nên chúng ta thành một người đóng hài kịch nổi tiếng. Đó là tiếp cận với sự vật từ cửa hậu hay giống như phơi đồ ở sân sau.

Cách ứng biến kia, hay sự thẳng thừng, là thấy sự vật như chúng là. Chúng ta thấy sự khôi hài nơi sự vật, chúng ta thấy sức mạnh hay sự yếu ớt. Bất luận thế nào, chúng ta thấy cái đích thực thẳng thừng. Một người trí huệ điên thì có tính ứng biến này. Nếu một người như vậy thấy có cái gì cần bị tiêu diệt hơn là giữ gìn, người ấy ra tay ngay lập tức. Hay nếu có cái gì cần được giữ gìn, thì dù đó là một đôi giày cũ, y cũng chăm sóc rất dịu dàng.

Thế nên trí huệ điên là sự mẫn cảm tuyệt đối, đi cùng sự không sợ hãi thẳng thừng. Tự căn bản, nó là minh triết thông tuệ, nhưng không bám chấp vào giáo thuyết hình thức riêng biệt nào. Không có sách vở nào để theo. Hơn nữa, có sự tự phát vô tận xảy ra. Có chỗ cho thẳng thừng, chỗ cho rộng mở rỗng rang. Sự rỗng rang ấy được tạo ra bởi chính môi trường chung quanh. Người trí huệ điên là một người hoạt hóa, người của những điều kiện đã phát triển trong môi trường chung quanh.

Bởi vì chúng ta đã đến sự kết thúc của hành trình Mật thừa cùng với nhau, có thể nói thế, tôi muốn nói thêm một chút làm thế nào bạn có thể liên hệ với tất cả thông tin mà bạn đã nhận được. Bạn không phải cố gắng bắt lấy vũ trụ theo như kiểu bạn cố gắng bắt một con châu chấu hay con bọ chét. Bạn không phải làm điều gì với cái bạn đã kinh nghiệm. Tại sao bạn không để nó là như nó là thế? Thật ra, điều đó là cần thiết. Nếu bạn thực sự muốn dùng cái gì, bạn hãy để nó là thế. Bạn không thể uống tất cả nước trên trái đất để làm hết vĩnh viễn cơn khát của bạn. Bạn nên uống một ly nước, nhưng bạn phải để nước còn lại, sông và đại dương để nếu lại khát, bạn còn có thể uống nữa. Bạn phải để chỗ trống ở đâu đó. Bạn không phải nuốt mọi sự. Rất hay hơn nếu không làm điều đó; thật ra, đó là lịch sự.

Nếu bạn đói và khát khủng khiếp, bạn muốn tấn công vũ trụ khi bạn bóc lột tất cả: “Tôi sẽ có nó cho bữa ăn của tôi. Tôi bất cần”. Bạn không nghĩ về ai khác họ chỉ có một yêu cầu khiêm tốn, họ chỉ có một ngụm trong ly sữa của bạn hay một miếng trong dĩa của bạn. Nếu bạn nói bạn là người nhiều sùng mộ, bạn có thể nghĩ rằng điều đó có nghĩa bạn thậm chí còn đói khát hơn và cố gắng có mọi thứ ban phước vào trong hệ thống của bạn. Bởi vì bạn đói, bạn hút lấy mọi sự, mọi hệ thống và nguồn lực hiện có, kể cả chính bạn. Bạn không thấy chính bạn là một người sáng tạo phong phú, mà bạn chỉ thấy mình là một quái vật.

Có nhiều vấn nạn với cách sống như thế, trừ phi bạn có quan niệm “cái dù” của maha ati: “Nó là tốt. Mọi thứ đều ô-kê. Chỉ dùng một nhúm muối, một muổng tương. Chỉ một ngụm uýt-ki. Chớ vội vã, mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp. Bạn có thể có nhiều chỗ nếu bạn muốn. Chỉ bình tĩnh lại thôi”. Bạn không phải làm một công việc trọn vẹn, tất cả một lần. Nếu bạn đi quá xa, nếu bạn quá đói, bạn có thể trở thành một con quái vật. Thông điệp ấy rất can đảm, nhưng rất ít người có can đảm để nói thế.

Tôi thực sự quan tâm và dù sao cũng lo âu về việc bạn xử lí tất cả đống nguyên liệu này như thế nào. Bạn có thể quá căng thẳng và mệt mỏi hay hoang mang. Hay bạn có thể dùng cái này như một điểm quy chiếu thông thái khác, một ngữ vựng mới hay logic mới để xử dụng với bạn bè và thế giới của bạn. Điều bạn làm với chất liệu này thực sự là khả năng của bạn. Tôi hi vọng rằng bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì sự dẫn nhập vào thế giới Mật thừa này, và tôi hy vọng bạn sẽ thấu hiểu rằng thế giới thì không xấu xa và mờ rối chút nào. Thế giới có thể được khám phá; nó có thể làm việc với, bất cứ bạn đi đâu, bất cứ bạn làm gì. Nhưng tôi muốn gieo trồng một hạt giống căn bản trong tâm bạn: Tôi cảm thấy tuyệt đối quan trọng là làm cho sự thực hành thiền định thành một nguồn sức mạnh của bạn, nguồn thông minh căn bản của bạn. Xin hãy nghĩ về điều đó. Bạn có thể ngồi xuống và không làm gì cả, chỉ ngồi và không làm gì cả. Hãy ngưng hành động, hãy ngưng tốc độ. Ngồi và không làm gì cả. Bạn cần kiêu hãnh với sự kiện rằng bạn đã học một thông điệp rất đáng giá: bạn thật sự có thể sống sót một cách đẹp đẽ bằng cách chẳng làm gì cả.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. ĐẠI TOÀN THIỆN VÀ PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  2. CÁI BÂY GIỜ
  3. MỘT THOÁNG GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI